Con đường của sự bền vững

Bhutan - đất nước yên bình
Bhutan - đất nước yên bình
0:00 / 0:00
0:00
GN - Năm qua, Covid-19 là câu chuyện “chiếm sóng” mọi lĩnh vực trong đời sống nhân loại, và tính đến hiện tại, khi nhiều quốc gia đã bắt đầu thử nghiệm vaccine, câu chuyện này dường như vẫn chưa có hồi kết.

Những ngày đầu tháng 4-2020, các “post” cá nhân trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter mang nội dung đề cập đến việc sau nhiều thập kỷ, người dân miền Bắc Ấn Độ lần đầu tiên được nhìn thấy dãy Himalaya từ cách đó hàng trăm cây số. Ngay sau đó, trong suốt nhiều ngày liền, Himalaya visible (Himalaya xuất hiện) trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Twitter. Đồng thời, các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới nhanh chóng cập nhật tin tức về hiện tượng này như một điểm sáng đầy… thú vị giữa bầu không khí ảm đạm gây ra bởi Covid-19.

Theo nguồn tin từ CNN, sau khi ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc, cùng với việc hạn chế các chuyến bay thương mại, nồng độ bụi mịn tại Ấn Độ đã giảm đến 44%. Đồng thời, theo Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm Trung ương Ấn Độ, chất lượng không khí tại quốc gia này trong đợt cách ly xã hội để phòng dịch cũng được cải thiện đáng kể.

Không chỉ riêng tại quốc gia Nam Á này, hầu hết các nước trên thế giới đều ghi nhận sự thay đổi tích cực chưa từng có về chất lượng không khí trong khi Covid-19 đang hoành hành: cư dân các thành phố lớn tại Trung Quốc được nhìn thấy bầu trời trong xanh sau những tháng ngày chật vật với bụi mịn dày đặc; những dòng sông tại Venice (Italia) trong vắt trở lại khi vắng bóng khách du lịch; người dân Nara (Nhật Bản) đăng tải trên mạng xã hội hình ảnh đàn hươu kéo vào thành phố vắng bóng người; hay những bầy cừu núi nhởn nhơ trên những con phố của xứ Wales (Anh);…

Dù không tránh khỏi sự hồ nghi về tính xác thực, tin tức về việc môi trường được cải thiện có thể coi là điểm sáng nhất trong đại dịch vừa qua, tạo ra cho con người “niềm tin vào sức mạnh hồi sinh của thiên nhiên”, theo như nhận định của Susan Clayton, chuyên gia tâm lý học và nghiên cứu môi trường tại Đại học Wooster, bang Ohio (Mỹ).

Những tác động tích cực từ đại dịch, như đã nói, còn tạo ra cơ hội để con người nhìn nhận hướng đi của mình trong tương lai. Một điều chắc chắn, đời sống nhân loại sẽ hoàn toàn thay đổi sau đại dịch. Đặc biệt hơn nữa, những tín hiệu lạc quan từ thiên nhiên còn là cơ hội để các quốc gia, tổ chức liên kết quốc tế cùng nhìn nhận rõ hơn tầm quan trọng của sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, công nghiệp và bảo vệ môi trường.

Đi hướng khác

“Lệch chuẩn” là điều có thể dành để nói về Bhutan - quốc gia nằm ở phía Đông dãy Himalaya. Hầu hết chúng ta đều biết, GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) thường xuyên được sử dụng để đánh giá về sự phát triển của một quốc gia. Một quốc gia phát triển đồng nghĩa với chỉ số GDP cao, và ngược lại. Tuy nhiên, với Bhutan, điều này lại không hoàn toàn đúng. Năm 1987, bài viết của một nhà báo Anh trên tờ Financial Times đánh giá rằng nền kinh tế Bhutan phát triển với tốc độ thấp. Đáp lại, Quốc vương Bhutan lúc bấy giờ là Jigme Singye Wangchuck đã tuyên bố “Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) còn quan trọng hơn Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”. Tuyên bố này không hẳn là không có cơ sở, bởi tính cho đến hiện tại, Bhutan là quốc gia duy nhất loại bỏ GDP và sử dụng GNH làm thước đo cho sự phát triển. Và để đảm bảo được GNH, Bhutan lựa chọn việc bảo tồn thiên nhiên đến mức hoàn hảo.

Việc bảo tồn tự nhiên chắc chắn phải kéo theo những hạn chế nhất định trong phát triển kinh tế. Nhưng không thể nói rằng Bhutan đánh đổi sự phát triển kinh tế lấy môi trường. Với tổng dân số tính đến năm 2017 chỉ gần 730 nghìn người, GDP bình quân đầu người của Bhutan đạt mức 2.870 USD/người, chỉ số phát triển ở mức trung bình, đạt 0,607 trong cùng năm. So với các nước lân cận, con số này không hề cao, tuy nhiên Bhutan vẫn được đánh giá là một nền kinh tế với triển vọng phát triển lớn. Cũng trong cùng năm này, Bhutan từng có chỉ số tăng trưởng nằm trong top cao của châu Á. Nguồn thu lớn nhất của Bhutan phụ thuộc vào việc bán điện và du lịch. Từng có không ít lo ngại dấy lên xoay quanh việc ảnh hưởng từ phát triển thủy điện, nguồn vay nợ lớn từ Ấn Độ, tuy nhiên, theo đánh giá từ Ngân hàng Thế giới (WB), nguồn vay nợ của Bhutan không đáng lo.

Chính phủ Bhutan, với việc phát triển dựa trên cốt lõi của Tổng hạnh phúc quốc gia, đã cố gắng tạo ra hệ thống phúc lợi xã hội ở mức tốt nhất cho người dân của mình. Tính cho đến thời điểm hiện nay, Bhutan là quốc gia có hệ thống giáo dục quốc dân hoàn toàn miễn phí. Bên cạnh đó, Bhutan còn sở hữu một lượng trí thức tốt nghiệp tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Ngay chính Quốc vương hiện nay của Bhutan - Jigme Singye Wangchuck cũng là cựu sinh viên của Đại học Oxford. Cái duy nhất họ đánh đổi, như đã nói, chính là hướng đi khác biệt so với phần còn lại của thế giới.

Triết lý dẫn đường

Không khó để nhận thấy điều làm nên khác biệt của Bhutan chính là ở triết lý dẫn đường cho sự phát triển. Trong TEDtalk năm2016, Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay đã tự hào “khoe” với thế giới về thành tựu bảo vệ môi trường của quốc gia, với 72% diện tích quốc gia được bao phủ bởi rừng và cam kết từ chính phủ luôn duy trì carbon ở mức trung tính. Bhutan chọn thiên nhiên làm trung tâm của sự phát triển và đặt con người giữa một mối tương quan rộng lớn hơn. Bản ngã, con người, hay cá nhân, chỉ là một phần của chuỗi sự sống, chính vì thế nếu chỉ lấy bản ngã làm trung tâm của sự phát triển (ego-centric), hy sinh tất cả vì sự phát triển của kinh tế, xã hội loài người, chắc chắn việc mất cân bằng sẽ đẩy con người đi đến chỗ suy thoái nhanh chóng hơn.

Quốc gia Phật giáo

Quốc gia Phật giáo

Bhutan là quốc gia Phật giáo. Nếu ai từng đặt chân đến đây sẽ nhận ra tinh thần Phật giáo thấm đẫm trong đời sống, văn hóa của người Bhutan. Cũng chính vì thế, triết lý dẫn đường của đất nước này, có thể nói, khá gần với tinh thần “trung đạo” mà Đức Phật đã khám phá và truyền dạy cho con người hơn 2.600 năm về trước. Trung đạo (middle-way) trong triết lý Phật giáo, hàm nghĩa khuyến khích con người tiến đến giác ngộ bằng sự “tháo trói” tâm tư không sa vào bất cứ thái cực nào, không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều gì. Trong thực tế đời sống, trung đạo còn có thể được hiểu theo việc con người, dù ở hoàn cảnh, công việc nào cũng cần hướng đến sự cởi mở trong lựa chọn; tự do trong nhận thức, không mắc kẹt trong một biên kiến nào; sự phát triển, dù đối với một cá nhân hay cộng đồng cũng cần phải dựa trên việc dung hòa giữa mọi yếu tố tác thành.

Nhìn nhận thực tế, chúng ta có lý do để coi trung đạo chính là triết lý phát triển của Bhutan: sự phát triển của con người không thể được dựng xây bằng việc hy sinh môi trường, hệ sinh thái hay bất cứ đời sống của loài sinh vật nào khác. Tất cả phải là một chuỗi tương tục và hài hòa với nhau, trong đó sự sống con người cũng bình đẳng như bao loài sinh vật khác.

Cũng cần nói thêm, trong TEDtalk, Tshering Tobgay từng nói đất nước của ông “không phải là một tu viện lớn”, đất nước của ông không khép cửa với bên ngoài mà chỉ chọn hướng phát triển trên một nền tảng khác với thế giới mà thôi.

Covid-19 khiến nhân loại điêu đứng, nhưng như đã nói, đây cũng chính là cơ hội để các quốc gia trên thế giới đánh giá lại hướng phát triển hậu Covid. Những tiếng nói về vấn đề môi trường trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Khi mà nhân loại được thụ hưởng không khí sạch hơn, bầu trời xanh hơn, những dòng sông trong hơn, có nhiều thời gian rỗi rãi trong những ngày giãn cách xã hội để nhận ra phát triển kinh tế chưa hẳn là tất cả, và trước đại dịch, sự giàu có không hoàn toàn quyết định được sự sống của con người, bất kể giàu nghèo. Trong hoàn cảnh như vậy, liệu hình mẫu Bhutan và tinh thần trung đạo của Phật giáo có thể là một nguồn cảm hứng cho tương lai?

Chắc chắn không quốc gia nào có thể “bưng” nguyên xi hình mẫu của Bhutan về áp dụng cho mình hay phải thay đổi cách đánh giá sự phát triển từ GDP sang GNH, một phần là bởi mỗi quốc gia có một đặc điểm riêng về địa lý, xã hội, văn hóa,… Cái mà tinh thần Bhutan cống hiến cho thế giới, lẫn các quốc gia có thể sử dụng như một gợi ý khác biệt cho sự phát triển đó chính là triết lý của sự bền vững, trong đó, xã hội con người phải được dựng xây từ sự hài hòa với tự nhiên, công bằng giữa kinh tế và văn hóa, vật chất và tinh thần.

Và cũng như Đức Phật đã từng nói, con đường trung đạo, không sa vào cực đoan nào, không thiên trọng bất cứ điều gì, nhận thức được mối tương quan, tương duyên của mình với vạn vật sẽ là con đường đưa đến hạnh phúc tối thượng.

“Mưu cầu hạnh phúc” chẳng phải là mục đích sau cùng của mọi hành động hay sao?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.