Vua & vương quyền

Vua & vương quyền
NSGN - Theo tinh thần của Phật giáo, một vị vua tốt là một vị vua xem dân như con, thương yêu và quan tâm đến dân chúng, lo cho sự bình an và hạnh phúc của dân chúng, dùng đức để cảm hóa mọi người, chiêu mộ hiền tài đến phò vua, giúp nước.

Một vị vua là một người cai trị thuộc dòng dõi hoàng gia. Đức Phật xác định, một vị vua là “vị thủ lĩnh của những người đàn ông”. Các tôn giáo khác nhau có những lý luận khác nhau về nguồn gốc và bản chất của một vị đế vương. Ví dụ, Kinh Thánh nói rằng, tất cả các nhà lãnh đạo có được quyền lực của mình từ Thiên Chúa, do đó, tuân theo lệnh của vua là tuân theo Đức Chúa Trời. Tại châu Âu, học thuyết này đã được gọi là “Quyền thiêng liêng của các vị vua”. Khổng giáo cũng đưa ra một quan niệm tương tự, gọi là “Sự ủy nhiệm của Trời”. Theo Thần đạo (Shinto) và Bà-la-môn giáo, về sau gọi là Ấn Độ giáo, các vị vua được xem như các thần linh. Bởi vì những quan niệm như thế cho nên tính hợp pháp của một vị vua không bắt nguồn từ việc vị đó có phù hợp với việc trị vì đất nước hay không, mà là từ sự đồng ý hay sự phê duyệt của thần linh.

Đức Phật có một khái niệm hoàn toàn khác và thực tế hơn về vua và vương quyền. Trong kinh Khởi thế nhân bổn, Ngài thừa nhận học thuyết khế ước xã hội của chế độ quân chủ. Trong thời cổ đại mà Ngài đã nói, người dân thấy rõ sự cần thiết đối với một số hình thức của chính phủ, do đó họ bầu chọn trong dân chúng một người mà họ nghĩ sẽ là người tốt nhất có thể nắm giữ vai trò trị nước an dân. Theo truyền thuyết của Ấn Độ giáo, vị vua đầu tiên của Ấn Độ là Mahāsammata, một vị vua đã được lên ngôi theo hình thức “được bầu chọn bởi số đông”. Vì vậy, theo triết lý Phật giáo, các vị vua có nguồn gốc hợp pháp của họ từ sự đồng thuận của số đông, chẳng hạn như sự đồng ý của những người mà họ cai trị. Theo đó thì một vị vua chỉ giữ được quyền cai trị của mình chỉ khi những người dân mà họ cai trị có được lợi lạc từ sự cai trị của họ. Một số câu chuyện trong Jataka (Chuyện tiền thân của Phật) ngầm cho thấy người dân có quyền lật đổ một ông vua tàn bạo, bất công hoặc không đủ năng lực cai trị.

Những ý tưởng như vậy là đi trước thời đại quá xa và có rất ít bằng chứng cho thấy rằng chúng đã từng được áp dụng. Tuy nhiên, những lời dạy của Đức Phật về một bộ máy chính quyền tốt đã ít nhiều ảnh hưởng trong việc tạo ra những vị vua nhân từ hơn. Ví dụ hay nhất về điều này là vua A Dục, một vị vua hoàn toàn chân thực khi nói: “Tất cả người dân là con cái của tôi. Tôi muốn cho họ những gì mà tôi muốn dành cho con cái của riêng tôi, đem đến lợi ích và hạnh phúc cho họ trong đời này và đời sau”.

Tam tạng kinh điển và kinh sách về sau luôn khuyên bảo các vị vua tuân thủ những giá trị đạo đức Phật giáo. Điểm nhấn chung mà kinh sách đưa ra là các vị vua thường chuyên chế, độc đoán, bê tha và tàn nhẫn; rằng vua chúa là những người hay thay lòng đổi dạ; vua chúa là những người độc ác; rằng vua chúa như những đám cháy dữ dội, rất nguy hiểm và khó gần gũi. Một số vị vua được mô tả như là hạt bụi trong mắt, như hạt sạn trong tô súp, như cái gai trong gót chân. Khi vua Milinda hỏi Tỳ-kheo Na Tiên, liệu hai người có thể thảo luận về Pháp (Dhamma) hay không, Tỳ-kheo Na Tiên trả lời rằng: “Tâu bệ hạ, tôi sẽ thảo luận với ngài nếu ngài thảo luận với tư cách là một người có học thức chứ không phải với tư cách của một vị vua”. Vua Milinda hỏi, hai phương pháp tiếp cận ấy khác nhau như thế nào? Tỳ-kheo Na Tiên trả lời: “Khi người học thức thảo luận thì những tín điều bị lật ngược, lý luận thì được làm sáng tỏ, những lời khẳng định bị bác bỏ, những ý tưởng thì được chấp nhận, các luận điểm được đưa ra và các luận điểm khác được nêu lên để phản bác lại. Khi các vị vua thảo luận, họ nói điều gì đó và trừng phạt bất cứ ai không đồng ý với điều đó”.

Cho dù các vị vua là tốt hay xấu, họ đều có quyền lực lớn và Đức Phật đã bổ sung một số giáo lý của Ngài để tránh xung đột với họ. Chiều theo các vị vua, Đức Phật nói rằng, một người không thể tham gia vào Tăng đoàn cho đến khi nào họ đã hoàn thành những nghĩa vụ mà họ phải làm cho nhà nước, và giới luật có thể được thay đổi nếu nhà vua yêu cầu thay đổi. Đồng thời, Ngài nói với các vị Tăng Ni cần phải tránh xa các công việc triều chính để đừng dính líu đến tất cả những mưu đồ, sự đố kỵ và những cám dỗ của chúng.

Ba vị vua xuất hiện thường xuyên nhất trong kinh điển đó là vua Ba Tư Nặc của nước Kiều-tất-la, vua Tần Bà Sa La của nước Ma-kiệt-đà và vua A Xà Thế, con trai của vua Tần Bà Sa La. Khoảng hai năm sau khi thành đạo, Đức Phật gặp vị vua đầu tiên là vua Ba Tư Nặc ở thành Xá-vệ, kinh đô của vương quốc Kiều-tất-la. Cảm phục sâu sắc trước những lời giảng của Đức Phật, nhà vua và hoàng hậu Mạt Lợi nhanh chóng trở thành hai vị đệ tử tại gia thuần tín nhất của Đức Phật. Nhiều bài giảng trong Tam tạng ghi lại những cuộc trò chuyện giữa Đức Phật và vua Ba Tư Nặc. Hầu như tất cả những bài kinh trong chương một của Tương ưng bộ kinh là lưu giữ những cuộc trò chuyện đó. Việc vận dụng một cách chân thực những lời Phật dạy vào trong đời sống hàng ngày của vua Ba Tư Nặc được minh họa tốt hơn hết là thông qua việc kính trọng Đức Phật, và khoan dung đối với các tôn giáo khác. Theo sử sách, vua Ba Tư Nặc có hai người con trai, trong đó, người con trai Brahmadatta đã xuất gia theo Phật.

Vua Tần Bà Sa La lên ngôi lúc mới mười lăm tuổi và trị vì đất nước trong năm mươi hai năm. Vua đã gặp thái tử Tất Đạt Đa một thời gian ngắn lúc thái tử còn là một du tăng khổ hạnh, và gặp một lần khác là khoảng chừng một năm sau khi Đức Phật thành đạo, rồi nhiều lần sau đó nữa. Vua Tần Bà Sa La đã cúng dường Đức Phật khu vườn mà vua yêu quý nhất, đó là rừng Trúc, và khu vườn ấy về sau trở thành một khu tịnh xá để Đức Phật và chư Tăng tu tập, gọi là Trúc Lâm tịnh xá. Truyền thống Phật giáo cho rằng, vua Tần Bà Sa La là một Phật tử thuần thành. Nhưng giống như nhiều vị vua khác của Ấn Độ, vua Tần Bà Sa La cũng hỗ trợ tất cả các tôn giáo và những tôn giáo ấy đều tuyên bố nhà vua là một trong những tín đồ của họ.

Trong khi Đức Phật xem vua Tần Bà Sa La là một vị vua anh minh, thì con trai của vua, vua A Xà Thế được mô tả trong kinh điển là một vị vua tàn nhẫn, âm mưu và lắm thủ đoạn. Ông đã giết chết cha mình để có được ngai vàng và hỗ trợ Ðề Bà Ðạt Ða trong việc mưu hại Đức Phật. Ông còn có tham vọng bành trướng lãnh thổ. Vua A Xà Thế đã kích động một cuộc chiến tranh với nước Kiều-tất-la và cuộc chiến ấy đã trở thành một thảm họa cho vua, và vua A Xà Thế còn củng cố thị trấn biên cương Pātaligāma để chuẩn bị cho cuộc xâm lăng Vajji. Ngoài ra, còn có một tài liệu khác cho thấy việc vua A Xà Thế củng cố các bức tường thành ở kinh đô vì lo ngại các nước láng giềng sẽ tấn công nước Ma-kiệt-đà. Cũng trong thời gian đó, vua A Xà Thế bị ám ảnh bởi việc vua đã ra tay sát hại cha mình và đến cầu xin Đức Phật hóa giải nỗi ám ảnh đó. Lịch sử ghi lại rằng, vua A Xà Thế cai trị đất nước trong 35 năm và cuối cùng đã bị sát hại bởi con trai mình, hoàng tử Udāyibhadda.

Như vậy, theo tinh thần của Phật giáo, một vị vua tốt là một vị vua xem dân như con, thương yêu và quan tâm đến dân chúng, lo cho sự bình an và hạnh phúc của dân chúng, dùng đức để cảm hóa mọi người, chiêu mộ hiền tài đến phò vua, giúp nước. 

(Nguồn: Kings and Kingship,

www.buddhisma2z.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.