HỎI: Tôi có đọc nhiều bài viết trên mạng dưới danh nghĩa Phật giáo nói về quả báo của tội phá thai. Dĩ nhiên người phụ nữ phải chịu hậu quả cả về thể chất, tinh thần và tâm linh khi bỏ con của mình. Vậy còn người đàn ông tác nhân gây ra việc có thai ấy sao không thấy đề cập? Tất cả tội lỗi đều chỉ có người phụ nữ gánh, vậy có công bằng? Tại sao chỉ răn nhắc người nữ mà không giáo dục cả người nam ý thức trong việc quan hệ để không xảy ra việc có thai ngoài ý muốn? Tôi rất bức xúc khi sự việc xảy ra thì chỉ có người phụ nữ chịu tội, còn người đàn ông thì không thấy bị tội gì cả?
(DIỆU HIẾU, dieuhieu248@gmail.com)
Bạn Diệu Hiếu thân mến!
Hiện trên mạng internet có khá nhiều bài viết nói về quả báo của tội phá thai theo nhiều quan điểm, tư tưởng, tín ngưỡng khác nhau. Trong đó có một số bài được đăng trên các trang mạng cá nhân Tăng, Ni, Phật tử hoặc những hội đoàn nhân danh Phật giáo. Rất tiếc là bạn không nói rõ đó là những bài nào nên chúng tôi không đủ cơ sở để phân tích đúng sai hay đánh giá cụ thể được. Tuy vậy, chúng tôi cũng cố gắng tạm sẻ chia cùng bạn về một số phương diện liên quan của vấn đề.
Trước hết là thời điểm xác định sự hiện hữu của con người và chúng sinh nói chung. Theo quan điểm Phật giáo, khi tinh cha, huyết mẹ và thần thức giao hội (xảy ra quá trình thụ thai) thì mầm sống, sinh mạng của chúng sinh hình thành, dù thời khắc ấy thai nhi còn trong trứng nước (Kinh Trung bộ I, Đại kinh Đoạn tận ái, số 38). Kế đến, Phật giáo xác định tội sát sinh được hình thành khi hội đủ năm điều: 1.Ðúng là người, 2.Nghĩ tưởng là người, 3.Tạo cách thức giết, 4.Có tâm giết hại, 5.Kết thúc mạng sống (Luật Ma-ha Tăng kỳ). Nên người nào chủ ý phá thai (dù sớm hay muộn), có tham gia liên hệ đến phá thai đều mắc quả báo nặng nề.
Dĩ nhiên, cả cha và mẹ đều có trách nhiệm với cái bào thai, con của hai người. Trước khi phá thai, nếu cha mẹ có trao đổi, bàn bạc và đồng thuận thì cả hai người đều mang tội lỗi và phải chịu quả báo như nhau. Do đó, nghĩ rằng trong việc ác này ‘chỉ có người phụ nữ chịu tội, còn người đàn ông thì không thấy bị tội gì cả’ là không đúng.
Trường hợp khác, vì nhiều lý do mà người mẹ đơn phương tự quyết, người cha không được bàn bạc hay cho biết trước thì hẳn nhiên tội lỗi của người mẹ phải nhiều hơn. Cụ thể là người mẹ ắt mang tội phá thai. Còn người cha (vì không biết, không quyết định bỏ con nên tuy có liên đới mà không mang tội phá thai) chỉ mắc tội vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết, phóng dật… đã tạo ra cái thai ngoài ý muốn, gây phiền phức khổ đau cho nhiều người. Không thể bắt người cha chịu tội phá thai trong trường hợp này.
Nhân quả, tội phước theo quan điểm Phật giáo vốn rất phân minh, rõ ràng. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà luận xét tội phước. Mặt khác, bạn cần phân định tỏ tường về sự khác biệt giữa quan điểm nhân văn của Phật giáo và một số hệ tư tưởng, tín ngưỡng vốn không xem trọng, thậm chí kỳ thị nữ giới nặng nề. Ngay cả một số kinh văn hình thành muộn (trong Hán tạng và các tạng khác) được cho là của Phật nói cũng cần xét xem có phù hợp với ba dấu ấn Chánh pháp không, có phải là biến văn (văn bản có sự tiếp biến, pha trộn với văn hóa bản địa) hay không. Với những quan điểm khác lạ (quy kết có tính kỳ thị phụ nữ) nhân danh Phật giáo như vậy, thiết nghĩ khoan vội phán xét, bức xúc mà cần phản ánh rộng rãi để được sự thẩm xét và xác quyết hay phủ quyết của các nhà nghiên cứu Phật học.
Mặt khác, hiện xã hội đã nâng cao giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cho cộng đồng, phổ cập từ học đường cho đến các phương tiện truyền thông. Quan trọng là mỗi người nam và nữ, mà nhất là phụ nữ hãy tự kiện toàn tri thức và nâng cao ý thức bảo vệ tốt cho chính mình. Thậm chí trong các trường hợp bất khả kháng (như bị cưỡng hiếp hay bị chuốc say chẳng hạn) vẫn có thể chủ động tránh được việc mang thai ngoài ý muốn. Như bạn đã nhận thức, “người phụ nữ phải chịu hậu quả cả về thể chất, tinh thần và tâm linh khi bỏ con của mình” nên tự thân mỗi người phải biết ý thức, chủ động tự bảo vệ mình hơn.
Chúc bạn an lành!
TỔ TƯ VẤN BÁO GIÁC NGỘ (tuvangiacngo@yahoo.com)