GNO - Chế độ ăn uống hàng ngày với mức hấp thu đường cao gây ra nhiều tổn hại cho cơ thể.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nên hấp thu không quá 5% mức năng lượng hàng ngày từ đường, tức khoảng 25g/ngày (tương đương 6 muỗng cà-phê nhỏ).
Điều này nghe có vẻ dễ thực hiện nhưng các thoại thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn chứa nhiều hơn mức đường này dù chỉ trong một khẩu phần ăn. Điển hình, một lon nước ngọt chứa đến 39 g đường.
Dưới đây là những tác hại đối với cơ thể khi tiêu thụ quá nhiều đường từ thực phẩm trong chế độ ăn hàng ngày:
1. Sâu răng
Sâu răng là một trong những tác hại phổ biến nhất của việc hấp thu quá nhiều đường. Vi khuẩn trên răng rất thích đường, chúng hấp thụ đường và tạo ra axit. Axit này được tạo ra rất nhanh chóng, chỉ trong vòng 20 giây sau khi ăn ngọt.
Một số loại kẹo rất hại cho răng vì vừa chứa đường vừa chứa axit - Ảnh minh họa
Axit này phá hủy men răng, tạo ra các lỗ hỏng gây đau, cần được trám lại để ngăn chúng phát triển rộng ra. Có một số loại kẹo cực kỳ hại cho răng vì chúng vừa chứa đường vừa chứa axit.
2. Tăng cân
Đường và si-rô đều chứa cả glucose và fructose. Glucose được tất cả các tế bào trong cơ thể sử dụng làm năng lượng hoạt động. Còn fructose chỉ được tế bào gan hấp thu. Vì thế, khi hấp thu nhiều đường, gan sẽ bị quá tải và chuyển lượng fructose dư thừa đó thành chất béo.
Chất béo này được phóng thích vào máu, làm cản trở các động mạch hay được dự trữ lại khi chúng ta ở vào tuổi trung niên. Nếu muốn giảm cân, cần cắt giảm lượng đường dư thừa này trước khi thực hiện kế hoạch thể dục nào đó.
3. Kháng insulin
Khi ăn đường, nhu cầu insulin của cơ thể tăng lên. Mức insulin tăng cao liên tục làm cho cơ thể nhạy cảm với mức insulin thấp. Nói cách khác, khả năng xử lý glucose trong máu của insulin kém đi.
Một số biểu hiện của kháng insulin: đói bụng liên tục, mệt mỏi, đầu óc mù mờ, huyết áp cao, tích mỡ bụng. Tình trạng kháng insulin không được kiểm soát có thể dẫn đến tiểu đường.
4. Nguy cơ cao với tiểu đường
Tình trạng kháng insulin không được điều trị sẽ dẫn đến tiểu đường. Đây là tình trạng insulin được sản xuất trong cơ thể không đủ khả năng xử lý glucose, làm cho cơ thể “đi đến các giải pháp cực đoan” để loại bỏ lượng glucose dư thừa.
Người thường xuyên uống soda có nguy cơ tiểu đường cao nhất vì họ không cảm thấy no sau khi uống thức uống ngọt này và thông thường, trong thức uống vốn đã chứa quá mức đường khuyến nghị hàng ngày.
5. Gan bị tổn thương
Vì chỉ có gan mới có thể chuyển hóa đường fructose, hấp thu quá nhiều fructose gây gánh nặng lớn cho gan.
Fructose là yếu tố đóng góp chính yếu cho sự phát triển bệnh gan nhiễm mỡ không do cồn. Quá nhiều mỡ trong gan có thể dẫn đến tổn thương gan (sẹo gan), suy gan vì cơ quan này phải hoạt động quá sức để xử lý fructose. Không ngạc nhiên gì, người được chẩn đoán gan nhiễm mỡ không do cồn đều có thói quen hấp thu soda nhiều gấp đôi người bình thường.
6. Tăng nguy cơ bệnh tim mạch
Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Hoa Kỳ, với các yếu tố nguy cơ quan trọng như hút thuốc lá, lười vận động. Tuy nhiên, hấp thu nhiều đường cũng làm tăng nguy cơ các bất ổn tim mạch.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), người tham gia hấp thu từ 17-21% calori hàng ngày từ đường có cao hơn 38% nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch so với mức hấp thu dưới 8%.
7. Bệnh gout
Gout là một dạng đau khớp nghiêm trọng do sự hình thành axit uric trong cơ thể. Quá nhiều đường là yếu tố nguy cơ cao phát triển bệnh gout vì axit uric được tạo ra như một phụ phẩm khi fructose được chuyển hóa.
8. Giảm khả năng tư duy
Cả béo phì và tiểu đường đều là yếu tố nguy cơ làm giảm khả năng tư duy và bệnh Alzheimer. Nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa chế độ ăn hàm lượng fructose cao và sự suy giảm hoạt động của não bộ ở vùng hồi hải mã.
9. Thiếu dinh dưỡng
Khi ăn nhiều đồ ngọt, chúng ta có khả năng bỏ qua nhiều loại thực phẩm cần thiết cho cơ thể. Khảo sát của Cơ quan Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, người hấp thu từ 18% mức năng lượng hàng ngày từ đường trở lên có mức dưỡng chất thiết yếu thấp nhất (thiếu các vitamin A, C, folate, calcium và sắt).
Ngoài ra, các dưỡng chất như vitamin D, chromium và magnesium cũng không được hấp thu trong môi trường glucose.
Đức Hòa
(theo Food Prevent)