NSGN - Phần trước đã nói về hành trạng của Bồ-tát Tịch Thiên và phần đầu của phẩm Nhập Bồ-tát hạnh với các chương: Lợi ích của tâm Bồ-đề, Sám hối tội nghiệp, Gìn giữ tâm Bồ-đề, Không buông lung, Giữ gìn chánh tri và Nhẫn nhục. Sau đây là các phần: Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ và Hồi hướng.
Bồ-tát Tịch Thiên
Bồ-tát Tịch Thiên
Tinh tấn
Phần này gồm 76 bài kệ. Mỗi bài kệ có 4 câu.
Kệ 1 nêu lý do vì sao phải tinh tấn.
Vì phải tinh tấn thì tâm Bồ-đề mới vững trú. Quả phúc dù tràn tuôn, nếu không tinh tấn thì mạch nguồn tâm linh khó động đến.
Kệ 2 giải thích tinh tấn là siêng làm việc lành với tâm bất thối, cũng “không biếng nhác nằm dài/ Hay là tham đắm việc đời lăng xăng”.
Kệ 3 đến kệ 13 nói đến tác hại của biếng nhác.
Do tham vui và ngủ nhiều đã thành thói, lại không biết nhìn người mà ngẫm cho mình, không nhận ra sự vô thường của thân này, cũng không biết tạo nghiệp ác khi đủ duyên liền vào đường dữ, nên sinh biến nhác với việc tu tập mà luân hồi sinh tử triền miên. Khi vô thường đến lại kêu ca, không tạo nhân phúc mà muốn hưởng quả phúc.
Kệ 14 và kệ 15 nêu ưu khuyết điểm mà người đời đang có.
Khuyết là ham ngủ nghỉ và đuổi theo những thú vui thấp kém đưa người đến chỗ rối ren, tán loạn. Ưu là được thân người và có Chánh pháp, có thể nương đó làm thuyền bè qua biển khổ.
Kệ 16 đến kệ 18 khuyên không nên khiếp sợ, cũng không nên mặc cảm tự ty mà sinh tâm thối lui.
Hãy tu thiền định và quán ta người bình đẳng. Đó là pháp đổi vị, xem người như mình, rồi phát khởi năng lực tinh tấn, thì ngay cả “ruồi muỗi cũng chứng thành ngôi cao”.
Kệ 19 đến kệ 23 nêu được cái phúc có thân người, lại biết phân biệt xấu tốt v.v... nếu không xả giới Bồ-tát thì trước sau gì cũng chứng đạo.
Nay vì hạnh Bồ-đề, nên như người đi chữa bệnh, “chịu đau nhỏ trừ hại to” thì “khổ này có hạn, không lo kéo dài”.
Kệ 24 đến 26 nêu Như Lai là y vương, dạy người đều có phương pháp, đã “chữa lành vô số chứng nan y”.
Với việc bố thí, lúc đầu nên bố thí các vật nhỏ như lá rau v.v... Một khi trí tuệ phát sinh, nhận rõ thân này không khác lá rau thì việc bố thí thân thể không còn là việc khiến ta sợ hãi.
Kệ 27 đến kệ 30 nêu Bồ-tát dứt ác hạnh nên không khổ, có trí tuệ nên hết lo, dứt tà phân biệt thì thân tâm thanh tịnh, hóa giải tội khiên.
Một khi lực Bồ-đề đã đủ tiêu trừ ác nghiệp, tăng trưởng công đức, Bồ-tát không còn tâm thối chuyển hay sợ hãi đối với các khó nhọc ở đời như hàng Thanh văn, nên không thấy chán ghét thế gian mà nguyện an trú trong chốn sinh tử để cứu độ chúng sinh.
Kệ 31 đến kệ 35 nêu những thứ mà Bồ-tát dùng để tự lợi và lợi tha.
Đó là dục (mang ý muốn thoát nạn tai), tín, hỷ, xả, tinh tấn và phát nguyện. “Nguyện trừ vô số tội khiên/ Vì thân ta lẫn vô biên hữu tình”. Việc này không phải vài tháng vài năm mà xong. “Chỉ duy một đức trong đây/ Cũng cần vô số kiếp dày công tu”. Nếu không có sự tinh tấn diệt tận lỗi lầm thì khó thành tựu nguyện ước.
Kệ 36 đến kệ 39 là phần phản quan, thấy bản thân chưa làm được gì cho mình và người.
Chưa học pháp, chưa ứng dụng được pháp, chưa vì Phật hiến dâng, chưa ban sự vô úy cho người, chưa khiến người được hạnh phúc v.v... nên việc nhập thai chịu khổ của bản thân khó tránh khỏi.
Kệ 40 đến kệ 48 nói về dục (muốn cầu), là gốc “Làm phát sinh bao đức tốt lành”.
Muốn cầu diệu pháp thì phải “Tư duy khổ quả nghiệp nhân cho tường”. Cần thấy rõ đau thương hay thảnh thơi, mong muốn được thành tựu hay không thành tựu v.v... đều do tạo nhân thiện hay bất thiện. Hóa sinh từ liên hoa là do “tu nhân tích chứa phúc lành”. Đọa vào địa ngục dầu sôi lửa bỏng là do tạo nghiệp ác. Kết luận cần phải chuyên tu. “Muốn cầu thiện pháp, siêng lo việc lành/ Hãy đọc kinh Kim cang tràng/ Dạy tu tự tín, thực hành điều hay”. Khi thực hành điều hay, cần xét nét kỹ càng có đủ sức? Nhắm không xong thì không làm, còn đã làm thì phải đến nơi đến chốn. Nếu không, việc bỏ lỡ và thoái lui ấy sẽ thành thói quen, huân vào tạng thức, ảnh hưởng đến tương lai. “Việc lành dang dở, quả thời dở dang/ Khổ đau cứ thế kéo dài”.
Kệ 49 đến kệ 63 nói về niềm tin.
Tin mình có khả năng đoạn hoặc chứng chân. Tự lợi và lợi tha thành tựu là nhờ vào việc tin mình có khả năng thành Phật. Tin vào Chánh pháp, vào nhân quả, vào hạnh lành, vào bản thân, v.v… mới có thể vượt qua đọa lạc, tiêu trừ ác duyên, ra khỏi sinh tử luân hồi. Niềm tin có thể giúp ta nhẫn được với các phiền não, không tạo ác nghiệp. Tự tin, không phải kiêu căng, ngã mạn. Tự tin có thể giúp vượt qua phiền não và các ác nghiệp. Tự mãn kiêu căng khiến sa vào đường ác lâu dài. “Mất toi phước lạc kiếp người, làm thân nô bộc trọn đời hẩm hiu”. Dùng đức tin khắc trừ được ngã mạn là kẻ chiến thắng. Niềm tin phải được nuôi dưỡng kiên trì, với tâm cương quyết phá trừ phiền não và thích thú bảo dưỡng hạnh lành.
Kệ 64 đến kệ 66 nói về hỷ.
Hỷ phát sinh nhờ hành thiện với tâm hân hoan, nhờ lợi tha v.v... Cái vui tạm bợ của năm dục người đời còn ham muốn, thiện nghiệp đưa đến cái vui Niết-bàn còn “đáng ham gấp mười”, nên Bồ-tát luôn hoan hỷ với việc tạo công đức.
Kệ 67 nói về xả.
Xả trước nhất là “Khi thân tâm đã mệt nhoài/ Thì nên dưỡng sức, tạm thời xả buông”. Việc gì làm xong cũng nên xả để còn làm việc khác.
Kệ 68 đến kệ 76 khuyên siêng tu chánh niệm một cách miên mật để hàng phục vô minh.
Ngài đưa ra những ví dụ khá lý thú để cảnh báo sự nguy hiểm của phiền não nếu để nó tự do phát tán, cũng cảnh tỉnh người tu phải tỉnh giác với việc làm biếng, ham ngủ, đánh mất chánh niệm. Mỗi khi lỡ phạm lỗi thì nên có tâm tàm quý. Nên siêng tu chánh niệm và cần có minh sư chỉ dạy, mới mong thành tựu đạo nghiệp. Không buông lung thì tâm vui mà mọi việc viên thành.
Thiền định
Phần này gồm 187 bài kệ. Mỗi bài kệ có 4 câu.
Kệ 1 và kệ 2 nêu lý do vì sao phải tu thiền định.
Để trị tâm tán loạn. Tán loạn là nhân duyên của phiền não và vô minh. Do đâu mà tâm tán loạn? Vì gần thân tộc và đắm mê thế tục phồn vinh. Vì thế thân cần viễn ly và tâm cần viễn ly, là một mình ở nơi vắng vẻ và từ bỏ những tư tưởng thế tục.
Kệ 3 và kệ 4 nói tu là xa lìa danh lợi, xem thân bằng quyến thuộc như áng mây trời và miên mật thực hành thiền quán.
Phải Chỉ Quán đồng tu mới có thể “dẹp tan não loạn si mê”. Muốn được định tâm, phải lìa tham dục.
Kệ 5 đến kệ 8 luận về thân bằng quyến thuộc và sự được mất vô thường khiến sinh khổ não, ly tan.
Nếu đã mong giải thoát Ta-bà thì nên “dứt khoát lìa xa thân bằng”. Phần này dạy quán về thân tộc để phát tâm viễn ly.
Kệ 9 đến kệ 16 cảnh tỉnh việc thân cận phàm ngu.
Đã ly gia thì với hàng phàm phu mê lầm cũng không thân cận. Phàm ngu mê muội, tâm thái thường thay đổi, dễ nổi sân, hay tranh giành, ghen ghét, kiêu căng, thường luận bàn linh tinh, chê người khen mình, ít chịu nghe lời phải, thường xúi mình bỏ việc lành. Vì thế, thân cận chẳng lợi ích. Chi bằng “Gặp thì vui vẻ đón chào/ Không thân mật quá, xã giao vừa chừng/ Hãy theo cách của chính nhân/ Lạnh lùng như nước trăng rằm đêm thu”. Như ong hút mật, gặp duyên thì hóa, hết duyên tịch nhiên. Phần này dạy quán về phàm phu, giúp tăng trưởng hạnh viễn ly.
Kệ 17 đến kệ 20 luận về danh lợi.
Danh lợi vô thường như áng mây trôi, nhưng vướng vào đó thì đa đoan, tranh giành, khổ não. Được rồi thường sinh tâm kiêu căng, chấp vào đó thì khi chết sẽ sinh sợ hãi. Bậc trí không tham luyến danh lợi.
Kệ 21 đến kệ 24 luận về khen chê.
Ở thế gian, chúng sinh đa phần đều vì lợi danh. Tâm đó dẫn đến việc khen chê. Có người khen ắt có kẻ chê, có kẻ chê ắt có người khen, “Chúng sinh trăm tính trăm nhà”. Đó là lẽ thường nhiên ở đời. Nghèo thì bị miệt thị khinh khi, nhưng giàu cũng không tránh được tật đố ghen ghét. Vì thế chớ nên thân cận.
Kệ 25 đến 28 luận về lợi ích của việc độc cư trong rừng núi, bắt đầu bằng các từ “bao giờ...” như một mong muốn chưa thực hiện được. Đó là làm bạn với chim chóc yên vui, thiên nhiên khoáng đạt an nhàn, trăng thanh gió mát, sống với tâm không chấp thủ, không sợ trộm cắp, áo quần không cần v.v... Cũng dạy phát nguyện “Nguyện nay cắt đứt duyên đời/ Không còn tham luyến trần ai thân bằng”.
Kệ 29 đến kệ 35 luận về thân bất tịnh để tăng trưởng hạnh viễn ly.
Sống thì xương thịt liền ngay nhưng chết thì phân tán, rữa nát. Sinh hay chết cũng chỉ một mình, chẳng ai có thể san sẻ dù là thân bằng quyến thuộc. Chi bằng “Một mình độc trú sơn lâm/ Lánh xa kẻ oán, người thân chẳng kề/ Tự xem đã chết thân này/ Thì khi chết thật còn ai khóc mình”.
Kệ 36 đến kệ 38 nói lợi ích của việc độc cư trong núi rừng, giúp sinh định tâm dễ dàng.
Không vướng kẻ hại người thương, ít điều phiền lo, niệm thế tục ngưng dứt... nên tâm được chuyên nhất, sâu vào tịnh chỉ tinh minh, phá trừ mê muội, dứt phiền não lo.
Kệ 39 đến kệ 41 luận về tai họa của tham dục.
Do tham dục mà có sát sinh, mai mối cầu khẩn, tham ái gái đẹp.
Kệ 42 đến kệ 88 luận riêng về tai họa dâm ái.
Do dâm ái mà không thể tự làm chủ, đánh mất Niết-bàn thanh tịnh. Nhiều kệ luận về thực trạng của thân nữ nhi lúc còn sống và khi đã chết. Ngay khi còn sống thân người vốn đã bất tịnh. “Tóc móng dài chẳng cắt, miệng hôi”, phải dùng hương hoa xông ướp, huống là khi đã chết. Nhưng nó lại là thứ “làm cho tan nát cơ đồ nam nhi” không phải chỉ trong một đời mà trong nhiều đời. Vì thế cần giảm bớt tham ái, chớ để tăng trưởng.
Thân tuy bất tịnh như thế, nhưng vì nó mà từ nhỏ đã phải bươn chải kiếm tiền nuôi thân, cưới vợ. Người nghèo thì lao động mệt nhoài. Kẻ giàu thì có khi do mưu sinh mà vợ chồng chia rẽ. Có người hám lợi bán thân. Kẻ thì đi làm mướn, “Thân tôi đòi chẳng được tự do”. Kẻ thì đăng cửa lính sa trường bỏ thây. Thực chất đều từ tham dục. “Tham tiền trải lắm khổ đau/ Làm ra cất giữ âu sầu sợ hao/ Vì tiền tâm lực tiêu nha/ Bao giờ mới thoát được ra khổ này”. Khổ không phải chỉ dừng ở đó, mà còn là nhân duyên của những khổ khác, “Vui giây lát khổ dài lâu/ Súc sinh quỷ đói về sau đọa đày”. Cho nên dạy cần phải thấy thân này bất tịnh, thấy sắc tài thảy đều tan hoại, thay vì tham những chiếc thân hôi thối, hãy tham “đóa liên đài tinh khôi”, lấy núi rừng làm chỗ an thân, tranh chấp không còn, thân dừng bôn ba, chẳng còn vướng bận danh lợi, tự do, tự tại … “Dưới trăng vằng vặc đêm thâu/ Hương rừng phảng phất gió đầu thu êm/ Vui thay ẩn sĩ tâm thiền/ Từ bi lan khắp hữu tình khổ đau”.
Kệ 89 là kệ chuyển tiếp, “Sau thiền quán họa tai năm dục/ Và quán về công đức yểm ly/ Đến phần tu quán Bồ-đề/ Dứt tâm phân biệt người ta rạch ròi”.
Kệ 90 đến kệ 104 chủ yếu dạy quán về mình và người để phá tâm phân biệt.
Chúng sinh cũng như tay chân của mình. Giữ chân tay đồng nghĩa lo cho thân mình. Điểm chung của mình và người là đều muốn tránh khổ tìm vui, thành thương mình thì nên thương cả chúng sinh. Khổ của mình, không liên quan đến người, nhưng do ngã chấp mà thành khó kham nhẫn. Khổ của người, dù thấy không liên quan đến mình, nhưng một khi “lắng nghe tận đáy tâm ta” thì “Như mình đau khổ, khó mà nhẫn kham”. Việc của Bồ-tát là xua tan khổ đau và mang an lạc đến muôn người.
Trong phần này, Bồ-tát Tịch Thiên đã nêu ra một số tà kiến để người tu biết mà tránh:
- Cho rằng khổ của người chẳng liên quan đến mình.
- Cho rằng thân sau chẳng phải thân này, nên chẳng sợ những tạo tác trong hiện tại ảnh hưởng đến tương lai, mặc tình phóng túng, tạo nhân khổ.
Hai thứ tà kiến trên phát sinh là do chấp ngã mà ra, thấy ta và người đều thật, ta tách hẳn người, ta hiện tại không dính gì đến ta tương lai.
- Cho rằng do tương tục thời gian mà năm uẩn kết thành thân, thật không tự không tha, nên chẳng cần ai trừ khổ cho ai. Nếu không người không ta thì không có khổ đau. Thực tế đang có khổ đau thì biết mình và người chưa ai đạt được trình độ đó để không có việc cứu khổ.
- Cho rằng chẳng cần diệt khổ cho người, vì khổ không thực. Đúng là khổ không thực. Nhưng nếu vậy thì khi mình khổ cũng nên mặc kệ. (Thực tế thì, khi khổ chẳng ai dám đối diện với khổ mà luôn tìm cách né tránh, trừ diệt. Chính vì muốn né tránh mà có khi gây khổ cho người. Vì thế, biết khổ tuy không thực, nhưng với cơ duyên của mình và người trong hiện tại, vẫn phải dùng đến tâm vị tha cứu khổ, cũng là diệt khổ cho mình).
- Cho rằng mình đã khổ, sao còn phát thêm cái tâm bi mẫn khiến mình khổ thêm. Không biết rằng “Thật khi thương khổ chúng sinh/ Thì không còn có sầu riêng chút nào”.
Kệ 105 đến kệ 110 nói về tâm quảng đại của Bồ-tát.
Phá cái chấp phát tâm bi mẫn khiến mình khổ thêm vừa nói trên. Nếu nỗi khổ của một người có thể trừ cái khổ của vạn người thì vẫn nên “Rước phiền đến bản thân ta”. Như trong kinh Tam ma địa vương, Bồ-tát Diệu Hoa Nguyệt1 “Biết vua mưu hại cho mình/ Vẫn cam chịu để vạn người sống an”. Không phải chỉ vậy mà còn dám “A-tỳ địa ngục hân hoan bước vào”. Bồ-tát lấy niềm vui của chúng sinh làm niềm vui của mình, lấy lợi ích tha nhân làm lợi ích của mình mà không tự đắc kiêu căng, không mong chờ quả báo, “Vui làm thiện nghiệp không cầu lợi danh”, “Yêu người như thể yêu mình không hai”.
Kệ 111 đến kệ 120 dạy phá chấp ngã. Dùng vị tha phá vị ngã.
Chấp ngã, chẳng qua chỉ là một thói quen, thứ gì cũng quy về mình. Nhưng quy mình thì gặp nhiều tai họa mà vì người thì có công đức. Nên cần chuyển dần thói quen chấp ngã này, bằng cách thực hành vị tha. Việc này có thể thực hành tốt vì thân tâm này vốn vô ngã, chỉ do chấp mà thành. Giờ muốn phá chấp này thì thay vì lợi ích cho bản thân, hãy lợi ích đến muôn người. Lợi ích thế nào? Những gì mình không muốn thì đừng làm với người. “Một lời nặng khiến mình khó nhẫn/ Những đớn đau cẩn thận tránh xa/ Như ta thương bản thân ta/ Hãy đem tâm ấy trải ra muôn người”. Kế là, gia trì thánh hiệu Quán Thế Âm để “Trừ bao khiếp sợ hữu tình trầm luân”. Mọi việc lúc đầu thấy khó nhưng không nên thối tâm, vì thứ gì cũng do quen. Quen rồi sẽ thấy dễ dàng. Như với người nghe tên đã sợ, nhưng thân cận quen rồi, khi mất cũng sinh muộn phiền, thảy đều do thói quen. Cho nên, cần chuyển vị ngã thành vị tha để tự cứu mình và cứu người thoát khỏi khổ đau. Kệ nói “Đổi trao tha tự, tập quen/ Ấy là bí quyết đi vào vô sinh”.
Kệ 121 đến kệ 124 nói về họa tai của việc chấp ngã.
- Do tham đắm thân mà sinh ra đủ thứ lo sợ.
- Vì cung phụng cho thân mà sinh ra sát sinh, trộm cướp, làm muôn loài sợ hãi.
- Vì danh lợi của bản thân mà có khi giết cha mẹ, trộm của Tam bảo, gieo nhân địa ngục.
Người có trí, không vì thân này mà làm những việc đẩy mình vào cõi khổ như vậy.
Kệ 125 đến kệ 129 nêu quả báo của vị tha và vị ngã.
- “Nếu cho hết tôi còn gì” là suy nghĩ đưa con người đến cửa ngạ quỷ. Chỉ khi suy nghĩ “của này để cho” mới có thể giúp con người đến cõi lành.
- Ai vì bản thân mà hại người khác sẽ rơi vào chốn khổ đau. Vì người chuốc lấy thương đau thì việc nào rồi cũng thành tựu.
- Muốn mình ở trên cao, sẽ rơi vào chốn vực sâu thấp hèn. Hạ mình nâng kẻ khác lên sẽ sinh vào chốn tốt lành.
- Sai người phục dịch cho mình, sau phải chịu cảnh tôi đòi rẻ rúng. Đãi người, bạc mình sẽ thành vương tước sống đời cao sang.
Tóm lại, ích kỷ chỉ nghĩ đến mình thì lênh đênh thống khổ. Xả mình lợi người thì hạnh phúc triền miên.
Kệ 130 đến kệ 160 nói vì sao phải hành vị tha.
Chấp ngã là hành vi của phàm phu, lợi ích muôn nhà là hành vi của đấng Mâu Ni. Kẻ tu đạo nếu không tập thực hành vị tha thì khó mà thành tựu đạo quả. Tuy nói lợi tha nhưng cũng là lợi mình. Còn nếu lợi mình theo kiểu chấp ngã thì đó không phải lợi mình mà đang gây cái nhân khổ đau cho mình. Mọi tai họa xảy ra với mình đều do chấp ngã. Vì thế nên từ bỏ việc chấp ngã, thương người như thể thương thân. Phải luôn tâm nguyện rằng “Từ đây ta thuộc của toàn chúng sinh/ Chuyên mưu lợi ích hữu tình/ Ngoài một việc đó, không nên nghĩ gì”. Tài sản hay thân thể đều mang ra lợi ích cho chúng hữu tình.
Phần này còn dạy quán tâm thức của người đối với mình, để tránh như tâm thức của người. Phàm phu, đối với người hơn mình, thường khởi tâm đố kỵ, ghen ghét. Đối với kẻ kém mình, thường khởi tâm coi thường, lấn lướt, chiếm đoạt. Đối với kẻ ngang mình, thường khởi tâm tranh nạnh hơn thua, nguyền rủa, và tìm cách dìm người. Chính vì lưu giữ các tâm trạng đó mà phàm phu trải vô số kiếp thống khổ lưu linh. Kẻ tu đạo thì không như vậy. Chỉ tận tâm làm lợi lạc quần sinh. Làm được vậy thì dù chưa thành Phật cũng không còn trầm luân trong sinh tử.
Kệ 161 đến kệ 185 nêu hạnh của Bồ-tát.
- Tuân thủ giáo lý hành trì.
- Thường hành lợi tha, chịu thay thống khổ cho người, nguyện nhận mọi khó khăn cho người.
- Kiểm tra từng tâm niệm của mình, thấy lỗi liền sửa, dù chỉ một lỗi nhỏ cũng không bỏ qua.
- Tán dương tiếng tốt của người, còn đức mình nên ẩn.
- Được việc chớ tỏ ta đây, ngoan cường. Nên giữ phận thấp hèn, hầu chúng. Bỏ thói kiêu mạn.
- Không hiện tướng thô cứng. Cần cẩn thận trong mọi hành động.
- Hạnh lợi tha kiên trì không bỏ.
- Chế tâm tham dục hiện hành.
- Răn tâm giữ giới, xả ác hành thiện.
- Tâm không buông lơi, dẹp giải đãi, thùy miên.
- Thường quán bất tịnh.
- Quên mình sống cho đại chúng.
- Lìa tham sân phụng sự muôn người.
Kệ 185 đến kệ 187 là nguyện hoàn tất những gì đã nguyện khi nhận ra chấp ngã chỉ mang mình đến cõi khổ, cần chuyên tâm tu học pháp Tam-ma-đề.
Trong phần thiền định này, thấy xuất hiện thiền quán khá nhiều. Đây là chỗ khác nhau giữa thiền Phật giáo và thiền ngoại đạo. Ngoại đạo lấy cái định an lạc ở các cõi làm đích đến, chỉ tập trung tu chỉ để đạt được tịnh chỉ, ít dùng quán. Kẻ tu Phật dùng thiền quán, quán lý thực của các pháp, buông bỏ để có tịnh chỉ. Thiền quán này là nhân của tuệ trong định tuệ bình đẳng. Định tuệ được đồng đẳng, sau mới thành tựu quả vị Phật. Ngoại đạo chỉ tập trung tu chỉ, là nhân của định, nên tuy có được thần thông, nhưng không được vô ngã và Bồ-đề vô thượng, bi từ không quảng đại, không đạt được lậu tận thông.
Trí tuệ
Phần này gồm 167 bài kệ. Mỗi bài kệ có 4 câu.
Kệ 1 là chuyển tiếp. Nêu những gì nói trong phần thiền định cũng như các phần khác là cơ sở giúp phát sinh tuệ giác. Tuệ giác nói đây là chứng nhập tánh không.
Kệ 2 giới thiệu tục đế và chân đế. Chân đế không thể dùng tâm phân biệt mà thấu đạt.
Kệ 3 đến kệ 5 nêu tuệ lực khác nhau giữa thiền gia và phàm ngu. Ngay với thiền gia, tùy năng lực tu hành mà cái thấy đã không như nhau, huống là phàm phu, thấy thứ gì cũng thật. Thiền gia thấy mọi thứ đều huyễn hóa. Do đây mà có thắc mắc, tranh cãi v.v...
Hỏi: Nếu mọi thứ là như huyễn thì cần gì tu?
Đáp: Thấy như huyễn là cái thấy của bậc đã sống được với tâm chân thật. Phàm phu chưa được nên cần phải tu, dùng huyễn pháp mà tu để nhận ra sự huyễn hóa này.
Kệ 6 đến kệ 8b xác định cái thấy thuộc tục đế chỉ là giả danh, do điên đảo mà thành. Phật nói các pháp vô thường, tuy cái thấy này đúng với những gì đang xảy ra ở thế gian, nhưng vẫn chỉ là lời dẫn đạo, vì thực chất các pháp vốn không, “Có đâu để diệt trong từng sát-na?”. Vì thế nói vô thường vẫn là phương tiện dẫn đạo thuộc tục đế, chưa phải là thắng nghĩa sâu xa. Tuy vậy cái thấy “chỉ bền sát-na” mà nhà thiền nói là như huyễn, so với cái thấy của người đời thì “tạm là chân thật”. Như Phật dạy quán thân này bất tịnh, tuy chưa phải là cái thấy rốt ráo, lại trái với cái nhìn của người đời, nhưng cái quán đó không sai, vì thế những gì ngược đời chưa chắc đã không chân.
Kệ 9a đến kệ 40 là nêu các thắc mắc phản biện kèm với câu trả lời.
Hỏi: Nếu nói các pháp như huyễn thì cúng dường công đức thế nào?
Đáp: Phật thật thì đức thật. Phật huyễn thì đức huyễn.
Hỏi: Chúng sinh nếu huyễn khi chết đi tái sinh ra sao?
Đáp: Huyễn duyên còn tụ thì huyễn hình còn sinh. Như trò ảo thuật, còn duyên thì còn sinh, nhưng không vì yếu tố thời gian dài lâu mà thành thật chân. Chúng sinh huyễn thì sát sinh huyễn, bố thí huyễn, sinh tội huyễn và công đức huyễn. Đó là nhân duyên xuất hiện vạn pháp như hiện này. “Chú thuật không thể sinh tâm huyễn/ Tâm không từ huyễn thuật sinh ra/ Nhân duyên đủ thứ hợp hòa/ Phát sinh các dạng vật và chúng sinh”.
Hỏi: “Nếu cho vạn pháp chân như/ Chỉ trên tục đế bày ra luân hồi/ Phật còn có thể luân hồi/ Thì Bồ-tát hạnh còn ai tu hành?”.
Đáp: Chúng hữu tình thì theo nguyên tắc huyễn duyên còn thì huyễn hình không diệt. Phật thì duyên sinh tử đã chấm dứt, nên dù ở mặt tục đế vẫn không sinh.
Hỏi: Nếu vọng thức không thành thì dùng gì duyên với cảnh tình huyễn hư?
Đáp: Cảnh đã huyễn thì có cảnh gì để duyên?
Hỏi: Huyễn nhưng do thức biến ra, thức này nhìn lại cảnh mình biến ra.
Đáp: Nếu cảnh là tâm thì tâm không thể thấy tâm. Phật dạy như vậy. Như gươm không thể tự chém mình.
Hỏi: Nó như ngọn đèn, tự chiếu sáng mình và chiếu sáng vật ngoài.
Đáp: Ánh sáng đèn không thể tự chiếu cũng chẳng chiếu vật khác. Vì nếu không có tối thì không gọi là chiếu sáng2.
Hỏi: Như gương xanh, khi soi vật thì vật xanh hiện hình, nhưng ngọc lưu ly thì không, không nương vật mà có. Cũng vậy, thức có hai loại: có và không nương các vật ngoài.
Đáp: Ví dụ đó không đúng. Vì lưu ly vốn tự xanh, không do duyên mà thành. “Chính vì có thức liễu tri/ Nên hay biết được đèn thời chiếu soi”. Nhưng nói thức tự soi chính nó thì không có căn cứ vì trong thắng nghĩa, tự và tha đều không3. Không có việc tâm tự ngắm tâm. Nên dù tự chiếu hay không, đều bất thành. Như nói con của gái vô sinh đẹp hay xấu đều vô nghĩa.
Hỏi: Nếu không có tự chứng phần, làm sao nhớ được những tâm qua rồi?
Đáp: Do tương quan với cảnh ngoài mà nhớ lại. Như gấu ngủ đông, tỉnh giấc thấy thân đau nhức, nhìn vết thương thì suy biết bị chuột cắn.
Hỏi: Như người biết được tâm người thì cũng biết được tâm mình.
Đáp: Điều đó không chắc vì như người được bùa linh có thể thấy mọi thứ mà không thể thấy mắt mình.
Hỏi: Nếu tự và tha đã không thể lập thì kiến, văn, giác, tri đều không?
Đáp: Mọi thấy biết đều không nên chấp thực, vì đó là nhân duyên của khổ sầu.
Hỏi: Huyễn duyên không ngoài tâm mà cũng không là một với dòng tâm?
Đáp: Không có pháp gì có thể không ngoài tâm mà cũng không là một với dòng tâm. Theo Duy thức, cảnh ngoài không thực. Theo Trung quán, tâm thức huyễn hư.
Hỏi: Luân hồi nương nơi thật tâm, nếu không tất cả đồng với hư vô?
Đáp: Nếu sinh tử nương nơi thật pháp thì tâm thành đơn độc không tác dụng, vì không có pháp ngoài trợ duyên. Lại, nếu tâm lìa cảnh mà tồn tại thì chúng sinh đồng với Phật. Lập ra tông Duy Thức không chút lợi ích.
Hỏi: Dù biết vạn pháp như huyễn nhưng làm sao dứt được sân si, như phù thủy tạo mỹ nhân lại sinh say đắm mỹ nhân?
Đáp: Đó là do quen nhận giả làm chân, quen với tham sân, không có ý thức trừ diệt tham sân. Giờ cần tạo thói quen tu tập tánh không. Quán các pháp không thật, bản thân pháp không tánh, cho đến khi thấy các pháp đều không. Sau đó trừ luôn cái chấp không đó thì không còn bận tâm đến không và có. Khi không và có không còn khởi thì tâm vắng lặng, không còn duyên với pháp xa gần, chứng cảnh giới tịch nhiên. Lúc đó vô tâm thỏa ước, thân Phật hiện ở nhân gian, chỉ do Bồ-tát nguyện mà có tâm cùng với hữu tình. Cũng do nguyện lực mà “Nên dù Phật đã tịch viên/ Vẫn còn lợi lạc vô biên hữu tình”. Như tháp linh Kim sí điểu vẫn còn năng lực chữa lành vết thương, là “Nhờ linh chú Bà-la-môn/ Gia trì lên đấy thuở còn xa xưa”.
Hỏi: Cúng dường tháp Phật vô tình thì được thành quả gì?
Đáp: Phật dù nhập diệt hay chưa nhập diệt, công đức cúng dường đều như nhau. Trên mặt tục đế hay thắng nghĩa đế, quả cúng dường ấy thể của nó là như. Phật thật thì quả thật. Phật không thật thì quả huyễn hư.
Hỏi: Cần chi phải thấy tánh không, chỉ cần kiến đế là thoát vòng trầm luân.
Đáp: Kinh Bát-nhã dạy muốn chứng Bồ-đề phải có tuệ không. Đại thừa nếu không do Phật thuyết thì có gì chắc Tiểu thừa là chánh tông?
Kệ 41 đến kệ 56 là phần tranh luận về Đại thừa và Tiểu thừa.
Ngoài những tranh luận cho thấy sự phi lý hay hợp lý khi chấp nhận Tiểu thừa mà không chấp nhận Đại thừa (là của Phật thuyết), còn nêu bày cho thấy quả vị A-la-hán chưa sạch tập khí. Mọi tranh cãi xuất hiện là do không chứng nhập được phần tánh không mà kinh Bát-nhã nói. Dù là Đại A-la-hán, nếu không chứng nhập được phần tánh không này, tâm còn duyên với pháp thì khó mà an trú được Niết-bàn rốt ráo.
Hỏi: Chỉ cần quán vô thường là đủ thoát vòng trần ai.
Đáp: Không chứng nhập được tánh không, tức công năng nghiệp cũ4 vẫn còn, thì khó mà không khổ.
Hỏi: A-la-hán không còn ái thủ, nên không còn thọ thân sau để nói khổ.
Đáp: Khi vô minh còn thì dù không còn nhiễm ô vẫn chưa hết khổ5. A-la-hán chỉ mới đoạn được phần ái hiện hành, phần ái vi tế (khát ái vô nhiễm) chưa hết, tức tâm vẫn còn chấp thật. Phần nào còn chấp thật, phần đó còn khổ. Nếu không có phần không quán này thì phiền não dù đã lắng, cũng lại sinh, như kẻ tu Vô tưởng định. Vì thế phải làm sao chứng nhập cho được phần tánh không của vạn pháp. Khi đã có không quán, thì trong chốn luân hồi sinh tử, không còn tham vui sợ khổ, lòng từ trải khắp, độ người thoát mê. Cho nên, không vì việc chưa thông nghĩa lý mà bác bỏ tánh không. Nên như lý tu không, dứt trừ nghi hoặc, thoát vòng trầm luân. Chứng nhập tánh không giúp trừ hai chướng phiền não và sở tri. Vậy muốn chóng được Phật quả, sao không chịu tu cái không ấy?
Hỏi: Quán tánh không khiến người ta sợ hãi.
Đáp: Do chấp thật mới sinh sợ hãi. Sợ hãi vì còn chấp có thật ngã. Quán không sẽ khiến vô minh phiền não lắng dịu. Thật chẳng có ngã để sợ.
Kệ 57 đến kệ 59 luận để phá cái chấp cho sắc thân là ngã.
Kệ 60 đến kệ 69 luận để phá cái chấp cho thức tâm là ngã.
“Thức tâm sáu loại đều là huyễn hư”6. Phần phá chấp, dùng nhĩ thức làm ví dụ.
Kệ 70 đến kệ 74 luận về ngã với nhân quả.
Hỏi: Nếu nghiệp tạo ra sinh rồi diệt, không có ngã trong đó, thì luật nhân quả nương đâu vận hành? Ai chịu quả do nghiệp gây ra?
Đáp: Người tạo nghiệp đời này và người nhận quả trong tương lai không đồng7.
Hỏi: Nhưng với nhân quả trong hiện đời, cùng một căn thân thì sao?
Đáp: Nhân không thể đồng với quả. Như có cha rồi mới có con. Có nhân rồi sau đủ duyên mới có quả8.
Hỏi: Phật dạy trong kinh ai làm nấy chịu. Không thể bỏ qua việc này.
Đáp: Muốn ngăn kẻ ác tà nên Phât dạy như thế, để hiểu trong dòng tương tục, nhân quả không lìa nhau. Nhưng trong thắng nghĩa đế, tâm vị lai và quá khứ đều không, nên không có ngã trường tồn. Như cây chuối, lột ra từng bẹ thì không thấy gì nữa.
Kệ 75 đến kệ 77 luận nếu hữu tình không hiện hữu thì khởi bi tâm để cứu ai?
Đáp: Do si mê mà phải bày ra việc giả độ, chóng chứng Bồ-đề.
Hỏi: Ai chứng Bồ-đề?
Đáp: Do si tâm mà bày ra như vậy. Do trừ thống khổ mà bày ra huyễn tu và huyễn quả. Cuối cùng khuyên người “Chỉ nên bỏ mê lầm về ngã.../ Cách trừ ngã chấp tuyệt luân/ Hãy quán vô ngã triệt dần khổ đau”.
Kệ 78a đến kệ 87 luận phá sắc thân, trừ tham ái.
Kệ 88 đến kệ 92 luận phá thọ ấm.
Kệ 93 đến 101 luận về xúc để phá cái chấp cho căn và trần là thật.
“Nếu căn trần thức sum vầy/ Phát sinh nhận biết thể này không chân”. Từ đó liên hệ đến thọ và ái. “Tìm tông tích không người cảm thọ.../ Khi đà thấy được đến nơi/ Quả kia là ái diệt ngay tức thì”.
Kệ 102 đến kệ 105b luận phá cái chấp cho các thức là thật.
Từ đó kết luận “Vậy nên không thể cho rằng/ Sự sinh các pháp thật chân chút nào”.
Kệ 106a đến kệ 110, là phần tranh luận về tục và chân đế.
Hỏi: Nếu các pháp không thì tục đế không, sao lập hai đế? Nếu vì người mê mà lập hai đế thì làm thế nào để họ từ đau khổ được an vui? Dù có người đã được kinh nghiệm an vui của Niết-bàn, nhưng với người còn trong vòng sinh diệt tương đối vẫn không khỏi nghi nan.
Đáp: Vô sinh là có. Vì không liễu đạt mà thành ngoa ngôn. Nhưng không vì đó mà Niết-bàn thành hư vô. Sự phân biệt có là do chưa liễu thoát. Khi ngộ được vạn pháp không chân thì đó là Niết-bàn. Lúc ấy không còn kiến lập tục đế, chân đế.
Hỏi: Tâm tương quan với cảnh, nếu cảnh không thật, tâm quán sát truy cầu có thật?
Đáp: Với chân đế, tâm đó không thật. Khi tánh không được chứng nhập, “không cần tâm nữa xét tra tâm này”. Cảnh một khi hiện rõ bản chất không thật thì tâm tự không sinh, đó “Chính là tự tánh Niết-bàn an vui”.
Kệ 111 đến kệ 115, luận để phá cái chấp cho tâm và cảnh đều thật.
Kệ 116 đến kệ 153, tranh luận về sự sinh của vạn pháp.
Phá cái chấp cho vạn pháp vô nhân sinh, do trời Tự Tại sinh, do ba tính đức sinh. Vạn pháp vốn không từ đâu đến cũng không diệt đi đâu. Chỉ do mê chấp mà thấy các thứ huyễn hư thành chân thật. Trong lý tánh xưa nay không vật, chẳng được, chẳng mất, chẳng kính, chẳng khinh v.v...
Kệ 154 đến kệ 165, nêu bày hiện trạng người đời đang vướng.
Do không nhận ra tánh không của vạn pháp, chấp thật mọi thứ rồi quy ngã mà vướng vào luân hồi khổ não. Cũng chẳng ý thức được những khổ đau đó mà tìm cách vượt thoát.
Kệ 166 và kệ 167 là hai bài kệ tự hỏi bao giờ mình mới có thể dùng công đức của bản thân giúp dập tắt những khổ não cho chúng sinh, bao giờ mới có thể vận dụng tâm rỗng rang để khai thị cho chúng sinh ngộ được tánh không, phá bỏ chấp hữu.
Hồi hướng
Phần này gồm 58 bài kệ. Mỗi bài kệ có 4 câu.
Từ công đức tạo luận, Bồ-tát Tịch Thiên đã phát nguyện:
Kệ 1 là “Nguyện cho tất cả chúng sinh/ Noi gương Bồ-tát dấn mình lợi tha”.
Kệ 2 là nguyện mọi người được an vui, không còn sầu muộn, không còn bệnh khổ rên la.
Kệ 3 là nguyện mọi người được thảnh thơi, an nhiên như Bồ-tát.
Kệ 4 đến kệ 15 là nguyện chúng sinh ở địa ngục hết khổ.
Cảnh giới địa ngục biến thành cảnh giới Hoa nghiêm cực lạc. Chúng sinh cõi ấy vui theo hạnh Bồ-tát, thấy được thần Kim Cang, Đức Văn Thù để xa lìa mọi khổ đau.
Kệ 16 và kệ 17 là nguyện cho bàng sinh và ngạ quỷ hết khổ.
Bàng sinh thì thoát được nỗi kinh hoàng của mạnh yếu, không còn nồi da xáo thịt. Ngạ quỷ thì được vui ca thái bình.
Kệ 18 đến kệ 25 là nguyện cho nhân sinh hết khổ.
Nguyện nhân sinh thoát khổ hiện tại, được mọi điều như ý. Nguyện mọi người thực hiện hạnh vi tha.
Kệ 26 là nguyện cho chư thiên và thiện thần luôn quan tâm đến kẻ bị ách nạn, cô đơn, yếu, già, ngu si, tuyệt đường sinh nhai v.v…
Kệ 27 và kệ 28 là nguyện cho người người thoát được bát nạn, được kho vô tận, không tham, không sân, đầy đủ tín, trí, bi và thường nhớ được quá khứ.
Kệ 29 đến kệ 31 là nguyện cho người đời, dù thân tướng thế nào vẫn giữ được đạo đức uy nghi, tránh ác hành thiện, thân gái chuyển thành thân nam.
Kệ 32 là nguyện cho chúng sinh được chư Phật hộ trì, lìa nghiệp ma, hành Bồ-tát đạo không mệt mỏi.
Kệ 33 đến kệ 41 là nguyện hữu tình đạt được quả phúc tối thượng, nơi nơi tạo phúc, cúng dường, nghe pháp, pháp âm vang khắp.
Kệ 42 đến kệ 46 là nguyện riêng cho giới xuất gia.
Lời kinh tiếng kệ vang xa, Tăng chúng hợp hòa, giới luật thường nghiêm, kẻ phạm giới biết hối cải, được người tôn kính cúng dường, đạo tâm sáng rỡ. Tỳ-kheo đoạn trừ được tâm tán loạn tham ưu. Ni chúng thì hết cạnh tranh, tu hành tinh tấn.
Kệ 47 đến kệ 50 là nguyện chung cho cả hai hạng xuất gia và tại gia xa lìa ác đạo, được phúc báu và sự hộ trì của chư Phật, chóng thành quả giác.
Kệ 51 đến kệ 56 là lời nguyện cho riêng bản thân Bồ-tát Tịch Thiên.
- Với tự lợi thì đời đời xuất gia tu hành, nhớ được quá khứ, khi cần hỏi pháp, Bồ-tát Văn Thù liền xuất hiện, ăn uống đạm bạc, vui thiền tịch duyệt chốn rừng sâu.
- Với lợi tha thì mong lợi ích cho hằng sa chúng, “Trí bi vô tận, độ đời vô biên”, nơi nào còn chúng sinh thời ngài còn đến đó độ họ thoát khỏi trầm luân, cũng xin lãnh hết mọi khổ nạn cho chúng sinh, nguyện được như công hạnh của Văn Thù.
Kệ 57 là nguyện Tam bảo trường tồn thế gian, mang an vui đến mọi người.
Kệ 58 là lời kính lễ đối với Bồ-tát Văn Thù, người đã giúp ngài khai phát thiện tâm. Ngài cũng kính lễ hàng Bồ-tát đã khiến giới-định-tuệ của ngài được tăng trưởng.
Kết luận
Nhập Bồ-tát hạnh là tập luận nói về hạnh của Bồ-tát. Phát tâm Bồ-đề, thọ giới Bồ-tát rồi, dần dà đều phải trang bị cho mình những đức hạnh mà Bồ-tát phải có, gọi là nhập Bồ-tát hạnh. Luận nói rõ về hạnh của Bồ-tát, từng chi tiết kỹ càng, kèm với những giải thích giúp người từ bỏ những suy nghĩ không tương ưng với hạnh của Bồ-tát. Những chi tiết ấy được lồng trong các tiêu đề lớn như Trí tuệ, Hồi hướng v.v... giúp hành giả tu Phật nhận định vấn đề một cách tổng quát rõ ràng trước khi vào phần chi tiết.
Thọ giới Bồ-tát nghĩa là ta đã chấp nhận việc phát tâm Bồ-đề, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Nói đến giác thì không thể thiếu định tuệ. Muốn có định tuệ thì giới phải giữ, cũng không thể thiếu sám hối tội nghiệp, tinh tấn, nhẫn nhục v.v... những thứ giúp một vị Bồ-tát vượt thoát ách nghiệp chúng sinh từng gây tạo trong quá khứ, thành tựu tự lợi và lợi tha trong tương lai. Cho nên, đã thọ giới Bồ-tát thì nên xác định rõ về giới mình đã thọ, xác định rõ về những gì cần thực hiện tương ưng với danh nghĩa mình đang có. Tùy phần tùy lực mà làm để có công đức hồi hướng cho những gì chưa thực hiện được trong tương lai. Không phải thọ Bồ-tát rồi thì giới luật buông lung, định tuệ không màng, chỉ phát huy thêm đời sống thế tục, như thực trạng hiện nay đang xảy ra trong giới cư sĩ. Thọ cho vui, cho có danh xưng với đời.
Chân Hiền Tâm
_______
(1) Bản văn xuôi.
(2) Dùng nhân duyên để phá chữ “tự chiếu” của ngọn đèn. Đây là phần luận phá tướng sanh trong phẩm Phá tam tướng của luận Trung quán.
(3) Khi đã nói đến “tự” tức nói ở mặt chân đế thì chân đế “không”, không tự cũng không tha.
(4) Chỉ cho chủng tử tập khí.
(5) Muốn chỉ đến cái khổ của Biến dịch tử.
(6) Câu cuối kệ 59.
(7) Ý là kẻ thọ quả xuất hiện thì người tạo nghiệp đã mất. Điều này chứng minh không có ngã. Vì ngã thì trường tồn bất biến.
(8) Ý nói mọi thứ đều hình thành theo duyên. Có nhân, đủ duyên thành tựu quả, nhân và quả không phải một, tức không có ngã gieo nhân và gặt quả.