GNO - Chúng ta cố gắng đưa rau củ quả vào chế độ ăn vì các công dụng tốt cho sức khỏe của các thực phẩm này.
Các loại thực phẩm giàu sắc màu này tốt cho sức khỏe nhưng cũng có thể mang lại một số tác động không tốt cho hệ tiêu hóa. Bạn có thể bị đầy bụng và ợ hơi sau khi ăn quá mức một số loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
Thông thường, khi thay đổi chế độ ăn đường tiêu hóa của chúng ta có thể bị khó chịu. Đặc biệt là các loại trái cây và rau củ có chứa nhiều dưỡng chất như: oligosaccharide, chất xơ hòa tan, các loại đường tự nhiên (như fructose) có thể gây thừa hơi trong đường ruột. Chính sự phân rã các thực phẩm này trong quá trình tiêu hóa có thể dẫn đến đầy hơi, ợ hơi và hơi thở có mùi khó chịu.
A-ti-sô chứa đường tự nhiên oligosaccharide, loại đường mà cơ thể
không thể phân hủy hoàn toàn - một trong những thức ăn gây ợ hơi, đầy bụng...
Ăn bao nhiêu rau củ quả mỗi ngày là đủ?
Theo Hướng dẫn về Chế độ ăn của Hoa Kỳ, người trưởng thành nên hấp thu khoảng 2,5-3 cốc rau củ cùng với 2 cốc trái cây mỗi ngày.
Tuy nhiên, gần 90% chúng ta không ăn đủ lượng rau củ khuyến nghị và hơn 75% không đủ lượng trái cây khuyến nghị. Tuy vậy, ăn nhiều hơn mức khuyến nghị này cũng không tốt cho sức khỏe.
Theo một nghiên cứu phát hành trên Tạp chí BMJ, mỗi khẩu phần rau củ quả hấp thu giúp làm giảm nguy cơ chết sớm, nguy cơ tử vong trung bình giảm 5% cho mỗi khẩu phần thêm vào, có thể ăn tối đa đến 5 khẩu phần mỗi ngày. Và nếu nhiều hơn 5 khẩu phần thì có tác động không tốt cho cơ thể.
Tại Hoa Kỳ và Trung Quốc, ăn nhiều rau củ quả ngoài giúp giảm nguy cơ tử vong chung còn giúp ngăn chặn các bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, cần chú ý không nên hấp thu quá mức các loại rau củ quả dưới đây, vì chúng có thể gây đầy bụng, ợ hơi và hơi thở khó chịu.
1 - A-ti-sô
A-ti-sô chứa đường tự nhiên oligosaccharide, loại đường mà cơ thể không thể phân hủy hoàn toàn. Các phân tử lớn này không được tiêu hóa như các loại đường khác vì cơ thể chúng ta không sản xuất ra loại enzime để phân hủy chúng.
Thay vào đó, chúng đi vào đường tiêu hóa đến ruột già mà vẫn còn nguyên, không được tiêu hóa, chờ được phân hủy bởi vi khuẩn trong đường ruột. Quá trình này tạo ra các khí ga có mùi hôi khi thở ra.
2 - Cà-rốt
Cà-rốt là một trong những loại thực phẩm khỏe mạnh nhất cung cấp cho cơ thể các vitamin và khoáng chất cần thiết. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều cà-rốt lại gây ra đầy hơi.
Một cốc củ cải đỏ chưa chế biến chứa khoảng 12 g carbohydrate và 4 g trong đó là chất xơ. Các loại rau cải có hàm lượng chất xơ cao như củ cải đỏ có thể làm thừa hơi vì vi khuẩn trong ruột tạo ra phụ phẩm từ việc tiêu hóa chất xơ.
3 - Các loại rau thuộc họ cải
Các loại cải như cải xoăn, bắp cải, bông cải xanh là các nguồn tuyệt vời chứa vitamin C và chất xơ nhưng cũng có thể làm chúng ta bị chướng bụng và dư hơi.
Các loại rau cải này có chứa một loại đường phức hợp có tên là raffinose, làm cho người có dạ dày nhạy cảm khó tiêu hóa. Theo Bệnh viện Cleveland, các loại rau cải này còn tạo ra các khí có mùi hôi.
4 - Táo
Táo là loại trái cây điển hình chứa nhiều chất chống oxy hóa, đặc biệt là táo xanh. Tuy nhiên, táo lại chứa nhiều đường fructose, có thể gây kích ứng dạ dày.
Fructose không cần tiêu hóa, tự chúng phân hủy thành các thể đơn giản nhất mà cơ thể có thể hấp thu được. Tuy nhiên, đường fructose lại không được hấp thu vào máu qua thành ruột, nó được đưa vào ruột và hấp thu bởi các vi khuẩn xấu và tạo ra các phụ phẩm như: methane, khí hydro gây ra hiện tượng chướng bụng, bụng nhiều hơi, tiêu chảy và hơi thở có mùi hôi.
5 - Trái mâm xôi
Loại trái cây giàu chất chống oxy hóa này có chứa nhiều polyol, thành phần chính trong đường thay thế (các sản phẩm thay thế đường tự nhiên). Polyol có mặt trong hệ tiêu hóa và chỉ một phần được hấp thu bởi ruột non.
Phần còn lại theo nước đi vào ruột non và ruột già, sau đó bị lên men bởi vi khuẩn đường ruột và gây ra hiện tượng dư hơi.
6 - Xoài
Xoài thường ngọt và chứa nhiều fructose hơn là glucose, làm cho fructose khó hấp thu hơn. Sự mất cân bằng này gây ra đầy bụng, đầy hơi.
Ngoài ra, fructose ngọt hơn glucose nên sẽ khó tiêu hóa hơn với các bất ổn đường ruột.
Trần Trọng Hiếu
(theo Medical Daily)