GNO - Ambedkar được biết đến như là một luật gia, nhà kinh tế, chính trị gia, nhà cải cách xã hội, và nhà hoạt động tôn giáo ở Ấn Độ và cũng là một Phật tử thực thụ. Điều này được thể hiện qua chính cuộc sống của ông.
Ðức Phật không bao giờ “dụ dỗ” người khác đến với Ngài bằng niềm tin mù quáng, mà ngược lại khuyến khích họ hãy tìm hiểu trước. Chắc ai cũng biết câu nói nổi tiếng của Ngài: Theo ta mà không tin là là phỉ báng ta. Tiến sĩ Ambedkarar đã đến với Phật giáo bằng con đường ấy. Ông tiếp cận Phật giáo bằng con đường của lý trí. Ông đã bỏ ra hơn 20 năm để học về tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, rồi cuối cùng ông mới quyết định chọn Phật giáo.
Người Phật tử trí thức Ambedkar
Sau lễ quy y, ông giải thích rằng sở dĩ ông quy y trễ như vậy là vì ông không tin vào hành động vội vã. Nhờ vậy mà việc chuyển đổi tôn giáo này đã làm cho ông sự hài lòng lớn và vui không thể tưởng tượng. Ambedkar học Phật nên đương nhiên không bao giờ bắt người khác phải tin mình, theo mình. Ông bảo những người cùng đi theo ông rằng, đừng có nhảy vào lửa chỉ vì ông bảo họ làm thế, mà phải suy nghĩ. Cũng thế, đừng có theo Phật giáo chỉ vì ông làm thế. Có như vậy thì họ mới có thể trở thành những Phật tử đúng nghĩa khi quy y.
Phật giáo không đặt nặng (hay nói đúng hơn là không chủ trương) cúng tế hay cầu nguyện, vì điều đó chỉ làm mất thời gian mà không đem lại kết quả gì.
Ambedkar cũng thế. Ông còn khuyên những người bên cạnh ông hãy bỏ việc thờ cúng và cầu khẩn Thượng đế. Ông chỉ ra rằng sự cứu rỗi không thể đạt được do cầu khẩn hay đi hành hương đến những nơi linh thiêng, mà phải dựa vào khả năng thật sự của họ.
Ông cũng không tin vào việc coi sao hạn, ngày tốt ngày xấu… mà chỉ tin vào sự nỗ lực của bản thân. Đức Phật dạy rằng: “hãy tự thấp đuốc lên mà đi, hãy dựa vào chính mình, đừng dựa vào ai khác, lấy Chánh pháp làm đuốc”.
Ambedkar cũng dạy những người của ông là “hãy cố gắng không ngừng, không có giá trị nào trên đời mà không phải do nỗ lực mà được”. Còn về cuộc sống cá nhân của ông thì rất là đơn giản như một tu sĩ Phật giáo. Ông là người sáng lập Hội giáo dục nhân dân (People's Education Society) và các trường Cao đẳng Na-lan-dà, Tất-đạt-đa; nhưng mỗi lần ông đến đây ông đều chỉ nghỉ ngơi trong nhà khách đơn giản của trường. Ông nói với nhân viên ở đó rằng ông rất hài lòng với điều kiện đơn giản như thế. Thay vì tiêu tiền một cách phung phí, hãy để dành giúp đỡ người nghèo khó.
Phẩm hạnh của Ambedkar quả thật là phẩm hạnh của một con người biết đạo. Còn rất nhiều ví dụ nữa cho thấy ông là một Phật tử thuần thành, ở đây không thể kể hết. Chính Ambedkar cũng đã nhiều lần nói rằng ông đã thích Phật giáo từ nhỏ và coi Đức Phật như một vị thầy vĩ đại của mình. Ông nói rằng triết lý sống của ông có thể tóm tắc trong ba chữ (Tự do, Bình đẳng và Ái hữu) - điều mà ông đã lấy cảm hứng từ những lời dạy của thầy ông là Đức Phật, rằng đức Phật là một trong những người mà ông cảm thấy mắc nợ nhất.[1]
Dhammachari Lokamitra, nhà Phật học, cũng là người tiếp nối Ambedkar sứ mạng phục hưng Phật giáo Ấn Độ, đánh giá rằng - mặc dù Ambedkar thường được thấy như là người theo chủ nghĩa duy lý, nhưng niềm tin của ông đối với Đức Phật thật là sâu sắc, nó được lớn dần lên từ lần đầu tiên thầy giáo Keluskar tặng ông quyển Cuộc đời của Đức Phật. Ông nói rằng ông hứng thú với tôn giáo hơn là chính trị.
Nói chuyện với thanh niên tại Đại hội thanh niên giai cấp cùng đinh, Ambedkar phàn nàn rằng ông cảm thấy rất đau lòng khi thấy thanh niên bây giờ thờ ơ với tôn giáo. Tôn giáo không phải là thuốc phiện như một số người đã nói. Ông nói những gì tốt đẹp nhất ông có được là nhờ vào tôn giáo. Ông khẳng định - ông cần tôn giáo, ông chỉ không thích đạo đức giả nhân danh tôn giáo mà thôi.
Bản thân ông mỗi ngày đều lạy Phật hai lần sáng và tối. Tình cảm của ông đối với Đức Phật và Phật giáo nói chung sâu sắc đến nỗi mà, khi ông tham dự Hội nghị Hội ái hữu Phật tử thế giới (World Fellowship of Buddhists) ở Myanmar vào năm 1956, trong lúc đọc diễn văn đến đoạn nói về sự suy tàn của Phật giáo ở Ấn Độ, ông đã xúc động đến nỗi không thể đọc tiếp được nữa. Sau đó ông tóm tắt vài ý chính rồi trở lại chỗ ngồi để… lau nước mắt.
Với tư cách là người lãnh đạo của giai cấp cùng đinh và là một Phật tử, Ambedkar rất muốn phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ, coi đó là nhiệm vụ thiêng liêng và tâm nguyện cả đời của ông.
Trong bài phát biểu của ông tại một ngôi chùa ở Bombay vào ngày 29-9-1950, ông nói rằng sẽ công hiến phần còn lại của mình cho sứ mạng phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ. Tháng Giêng năm sau, phát biểu với đại biểu của Hội Đại bồ đề (Maha Bodhi Society) và Hội phúc lợi giai cấp cùng đinh Delhi (Delhi Scheduled Castes Welfare Association), ông cũng nói rằng - đã quyết định phục hưng lại tôn giáo vĩ đại của Đức Phật và làm cho Phật giáo một lần nữa, vinh quang trở lại trên mảnh đất Ấn Độ.
Hầu như trong những lần có dịp nói chuyện với công chúng là Ambedkar đều nói lên nguyện vọng của ông về phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ. Và theo ông, Phật giáo hoàn toàn có thể được phục hưng và phát triển ở Ấn Độ.
Ông cho rằng Ấn Độ đã sẵn sàng đón nhận thông điệp của Đức Phật trở lại. Hơn nữa, Ấn Độ là nước duy nhất trên thế giới thích hợp nhất cho sự tồn tại và truyền bá đạo Phật. Đó là bởi vì, theo Ambedkar, Ấn Độ là quê hương của Phật giáo. Phật giáo đã từng một thời gian dài thịnh hành ở Ấn Độ. Tuy Phật giáo sau đó bị suy tàn, nhưng không ai có thể nói rằng đạo Phật đã chết tận gốc rễ. Chúng ta không phải thiết lập một tôn giáo mới mà chỉ là khôi phục lại tín ngưỡng sẵn có. Việc phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ có lợi thế là Đức Phật, Ngài trở lại đất nước mình mà không cần phải xin hộ chiếu hay Visa gì cả. [2]
Ambedkar cho rằng lúc này là thời gian tốt nhất để phục hưng Phật giáo. Những người Hindu cấp tiến cũng bất mãn với giáo lý bất bình đẳng của đạo Hindu và sẵn sàng theo Phật giáo. Những gì chúng ta cần bây giờ là ý chí và quyết tâm. Chỉ cần có ý chí và quyết tâm, thì việc phục hưng Phật giáo là không khó.
Nhận định của Ambedkar về khả năng phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ làm ta nhớ lại nhận xét của nhà sử học và là công chức Anh William Wilson Hunter cuối thế kỷ 19 rằng: Vấn đề phục hưng Phật giáo là luôn luôn có thể ở Ấn Độ… Cuộc đời và lời dạy của Đức Phật cũng đang bắt đầu ảnh hưởng đến tư tưởng tôn giáo ở Mỹ và Châu Âu. Lời dạy ấy ngày càng trở nên quen thuộc với thế giới phương Tây… Phật giáo sẽ vĩnh hằng như sự vĩnh hằng của giáo lý nhân quả, của cuộc sống cao thượng và đẹp đẽ mà tôn giáo ấy hết mức chủ trương. Sự phục hưng của Phật giáo ở Ấn Độ, tôi xin lặp lại, là hoàn toàn có thể”[3].
Trung Hữu
[1] Nanak Chand Rattu, Last Few Years of Dr. Ambedkar, New Delhi: Amrit Publishing House, 1997, tr. 7.
[2] K. N. Kadam, The Meaning of the Ambedkarite Conversion to Buddhism and other Essays, Mumbai: Popular Prakashan, 1997, p. 42.
[3] W. W. Hunter, The Indian Empire - Its People, History, and Products, London: Smith, Elder, & Co., 1893, p. 240.