Chở chó qua sông

Truyện ngắn đăng trên Báo Giác Ngộ số 1114 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Truyện ngắn đăng trên Báo Giác Ngộ số 1114 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Anh tên Lịch, chị tên Thiệp. Anh cao to như hộ pháp, chị bé nhỏ như cái kẹo. Anh đi đứng nhẹ nhàng, chị ăn to nói lớn. Nghe đâu chị toàn hiếp đáp anh. Trái ngược thế, nhưng không hiểu duyên nợ thế nào, họ nên vợ nên chồng.

Lúc tôi mới về chùa quê, còn chân ướt chân ráo, chị hay lên chùa làm công quả. Thỉnh thoảng chị bảo hôm nay con không nấu cơm nghe, mời thầy qua nhà ăn với vợ chồng con, con chuẩn bị sẵn rồi. Mời mà như ra lệnh. Tôi nghĩ, thôi qua nhà hai vợ chồng Lịch Thiệp ăn cơm cũng được, tiện thể coi chỗ thờ tự trong nhà anh chị thế nào.

Nhà nằm sát bên sông. Những chiếc lá dừa nước như những cánh tay thò vào cửa sổ. Nhìn qua cửa đã thấy gian thờ trang nghiêm với chuông, linh, mõ đủ cả. Bàn kinh với mấy bộ kinh dày, một bộ đang đặt trên kệ. Chị cười, nói con đang tụng dở; buổi tối tụng Pháp hoa, khuya tụng Lăng nghiêm, xong ngồi niệm Phật. Tôi nghe mà choáng. Không nghĩ cư sĩ tại gia bận bao nhiêu việc mà lại có thời gian dành cho kinh kệ nhiều đến vậy, nhất là khuya nào cũng tụng Lăng nghiêm. Anh chồng thấy tôi ngẩn ngơ, bèn nói thầy à, vợ con mà cất tiếng tụng kinh thì mấy nhà hàng xóm đang hát karaoke cũng phải tắt tiếng.

Buổi sáng, như thường lệ, khi tôi đang chăm sóc mấy luống cải thì chị đến. Chị nói thầy à, con tụng Lăng nghiêm, đoạn mở đầu có câu “thuấn-nhã-đa tánh khả tiêu vong; thước-ca-ra tâm vô động chuyển”, con hỏi nhiều người rồi mà không ai biết. Tôi giải thích, “thuấn-nhã-đa” là hư không, “thước-ca-ra” là kim cương; tánh hư không dù có tiêu tan đi nữa, thì tâm nguyện của ngài A-nan cũng không bao giờ lay chuyển. Chị nói, thầy giỏi quá. Tôi cười, bảo tôi cũng chỉ vừa mới biết. Lúc nhỏ hành điệu sư phụ bắt học thuộc chứ không hiểu, thuộc rồi thì cứ thế mà tụng, không nghĩ ngợi gì nữa.

Ảnh minh họa: Nghi Thủy

Ảnh minh họa: Nghi Thủy

Chị ngồi xuống nhổ cỏ một hồi rồi hỏi tôi, chuyện mà chị cho là “hơi tế nhị”. Chị nói, thầy à, tụng chú Lăng nghiêm có phải diệt trừ hết ái dục? Ý con là mình sẽ không còn ham muốn chuyện vợ chồng nữa? Tôi cười, trên lý thuyết thì đúng là vậy. Chú Lăng nghiêm, nếu nhất tâm trì tụng sẽ giúp tâm kiên định, diệt trừ ma chướng, nghiệp chướng, phiền não chướng; nếu lập nguyện kiên cố như ngài A-nan thì sẽ trực hướng Niết-bàn. Nhưng trường hợp chị thì thầy không chắc, đôi khi chỉ là do sự xáo trộn tâm sinh lý tạm thời. Chị đừng nghĩ ngợi gì nhiều, cứ gia tâm hành trì là được.

Thầy nghĩ sao khi vợ chồng trong nhà không cùng chí hướng, ví như một người thì hướng đến việc kiêng khem tu tập, còn người kia thì hướng đến việc thụ hưởng dục lạc ở đời? Chị hỏi. Ừ, thì là bi kịch chứ nghĩ sao nữa! Tôi đáp.

Rồi, để bớt căng thẳng, tôi kể chị nghe câu chuyện nhà sư và con chó. Sư nuôi một con chó bị bỏ rơi. Cái khó là sư ăn chay, còn con chó thì lại không mặn mà với việc chay tịnh cho lắm. Chùa ở bên này sông - giống nhà chị vậy - còn xóm thì bên kia sông.

Chiều chiều, khi mái tranh bên kia sông bốc ngọn khói lam lên, mùi thịt nướng cũng theo gió thoảng qua chùa. Con chó bị bắt ăn chay hoài không chịu nổi, nó nhảy xuống nước bơi qua sông. Mỗi lần bơi qua là mỗi lần được ăn thịt, thích lắm. Nhưng sư biết được, quở rằng con đã mang nghiệp làm chó rồi, có duyên vào chùa mà không lo tu tập, để cho ngũ dục lôi kéo, đọa lạc biết lúc nào ngừng.

Con chó có tánh linh, hiểu được lời sư nói, nó buồn rầu, quyết lập nguyện dù có chết cũng không bơi qua sông nữa. Nhưng cái mùi thịt nướng như thể cái tay lông lá thò qua chùa sờ soạng mũi nó. Được ba bữa, con chó chịu không nổi, nhảy tùm xuống nước. Bơi gần tới bờ kia, nhớ lời sư dặn, nó cảm thấy hối hận quá, bèn quày về. Đường về chùa xa lắm! Con chó sắp leo lên bờ thì khổ nỗi cơn gió quái ác lại thoảng tới. Cứ thế, chó giằng co mãi, bơi qua bơi lại, kết cục nó hụt hơi đuối nước giữa dòng…

Chị nghe xong, nhếch mép cười mà khóe miệng cứ như bị ai kéo xuống.

Bẵng đâu cả tuần chị không đến chùa. Hôm chị tới, tôi hỏi đùa, lâu nay chị qua sông à? Chị thản nhiên dạ. Con qua sông không phải để ăn thịt, mà để bắt con chó về. Con chó nhà con lâu nay bị kiêng khem quá nên nó thèm thịt mỡ. Ủa, nhà chị có hai con chó, vậy con Bi hay con Nô? Không thầy, con Lịch!

Tôi ồ lên kinh ngạc. Chồng chị!

Chị nói, ảnh có bồ rồi thầy à. Bồ ảnh cũng to lớn như ảnh, và đẫy đà. Con nghi ảnh có bồ từ lâu rồi, nhưng không có chứng cớ. Lần này con bắt tại trận. Con không làm dữ, chỉ hỏi hai người có thật sự muốn đến với nhau không? Cô ta gật đầu. Còn ảnh thì không trả lời. Về nhà, ảnh nói với con là ảnh không muốn rời bỏ gia đình, nhưng ảnh và cô ấy rất hợp, ảnh rất thương cô ấy.

- Thầy, con có nên chở chó qua sông không? Chị đột ngột hỏi. Ý là con có nên để cho ảnh tới với cô ấy những khi ảnh muốn, xong thì về với gia đình, vì con biết, con đã không chu toàn vai trò của một người vợ.

- Nếu tâm chị đủ rộng và đủ kiên định kiểu như tâm nguyện của ngài A-nan… Tôi nói. Nhưng chị có biết Đức Phật đã từng dạy về mũi tên thứ hai không? Một người bị bắn mũi tên đầu tiên, dù đau đớn, nhưng không quá khổ. Nhưng mũi tên thứ hai, nếu cũng bắn vào chỗ ấy, hẳn sẽ đau đớn hơn rất nhiều. Mũi tên thứ nhất là khách quan. Mũi thứ hai là chủ quan. Ý thầy là liệu chị có chịu nổi không khi hàng ngày phải lấy mũi tên thứ hai, thứ ba, thứ tư… tự đâm vào vết thương của mình? Chị suy nghĩ cho kỹ nhé!

Vài ngày sau, khi tôi tụng kinh tối xong thì nghe tiếng xe máy dừng ngoài cổng. Cả hai anh chị Lịch-Thiệp cùng bước vào. Sau một hồi lung khởi, anh thưa với tôi rằng, thầy à, lúc trước con từng muốn đi tu, nhưng duyên trần chưa dứt, con phải lập gia đình. Giờ xảy ra sự cố này, tự dưng con không muốn gì nữa hết, ngoài việc tha thiết thực hiện được ước nguyện khi xưa, đó là buông bỏ hết để trở lại chùa. Con đã bàn với vợ con rồi, và cũng liên hệ với một thầy quen trên núi, thầy ấy chấp nhận cho con đến đó thử thách một tháng. Giờ thầy dạy con có nên làm như vậy hay không?

Tôi nói, đó cũng là một cách hay, để không phải làm tổn thương hai người phụ nữ mà anh yêu mến. Nhưng vào chùa là để tu chứ không phải để trốn. Anh phải xác định mục đích và chọn cho mình một pháp hành thích hợp.

Nghe anh dạ, tự dưng trong đầu tôi hiện lên hình ảnh con chó đang bơi qua bơi lại trên sông, dù thực lòng tôi không hề có ý so sánh.

Vợ chồng anh hứa sắp xếp việc nhà xong, sáng ngày thứ ba chị sẽ tiễn anh đi tu.

Vậy mà mãi đến ngày thứ năm tôi mới thấy chị xuất hiện ở chùa, gương mặt không vui không buồn. Tôi nói đùa là chị đã chở anh sang sông rồi à - chở bằng thuyền hay bằng xe máy? Chị đáp, không thầy! Khuya đó ảnh dậy sớm rồi tự đi. Nhưng không phải ảnh về chùa. Ảnh qua bên kia sông luôn rồi, chắc vì ảnh không kiềm chế nổi. Món thịt nướng luôn thơm ngon hơn món chay tịnh phải không thầy?

Tôi không biết phải an ủi chị thế nào. Tôi nhớ có người đã đổ tội rằng chính vị sư đã gây ra cái chết của con chó. Oan cho sư lắm! Chẳng phải chính lòng ham muốn - dục - đã giết chết con chó hay sao?

Lúc đến chùa, trước mặt vợ, anh đã rất thực khi nói với tôi về ý nguyện xuất gia. Tôi tin lắm. Tiếc là cái thực ấy không còn thực cho đến hôm sau, khi mà cái mùi thịt nướng cứ vuốt ve lên mũi!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.