Dù cho nơi đây có trang hoàng lộng lẫy bao nhiêu, cảnh trí có nuông chiều quyến rũ đến mấy, những hàng thông dù cao vút đến tận chân trời hay lê thê như những chiếc lọng vàng, xanh trưng bày trong vườn thượng uyển, cũng không thể che giấu được những gì rờn rợn khi nghĩ về An Dưỡng Địa.
Đến nỗi những tu sĩ nào đó khi được hỏi đến An Dưỡng Địa, mở lớp học tại An Dưỡng Địa đã nhao nhao phản đối, mặc dù Ban Giám đốc đã tận tình lo lắng và xây cất phòng ốc đâu vào đấy. Trong không khí sôi sục âm ỉ cháy ấy, những câu thơ phản đối cũng được tung ra để làm hậu thuẫn: “An Dưỡng mồ chôn tuổi trẻ” (trích). Vâng! Ai không khiếp, không kinh hãi được một khu đất rộng mênh mông chen giữa cánh đồng bao la bát ngát, không một tiếng chim kêu, không một bóng người khi không phải giờ thăm mộ. Ai bất hạnh có thân quyến gởi xác nơi đây, chỉ đến viếng phần mộ ít phút thôi mà toàn thân dường như ớn lạnh, mặc dù không giá rét. Vài tiếng kêu thanh thoát của côn trùng cũng làm cho khách giựt mình mà liên tưởng như kẻ khuất bóng vùng dậy hàn huyên. Thế mà bảo đến đây cùng ở, cùng học làm sao không phản đối.
Tuy nhiên vạn pháp không cố định, vạn hữu vũ trụ là vô thường, là biến dịch. Từ những cảnh hãi hùng kinh sợ, hoang lạnh đìu hiu; đột nhiên bị phai mờ và nhận chìm dưới một tấm bảng to tướng “Trường Trung đẳng Phật học chuyên khoa”. Chỉ có một danh hiệu phủ lên một danh hiệu đã làm cho khung cảnh thay đổi toàn diện: những khách thăm mộ vui lòng nhường bước cho khách thập phương tín cúng, những Phật tử thuần thành thiết tha vì Đạo pháp.
Tên An Dưỡng cũng dần dần lui gót, nép mình sau người bạn mới “Phật học đường”. Thế rồi trên 40 Tăng sinh bắt đầu tu tập chiếm lãnh trọn vẹn, đánh tan mùi uế khí, mang về nơi đây một sắc thái mới. Du khách đến An Dưỡng Địa không còn ngập ngừng... mà tưởng chừng như lạc vào thiên giới.
Con đường đất đỏ thẳng tắp nối liền từ đường Lục Tỉnh, mới ngày nào không ai để ý đến, nói cách khác đã bị người quên lãng, hôm nay cũng vươn mình lên góp phần tô điểm cho khung cảnh mới, người bạn mới. Đôi hàng thông diệu vợi uốn vào, mơn trớn, những chậu hoa, giàn hoa được dựng lên, song song với những đám cỏ non óng mượt như chiều theo lòng người mà khoe khoang phô sắc, bên trong mùi hương xông lên ngào ngạt, hòa lẫn trong tiếng chuông ngân, điệu tiếng cầu kinh khoan nhặt, như thúc giục, réo gọi kẻ phàm tục sớm thức tỉnh, quên đi những ảo ảnh cuồng mê.
Đâu ai còn nói đất An Dưỡng khô khan cằn cỗi, bãi tha ma cướp xác, An Dưỡng Địa mồ chôn tuổi trẻ, hãy về đây cùng nhìn, cùng dựng lại mùa hoa. Mùa hoa tươi đẹp ngàn đời không phai sắc.
Từ một ngôi chùa hiu quạnh, một địa danh rùng rợn, từng bước thay vào đó những cái mới, hoàn toàn mới... |
Chuyển mình như sóng nước, tuần tự tiến và tiến mãi đã trở về biển cả đại đồng. Mới đó, từ một cái tên khô chết, rờn rợn ấy, chuyển qua một tên mới thanh tao, nhẹ nhàng “Trường Trung đẳng Phật học chuyên khoa”, đem lại nguồn vui, sưởi ấm cho những ai khao khát đạo hạnh. Chớp mắt lại một lần nữa cũng đã tàn phai nép mình sau một danh hiệu hùng vĩ hơn “Phật học viện” đúng như kinh Kim cang đã nói: “Quá khứ không thể được, hiện tại mới vừa nghĩ đã qua, vị lai lại không thực, lấy đâu mà đạt định cho quá khứ, hiện tại, vị lai”.
Thời gian không thể đứng yên, bánh xe pháp không thể dừng lại, dừng lại là chết, dừng lại là lỗi thời, phải cung ứng kịp thời với ước vọng của chân - thiện - mỹ.
Nắng mới, chói chang rung cảm lạ. Mọi vật đều theo chiều hướng mà thay đổi. Từ một ngôi chùa hiu quạnh, vài dãy nhà tole trơ trọi, vài nhà lá lè tè ẩm thấp như nép mình e thẹn, sượng sùng, khung cảnh ấy không còn nữa (không còn nữa không có nghĩa là mất đi những cái cũ, để thay vào đó những cái mới, hoàn toàn mới), không còn nữa có nghĩa là những cảnh trí hiu quạnh được chen thêm vào, trang trí thêm nữa. Càng nhìn xa xa càng thấy cái duyên nên thơ của khung cảnh mới. Những mái tole sáng bóng nối dài thẳng tắp chen nhau bên mấy chiếc nhà lá dịu dàng uyển chuyển, nhìn vào không chán mắt dầu những buổi trưa hè nóng cháy. Hoa lá đua nhau nở như muốn thi thố với sức người, chim chóc tựu về hưởng thụ cuộc sống an lành, vì bên nó đã có một người hộ mạng, tha hồ mà reo vui ca hát.
180 Tăng sinh đã tạo nên khúc nhạc ấm cúng vọng lên từ âm thanh, tiếng nói, tiếng cười, bước chân đi in vào đất, tiếng rầm rĩ trong những buổi học đêm.
Phật đã nói căn cơ của chúng sanh không đồng nhưng mỗi mỗi đều có Phật tánh, Phật tánh vốn thường tịch và sáng suốt; phàm phu, Phật, Thánh đó: mê muội là phàm phu, khai ngộ là Phật, Thánh, khéo lau chùi gột rửa là Thánh, mê muội biếng nhác là phàm phu.
Phật học viện đã chứa đựng tất cả căn cơ, nên các lớp cũng không đồng. Từ Sơ Trung I, Sơ Trung II, Sơ Trung III, Cao Trung I, Cao Trung II, đều nói lên sắc thái ấy. Song, dù cho lớp nào, cấp nào tất cả cũng chỉ mang một niềm tin ở ngày mai đầy hy vọng và giải thoát. Ai cũng tin rằng:
“Đời thayđổi, đạo không hề thay đổi
Đời khổ đau, đạo vẫn an lành
Đời quay cuồng, đạo cả viên dung.
Đời chìmnổi, đạo không hề chuyển biến”.
Những ý nghĩ, niềm tin ấy thật không ngoa! Ngoài kia siêu thanh, phi đạn vun vút, hạch tâm nguyên tử thi nhau đe dọa, bom nổ rền trời, xác người chen nhau tuôn vào lòng đất lạnh, làm lay chuyển cả không gian, biến đổi cả thời gian, bào mòn cả năm tháng, nhưng Đạo cả vẫn viên dung, qua bao nhiêu thế kỷ lông lốc trôi lăn, phũ phàng vẫn không hề thay đổi. Vì thế 180 gương mặt chỉ thể hiện một màu, cùng mang một niềm vui không khác. Cùng một chí hướng thượng nên cảm thấy vui, một cái vui trầm lặng sâu kín, gói ghém trọn vẹn trong tinh thần tu sĩ.
Nhìn vào Tăng xá càng nung thêm lòng phấn khởi càng thấy sức cố gắng tận lực của Ban Giám đốc, mà quỳ gối đảnh lễ với tất cả lòng cung kính khâm phục - Bồ-tát hạnh vị tha hành là đâu. Phải chăng đây là một ảnh tượng.
Về đêm ánh đèn neon chiếu rọi tuy yếu ớt nhưng đã nói lên sức trưởng thành nhanh chóng, sự cố gắng tột đỉnh nơi đây. Chính ánh sáng yếu ớt ấy cũng đã nói lên sự huyền ảo kỳ diệu, một cái đẹp trầm lặng kín đáo đúng với danh nghĩa Phật học viện của những người tu sĩ, hằng ôm ấp. Thái tử Tất Đạt Đa ra đi thành đạo cũng cùng một ý nghĩa, nghĩa là cứ sau mỗi đêm đen trường tịch, lại xuất hiện lên một hình ảnh,… một hành động,… ánh sáng huyền ảo của màn đêm vừa lui dần.
Viết đến đây không phải riêng kẻ viết bài này mà hầu như tất cả Tăng sinh không khỏi nghiêng mình hồi tưởng lại những gì xa xa... và đặt nhiều dấu hỏi...?
An Dưỡng Địa lột xác, lột tất cả để đón nhận ánh sáng mới đầy ngào ngạt hương thơm. Là người Tăng sĩ đâu nỡ ngồi yên mà phải cùng chuyển, chuyển mạnh, chuyển từ hình thức đến nội tâm, nhưng không rời bản thể duy nhất, để cùng quay, cùng lăn và cùng tiến.
Thích Tâm Thanh
(Cố Hòa thượng Thích Tâm Thanh, khai sơn Vĩnh Minh tự viện - Đức Trọng, Lâm Đồng. Là học Tăng khóa đầu tiên tại Phật học viện Huệ Nghiêm. Bài viết này đăng trên Đặc san Hoa thiền - Xuân Bính Ngọ 1966 - Phật lịch 2510)