Vườn xuân cõi tịnh

NSGN - Thuở ấu thơ, tôi thường đọc truyện phong thần hay Tây Du Ký cho bà ngoại tôi nghe. Lúc đó, thực sự tôi cũng chỉ là chú bé 7 tuổi, hay 8 tuổi thôi, vậy mà trong tâm hồn tôi đã miên man suy nghĩ về kiếp sống của con người, về ngày xuân sao mà ngắn ngủi, một năm 365 ngày chỉ vui được ba ngày Tết là hết.

buddha_on_flowers_detail.jpg

Từ sự cảm nhận cái vui thoáng chốc, ngắn ngủi của con người càng khiến cho tôi nghĩ nhớ đến quyền năng của Đức Như Lai được kể trong truyện Tây Du Ký. Và tôi càng say mê hình ảnh Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời này như một con người siêu việt vượt hơn tất cả. Ngài không bao giờ phải gánh chịu nạn tai và Ngài giải quyết hoàn toàn tốt đẹp mọi việc trên bước đường giáo hóa độ sanh. Từ niềm kính phục tuyệt đối Đức Phật như vậy, tôi bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống của Đức Phật và đó cũng chính là lý do thúc giục tôi xuất gia tu học.

May mắn thay, khi tôi bắt đầu phủi tóc, vào sống trong chốn Thiền môn, tôi liền nhận ra mình đã bước được một chân vào cõi Tịnh. Thật vậy, từ đây, tôi thấy lòng mình nhẹ tênh, không còn lo toan gì cả, không phải bận rộn với miếng cơm manh áo như những người bạn của tôi đang sống trong nhà thế tục, mặc dù đời sống vật chất trong chùa phải nói là thật hẩm hiu. Tôi mới thấy rõ đời sống vật chất càng thấp thì tinh thần người cầu đạo càng lên cao.

Quả đúng như lời tâm sự thốt lên tự đáy lòng vua Trần Thái Tông khi được hầu chuyện với vị giải thoát Tăng, Phù Vân Quốc sư trên non Yên Tử thuở nào. Câu nói nức lòng của đức vua Trần mà tôi thấm thía vô cùng và nhớ mãi:


Mùi Thiền trong ấy nào ai biết
Thức suốt đêm trường vui với Tăng
.

Vâng, mùi Thiền mà đức vua Trần đã sung sướng cảm nhận cũng là niềm hỷ lạc của chính tôi khi bắt đầu bước một chân vào cõi Tịnh. Và từ đó, niềm vui ngắn ngủi, tạm bợ theo thế nhân cũng tắt dần trong cuộc sống ở chốn Thiền môn của riêng tôi.

Tôi bắt đầu hướng tâm về cuộc sống vĩnh hằng. Nơi chốn già lam yên tĩnh, ngày ngày trầm mình trong nguồn vui của nếp sống Thiền, tôi cảm nhận được thế nào là Ly sanh hỷ lạc, một nguồn vui mà Đức Phật đã chỉ dạy cho những ai biết thoát khỏi sự chi phối của cuộc sống vật chất, sẽ tiếp nhận được.

Thể nghiệm sâu sắc về tâm chứng Ly sanh hỷ lạc, tôi mới ý thức được sự quan trọng vô cùng của tự thọ dụng thân đối với người tu. Niềm vui thanh tịnh, giải thoát được nuôi dưỡng và lớn mạnh trong tâm mình liên tục bằng Pháp thực và Thiền duyệt thực, nên thế giới vật chất bên ngoài như kẻ bàng quan chẳng có cách gì xen vào được. Sống với niềm vui vững chãi như thế, tự động thọ dụng thân của chúng ta lớn mãi, lớn mãi và cõi Tịnh của Ly sanh hỷ lạc cũng tự động theo đó mở rộng thêm.

Tuy nhiên, theo bước chân tiến xa trong cõi Tịnh ấy, khi khởi lên ý niệm vui với bất cứ sự thành đạt nào của mình trên bước đường hành đạo, liền nhớ đến “Ly sanh”; vì biết mọi việc ở thế giới vô thường này tất yếu phải chịu sự chi phối của định luật sanh diệt, tôi liền trở về nếp sống trầm mặc để giữ vững nguồn vui ngoài cuộc sống vật chất.

Cuộc đời hành đạo của tôi chắc chắn không dễ dàng gì, nhưng lúc nào cũng được an vui, thậm chí có lúc bạn bè cho rằng tôi quá khổ, mà tôi nào có thấy khổ, nhờ trải qua quá trình thể nghiệm nếp sống Ly sanh hỷ lạc. Và cũng nhờ an trú trong nguồn vui của cõi Tịnh, mới có thể vượt qua mọi chống phá, bức hại mà đạo tâm không bị tổn thương, đạo hạnh không lui sụt, đạo lực vẫn kiên cố, tôi mới vững bước trên quãng đường dài, tạo được một số thành quả nhất định.

Tôi suy nghĩ nhiều về nếp sống trầm mặc của các vị ẩn sĩ, đặc biệt là Đức Phật Thích Ca. Khi còn là Sa-môn, Ngài đã thể hiện cuộc sống Ly sanh hỷ lạc trên bước đường vân du hóa độ, vừa sống với cuộc đời để chỉ lối đưa đường cho chúng sanh ra khỏi sông mê biển khổ, vừa sống với thế giới trầm mặc vĩnh hằng của Ngài. Tôi cảm nhận giữa con người chân linh và con người vật chất gắn liền với nhau qua hơi thở, mà kinh điển thường diễn tả là “mạng người qua hơi thở”.

Người tu thể nghiệm pháp Phật, đã bước một chân vào cảnh giới Vô sanh, nhưng trên thực tế con người vật chất vẫn hiện hữu; cho nên đối với người tu, trong cuộc sống thường có sự qua lại, tương thông giữa thế giới Phật và chúng sanh. Nói đơn giản, nhắm mắt lại thì thấy Phật, mở mắt ra thì thấy mọi người, đó là cuộc sống của người tu.

Tôi tìm hiểu thêm về những cảnh giới cao hơn, tức sự hỷ lạc trong thế giới Thiền định. Nhưng tôi không thể sống mãi trong thế giới Thiền định được, vì khi còn là nghiên cứu sinh tại Nhật, tôi phải tham dự liên tục các khóa học của trường. Và tiếp theo, trong mấy chục năm qua, với trách nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Trị sự Phật giáo thành phố, tôi phải đi giảng dạy liên tục, phải tiếp xúc với nhiều người, phải giải quyết vô số vấn đề nan giải... Nghĩa là tôi phải luôn sinh hoạt với mọi việc trên thực tế cuộc sống.

Nhưng có thể khẳng định rằng chính vì nhờ sự thâm nhập thế giới Vô sanh trong giai đoạn tu hành trước đó đã giúp cho cuộc sống thực tế của tôi đạt được những thành quả tốt đẹp hơn, mỗi ngày thăng hoa tri thức và có thêm nhiều pháp lữ đồng hành, xây dựng thêm nhiều quyến thuộc Bồ-đề.

Cuộc sống trở nên ung dung tự tại, dường như không có gì khó khăn đối với tôi, mọi người, mọi việc đều trở nên đáng quý, đáng mến, đáng trân trọng, đang tỏa hương thơm cho khu vườn xuân vĩnh hằng, chơn thường, chơn lạc của cõi Tịnh.

Chào đón xuân, pháp lạc an trú trong cõi Tịnh, xin được chia sẻ với tất cả những người đồng hành hữu duyên và cầu mong cho mọi người luôn dạo bước trong vườn xuân của cõi Tịnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.