Ăn rau muống đúng cách như thế nào?

Rau muống giàu dinh dưỡng nhưng thường trồng ở ao hồ nên dễ nhiễm ký sinh trùng, phân, thuốc kích thích... cần rửa sạch, ăn chín.

Trong Đông y, rau muống vị ngọt nhạt, tính mát, tác dụng giải độc, thông đại tiểu tiện, chữa táo bón, tiểu rắt. Thành phần trong rau muống gồm 90% nước, còn lại là chất xơ, protein, vitamin C, vitamin E, chất béo, khoáng chất như sắt, kẽm, magie...

raumuong.jpg


Rau muống xào - Ảnh minh họa

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia, cho biết rau muống giàu dinh dưỡng nhưng khi ăn cần lưu ý đến khâu lựa chọn, chế biến và bảo quản. 

Theo phó giáo sư, rau muống trồng nơi ao hồ nên thường nhiễm nhiều loại ký sinh trùng. Nếu rửa rau chưa sạch hoặc chế biến chưa kỹ có thể gây ngộ độc mạn tính cho người ăn, suy giảm miễn dịch, thậm chí ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Nên rửa sạch từng ngọn rau, ngâm nước muối loãng. Tốt nhất là rửa sạch rau, để ráo nước rồi cho vào túi bảo quản trong tủ lạnh, lượng thuốc tồn dư trong rau nếu có sẽ bị phân hủy bớt. Hạn chế ăn rau muống trái mùa do dễ bị người trồng sử dụng các loại thuốc kích thích như thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng để thu hoạch rau không đúng hạn nhằm kiếm lời.

Khi chế biến cần nấu nước thật sôi mới cho rau vào. Điều chỉnh nhiệt độ sôi phù hợp không quá to hoặc quá nhỏ để rau chín đều và bảo toàn chất dinh dưỡng. Nên ăn ngay sau chế biến.

Ăn rau muống tươi sống chưa qua chế biến dễ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh đường ruột do ký sinh trùng. Sán lá gan có thể theo rau xâm nhập vào cơ thể, bám vào ruột, chui qua thành ruột vào máu, gây đầy bụng, khó tiêu, dị ứng.  

Cách chọn rau muống an toàn

Rau trồng ở các nơi có nguồn nước bẩn hay nhiều chất hữu cơ như kênh rạch, nguồn nước thải từ nhà máy... thường có màu xanh đậm, cọng rau và lá to bất thường, rau tươi bẻ rất giòn...

Nên chọn rau muống có độ tốt vừa phải, thân nhỏ, lá nhỏ, màu xanh bình thường. Ngâm rau trong nước muối loãng, rửa nhiều nước và trữ trong tủ lạnh vài ngày để phân hủy bớt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nếu có.

Hạn chế ăn rau muống nếu bạn bị gout, viêm nhiễm đường tiết niệu do sỏi thận, huyết áp cao. Người đang có vết thương mềm ngoài da, ăn rau muống dễ để lại sẹo lồi. Người đang điều trị nội khoa, ngoại khoa hoặc bị đau xương khớp, viêm, đau nhức, cũng không nên ăn.

  Thùy An
(VnExpress)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.