Thầy Duy Tường là một vị tu sĩ trẻ, năng động. Nhiều người hoan hỷ với công việc hiện tại bên cạnh việc tu học của thầy, nhiều người khác bất ngờ hỏi, nhà sư cũng đi dạy sao? Chia sẻ với Giác Ngộ về công việc trên bục giảng của mình, thầy Duy Tường cho biết:
![]() |
Thầy Duy Tường trên bục giảng - Ảnh: NVCC |
- Tôi chọn theo học ngành sư phạm là vì xuất thân của tôi, từ một người con nhà nghèo, sống cùng ông bà ngoại, cha mẹ phải tảo tần đi làm xa để gửi tiền cho ngoại nuôi tôi ăn học. Năm tôi học lớp 4 và 5, buổi sáng tôi đi học phụ mẹ mang bánh tráng, trà sữa vào lớp để bán cho các bạn, chiều về thì tôi đi bán vé số.
Tôi cố gắng nỗ lực học tập, bươn chải đến năm lớp 7, tôi hữu duyên được gặp Sư phụ trụ trì chùa Dược Sư. Thầy đã khuyên dạy, chỉ dẫn và tạo điều kiện cho tôi học tiếp. Đến năm lớp 12, tôi thấy mình đã đủ nhân duyên với Tam bảo nên xin phép gia đình và thầy được xuất gia.
Từ những nỗi cơ cực của tôi đã từng đi qua, cảm thông được số phận của các em nhỏ muốn được ngồi trên ghế nhà trường, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn mà phải nghỉ học. Vì thế, tôi quyết tâm chọn ngành sư phạm với mong muốn tiếp thêm ngọn lửa tri thức cho các em nhỏ, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn. Tôi nghĩ, chỉ có việc học mới giúp các em thoát khỏi cái nghèo để trở thành người có ích cho xã hội.
Việc đi dạy giúp tôi được thỏa lòng đam mê yêu trẻ thơ; những ánh mắt, sự hồn nhiên của các em nhỏ như khơi gợi trong tôi những hình ảnh thuở bé lại trở về với mình. Ngoài những giờ công phu học tập tại chùa, khi đứng trên lớp và đứng trên bục giảng, tôi cảm thấy thú vị và đầy lòng hoan hỷ khi được cống hiến cho đời những nét chữ yêu thương.
* Trồng người là công việc không chỉ gieo kiến thức mà quan trọng hơn là vun đạo đức, lối sống. Thầy sẽ làm việc này như thế nào khi vừa là thầy tu vừa là thầy giáo?
- Vừa là thầy tu vừa là thầy giáo, tôi đã cố gắng kiện toàn cho mình. Ngoài những kiến thức truyền trao cho các em, tôi có được niềm hạnh phúc lớn lao là được đem một phần giáo lý Phật pháp mà mình đã trải nghiệm để áp dụng. Từ đó, hướng cho các em hiểu thêm về một cuộc sống đạo đức, tinh thần vị tha, biết yêu thương nhân loại và sẻ chia cùng mọi người.
Đối với tôi, ngoài việc tu học theo thời khóa của chùa, tôi luôn áp dụng những lời dạy trong kinh Pháp cú, thực hành kinh Pháp cú. Từ đó, hướng cho các em đến với Chân - Thiện - Mỹ. Bởi vì muốn thành công thì phải thành nhân, đó như một câu thần chú khi lên bục giảng của tôi.
* Nhà sư đi dạy, thầy có gặp khó khăn nào không?
- Những buổi đầu đi dạy, với hình ảnh là một sư thầy đầu tròn, áo vuông, có lẽ hình ảnh ấy hiếm gặp trong thời đại bây giờ. Chính vì thế, đối với các em học sinh, đặc biệt là lứa tuổi tiểu học, sự hồn nhiên, trong sáng của các em khi nhìn thấy tôi là: “Ô, ông thầy chùa kìa”. Tôi cảm thấy vui chứ không có ngại ngùng, một số em nghịch còn lại nắm cả tà áo nhật bình của tôi, ngày nào cũng bị ghẹo riết rồi quen.
Nhưng rồi dần dần các em cũng hiểu được tình cảm của tôi nên đã gọi tôi bằng cái tên thân thương “Thầy Nghĩa”.
Khó khăn lớn nhất của tôi chắc có lẽ sống trong chùa, ít bao giờ ồn ào bởi thế sự nên khi đứng lớp giảng dạy, việc rầy la, nhắc nhở các em tập trung học tập đôi khi cũng là cái khó của tôi.
* Và chắc cũng có những thuận lợi riêng?
- Thuận lợi khi vừa là thầy tu vừa là thầy giáo có lẽ đó là tôi đã nhận thấy được sự quý mến của mọi người - từ thầy cô giáo cho đến các bậc phụ huynh. Khi tôi gặp những trục trặc hay khó khăn gì cần hỗ trợ thì mọi người đều chia sẻ và giúp đỡ hết lòng, vì mọi người cũng hiểu được cuộc sống của tôi ít có va chạm bên ngoài xã hội.
![]() |
Bên các em học trò nhỏ - Ảnh: NVCC |
* Theo thầy, để trở thành người thầy tốt cả trong đạo lẫn ngoài đời, cần những yếu tố nào?
- Theo tôi, để trở thành một người thầy tốt trong đạo lẫn ngoài đời, trước tiên là giữ gìn giới luật của Đức Phật đã thọ nhận, thực hiện đúng Hiến chương của Giáo hội và Hiến pháp của Nhà nước.
Vừa là giáo viên vừa là tu sĩ, ngoài kiến thức đã học được trên ghế nhà trường, thì cần phải chuyên tâm trau dồi giới luật, tinh cần tu tập, nỗ lực song song giữa việc tu hành và việc giảng dạy để trở thành một nhà giáo ưu tú, một người con của Đức Phật, sống đúng với câu “tốt đời đẹp đạo”, để dâng cho đời thêm nhiều con thuyền tri thức.
* Cảm ơn thầy đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!