Những ngày qua, bệnh sởi xuất hiện nhiều. Với trẻ em vùng sâu, xa cơ sở y tế, thì có thể dùng một số bài thuốc đông y.
Diếp cá, củ sả... thường được dùng trong phương thuốc trị sởi - Ảnh: Khánh Vy - Hạ Huy |
Nhận dạng bệnh
Sởi là bệnh truyền nhiễm, gây dịch, lây qua đường hô hấp, do vi rút gây nên. Trước đây, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, nhưng nay bệnh có thể xảy ra ở người lớn. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như tiêu chảy, viêm phổi, viêm giác mạc, thậm chí viêm não dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh có 2 thể. Thể điển hình có giai đoạn ủ bệnh từ 10 - 14 ngày; khởi phát từ 2 - 4 ngày. Bệnh nhân sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp. Giai đoạn toàn phát kéo dài 2 - 5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3 - 4 ngày bệnh nhân bắt đầu phát ban, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mắt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất.
Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần. Sau đó ban nhạt dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1 - 2 tuần sau khi hết ban.
Thể không điển hình biểu hiện lâm sàng có thể sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ và phát ban ít. Thể này dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh mà không biết. Bệnh nhân cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo.
Bài thuốc
Khi phát hiện sởi, nên cách ly trẻ bị bệnh với trẻ lành để tránh lây lan thành dịch và đưa sớm trẻ đến cơ sở y tế, để chẩn đoán chính xác và điều trị. Với trẻ ở vùng xa, vùng sâu, xa cơ sở y tế, để chủ động phòng trừ bệnh sởi, có thể dùng các bài thuốc đông y trong thời kỳ đầu nhằm xuất tiết nọc sởi ra ngoài.
- Dùng diếp cá tươi 30 gr, mùi tàu 20 gr, riềng 6 gr đem nấu lấy nước uống trong ngày.
- Lá diếp cá 16 gr, rau rệu 16 gr, cam thảo đất 12 gr, đậu cọc rào 2 gr. Cho tất cả vào 500 ml nước sắc còn 150 ml, dùng hết trong ngày, chia làm nhiều lần, cách 3 giờ uống 1 lần.
- Dùng lá nọc sởi (còn gọi là lá ban, cỏ cóc) 40 gr đem nấu (sắc) dạng đặc, lấy nước dùng trong ngày, chia 2 lần dùng.
- Sài đất tươi 100 gr, kim ngân dây 20 gr, bạc hà 6 gr, đem nấu chung để uống trong ngày.
Nếu dùng các bài thuốc trên mà không thấy sởi mọc, có thể dùng thêm hạt mùi (hạt ngò) 5 gr giã nhỏ, cho rượu vào trộn và xoa toàn thân để thúc sởi mọc, nhằm xuất tiến nọc độc ra ngoài.
Khi sởi bay, lúc này cơ thể thường suy nhược, nên dùng phương thức sau: sa sâm 12 gr, dây cam thảo 8 gr, mạch môn 6 gr, lá đậu non (đậu xanh, hay đậu phộng) 12 gr, củ mài sao vàng 6 gr, củ sả 6 gr, đậu đỏ sao vàng 12 gr. Đem nấu uống ngày 1 thang. Uống liên tục 5 - 7 ngày cho cơ thể phục hồi thì ngừng.
Khi trẻ bị bệnh, cần tăng cường dinh dưỡng đầy đủ để phòng suy dinh dưỡng (vì bệnh này thường gây suy dinh dưỡng); tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân. Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi cần được cách ly, cho nghỉ học, không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng. Chú ý, đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có sốt phát ban và kèm theo ho.
Lương y Vũ Quốc Trung
(Thanh Niên)