GNO - Viêm nhiễm có tác dụng làm lành sự tổn hại tế bào trong cơ thể nhưng viêm nhiễm quá mức sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe và có thể gây ra chứng đau khớp, bệnh tim mạch và các bất ổn sức khỏe khác.
Các loại bánh kẹo chứa nhiều đường làm tăng sự viêm nhiễm trong cơ thể
Theo các chuyên gia, viêm nhiễm trong cơ thể có thể bị tác động bởi thực phẩm; và viêm nhiễm thường được thúc đẩy để bảo vệ cơ thể khi hệ miễn dịch nhận thấy có tác nhân lạ trong cơ thể. Sự viêm nhiễm thỉnh thoảng giúp bảo vệ cơ thể; tuy nhiên viêm nhiễm liên tục và kéo dài “mở cửa” cho nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Nếu muốn đánh bại viêm nhiễm, bạn hãy bắt đầu nhìn vào nhà bếp của mình. Khi mua thực phẩm, hãy hạn chế các loại gây viêm nhiễm, tăng cường các thực phẩm chống viêm nhiễm như rau củ quả, đậu hạt, các loại hạt,… - lời khuyên từ các bác sĩ.
Dưới đây là các thực phẩm làm tăng viêm nhiễm trong cơ thể, cần cắt giảm trong chế độ ăn hàng ngày:
1. Các thực phẩm chứa nhiều đường
Theo thống kê, mỗi ngày người dân Hoa Kỳ tiêu thụ khoảng 17 muỗng nhỏ đường; trong khi mức khuyến nghị an toàn đối với sức khỏe là dưới 6 muỗng.
Đường được cho thêm để cải thiện hương vị của các loại thực phẩm đóng gói; vì vậy rất khó tránh được mức đường này nếu bạn tiêu thụ quá mức các nhóm thực phẩm trên. Và điều này gây ra viêm nhiễm trong cơ thể. Theo đó, bạn nên hạn chế các món ăn như bánh ngọt, kẹo, bánh mì ngọt.
Khi chúng ta ăn uống, đường đi vào máu. Sau đó, insulin đưa đường vào tế bào để cung cấp năng lượng cho tế bào. Khi có quá nhiều đường cùng một lúc, insulin sẽ cố gắng tích trữ đường thừa trong các tế bào mỡ, làm cho chúng ngày càng lớn hơn. Theo thời gian, dẫn đến tăng cân và tình trạng kháng insulin, các bất ổn về chuyển hóa.
Ngoài ra, cơ thể chúng ta “không được thiết kế” để xử lý lượng đường dư thừa xuyên suốt trong ngày. Do vậy, cần lưu ý đến hàm lượng trong thực phẩm khi mua.
2. Thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa
Thông qua quá trình hydro hóa, các nhà sản xuất thực phẩm tạo ra chất béo chuyển hóa. Bổ sung hydro vào chất béo làm thay đổi cấu trúc, tính ổn định và vòng đời của chất béo.
Các nhà nghiên cứu khẳng định không có mức chất béo chuyển hóa nào an toàn với sức khỏe. Vì thế, bạn nên tiêu thụ ít hơn 1g chất béo mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe.
Các loại thức ăn nhanh có hàm lượng chất béo chuyển hóa cao, không tốt cho sức khỏe
Chất béo chuyển hóa có mặt trong các loại thức ăn nhanh của nhà hàng, các loại bánh nướng; làm tăng các cholesterol xấu LDL và giảm mức cholesterol tốt HDL - tăng nguy cơ phát triển bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường tuýp 2.
3. Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn
Để duy trì hương vị hay kéo dài thời gian bảo quản, các loại thịt chế biến sẵn đều được cho thêm muối, lên men hoặc xông khói. Các loại thịt này (thịt xông khói, thịt nguội, xúc xích,…) cùng với thịt đỏ (thịt bò, thịt heo, thịt cừu,..) chứa chất béo bão hòa gây viêm nhiễm cao.
Nhiều nghiên cứu khẳng định, tiêu thụ nhiều thịt đỏ có thể dẫn tới ung thư, đột quỵ, bệnh tim mạch.
4. Omega-6
Được sử dụng như năng lượng, omega-6 không được sản xuất bởi cơ thể nhưng có mặt trong thực phẩm (như dầu cải, dầu bắp, dầu hướng dương và xốt mayonnaise).
Axit béo omega-6 cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của tế bào, giúp cơ thể làm lành. Tuy nhiên, cần có sự cân bằng khỏe mạnh mức omega-6 trong cơ thể. Hấp thu các loại axit béo omega-3 (trong hạt óc chó, hạt lanh,…) giúp bạn có được sự cân bằng này.
Nếu không hấp thu đủ omega-3 mà lại dư thừa mức omega-6, bạn sẽ tạo ra phản hồi kháng viêm nhiễm mạnh và kéo dài.
5. Carbohydrate tinh
Carb tinh trong khoai tây chiên, gạo trắng, bột mì trắng - qua chế biến đã bị giảm đáng kể dưỡng chất và mất đi nhiều chất xơ.
Tác động của các carb tinh này tương tự như đường vì không có tác nhân nào làm chậm sự phân hủy của chúng. Chúng đi vào tuần hoàn nhanh và làm tăng đường huyết. Mức đường huyết dao động gây ra các phản hồi kháng viêm. Khi đó, cơ thể chúng ta cố gắng loại bỏ đường ra khỏi máu, vì thế kích thích sự viêm nhiễm.
Huệ Trần
(theo Medical Daily)