Những chuyến xe buýt cũ kỹ vẫn ngày ngày ngược xuôi chở theo biết bao cảnh đời, bao số phận chỉ ngồi bên nhau một chặng đường, lơ đãng lướt qua nhau - nhiều khi hết sức xa lạ, dửng dưng nếu ta quá bận bịu với nỗi đau của mình đến mức không còn thời gian liếc sang người bạn đồng hành kế bên.
Trong câu chuyện này kẻ ấy là tôi. Còn người bạn đồng hành chính là bà: một bà lão tuổi chắc ngoài tám mươi, bộ dạng chính cống nhà quê, thêm lẩn thẩn và hom hem. Câu chuyện dông dài, hơi chán với người ưa sôi động, kịch tính, tuy nhiên dư vị của nó…; nhưng thôi, cứ để người đọc/nghe tự cảm nhận, không nên nói trước mất hay. Chuyện là…
*
Một ngày cuối năm, tôi đi sắm Tết cho con dưới phố. Tôi mới ly hôn chồng, được vinh dự nhận quyền nuôi con sau khi cam chịu từ bỏ hết mọi quyền lợi, kể cả quyền đòi tiền cấp dưỡng! Đàn bà đơn thân, Tết nhất chẳng thiết sắm sửa; nhưng còn có con. Trẻ con không thể không có Tết. Vậy là đi.
Đợi xe buýt từ sớm. Tám giờ tới nơi. Bước chân vô chợ, thời gian qua nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Quay đi ngoảnh lại, bắt chuyến xe buýt khứ hồi, nhìn đồng hồ đã mười hai giờ ba mươi.
Xe buýt cuối năm quá tải, người chật ních. Đồ đạc lổn ngổn: cả hàng gia dụng, cả rau củ bánh trái, cả vịt gà oang oác, quàng quạc. Tôi say sóng; nhưng lên sau đành chịu đứng. Ghế có người ngồi hết, không ai nhường ai, kệ cái câu “nhường ghế cho phụ nữ, trẻ em, người già” viết nắn nót bên hông xe (nó viết nó nhường, mình có viết đâu?!).
Đường lên núi lắm ổ gà ổ voi, xe hết giằng phải lại xóc trái. Tôi rã rượi ngật ngừ, tay phải sống chết đu vòng bảo hộ, tay trái khư khư cái bịch nylon phòng xa lúc dạ dày lên cơn. Lại một ổ voi, xe gằm đầu xuống, đổ nghiêng. Tôi bị hất mạnh sang trái, va phải người một bà lão. “Ôi, con xin lỗi”. Bà cụ rề rà: “Vừa đứng vừa ói, trẻ trung mà lên xe ói mửa, tội dữ bây. Giống con gái tao quá. Nó lên xe cũng mửa liền…”. Tôi ráng “dạ” phải phép. Bà cụ nheo nheo, mắt hơi lấp lánh chút niềm vui. Trạm kế, xe dừng. Ông khách ngồi cạnh bà lão xuống xe. May, thêm mười phút nữa không có chỗ ngồi kể như tôi chết chắc!
Bà lão hay chuyện. Con nhỏ “giống con gái” tự dưng ngồi kế bên khiến bà phấn chấn. Chậm rãi, bà kể rất tự nhiên, thân tình. Là già đi thăm con gái. Nó với chồng nó lên K… sống từ cái hồi mới cưới, từ cái hồi xã ấy mới có vài nóc nhà. Giờ nhà cửa ngon lành trên đó, già nghe mỗi lần về thăm nó kể vậy.
Đòi lên chơi miết mà vợ chồng nó cứ bảo ở ngoài rẫy không cho già lên thăm. Tết nhứt tới nơi, ngó chừng không thấy đứa nào về, chắc mùa màng thất bát rồi. Xót ruột quá, già quyết định trốn thằng con trai cả đi thăm con gái một chuyến. Hỏi thăm, mấy đứa nhỏ trong xóm chỉ chỗ cái xe buýt, vậy là già đi…. Sao bác không bảo con về chở? Mà bác đã điện con gái ra đón ở bến xe chưa? Trốn đi mà điện đóm gì, với lại già có biết xài “cái a lô” đâu…
Xe dừng tại trạm xã H, cách xã K sáu mươi cây số. Bà cụ lật đật bật dậy, dẫm cả lên chân tôi, ào ra cửa. Chú nhỏ bán vé trên xe kéo bà lại. Sao bà kêu lên K thăm con? Nhà nó chỗ đây nè, nó bảo trước nhà có cây trứng cá…. Trời ơi, thiếu gì nhà có trứng cá, bà đi vô ngồi dùm con chút…. Thằng nhỏ kéo hất bà vô, sập cửa.
Tôi lo lắng hỏi, có thiệt con gái cụ ở K không. Thiệt, nó nói vậy mà. Vậy cụ lên đó lần nào chưa. Chưa, nó có cho đâu mà đi. Lần này già nhớ con quá nên… Bà cụ chưa kịp dứt câu thì xe lại dừng trạm xã S. Lại lật đật nhoi ra cửa, thằng nhỏ lại kéo vào. Cho già xuống đi, nhà con gái già đây nè, gần cái tiệm sửa xe mà… Trời ơi, chắc tui điên với bà mất, cậu trẻ gắt.
Lẩm cẩm quá rồi, một người khách ta thán.
Lẩm cẩm thật. Cứ vài ba trạm dừng, bà cụ lại một lần nhoi ra cửa, tới nhà con già rồi. Lần này, chú nhỏ nhân viên xe buýt thật sự đổ quạu: lần sau mà bà còn vậy tui cho bà xuống luôn á…
Tôi kéo bà cụ lại bên mình, giữ chặt tay phòng xa cụ lại nhoi ra. Thiệt con gái bác ở K phải không, tên gì. Nó tên Tâm, nhà nó gần tiệm sửa xe. Rồi. Bác thương con gái bác lắm phải không. Con rứt ruột đẻ sao không thương cô. Nó càng khổ càng thương. Như bắt trúng đài, bà cụ thao thao, có mấy đứa con mà nó đi biền biệt cô ơi.
Con ở Sài Gòn thì đứt bóng, làm ăn sao mà mấy năm không điện đóm thư từ. Con ở K cũng khổ trầy khổ trật, năm về năm không. Nó giấu, sợ già buồn nên không dám nói nhưng già biết, già biết hết. Cô coi, già đâu đà lẩm cẩm đâu? (khách trên xe bật cười). Năm nay, già quyết định rồi. Không đợi nó về thăm nữa. Già còn sức. Già phải đi. Năm nay già sẽ ăn Tết với con Tâm….
Bà cụ khều khều tay tôi, chỉ tay vào cái túi áo bà ba cài chặt kim băng, mắt nhấp nháy, thì thào. Nói cô nghe, già có cái này mang lên cho nó. Là quà Tết của già, lũ nhỏ về cho, dồn mấy năm nay… Chiếc kim băng được lập cập tháo. Bên trong, một cục tiền to đâu độ vài trăm nghìn. Toàn tiền lẻ…
Tự dưng tôi ứa nước mắt. Quay quắt nhớ mẹ.
Xe dừng. Bà cụ dợm gỡ tay tôi, lần nữa tính nhoi ra. Đột ngột, tôi quyết định giữ chặt tay bà không buông. Rồi, bác cứ ngồi im với con, con cũng đi K nè. Nhà con cũng gần cái tiệm sửa xe…, với cây trứng cá, bà cụ nhắc. Phải, phải, với cây trứng cá, bác yên tâm nha. Ngồi yên, chừng nào tới nơi con dắt bác xuống….
Bà cụ ngoan ngoãn ngồi im, tay trong tay tôi, tin cậy.
*
Xã K. Trạm cuối tuyến. Ba giờ chiều.
Nắng gay nắng gắt. Tôi dắt bà cụ đi lòng vòng, hỏi thăm mướt mồ hôi mới ra nhà cô Tâm, trước mua phế liệu, giờ làm rẫy. Không có tiệm sửa xe cũng chẳng có cây trứng cá nào hết. Là chuyện hồi xưa, hàng xóm bảo. Nhà cửa xập xệ, cô con gái gầy gò, thấy mẹ lên òa khóc.
Tôi ra bến, tay lỉnh kỉnh đủ thứ đồ đạc, đứng chờ xe buýt khứ hồi chuyến xuôi xuống phố. Chuyến xe cuối cùng. Nhà tôi cách xã K gần bốn mươi cây số, và tôi phải kịp về với con trai trước khi trời tối. Con tôi đang ở nhà một mình, đỏ mắt mong mẹ mang về đồ sắm Tết. Vì con mà tôi phải cắn răng chịu đựng cuộc hành trình địa ngục hôm nay, cho dù bình sinh tôi không sợ gì bằng sợ đi xe buýt!