Chứng rối loạn lưỡng cực là bệnh gì?

GNO - Dù nguyên nhân gây ra chứng rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder) vẫn chưa được xác định nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng đã tiến gần hơn một bước trong việc hiểu được tại sao một số trẻ có nguy cơ cao hơn với bất ổn tâm thần này.

Trong một nghiên cứu quy mô nhỏ, các nhà khoa học Đại học Texas (Houston) đã xác định được một số gene có liên quan đến stress và rối loạn lưỡng cực.

roiloan 1.png


Rối loạn lưỡng cực là bệnh nghiêm trọng của não bộ,
gây ra các trạng thái tâm lý không lý giải được - Ảnh chỉ mang tính minh họa

“Chúng ta biết rằng trẻ có cha mẹ là các bệnh nhân rối loạn lưỡng cực thường có nguy cơ cao hơn với bất ổn này nhưng cơ chế sinh học thì chưa được hiểu rõ”, chia sẻ gần đây của tác giả Gabriel R. Fries trong một thông cáo báo chí.

Bằng cách phân tích mẫu máu của trẻ và so sánh với các trẻ khác có cha hoặc mẹ mắc rối loạn này, các chuyên gia đã xác định được một số gene hay các chỉ số có thể giúp giải thích cho nguy cơ cao với rối loạn tâm thần này.

Kết quả nghiên cứu trên được phát hành gần đây trên Tạp chí Translational Psychiatry.

Các chuyên gia phân tích mẫu máu của 18 trẻ và thanh thiếu niên, được tách làm ba nhóm: nhóm có cha mẹ mắc rối loạn lưỡng cực, nhóm trẻ có cha mẹ bị mắc chứng này nhưng không bị tác động, nhóm trẻ có cha mẹ không bị rối loạn lưỡng cực hay bất cứ một bất ổn tâm thần nào khác.

So sánh với các trẻ có cha mẹ không có lịch sử bất ổn tâm thần thì nhóm cha mẹ bị rối loạn lưỡng cực và các trẻ có cha mẹ bị rối loạn lưỡng cực nhưng không bị tác động gì đều có những biến đổi gene trong máu có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể phản hồi lại căng thẳng (stress).

Theo các nghiên cứu lâm sàng về hành vi và môi trường sống, khi trẻ ở trong môi trường có nhiều tác nhân gây stress nghiêm trọng, trẻ sẽ có nguy cơ cao phát triển chứng rối loạn lưỡng cực. Các phụ huynh mắc chứng rối loạn này có thể phải “đấu tranh” với bệnh tình của mình, làm cho môi trường sống của trẻ trở nên căng thẳng hơn. Và ở trẻ, do có sẵn các gene có liên quan này từ cha mẹ, nên càng nhạy cảm hơn với rối loạn này - theo các nhà nghiên cứu.

Các tác giả cũng nói rằng cần thêm các nghiên cứu quy mô lớn hơn để xác chứng mạnh mẽ hơn phát hiện này của họ.

Rối loạn lưỡng cực là bệnh nghiêm trọng của não bộ, gây ra các trạng thái tâm lý không lý giải được. Ở người này tồn tại hai dạng trạng thái đối lập nhau. Các trạng thái tâm lý vui vẻ hơn được gọi là “hồi hưng phấn” (tạm dịch từ manic episodes), trong khi đó những thay đổi thuộc về cảm xúc buồn được gọi là “hồi suy nhược hay khủng hoảng” (tạm dịch từ depressive episodes). Các biểu hiện này khác nhau ở mỗi người, dù là trẻ hay người trưởng thành.

Trẻ hay thanh thiếu niên mắc rối loạn này khi ở trạng thái hưng phấn sẽ nói rất nhanh về nhiều thứ, có những hành vi liều lĩnh có thể gây hại, bất ổn giờ giấc ngủ nghỉ nhưng không hề thấy mệt mỏi. Còn khi ở trạng thái khủng hoảng thì có thể cảm thấy mình không có giá trị, không có năng lượng, ngủ quá ít hoặc quá nhiều, có nỗ lực tự sát.

Dù chúng ta có thể phát triển chứng này ở bất cứ độ tuổi nào nhưng thường sẽ phát triển vào những năm sau của tuổi thanh thiếu niên và vào đầu giai đoạn trưởng thành, theo Viện Nghiên cứu Sức khỏe Tâm thần Hoa Kỳ.

Các bác sĩ chẩn đoán bất ổn này bằng cách đưa ra các câu hỏi về hành vi, trạng thái tinh thần, giờ giấc ngủ nghỉ, tiền sử bệnh của gia đình (nếu có) hay các bất ổn khác như suy nhược, khủng hoảng tinh thần. Nếu không may mắc chứng rối loạn này thì các bác sĩ sẽ kết hợp nhiều trị liệu, trong đó có dùng thuốc và liệu pháp tinh thần.

Trần Trọng Hiếu (theo Medical Daily)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.