Sinh con ra thường thì cha mẹ nào cũng muốn con cái mình có tính trung thực, không dối trá trong đối nhân xử thế cũng như mọi vấn đề của cuộc sống. Thế nhưng, đâu phải cứ mong muốn là được, bởi trong cuộc sống đôi khi chính cha mẹ các em lại làm hỏng các em bởi những điều dối trá mà họ vẫn, đã từng làm trong cuộc sống hàng ngày mà họ không ngờ đã vô tình ảnh hưởng xấu tới con cái mình. Chúng ta thừa biết rằng, cha mẹ là tấm gương sáng, là thước đo chuẩn mực để con cái noi theo. Vì vậy khi cha mẹ thường xuyên nói dối với mọi người, thậm chí là với chính con mình thì trước sau chúng sẽ bắt chước. Chính vì vậy mà nền tảng giáo dục trong gia đình là cực kỳ quan trọng trong việc hình thành bản tính cũng như nhân cách sống của con trẻ khi bước vào tuổi trưởng thành.
Tôi từng chứng kiến một gia đình nhà hàng xóm, khi cả hai vợ chồng suốt ngày thường nói dối nhau ở các câu chuyện, tình tiết nhỏ xíu trong cuộc sống. Có khi người vợ trốn ra quán đánh đề thì lại bảo với chồng là đi sang nhà hàng xóm để mượn cái này, hỏi cái kia…, nghĩa là người vợ này nói dối để hợp lý hoàn cảnh. Hay có lần, chị ấy đi mua cái áo, cái quần bằng tiền của mình bỏ ra lại nói dối chồng, con là em gái biếu, hay một ai đó tặng nhân dịp này nọ… Cách nói dối của chị ta đã quá quen và người chồng cũng khá cân xứng khi cũng thường xuyên “diễn” trước mặt vợ và các con. Có lần đi uống rượu với mấy anh hàng xóm ở quán vậy mà khi về nhà vợ hỏi anh chồng ấy lại nói là đi uống trà. Việc uống rượu với uống trà là hoàn toàn khác nhau, và chính đứa con trai học lớp 4 của họ “bóc mẽ” bố nó trước mặt mẹ rằng: “Bố nói uống trà là sao? Rõ ràng lúc trưa đi ngang qua quán rượu con thấy bố cùng mấy bác hàng xóm đang cụng chén ỏm tỏi. Lúc ấy con thấy bố còn bảo cứ thoải mái say đi…”.
Người ta từng bảo có những “lời nói dối chân thật”, và khi mà nó không ảnh hưởng tới ai, và nếu là ảnh hưởng ở mặt tích cực thì nên… nói dối. Thế nhưng, chỉ là những điều nhỏ nhặt không đáng nói dối thì không nên, nhất lại là nói dối trước mặt con trẻ thì càng nguy hiểm. Ở trường học các em nhỏ luôn được dạy tính trung thực, nên khi ở gia đình các em cũng được tiếp thu từ bố mẹ đức tính tốt đẹp ấy thì chắc chắn trong trẻ đã hình thành một bản tính trung thực, không giả dối, kể cả khi nó lớn lên. Cũng là chuyện ở một nhà hàng xóm nhà tôi, khi tôi thấy hai đứa con của gia đình này, mặc dù mới đang ở bậc tiểu học nhưng luôn thể hiện đức tính thật thà như đếm. Đứa con trai lên 7 có lần nhặt được 100.000 đồng của ai đó đánh rơi ở cổng đã không tiêu mà đợi bố mẹ đi làm về để mách là chính nó nhặt được và nhờ bố mẹ xem ai đó rơi để trả lại. Nếu là một đứa trẻ không thật thà, không ngoan thì nó có thể nó “gửi” tờ 100.000 đồng ấy vào quà vặt hay quán games rồi, bởi nếu nó không nói thì bố mẹ nó cũng đâu có hay biết gì… Ngay như đứa con gái của của gia đình họ, mới lên 5 mà đã dám nhận lỗi khi sang nhà hàng xóm chơi và làm vỡ một chiếc ấm tích pha trà. Ngay cả chủ nhà cũng không biết đứa trẻ nào đánh vỡ, vì khi đó có tới mấy đứa cùng chơi ở đó, nhưng khi người mẹ của bé sang nói chuyện là bé về nhà tự thú nhận làm vỡ đồ thì người chủ nhà kia mới biết thủ phạm. Đó là một đức tính thật thà, dám nhận lỗi, không chối bỏ trách nhiệm mà cha mẹ nên dạy bảo con cái, và chính mình cũng nên thực hiện để làm gương cho chúng noi theo.
Vâng, “gieo nhân nào, gặt quả nấy”, vì vậy mà không thể cha mẹ cứ nói dối hoài mà lại mong có những đứa con trung thực, điều đó là hoàn toàn không bao giờ có. Chính vì vậy, muốn con cái mình hình thành ngay từ nhỏ đức tính trung thực, thật thà thì chính cha mẹ phải là những người sống không dối trá…
Bình luận