Chỉ tình thương ở lại

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1197 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1197 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Làn gió thoang thoảng thổi nhẹ qua cành cỏ lau lắc lư như vũ điệu Samba thật uyển chuyển nhẹ nhàng, lại sống động trông rất đẹp mắt trong buổi chiều tà nơi xứ lạ. Bình đang ngồi chăm chú vào sự chuyển động của hàng lau với tâm thái thật an yên.

Mọi thứ xung quanh đang diễn ra theo đúng quy luật của nó; nào là tiếng nỉ non của se sẻ, tiếng quạ kêu kiếm mồi, tiếng chó sủa liên hồi, tiếng động cơ xình xịch của nhà máy nước kế bên… Dường như Bình chẳng quan tâm để ý gì cả cũng không bị phân tâm bởi ngoại cảnh mà chỉ hướng về thảm ruộng xanh rì xa xa phía trước mặt.

Phóng tầm mắt xa hơn, Bình ngửa mặt ngước lên nhìn bầu trời trong xanh, những đám mây trắng xám lững lờ trôi và bất giác khẽ thì thầm: “Oh, những cánh chim sắt bay lượn trên không trung đang chuyên chở bao ước mơ về tổ ấm”. Đâu đó, có những người con xa quê hương đang trên đường hồi thăm chốn cũ. Miền ký ức năm nào lại ùa về. Từng câu chuyện mặn đắng lẫn ngọt bùi cứ đan xen nối tiếp nhau dập dìu ẩn hiện trong tâm trí.

- Sao dì cứ mè nheo thế?! Dì đợi khi nào rảnh cháu sẽ giúp. Bây giờ cháu bận lắm, đừng làm phiền.

- Ừ ừ... mẹ biết rồi, thế khi nào rảnh thì làm hộ mẹ tí nhé!

- Vâng. À! nhân tiện báo dì biết, tháng tới cháu đi làm ăn xa với bạn, không phiền dì phải nhọc công lắng lo dùm nữa”.

Dì biết có hỏi gì thêm thì Bình cũng không thèm trả lời, đành lẳng lặng quay ra. Bóng lưng đã cong khòm lủi thủi bước ra khỏi phòng của Bình đến ngồi một góc trên tấm phản rộng. Nhìn theo ra, vẫn là đôi bàn tay nhăn nheo khô gầy trơ xương lựa các ống chỉ củ mèm trong cái rổ đựng kim chỉ nhỏ, rồi cầm lên một ống chỉ ưng ý nhất. Vẫn là trạng thái mân mê, ngắm nghía ống chỉ trên tay, so màu chỉ xem có tiệp màu với chiếc áo khoác đã sờn lông, bung cúc chưa. Vẫn là chốc chốc lại đưa mắt nhìn phía cửa phòng, thấp thỏm đợi Bình kêu vào giúp xỏ chỉ. Dáng ngồi nhỏ thó cố lần cho ra hình cặp chim bồ câu thêu trên chiếc áo cũ sờn không còn nhìn thấy rõ hình dáng nữa. Thật tình, Bình cũng thấy thương thương làm sao nhưng không biết phải làm sao cho vừa lòng chính mình!

Bình vẫn nhớ như in có lần dì kể: “Đây là chiếc áo bông đầy kỷ niệm mà ba con đã tặng vào mùa đông giá rét thuở mẹ mới về. Thời ấy, đói khát bủa vây, cơ cực trăm bề. Cả năm làm lụng vất vả, phải chắt chiu, tích cóp lắm mới dư ra chút đỉnh. Ba mua tặng mẹ chiếc áo mới xem như là quà cưới, cũng là cảm ơn mẹ đã dành tình thương đối với người đàn ông góa vợ, nhận lời về ở cùng ba”. Từ cử chỉ đến ánh mắt trìu mến ngấn lệ, tôi đoán biết dì đã rất trân quý món quà như một kỷ vật vô giá.

Trong miên man, Bình tự trách. Chỉ vì không muốn chia sẻ tình thương của ba với người khác ngoài mẹ mà Bình đã không thương và chấp nhận dì như mẹ. Lắm khi, còn cố ý buông những lời lẽ cay nghiệt, cộc cằn khó nghe, những hành động vô lễ với dì. Để giờ đây, khi nghĩ về nó, Bình cảm giác hối hận vô cùng.

Ngẫm năm tháng qua đi, tình thương yêu của dì cũng chứa chan, cao cả dường nào. Dẫu sao thì thanh xuân của dì, cả đời của dì cũng đã hy sinh trọn vẹn cho chồng và các con. Rồi chợt nhớ, à! Ngày 20 tháng Chạp là giỗ ba rồi, cũng cận kề những ngày cuối năm càng khiến cho Bình thêm thổn thức. Lại một năm nữa xa nhà, nhớ đến di ảnh trên án tiền lạnh lẽo của ba, Bình càng xót thương hình ảnh người dì già nua chốn quê nhà. Hai hàng lệ tự nhiên lăn dài trên má.

Đang giàn giụa trong nỗi niềm chua xót nhưng như kịp trấn tĩnh: “Không được!”, Ý thức mách bảo: “Nước mắt là thứ tinh khiết và thiêng liêng không được rơi bừa mà phải rơi một cách có giá trị và xứng đáng”. Khi giọt nước mắt rơi xuống thì cây trưởng thành sẽ mọc lên và phát triển một cách bền vững bằng nghị lực và niềm tin. Với sự chăm sóc, tưới tẩm bằng ý chí và bón phân kiên cường thì khả năng chống chọi và chịu đựng của cây cũng trở nên mãnh liệt phi thường hơn mọi loài cây khác.

Tự dỗ ngọt bằng sự tự tin vào chính mình, nhưng thỉnh thoảng lại dường như bị đánh bại bởi tình thân và tình người. Tự vấn, chẳng lẽ mình đã sai thật sao? Thầm nhủ: Giá như ngày ấy mình đủ chững chạc, đủ trưởng thành, đủ bình tĩnh để đối diện sự thật và mở lòng hóa giải đón nhận dì; thì có lẽ giờ đây đã không phải một mình bôn ba bươn chải tha hương mà đang sống ấm áp trong ngôi nhà được gọi là gia đình rồi.

Bao năm phiêu bạt kiếm tìm hư danh, chỉ để chứng minh một điều là “cái tôi” của mình đúng, nhưng mãi đến mỏi mê mà vẫn chưa thành. Năm tháng bào mòn tuổi xuân, sự trưởng thành trong cô đơn khiến Bình nghiệm ra một điều: Không ai có thể tồn tại một mình trơ trọi giữa biển ái ố nhân gian này cả. Dù có mạnh mẽ đến đâu thì vẫn có những góc khuất yếu đuối trong tâm hồn. Cũng giống như trái tim cần máu để duy trì nhịp đập và não tủy con người sống được là nhờ vào khí oxy hít thở vậy.

Trong tĩnh lặng, bên tai như vẳng lại lời người mẹ thời còn sinh tiền dặn rõ mồn một. Mẹ bảo rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu hát rất hay là “sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”, con phải thuộc nằm lòng và ứng dụng nó ở mọi hoàn cảnh, mọi giai đoạn trong cuộc đời con nhé! Con đừng lo việc đối tốt với mọi người sẽ không được đền đáp, sẽ bị thiệt thòi; mà hãy nghĩ mình xứng đáng được bình an. Đã lâu rồi, Bình da diết thèm cảm giác được âu yếm yêu thương của người mẹ. Nghĩ đến mẹ thì gút thắt trong lòng lại dần được gỡ rối. Như có sự thần giao cách cảm, lau vội nước mắt, Bình bấm số gọi cho dì, run run xúc động: Alo… dì à.

- Ừ! mẹ đây, Bình đấy hả con, con có khỏe không? Ít hôm nữa là giỗ ba con rồi đấy. Năm nay con xin về thắp hương cho ba rồi cùng đón giao thừa, đoàn tụ gia đình nhé con. Chờ chỉ có vậy, Bình liền òa khóc nức nở.

- Da a a ạ mẹ! Tiếng mẹ đã dồn nén trong tâm khảm bấy lâu bởi bức màn chỉ là vô hình nhưng lại sừng sững như tường thành thép. Bức tường ngăn che đó được xây nên bởi sự ghen ghét, tính đố kỵ và lòng ích kỷ trường kỳ góp nhặt chất chồng dựng thẳng đứng giữa ranh giới mang tên “dì ghẻ - con chồng”. Nó vừa được rạn vỡ trong tiếng nấc nghẹn, mau chóng sụp đổ và nát vụn trong niềm hạnh phúc bởi sự thấu tỏ lòng nhau. - Con xin lỗi mẹ... con đã sai rồi mẹ ạ. Lẽ ra con nên vâng lời, hòa ái bên mẹ, ở nhà chăm sóc mẹ lúc ốm đau bệnh tật, trái gió trở trời. Con không nên ương bướng, nuông chìu bản ngã để thỏa mãn cái ý cho mình là đúng, là trung tâm, là duy nhất. Con xin lỗi mẹ.

Giọng ôn tồn mẹ nói: Dù con có làm sai điều gì thì mẹ vẫn bao dung, tha thứ cho con hết mà, mẹ đã giận con bao giờ đâu. Mẹ và các em vẫn đang đợi con quay về mỗi ngày đấy. Về nhà với mẹ, con nhé! - Vâng, con cảm ơn mẹ ạ. Bình rưng rưng lạc giọng trong niềm hạnh phúc vô biên.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.