NSGN - Muốn đem pháp Phật vào tâm, phải sám hối cho tiêu nghiệp. Còn trần lao nghiệp chướng nhiều, không thể tiếp thu pháp Phật được. Người có trần lao nghiệp chướng nhiều thì thân bệnh hoạn, tâm buồn phiền, đời sống khó khăn; họ không thể tập trung thân tâm vào Phật pháp, khó thấy Phật. Vì vậy, trên bước đường tu, làm sao cố dẹp mây mờ phiền não ngăn che tâm chúng ta, để tâm được yên tĩnh mới tiếp cận được thiên nhiên, gần gũi được Phật và Bồ-tát.
Trở lại pháp tu sám hối, trước nhất phải xưng tán Phật, kế tiếp mới thành khẩn lạy Phật
Tu Pháp hoa, sám hối tội căn là pháp rất quan trọng, thuộc phần Tích môn theo Trí Giả đại sư. Ngài dạy chúng ta pháp Ngũ hối, nghĩa là nương vào năm pháp tu mà ngài trích ra từ mười đại nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát. Trong Ngũ hối, phần thứ nhất, Trí Giả đại sư dạy rằng trước khi lạy Phật sám hối, phải tán thán Phật. Nhìn thấy Phật hoàn toàn tốt lành, không ai tốt hơn Phật, mỗi vị Tổ sư thường sáng tác một bài kệ để ca ngợi Phật. Bài kệ tiêu biểu mà chúng ta thường tụng là:
Pháp vương vô thượng tôn
Tam giới vô luân thất
Thiên nhơn chi Đạo sư
Tứ sanh chi từ phụ
Ư nhứt niệm quy y
Năng diệt tam kỳ nghiệp
Xưng dương nhược tán thán
Ức kiếp mạc năng tận.
Chỉ một niệm tâm nghĩ đến Phật mà tất cả nghiệp chúng ta đã tạo trong ba a-tăng-kỳ kiếp liền tiêu mất. Nghĩ đến Phật, không nhớ gì cả, nhứt thời nghiệp mất. Trong khoảnh khắc đó, chúng ta không còn buồn, giận, lo, sợ; tâm được thanh tịnh, nhận được Phật lực gia bị, cảm thấy như ở Niết-bàn, an vui giải thoát. Chỉ một niệm tâm nghĩ về Phật mà nghiệp tiêu tan nhanh chóng như vậy thì sao không nghĩ nhớ Phật; nghĩ đến người xấu ác hại chúng ta chi cho khổ. Chỉ nghĩ đến Phật thôi là tốt nhất. Nghĩ đến việc xấu, người xấu để nghiệp mình sanh khởi thì dù ở trong nhà Phật cũng bị đọa. Ở chùa là nơi giải thoát mà sao chị em lại không bằng lòng nhau, giận nhau, là sai lầm lớn.
Phật nói rằng Bồ-tát đi vào trần lao, nhưng thể hiện được tâm giải thoát. Còn chúng ta ở trong cảnh giải thoát mà phiền não. Bồ-tát vào đời cứu độ, làm cho phiền não của chúng sanh lắng dịu, trần lao hết, là ý nghĩa Bồ-tát đến đâu, sen nở đến đó. Đời là chốn bùn nhơ tội lỗi, nhưng Bồ-tát vào đó làm cho sen ngát hương. Tại sao chúng ta ở chùa tu với những người xuất thế lại làm cho phiền não mình phát sanh.
Phải dẹp tâm phiền não. Ở chỗ giải thoát, chúng ta tự gom tâm mình lại một chỗ. Tôi thường tập trung tâm, mắt chỉ mở một phần ba, nhìn trước mắt thôi, không nhìn qua nhìn lại. Nhìn xung quanh là có chuyện. Tu hành, tập trung tâm vào tượng Phật đẹp tiêu biểu cho đức tướng của Như Lai mà chúng ta ưa thích, sẽ dễ dàng thanh tịnh.
Chúng ta khuôn tâm mình lại, chỉ có ta và Phật và thu hẹp lại, ta và Phật là một, vì Phật đã đem vào tâm ta. Kinh Hoa nghiêm dạy rằng Phật, tâm và chúng sanh là một. Được như vậy thì Tịnh độ tâm xuất hiện. Tu pháp này, theo kinh Pháp hoa, ở đâu cũng được, tâm gom lại thì ở gốc cây, ở gò mả, hay ở cung điện cũng đều là đạo tràng, ngay chỗ đó có Phật ra đời, thuyết pháp và Niết-bàn. Chỗ đó là chỗ tâm ta và Phật là một; nói cách khác là nhập Pháp giới. Tâm và Phật thống nhất thành một, chúng ta nhìn ra Pháp giới, nhìn ra xã hội và thiên nhiên, thấy được một màu thanh tịnh.
Kinh Hoa nghiêm diễn tả ý này qua hình ảnh Thiện Tài vào Pháp giới, tiếp xúc với tất cả mọi người bằng tâm thanh tịnh như vậy, nên Bồ-tát ở nơi nào, gặp bất cứ ai cũng thấy đó là Phật. Ở trong Pháp giới, thể tánh vô sai biệt, tâm ta tốt thì đối tác của chúng ta cũng trở thành tốt. Tôi nhận ra ý này khi đến thăm Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn ở thành phố Hồ Chí Minh vào mùa Noel. Nói chuyện với ông, tôi có cảm giác như nói với các vị Hòa thượng khác. Ông cho biết sang năm sẽ tổ chức lễ cầu nguyện cho những nạn nhân bị chất độc da cam, bị bệnh Aids, bị thiên tai. Và ông mời tôi hợp tác cầu nguyện, chung sức cứu đời.
Đi vào Pháp giới theo Thiện Tài, thấy mọi người trên cuộc đời này đều tốt, không có ai xấu cả. Nếu chúng ta không có ác nghiệp, tất cả đều thanh tịnh. Không có ác nghiệp nghĩa là sao. Thực tế tôi muốn nhắc quý vị rằng đa số người tu hành nhưng cứ tạo vọng nghiệp, thì nghiệp này tự ràng buộc mình, toàn là khổ. Vì chúng ta có nghiệp, mới có yêu cầu đối với người, thì họ gây khó khăn cho ta. Không có yêu cầu, hoặc không gây tổn hại cho họ, thì ai cũng tốt với ta. Theo kinh nghiệm tu, tôi thấy rõ những người đem sổ đi xin, gặp khó khăn vô cùng và tất nhiên là bị phiền não. Nếu chúng ta đem cho, chắc chắn không ai phiền não cả, khôn hơn nữa là cho đúng cái mà người cần. Có người đến xin mà hoan hỷ là biết mình có thể vào Pháp giới. Còn người đến xin, mình cảm thấy như bị dao cắt, tự biết mình cách Phật xa. Đức Phật dạy rằng người tu hành với tâm lượng bố thí, cho đến bố thí cả thân mạng không tiếc, mới thành Phật. Điều khó làm này chưa đạt được, thì ta làm việc nhỏ theo khả năng mình. Ai muốn hợp tác, muốn cúng thì tự đem tới, ta không đi xin. Tôi thường có nguyện rằng ai có nhân duyên với tôi, với kinh Pháp hoa, xin Phật khiến họ tới, tôi sẵn lòng tiếp đón.
Có người hỏi tại sao tôi dung được người hung dữ. Đối với tôi, Phật khiến họ tới thì sao lại không dung. Tôi tin rằng người hiền hay dữ, người đến xin cũng như người đến cúng dường đều do Phật khiến đến; tùy theo đó chúng ta đối xử cho tốt đẹp. Có một hôm, khoảng bảy, tám giờ tối, một ông say rượu đập cửa xin tiền tôi để uống rượu! Tôi mỉm cười, mình đang ngồi thiền, Phật khiến sứ giả này đến phá rối đây, mình nên đáp ứng yêu cầu. Tôi chỉ cho vài đồng là ông ta cúi đầu cám ơn, đi liền. Giải quyết như vậy nhẹ nhàng quá, không tốt sao. Còn bực mình chửi mắng họ, thì ta mang tội khẩu nghiệp. Còn giận tức họ, tâm phiền não, không thiền được; cứ nghĩ đến ông say rượu khuấy phá giờ tu của mình là giận, sẽ kết thành quả báo trong tâm mình, để rồi ngày nào đó, mình cũng say rượu đi xin như vậy. Người đời cũng thường nói ghét cái nào trời trao cái đó.
Trở lại pháp tu sám hối, trước nhất phải xưng tán Phật, kế tiếp mới thành khẩn lạy Phật. Thứ ba là sám hối tội căn; tất cả những việc sai lầm của mình, xin Phật từ bi chỉ dạy và nguyện chừa bỏ. Thứ tư đến phần phát nguyện làm theo Phật, nghĩ theo Phật, nói theo Phật. Và sau cùng là hồi hướng; bao nhiêu công đức mà ta tu được trong đời này xin hồi hướng cho tất cả chúng sanh. Tuy nói rằng tu một pháp sám hối, nhưng thực ra đã tu cả năm pháp: Tán thán, lễ Phật, sám hối, phát nguyện và hồi hướng.
Trước kia, đạo tràng Pháp Hoa lạy sám hối Hồng danh Pháp hoa, nhưng tôi nhận thấy ở Việt Nam, nhiều người lạy sám hối Hồng danh, nên tôi soạn dịch để Tăng Ni, Phật tử kết duyên tu được.
Trong phần mở đầu, tán thán Phật, tôi soạn bài kệ ca ngợi Phật theo tinh thần Pháp hoa:
Tâm Thế Tôn mảy trần không bợn
Thân của Ngài vô tận phước lành
Từ bi cứu khổ độ sanh
Chúng con đảnh lễ chí thành quy y.
Trước khi đảnh lễ Phật, mắt nhìn phước tướng trang nghiêm của Ngài, tâm nghĩ đến hạnh đức của Ngài, cảm nhận sâu sắc rằng Đức Phật của chúng ta sao mà siêu tuyệt như thế, công đức vô lượng vô biên của Phật tỏa sáng muôn đời. Vì thế, chúng ta chỉ nương Phật tu, được Ngài chia sẻ, cứu giúp chúng ta, tạo điều kiện cho ta tu hành; nhưng Phật không đòi hỏi gì ở ta cả. Chúng ta mới thốt lên tự đáy lòng lời kính phục Đức Phật rằng tâm của Ngài hoàn toàn trong sạch, không bợn một mảy trần. Nhìn thấy phước tướng Phật, nghĩ về Phật trọn lành như thế, trên bước đường tu, chúng ta điều chỉnh lời nói việc làm, suy nghĩ của mình theo Phật, không đòi hỏi gì ở người, mà chỉ làm an vui cho người.
Trong sám hối Hồng danh, từ Phật Phổ Quang đến cuối, tổng cộng có 88 vị Phật tiêu biểu cho tất cả hạnh nguyện của các vị Bồ-tát. Phật Thích Ca dạy rằng chỉ cần đảnh lễ 88 vị Phật trong Hồng danh sám hối, thì tất cả nghiệp a-tăng-kỳ là nghiệp ác mà chúng ta tạo từ vô số kiếp đều tiêu tan, để đi vào Phật thừa. Tất cả nghiệp ác được tiêu trừ vì ta đã gởi tất cả nghiệp này cho Phật. Phật nhận nghiệp của ta và trao trả cho ta công đức. Và có công đức, ta mới giáo hóa chúng sanh được. Còn mang nghiệp mà đến giáo hóa thì nghiệp ta và nghiệp chúng sanh gặp nhau, chỉ tạo thêm nghiệp mà thôi.
Lạy Phật sám hối, ta gởi nghiệp cho Phật giữ và Ngài chuyển đổi nghiệp thành công đức. Ví như nước và phân hôi dơ không thể chịu nổi, nhưng gởi cho Phật để Ngài tưới cây bồ-đề thì nó sẽ rất hữu dụng, làm cho cây xanh tươi. Cũng vậy, khi sám hối, chúng ta hết lòng cầu thỉnh chư Phật tập trung về để chúng ta đảnh lễ các Ngài. Lạy chư Phật bằng tất cả tâm thành rồi, chúng ta trình thưa rằng con có bao nhiêu phiền não, nghiệp ác xin gởi hết cho các Ngài, các Ngài đem những thứ nhơ bẩn này bón cây bồ-đề, đổi thành công đức cho con. Nhờ vậy, tâm chúng ta sáng suốt, không phiền não, thân không bệnh hoạn. Cuộc đời chúng ta đã được Phật thay đổi tốt đẹp, có được công đức, người nhìn thấy nghĩ ta là sứ giả Như Lai, nên họ tiếp đãi tử tế, nghe lời ta chỉ dạy. Người còn ghét bỏ thì phải lo sám hối cho tiêu nghiệp.
Phát xuất từ đáy lòng sự cảm nhận sâu sắc về Phật như vậy, chúng ta phát nguyện:
Con nay phát tâm không vì tự cầu phước báo nhơn thiên, Thanh văn, Duyên giác, cho đến quyền thừa Bồ-tát, quyết lòng cầu Tối thượng thừa. Nguyện cùng pháp giới chúng sinh đồng chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Câu mở đầu này của Hồng danh sám hối, tôi dịch ra từ chữ Hán. Mới đọc câu này, tôi cũng thấy hơi nặng lòng. Tại sao chúng ta không cầu phước báo nhơn thiên, không cầu quả vị Thanh văn, Duyên giác, cho đến quả vị của quyền thừa Bồ-tát; nghĩa là không cầu Tam thừa giáo, mà cầu Nhứt Phật thừa là cầu kinh Pháp hoa.
Mặc dù nói không cần những phước báo này, nhưng quả thực để tạo được nó trên cuộc đời này là việc không đơn giản. Thật vậy, chỉ nói riêng về phước báo nhơn thiên, có thể kể năm thứ tiêu biểu, một là tâm an lành, hai là thân khỏe mạnh, ba là bạn bè đối xử tốt, bốn là tiền của nhiều, năm là có trí thông minh. Để tạo sự nghiệp trên cuộc đời, có được ba điều của người thế gian là thông minh, tiền của nhiều và địa vị cao trong xã hội; thiết nghĩ hết kiếp này cho đến kiếp sau, cũng không có nổi ba việc đó.
Phước báo nhơn thiên, Thanh văn, Duyên giác, quyền thừa Bồ-tát cần thiết cho việc tu; nhưng chúng ta không dừng lại ở đây. Đối với phước báo nhơn thiên, không phải không cần; nhưng có cũng được mà không thì cũng chẳng sao, không nhọc công bôn ba tìm nó, vì đó không phải là mục tiêu của người xuất gia. Đối với người tu, thực lòng mà nói thì trôi lăn trong sanh tử luân hồi, không biết bao giờ thoát ra được là điều đáng sợ; vì thế chúng ta không lo toan tìm cầu phước báo nhơn thiên.
Phật tử đi chùa đều cầu được giàu có, khỏe mạnh, thông minh, nói chung là cầu đủ thứ phước. Được như vậy cũng tốt. Tuy nhiên, tu Pháp hoa, chúng ta đi tắt, không cầu phước báo nhơn thiên, mà cầu Tối thượng thừa. Vì ta biết tự mình làm không được, nhưng dựa vào uy thế của Phật để phát huy khả năng mình thì nhất định tiến lên được. Tôi làm nhiều việc, thăng hoa nhanh, vì biết dựa vào uy đức của các Hòa thượng lớn để phát triển năng lực của mình. Nếu không nương các ngài, mới tốt nghiệp, về nước thì ai biết tôi.
Kinh nghiệm của tôi lúc còn trẻ, làm việc mà Hòa thượng Thiện Hoa dạy bảo thì người quen biết Hòa thượng liền giúp đỡ. Làm việc mà Hòa thượng Trí Thủ bảo làm, thì người quen của ngài liền hợp tác với tôi. Hoặc làm dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Thiện Hào thì những người làm việc chung với Hòa thượng trong Mặt trận cũng hỗ trợ tôi.
Lạy Hồng danh sám hối, phát nguyện không cầu quả nhỏ, nhưng cầu Nhứt Phật thừa, Tối thượng thừa, chỉ làm việc cho Phật, công đức sanh ra cho chúng ta nhiều hơn. Vì nhận thức sâu sắc rằng nếu không được Phật hộ niệm, từng bước tự đi lên, phải đầu tắt mặt tối cả đời, nhưng chỉ một quyết định sai lầm là mất hết và những của cải tạo được bo bo giữ cũng mất trắng.
Làm cho Phật thì không cần lo, mà được công đức vô cùng. Chùa chiền, của cải, mọi thứ đã có Hộ pháp Long thiên hay thần Kim Cang giữ giùm. Vì các ngài đã phát nguyện giữ gìn những gì của Phật. Của riêng ta, thì các ngài chẳng quan tâm đến đâu. Tôi nghiệm thấy điều này rất rõ, tu Nhứt thừa, hay tu Pháp hoa, là tu với Phật, làm tôi cho Phật, truyền bá pháp của Phật, làm đúng hướng Phật dạy, Ngài sẽ khiến Hộ pháp thiện thần bảo vệ, kể cả Bồ-tát Tùng địa dũng xuất cũng hộ trì chúng ta, mang đến những thứ cần thiết cho ta trên bước đường hành Bồ-tát đạo. Nương vào sức gia trì của các ngài, chúng ta tạo được công đức bất khả tư nghì, tưởng không làm được mà lại thành tựu dễ dàng. Kinh Pháp hoa nói rằng không cầu, nhưng tự nhiên được, đó là phước báo của chư Phật cho ta, khác với phước báo nhơn thiên mà chúng ta tự làm. Phước báo nhơn thiên phải làm cực khổ mới có được, nhưng hưởng không được bao nhiêu, nay còn mai mất.
Đức Phật có vô lượng công đức, có uy đức vô cùng. Chúng ta chỉ hết lòng làm cho Phật là được hưởng công đức của Ngài. Tôi nhắc lại phẩm Tín giải trong kinh Pháp hoa nói về thí dụ gã cùng tử được Phật thọ ký, vì ông là người tốt, không giống những người làm công hèn hạ. Tu Pháp hoa phải nhớ ý này, phải là người tốt, không hèn hạ. Người hèn hạ thì vào chùa tu, lười biếng, nhưng muốn hưởng thụ. Họ làm ít, muốn hưởng nhiều; việc có quyền lợi thì xen vô, việc khó thì lánh mặt. Chúng ta không phải loại người như thế, vì tu theo Phật, thấy rõ cuộc sống không cần nhu cầu lớn lao gì. Ăn mặc không bao nhiêu, ở không cần rộng, dành thì giờ phục vụ Phật pháp để tạo công đức.
Cuộc đời tôi thích làm công đức cho Phật, không thích làm cho mình; nhờ vậy, Phật thương mới hộ niệm. Trong khi người khác mưu cầu đủ thứ, nhưng không được gì. Người ăn bám, lợi dụng Phật, cuộc đời sẽ tệ hại. Người hết lòng lo cho Tam bảo, thay Phật cứu giúp chúng sanh, được Phật hộ niệm, thành tựu những việc lớn vượt ngoài khả năng bình thường. Thực tế cho thấy các thầy cô làm từ thiện, cứu nhân độ thế, thực sự không có tiền, nhưng làm bao nhiêu việc giúp người cũng có đủ.
Cầu mong mọi người đều gởi nghiệp cho Phật và nhận được công đức của Phật trao cho.