Hôm đó, thằng Vương đang chạy loanh quanh giành khách đi xe ôm thì thấy ông già bước xuống tàu. Khách xuống ga này toàn người quen trong xã. Tự nhiên lọt đâu ra một ông già lạ hoắc trông hình dáng tiều tụy nhưng khuôn mặt thì lộ vẻ thanh thản trong cái ngửa mặt nhìn trời. Cái ngửa mặt thân quen đến mức Vương nhận ra ngay gã đàn ông say khướt mấy mươi năm trước khật khưỡng bước lên tàu rời bỏ quê hương.
Ông già ngồi sau xe Vương không nói một lời chỉ nhắm mắt, ngửa mặt hít hà mùi gió đồng nồng vị phù sa. Vương hỏi ông về đâu khi nhà cửa xưa để lại chỉ còn là củi mục? Ông già bảo có lo gì chỗ ngủ, mắc một cái chõng là thành nhà, thành chốn nghỉ chân. Cuộc đời lang bạt dạy cho ông lấy vòm trời chung làm mái nhà riêng. Xa lạ mấy cũng hóa thành thân thuộc. Vậy mà giờ trở lại quê hương ông chợt thấy mình ngơ ngác như đứa trẻ…
Bốn mươi năm trước làng nghèo xác xơ. Đàn bà ngoài làm ruộng còn tranh thủ buôn bán ngoài ga tàu, bến sông. Phúc hai tư tuổi, chuyên đi đào giếng và lợp nhà thuê. Tiền không có, dân làng trả công gã bằng vài bát gạo, vài đấu sắn, cũng có khi là xâu cá rô ron mới tát được ngoài đầm. Phúc nhận hết, mang về thêm thắt vào bữa cơm của mẹ. Nhà chỉ có hai mẹ con nên bữa cơm nhiều hôm thưa thớt tiếng nói cười. Nồi cá kho mặn chát ăn với cơm độn sắn cũng đủ ấm bụng phận nghèo.
Ăn xong, Phúc ra giếng múc nước rửa bát tiện quét luôn rong rêu thềm trước thềm sau kẻo sợ mẹ trượt chân. Tối người ta đi hẹn hò tán gái ngoài gốc đa đầu làng, chỉ có Phúc ru rú ở nhà xâu kim cho mẹ may vá kiếm thêm tiền. Điện mới về làng đỏ quạch, Phúc gù lưng ngồi đan sọt thỉnh thoảng lại ngửa cổ nhìn thứ ánh sáng mờ ảo nhức nhối. Nhiều lần Phúc bảo mẹ đừng khâu vá trong đêm tối nữa, mắt mấy mà mờ. Mẹ cười bảo kiếm đồng ra đồng vào phải chịu khó cực khổ chứ sao. Có hôm mua đâu được tấm vải trắng tinh khôi, mẹ nâng niu trên tay ngắm vuốt từng thớ vải. Mẹ nói vải này may áo dài cho con dâu tương lai thì tuyệt. Phúc cười, nghĩ mình không biết tán gái thì lấy đâu ra con dâu cho mẹ.
Ấy vậy mà nhà nào có con gái cũng muốn gả cho Phúc. Dân làng khen Phúc vừa ngoan vừa chỉn chu làm ăn lại hết lòng thương yêu mẹ. Trai làng này mấy ai được như Phúc. Ngó cái dáng lụi cụi lợp lại mái nhà mùa mưa, đan lại hàng rào giữa trưa nắng nóng, lội bì bõm giữa đồng đêm soi cua soi ếch. Người ta nói Phúc chăm hết cả phần người khác, con gái trong làng sợ mình không xứng nên chẳng dám lại gần. Cũng có cô bảo “chả thèm”, Phúc thương mẹ thế thì chật chội tim, còn đâu phần để thương người khác. Phúc hình như cũng chẳng bận tâm gì. Đi làm xong là vội về nhà để chăm mấy sào vườn để rau củ mùa nào cũng có.
Bà cụ hàng xóm lần nào gặp cũng rầy la “lấy vợ đi con ơi. Có người đỡ đần và bầu bạn khuya sớm cho đỡ cực”. Phúc chỉ cười nghĩ nhà mình nghèo đã chắc gì ai đủ can đảm mà thương. Con gái ai cũng sợ khổ, mình lấy người ta mà không mang đến hạnh phúc thì thà ở một mình. Chỉ có bà mẹ vẫn thường mường tượng ra cảnh giữa bữa chiều mặn chát cá kho có thêm một người con dâu vui vẻ ngồi đầu nồi xới cơm. Nghèo nhưng vui, mấy mẹ con sẽ quây quần sống bên nhau đầm ấm. Nhưng ước mơ đó chưa cập bến thì Phúc bỗng dưng đổ đốn. Người làng bảo “thằng đó như đã được thay máu hoàn toàn”. Kể từ ngày Phúc sang bên kia sông đào giếng thuê rồi theo đám thanh niên luồn sâu vào rừng tìm tầm gửi.
Phúc nghe tụi nó nói loại tầm gửi gạo quý lắm, hái mang bán cho nhà giàu dưới xuôi làm thuốc rất được tiền. Mà tầm gửi mọc trên những cây gạo ngoài bìa rừng đều đã được thu hái hết rồi. Chỉ còn cách luồn sâu, tìm những cây gạo lâu năm có thân cây to cả vài người ôm không xuể. Thể nào trên ngọn nó cũng có loại tầm gửi quý, là cơm gạo, là vải vóc, là những khoản tiền không nhỏ trang trải cuộc sống gia đình. Phúc thấy ham, dù gì cũng hơn chán cái nghề đào giếng. Lưng Phúc đau nhừ, người ám toàn khí lạnh trong lòng đất. Quanh năm ngó nhìn vòm trời chật chội qua thành giếng. Nhà mẹ bao năm mùa mưa nào cũng dột mà Phúc vẫn chẳng thể kiếm đủ tiền dựng căn nhà mới. Chuyện vợ con lại càng xa vời. Nếu đổi được đời nhờ tầm gửi thì sá gì mà không thử một chuyến xem thực hư thế nào. Biết đâu trời thương… Phúc khăn gói lên đường. Vài bộ quần áo, ít lương thực tưởng thế thôi là đủ.
Đám thanh niên phá lên cười sặc sụa. Chúng bảo quần áo có thể chả cần thay, ở trong rừng thì cần sạch với ai? Gặp suối ở đâu thì nhào xuống tắm, quần áo giặt luôn treo đầu gậy vác trên vai đi nửa ngày là khô. Gạo chẳng cần nhiều, săn chim, săn thú rừng đủ lo được cái ăn. Trong rừng chỉ thiếu có men say nên đứa nào cũng mang theo toàn rượu. Mới đầu Phúc không ham thứ nước cay nồng, uống vào đến đâu cơn đau đầu bùng lên đến đó. Nhưng đi rừng buồn quá, suốt ngày chỉ gió bạt qua tai và tiếng chim kêu thảng thốt trên đầu. Tầm gửi đâu chẳng thấy mà chỉ thấy lòng nôn nao nhớ mẹ, nhớ nhà. Những lúc nghỉ chân nằm gối đầu lên thảm cỏ chợt thương phận mình nghèo. Nghe bạn đường rủ rê, Phúc bắt đầu tập tọng mượn rượu giải sầu.
Đợt đi rừng đầu tiên số tầm gửi thu được không nhiều nhưng dẫu sao ngày công cũng khá hơn đào giếng thuê. Lại thêm cảnh sống phóng khoáng với núi rừng, với bạn đường và hơi men chuếnh choáng nên Phúc thấy ham. Nghỉ ở nhà vài ngày Phúc lại khăn gói theo chúng bạn dù mẹ già hết sức can ngăn. Đám thanh niên còn nghĩ ra cách cấy tầm gửi lên những thân cây gạo để gây giống chờ mùa thu hoạch.
Những chuyến đi sau này ngày càng dài hơn chuyến trước. Mẹ già ở nhà mỏi mắt chờ trông. Cho đến mùa mưa năm ấy, giông bão ập xuống tốc ngược những nóc nhà. Mẹ già không biết cậy nhờ ai đành tự leo lên lợp lại mái nhà. Năm ấy Phúc mất mẹ khi gió quật bà từ trên cao xuống đất. Người ta đồn nhau chuyến đó Phúc kiếm được cây tầm gửi lạ, lá như màu máu. Đó cũng là chuyến đi rừng cuối cùng. Phúc không bao giờ nhắc về tầm gửi nữa. Suốt ngày chỉ ngồi uống rượu dưới mái nhà thủng một lỗ to như lòng giếng. Uống triền miên cho đến khi say xỉn nằm vật ra đất mộng mị nghĩ về cuộc đời có mẹ. Một buổi chiều hoàng hôn rực đỏ, thằng nhỏ Vương ngồi xin ăn ở nhà ga đã thấy Phúc ngật ngưỡng bước lên tàu. Ga chiều chập choạng dáng người say.
*
Vương giờ cũng say. Phận mồ côi màn trời chiếu đất. Ngày làm vài cuốc xe ôm, tối về ngủ ngoài lán chợ. Cũng có nhà đấy chứ, nhưng đất là đất mượn. Đợt vừa rồi khu công nghiệp về gần, giá đất đền bù cao nên người ta đòi đất. Họ dẹp bỏ cái nhà cấp bốn xây bằng gạch xỉ từng là tổ ấm đơn độc của Vương. Nhiều người xui Vương cứ dựng lều trên mảnh đất nhà ông Phúc mà ở. Bỏ đi mấy chục năm biết khi nào về. Xã mấy lần tính tịch thu đất hoang, bán đấu giá sung quỹ xây dựng đường sá nhưng nghe nói hồn bà mẹ chết thiêng. Cứ hễ ai ngó dòm động đến đất đai là gặp hết xui xẻo này đến xui xẻo khác. Họ nghĩ chắc bà giữ lại cho con trai lúc về già. Mà chắc gì người con ấy đã về, có còn sống cũng đã hai thứ tóc.
Ấy thế mà về thật, hôm ngồi sau xe, ông già Phúc ngửi thấy mùi sương gió phả ra từ mái tóc cứng đờ của Vương. Ông già như lần đầu tiên nhìn thấy gáy của mình, gầy, lõm sâu, đen đúa bụi đường và thảng thốt buồn qua gáy của Vương. Tối đó hai người nhóm một đống lửa nhỏ từ chính đống củi mục nát còn lại sau từng ấy năm trời trên mảnh đất ngày xưa. Mấy con cá khô, cút rượu trắng, thêm túm muối trắng xin được nhà hàng xóm cũng thành một cuộc nhậu đủ say. Chừng rượu vừa ngấm là men cay đắng cuộc đời cũng đến độ nồng. Họ cứ kể mãi, kể mãi cho đến khi lửa đã tàn, tro đã nguội và trên mắt từng người ướt nhoẹt. Chắc là vì sương đêm. Mùa thu nơi này lạnh tê tái lúc về đêm là vậy…
Một căn nhà mới được xây lên bằng số tiền còn lại sau một đời phiêu bạt của ông già. Vương nghỉ chở xe ôm vài tháng đến phụ ông già trông coi vật liệu, phát quang vườn hoang, trồng lại cây ăn quả. Dân làng bảo già rồi còn mong gì được ăn quả mà trồng? Ông già cười “tôi không ăn thì cũng đã có người khác hái. Lo gì”. Người khác ấy, ông già nghĩ tới Vương. Bằng tuổi ông ngày xưa, Vương giờ cũng lầm lũi giữa cuộc đời không cha, không mẹ. Bệnh tật, ốm đau cũng chẳng ai dòm ngó. Nếu chẳng may cảm gió nằm chết bên góc quán vệ đường, cũng chỉ biết nhờ lòng tốt người dưng thắp cho một nén nhang.
Hồi ông còn ở làng, lạ gì thằng nhỏ Vương suốt ngày đi xin ăn ngoài chợ. Mà hồi ấy đâu ai biết tên nó là gì, người ta vẫn gọi nó là thằng mọi. Cũng có hôm đi đào giếng thuê về, ông già từng lôi nó về nhà ăn cơm, tắm giặt. Mẹ ông từng cắt tóc, gội đầu và khâu vá lại mấy bộ quần áo rách cho thằng nhỏ. Giờ nhìn thấy Vương là ông nhìn thấy rõ rệt từng tầng ký ức. Như có dáng mẹ đang hiện hữu cặm cụi, lầm lũi đâu đây vừa thân thuộc lại vừa xa xăm quá.
Mỗi lần nghĩ về mẹ lòng ông thêm một lần đau. Giá như đừng vì giấc mộng tầm gửi giàu sang thì biết đâu đến tận bây giờ ông vẫn còn có mẹ. Bao nhiêu năm ông không muốn về lại chốn xưa cũng chỉ vì chẳng thể quên được cảm giác tội lỗi đầy ám ảnh. Giờ thì ông sắp được gặp mẹ rồi. Phải dựng lại căn nhà, chăm lại mảnh vườn để có thể mỉm cười khi gặp mẹ nơi chín suối. Chừng nào nhắm mắt xuôi tay ông tính nhờ Vương ở lại căn nhà lo hương khói. Thực ra đó chỉ là cái cớ để bao bọc, níu chân một kẻ bơ vơ không mảnh đất cắm dùi.
Nhà xây xong dân làng kéo đến mừng cho người trở lại. Quà về nhà mới là cây chổi, cái phích, bộ tách trà hay vài ba cân gạo. Lệ ở làng này bao năm vẫn vậy. Chỉ có điều lần này họ mừng thêm cả phần thằng Vương đã có chỗ nương thân. Cây cối trong vườn sau vài trận mưa đã hồi xanh. Rồi sẽ bám rễ, chồi cành, sẽ đơm hoa kết trái. Ông già thuê người về lập bàn thờ, bốc bát hương thờ mẹ.
Sau mấy chục năm trời tay run run thắp những que hương đầu tiên kính mẹ mà nước mắt thì đã cạn khô từ thuở rời xứ bơ vơ. Vương đứng lảng vảng ngoài sân, ngó cái dáng lưng gầy khô đét mà thương ông già đến thắt lòng. Tưởng như chỉ một cơn gió cũng có thể xô ông ngã xuống. Ông xương thịt đó nhưng cũng chỉ như một hình hài bằng cát bụi mà thôi. Ông già vẫy Vương vào bảo thắp một nén nhang cho mẹ đi con. Mấy hôm nay ông hay gọi Vương là con thân mật thế. Kể ra ngày xưa ông chỉn chu lấy vợ thì con ông bây giờ cũng xấp xỉ tuổi Vương.
Hành trình cuối cùng của cuộc đời lang bạt chính là trở về nhà. Trong hành trình ấy ông đã không đơn độc…