GNO - Chỉ số khối cơ thể BMI là chỉ số phổ biến để đo lượng mỡ trong cơ thể. Một nghiên cứu gần đây cho thấy: Có chỉ số BMI bình thường không đồng nghĩa với việc bạn là người khỏe mạnh, trái lại người có chỉ số ở ngưỡng thừa cân không hẳn là có nguy cơ tử vong cao nhất trong khoảng thời gian 13 năm.
Các nhà nghiên cứu quan sát 400.000 người tại Hoa Kỳ có độ tuổi từ 50-71 từ năm 1995. Đến năm 1999, có 112.000 người tham gia nghiên cứu tử vong. Nghiên cứu đưa ra kết luận, chỉ số BMI tốt nhất của người tham gia nghiên cứu để sống thọ - trung bình là khoảng 26.
Có chỉ số BMI bình thường không đồng nghĩa với việc bạn là người khỏe mạnh
Chỉ số BMI được tính dựa trên chiều cao và cân nặng. Thông thường, nếu dưới 18,5 là thiếu cân, từ 18,5-24,9 là bình thường, từ 25-29,9 là thừa cân và từ 30 trở lên là béo phì.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mặc dù nằm trong cùng một ngưỡng của chỉ số BMI nhưng sự sai khác của từng cá nhân là khoảng 20%. Các nghiên cứu trước đây cũng đưa ra gợi ý rằng BMI không phải là căn cứ hoàn hảo để đánh giá sức khỏe toàn diện của mỗi người.
Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy, bệnh nhân ung thư ruột kết có chỉ số BMI cao hơn 25 lại sống lâu hơn những người có chỉ số dưới 25. Một nghiên cứu khác phát hành năm 2011 đã báo cáo: Người có chỉ số BMI từ 26-29 lại có tỉ lệ sống sót cao hơn sau phẫu thuật, so với người có chỉ số 23 hoặc nhỏ hơn.
Trong nghiên cứu mới này, các chuyên gia đi tìm hiểu mối liên quan giữa chỉ số BMI và nguy cơ tử vong của mỗi người. Thay vì dùng chỉ số BMI theo các nhóm (cân nặng bình thường, thừa cân,…) các chuyên gia sử dụng các chỉ số BMI khác nhau của các cá nhân.
Nghiên cứu cũng xem xét nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến tỉ lệ tử vong như: tuổi tác, nhóm người (sắc tộc), mức hấp thu cồn từ bia rượu, tình trạng hôn nhân và mức độ tập thể dục,…
Cùng nhiều chuyên gia khác, bác sĩ Rexford Ahima - Đại học Y khoa Pennsylvania Perelman (người không tham gia nghiên cứu này) cũng đưa ra kết luận: Chỉ số BMI chỉ là căn cứ để so sánh một cách tương đối cân nặng của mỗi người trong nhóm dân số chứ không nên được xem là chỉ số đánh giá sự khỏe mạnh của cá nhân trong nhóm dân số đó. Và chỉ số này không tiết lộ gì về nguy cơ phát triển các bệnh tật hay tử vong của chúng ta.
Kết quả nghiên cứu này được đăng trên Tạp chí Béo phì, ngày 8-1 qua.
Đức Hòa (Theo Live Science)