GN - Một bữa nọ, tôi nhận được tin nhắn của bạn nhân viên cũ: “Chị ơi, đúng như lời chị nói, cánh cửa này đóng có cánh cửa khác mở, em đã tìm được công việc mới tốt hơn nhiều lần công việc em vừa nghỉ. Em cảm ơn chị nhiều lắm”.
Em không phải là trường hợp duy nhất. Thỉnh thoảng tôi lại nhận được tin nhắn qua điện thoại, Facebook, email để cảm ơn về những lời nói mà họ cho rằng tôi đã giúp họ “đả thông kinh mạch”. Chẳng hạn như có một lá thư viết như thế này: “Chỉ một câu nói của bồ thôi mà tui quyết định mở công ty riêng để được làm điều mình yêu thích. Bồ có nhớ bồ nói gì với tui không? Bồ nói là ‘không làm bây giờ thì khi nào mới làm, không ai thực hiện ước mơ của bạn ngoài chính bạn’. Giờ tôi đã bắt đầu việc kinh doanh nhỏ của mình. Khi nào bồ rảnh ghé tui chơi ở địa chỉ này nè…”.
Một buổi sáng, vừa bước vào văn phòng làm việc, nhận được email như vậy thì cả ngày có năng lượng tích cực.
Hoặc một đoạn chat khác qua Facebook: “Chị ơi, nghe lời chị, em đã đi tập yoga. Cái lưng của em giờ không còn đau nữa”. Lúc nhận tin này tôi cũng không nhớ nổi mình đã nói với em những gì. Tôi hỏi: “Chị nói gì mà để em hành động nhanh gọn như vậy?”. Em gửi cái mặt cười, trả lời: “Chị nói là nếu những môn thể thao khác chỉ tác động vào thân thể vật chất mình, thì yoga tác động sâu từ thể chất cho đến tinh thần và tâm hồn”.
Có đôi khi mình nói những điều từ trong lòng mình, mình không suy nghĩ gì nhiều, nhưng người nghe lại nhận được lợi ích. Những lợi lạc đó không đến từ vật chất mà từ những điều quý giá hơn.
Từ trước đến nay, khi nói đến bố thí, người ta dễ nghĩ ngay đến là cho ai đó tiền bạc, thức ăn, vật chất… Đơn giản vì dạng bố thí này cụ thể, dễ thấy, tác động ngay tại chỗ. Cho ai đó cơm ăn, người ta no ngay. Cho ai đó áo mặc, người ta ấm ngay. Cho ai đó ít tiền, người ta có thể giải quyết được bế tắc của họ. Thế nhưng, có rất nhiều kiểu bố thí - trao tặng khác như bố thí lời nói, bố thí tình thương, bố thí kiến thức… Nghĩa gốc của bố thí là hành động hiến tặng một điều gì đó có ích cho người khác. Trong hạnh Phật, đây là nghĩa cử được khuyến khích nhiều nhất nhằm đem lại hạnh phúc cho cả đôi bên, người cho và người nhận.
Vì vậy, nếu bạn không thể có vật chất để cho đi, bạn có thể cho đi lời nói đẹp. Lời nói bình an mang đến người nghe nguồn gió mát lành. Lời nói khuyên bảo cho người nhận một hướng đi đúng đắn. Lời nói động viên giúp người khác trở nên lạc quan và có hành động tích cực…
Lời nói không chỉ có tác động mạnh và trực tiếp đến hệ thần kinh mà còn đi sâu vào tâm hồn của người khác. Nếu một lời nói thô lậu sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lớn với ai đang nghe. Vì vậy, đừng tiếc gì những lời nói đẹp, tích cực dành tặng cho mọi người sống quanh ta. Cho đi lời nói thì công đức vô lượng không khác gì những hình thức bố thí khác. Đôi khi nó giúp ai đó thay đổi cả cuộc đời. Thực tế cho thấy, những câu nói nổi tiếng của các bậc vĩ nhân trên thế giới đã từng ngày từng giờ tác động và làm thay đổi biết bao cuộc đời của con người, là nguồn cảm hứng sống bất tận cho những ai đang loay hoay tìm cho mình hướng đi. Biết bao người chia sẻ trên mạng xã hội những câu nói bất hủ của Dalai Lama, Thích Nhất Hạnh, Einstein, Steve Jobs, của Bill Gates, Mark Zukerberg… để cùng nhau thực hành theo. Những lời nói này lan tỏa khắp toàn cầu và tạo nên một nguồn năng lượng tích cực lớn lao.
Còn mỗi chúng ta, những người bình thường, chúng ta không cần phải nói những lời của các bậc vĩ nhân. Lời nói giản dị của ta nhưng hợp thời hợp cảnh dành cho đôi khi chỉ một người thôi, thì ta đã mang lại một hành động bố thí rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, chúng ta cần tránh hành động tỏ ra “dạy đời” người khác, lúc này lời bố thí cũng sẽ phản tác dụng. Người nghe không thấy được bài học hay từ lời nói của ta, mà chỉ thấy khó chịu vì bị chê bai. Đây là cảm xúc tiêu cực cần tránh khi thực hành hạnh bố thí lời nói. Bởi nguyên gốc của hành động bố thí là phải làm cho người nhận thấy được giúp đỡ, thấy được an lạc. Vậy, đâu là lời nói mang lại lợi ích cho người nghe?
• Lời nói với mục đích giúp cho người nghe bớt khổ, bớt lo lắng, họ được trợ lực tinh thần khi nghe.
• Lời nói từ tâm của người nói, chân thành và không vụ lợi.
• Lời nói đẹp, dễ nghe nhưng không có nội dung cụ thể, không mang đến lợi ích cho người nhận thì cần tránh.
Lời nói luôn sẵn có, hãy chọn lọc và gửi đến những người xung quanh mình. Lời nói nằm trong khẩu nghiệp, thực hành lời nói hữu ích càng nhiều thì thiện nghiệp càng tăng. Lời nói không phải để gió cuốn đi, lời nói như những hạt mầm gieo vào tâm trí của người nhận, để từ đó nảy nở thành hoa trái xanh tươi.