GNO - Thử nghĩ rằng khi bạn đã hoạch định mọi thứ, những khoảnh khắc bạn muốn trải qua và những điều thành tựu trong kế hoạch,… bỗng không thể tiến hành được, khi bác sĩ thông báo: “Bạn đã mắc ung thư”.
Ung thư là căn bệnh có thể làm thay đổi mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta. Ngoài những thay đổi về sức khỏe, hình dáng bên ngoài, bệnh nhân ung thư còn phải đối diện nhiều bất ổn tinh thần khác.
Bệnh nhân ung thư nói riêng và người bệnh không chỉ cần điều trị y khoa
mà hơn hết, chăm sóc tinh thần cũng góp phần tích cực vào việc khỏi bệnh - Ảnh minh họa
Khi bị phát hiện ung thư, nhiều người trở nên bất ổn tâm lý. Hầu hết bệnh nhân đều phát triển các biểu hiện của lo lắng, khủng hoảng tinh thần trong hoặc sau khi điều trị.
Dù sự xuất hiện của các bất ổn này là điều bình thường nhưng chúng ta cần nhận biết được các bất ổn tâm lý có thể phát sinh để giúp đỡ cho người thân khi không may mắc phải ung thư.
1 - Lo lắng và bất an
Ung thư có thể làm cho người mắc bệnh lo lắng trong suốt thời gian điều trị và cả sau đó nữa. Các suy nghĩ và câu hỏi thường được đặt ra là: Việc chẩn đoán này liệu đã chính xác chưa?; Chuyện gì sẽ xảy ra nếu quyết định điều trị sai lầm?; Chuyện gì xảy ra nếu lần tầm soát sau cho thấy bệnh đang tăng triển?,...
Có những thắc mắc hay bất an này là điều thường thấy nhưng những lo lắng này có thể bắt đầu làm suy giảm khả năng sống một cách trọn vẹn nên chính lúc này là lúc cần đến sự giúp đỡ.
Một chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể giúp đỡ bạn xác định những gì bạn đang đối diện và làm cách nào có thể kiểm soát nó. Họ có thể khuyến nghị các thuốc chống lo lắng như Ativan hay Xanax.
2 - Khủng hoảng tinh thần
Khủng hoảng tinh thần tác động đến 15-25% bệnh nhân ung thư, theo Viện Ung thư Hoa Kỳ. Cả bệnh nhân và người nhà đều có thể bị khủng hoảng vì phát hiện bệnh, lo lắng về tương lai, sự thay đổi về nhân dạng hay tác dụng phụ khác của các trị liệu.
Điều quan trọng cần lưu ý, khủng hoảng tinh thần không giống như cảm giác buồn bã. Sự khủng hoảng đặc trưng bởi sự dao động liên tục của trạng thái tinh thần, mệt mỏi, cảm giác trống rỗng, cảm giác bản thân vô dụng kéo dài. Điều này có thể cần can thiệp bằng thuốc.
Nếu ai đó hay người thân của chúng ta đang bị khủng hoảng tinh thần thì cần giúp đỡ họ. Nhiều chuyên gia y khoa có thể giúp khắc phục tình trạng này bằng cách tư vấn, các liệu pháp hoặc dùng thuốc.
Tham gia vào nhóm những người cùng mắc bệnh có thể sẽ giúp tạo ra nhiều sự thay đổi tích cực cho người bệnh. Theo nghiên cứu, sự tham gia này có thể giúp tỷ lệ sống sót cao hơn và làm cho chất lượng cuộc sống của người bệnh tốt hơn.
3 - Cảm thấy đau khổ
Bệnh nhân có thể cảm thấy khổ đau cùng cực nhiều lần trong thời gian điều trị hoặc sau khi điều trị ung thư. Sự đau khổ này là sự tổng hợp các cảm xúc khi chúng ta đang sống trong sự lo trước cái chết, mất mát và chúng ta đau khổ vì nó. Ngoài ra, bất ổn tinh thần này đặc biệt có liên quan đến bất kỳ ai đang tiếp nhận điều trị bằng thuốc và ở những người thân đang chăm sóc cho người đó.
Sống trong sự “chờ đợi” cái chết đến hay mất mát (lo trước cho cái chết và mất mát sắp diễn ra) có thể làm cho chúng ta trải qua cùng những cảm xúc xuất hiện như sau khi mất mát đã xảy ra như bị sốc, chối bỏ thực tế, cảm giác bản thân vô dụng, đau khổ, giận dữ, các cơn đau thể chất.
Đức Hòa
(theo Huffington Post)