Về hiện tượng người mang hình thức Tăng sĩ tham gia ca hát trong các chương trình giải trí

GN - Vừa qua, thông tin về việc 2 thí sinh trong hình thức tu sĩ tham dự gameshow Tuyệt đỉnh song ca 2017 (TĐSC), và được Ban Tổ chức (BTC) chọn lọt vào vòng trong, khiến dư luận đặc biệt quan tâm và có nhiều làn sóng thị phi. Nhiều ý kiến cho rằng việc khoác áo tu sĩ lên sân khấu biểu diễn là phản cảm.

20046482_471076676559986_4302084888952797594_n.jpg

Hình ảnh Nhất Nguyên, Hoàn Nguyên và Huyền Trân trong trang phục tu sĩ biểu diễn tại một chương trình văn nghệ do Ban Văn Hóa GHPGVN TP.HCM kết hợp Sen Vàng Từ Bi tổ chức, được xem là "chứng tín" cho việc công nhận người mang hình thức Tăng sĩ lên sân khấu (Ảnh từ clip "Phật giáo và Dân tộc Việt Nam")

Bày tỏ quan điểm về hiện tượng đó, TT.Thích Nhật Từ, UVDK HĐTS, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM cho biết:

- Việc “khoác áo tu sĩ lên sân khấu biểu diễn” có phản cảm hay không, tùy thuộc vào các yếu tố sau đây:

1. Người hát nhạc có phải là Tăng sĩ hay không? Ngày 14-9-2017, qua tìm hiểu trực tiếp, tôi đã nhờ Đại đức Minh Ân báo cáo đến Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN rằng hai vị này không phải là Tăng sĩ, theo quy định giới luật của Đức Phật. Vì họ chưa từng thọ giới Sa-di (tập sự làm Sa-môn) và Tỳ-kheo (chính thức làm Sa-môn), mà chỉ tu tại gia, cạo đầu trọc, mặc áo nâu sồng, từ nhỏ. “Khu Bồng Lai viên” chỉ là một tịnh thất, không có bảng chùa, nên không có đăng ký tự viện với GHPGVN tỉnh Long An, đã bị đơn vị tổ chức chương trình và truyền thông bóp méo thành “chùa Bồng Lai”. Do vì không rõ luật Phật, hoặc muốn câu view, BTC (Công ty Sen Vàng - PV), truyền thông đã cường điệu, khi dùng từ “sư thầy” hoặc “nhà sư” chỉ cho 2 thí sinh tại gia này.

Cụ Tâm Đức 86 tuổi - từng là Tỉnh hội trưởng Bửu Sơn Kỳ Hương, tỉnh Gia Định, người xây dựng “Khu Bồng Lai viên” - là cha tinh thần, nuôi hai vị này và 24 thành viên khác, nhỏ nhất là 3 tuổi đến dưới 30, đều cho cạo đầu, mặc áo nâu, người già thì để tóc. Cụ được BTC “phong” là “Hòa thượng” với chức “trụ trì” trong thông cáo báo chí ban đầu.

2. Nội dung của các ca khúc: Giới luật xuất gia cấm các Tăng sĩ ca, múa, xướng hát, chứ không cấm người tại gia. Vì Hiến chương GHPGVN và Nội quy Ban Tăng sự không cấm người tại gia mặc pháp phục xuất gia; hơn nữa, Hoàn Nguyên và Nhất Nguyên là người tu tại gia từ nhỏ, việc họ tham gia cuộc thi một chương trình như TĐSC, theo tôi, không có gì vi phạm giới luật Phật. Vấn đề là BTC gameshow phải nói rõ cho giới truyền thông để họ không vì mục đích câu view mà làm cho vấn đề trở nên phức tạp và bị hiểu lầm như trong thời gian qua.

* Qua trao đổi với PV Báo Giác Ngộ, Nhất Nguyên, Hoàn Nguyên cho biết rằng hình thức xuất hiện trong chương trình biểu diễn không do họ quyết định mà do BTC. Có ý kiến phân tích rằng việc BTC sử dụng hình ảnh tu sĩ hát làm yếu tố “độc - lạ” để nhằm thu hút khán giả, quảng bá cho chương trình. Thượng tọa nghĩ gì về việc đó?

- TT.Thích Nhật Từ: Rõ ràng như vậy. Nhằm thu hút khán giả, BTC của gameshow đã “sử dụng hình ảnh tu sĩ hát làm yếu tố độc - lạ” để quảng bá cho chương trình. Đây không phải là lần đầu tiên. Trên VTV3, năm 2014, BTC “Giọng hát Việt nhí 2014” cũng truyền thông cháu Lê Thanh Huyền Trân, người đoạt giải 3 cuộc thi, là “tiểu ni cô”. Cháu Huyền Trân cũng là con tinh thần của cụ Thích Tâm Đức, được nuôi dưỡng từ nhỏ tại Khu Bồng Lai viên. Vấn đề là BTC nên cung cấp thông tin chính xác đến giới truyền thông, để tránh tình trạng bị ngộ nhận rằng các thí sinh cư sĩ tại gia là Tăng sĩ Phật giáo.

* Việc hình thức tu sĩ lên sân khấu biểu diễn văn nghệ không phải là mới, mà đã xảy ra ở đó đây. Nhất Nguyên, Hoàn Nguyên cũng đã từng xuất hiện trong một số chương trình văn nghệ tại các cơ sở của Giáo hội với hình thức tu sĩ. Có ý kiến cho rằng tu sĩ không nên dự khán, đặc biệt là trực tiếp biểu diễn ở các chương trình sân khấu, các trò chơi truyền hình, các chương trình giải trí… Thượng tọa quan niệm về hiện tượng này như thế nào?

- Cả 6 trường phái Luật Phật giáo gồm Luật Tứ phần, Luật Ngũ phần, Luật Thập tụng, Luật Ma-ha Tăng-kỳ, Luật Nhất thiết hữu bộ Luật Thượng tọa bộ đều không cho phép Tăng sĩ ca hát, múa, hay xem, nghe. Nguyên do là vì nhạc đời làm não loạn tâm người xuất gia. Cuối tháng 3-2017, kênh YouTube “Khóc cười 24h đường phố” đưa tin sốc “2 sư thầy (Nhất Nguyên và Hoàn Nguyên) tiếp tục gây nghiện bằng giọng hát quá hay” làm cho clip này đạt hơn 6,2 triệu lượt xem! Vấn đề chính yếu ở đây là giới truyền thông đưa tin sai lệch để câu view, mà tăng view trong YouTube được hiểu là tăng tiền thưởng hàng tháng từ YouTube.

Theo tinh thần giới luật của 6 trường phái nêu trên thì Tăng sĩ không nên dự khán trực tiếp tại các sân khấu, trò chơi truyền hình, các chương trình giải trí, vì dễ bị đánh giá phản cảm. Tăng sĩ mà trực tiếp biểu diễn nhạc đời, nhất là nhạc tình, lại càng phản cảm hơn, không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu việc xuất hiện của Tăng sĩ tại những địa điểm nêu trên vì mục đích nhân đạo, như vận động quỹ từ thiện cho các thành phần cơ nhỡ bất hạnh…. thì bản chất vấn đề có khác. Ở đây, các Tăng sĩ không phải vì thưởng thức âm nhạc và nhảy múa, mà đến để đóng góp từ thiện như một loại hình Phật sự. Nhiều vị lãnh đạo GHPGVN cấp Trung ương và tỉnh thành thỉnh thoảng xuất hiện trên các kênh truyền hình trực tiếp của VTV, HTV v.v… trong 2 thập niên qua là một minh chứng cho mục đích mang tính phương tiện này. Nói khác, không nên quá cứng nhắc, phải xem xét mục đích mà các Tăng sĩ hiện diện ở những nơi biểu diễn văn nghệ mới đánh giá được việc đó nên hay không, tốt hay xấu. Đây là tinh thần “khai” (cho phép trong trường hợp ngoại lệ) theo tinh thần giới luật Bắc truyền, trên phương diện thực tế của vấn đề.

Người tu sĩ, trong quan niệm truyền thống của số đông, là biểu tượng cho đạo đức giải thoát, giác ngộ; việc gần đây có những vị tu sĩ mặc cả pháp phục (áo hậu vàng) tham dự các chương trình ca nhạc, một số ý kiến cho rằng như vậy là không phù hợp. Là người đứng đầu ngành văn hóa Phật giáo của TP.HCM, từng tổ chức nhiều chương trình văn nghệ, Thượng tọa thấy điều đó như thế nào?

- Như tôi vừa nêu, vấn đề nằm ở chỗ, đó là “nhạc gì?” đạo hay đời, tình ca hay đạo ca, thiền ca? Dòng nhạc đời có nhiều thể tài, trong đó, nhạc quê hương, nhạc triết lý, nhạc báo hiếu... có nội dung có thể chấp nhận được trong chương trình nhạc Phật giáo. Trong 6 thập niên trở lại đây, việc Tăng sĩ nghe nhạc Phật, biểu diễn nhạc Phật đã dần dà trở nên phổ biến trong cộng đồng Phật giáo Đại thừa tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Đại Hàn.

Cần nắm rõ nguyên nhân Phật chế giới về việc Tăng sĩ không được ca, múa và xem, nghe ca múa. Vì 26 thế kỷ trước tại Ấn Độ, nói đến ca khúc là nói đến tình ca. Người xuất gia nỗ lực vượt qua tham ái (tanha) trong đó, dục ái bao gồm tình yêu và tính dục, nên việc không nghe, không hát, không múa, không diễn nhạc tình sẽ tốt cho việc tu tập chuyển hóa hơn. Từ thế kỷ thứ I (tr.TL), Phật giáo Đại thừa có cái nhìn thoáng về âm nhạc. Nhiều bài kinh Đại thừa đề cập đến việc các nhạc công cõi trời biểu diễn nhạc, dâng cúng Phật trước khi Ngài tuyên thuyết chân lý. Theo đó, thập niên 30 của thế kỷ trước, nhạc Phật Việt Nam bắt đầu phát triển. Nay có hơn 20.000 bài nhạc Phật với nhiều thể loại và thể tài nội dung đã được sáng tác và biểu diễn ở nhiều ngôi chùa Bắc tông. Trong nhiều năm qua, một số Tăng sĩ ca hát nhạc đạo công khai trên sân khấu. Tăng thân Làng Mai hát nhạc thiền do chính Làng Mai sáng tác, làm rung động tâm người nghe. Các hình thức tán tụng của Phật giáo Trung Hoa mà Phật giáo miền Trung và miền Nam ta ảnh hưởng là loại “nhạc lễ” Phật giáo, mà theo truyền thống giới luật, làm gì có, cũng không được phép, nhưng đã tồn tại hàng thế kỷ rồi! Vấn đề nằm ở chỗ làm Tăng sĩ mà hát “nhạc đời” ở nghĩa hẹp là “nhạc tình” rõ ràng là phản cảm, trái giới luật Phật quy định. Tăng sĩ hát nhạc lễ, nhạc đạo, nhạc thiền có thể chấp nhận được, trong chừng mực nào đó, với mục đích cao quý.

* Thượng tọa có lời gì lưu tâm đối với những đơn vị tổ chức các chương trình văn nghệ khi tổ chức các chương trình liên quan tới văn nghệ Phật giáo?

- Để tránh những tình trạng phản cảm không nên có, BTC chương trình văn nghệ Phật giáo không nên giao khoán toàn bộ chương trình cho đạo diễn và biên tập viên. BTC chương trình âm nhạc Phật giáo cần nắm vững nội dung chương trình, xin phép Ban Tôn giáo tỉnh và Sở Văn hóa cấp giấy phép biểu diễn. Nội dung các chương trình âm nhạc do Phật giáo tổ chức không nên có các tiết mục “nhạc đời” theo nghĩa “nhạc tình”. Tuyệt đối không biểu diễn “Chuyện tình Lan và Điệp” vì bóp méo hình ảnh và lý tưởng xuất gia. Không nên có các tiết mục “hài tục”. Nhạc Phật bao gồm nhạc lễ, đạo ca, thiền ca… phải có nội dung giáo dục tích cực. Văn nghệ sĩ tham gia chương trình cần được yêu cầu trước, rằng họ phải ăn mặc trang nghiêm, tránh tình trạng mặc váy, đầm, thiếu vải… rất phản cảm. Có như thế, âm nhạc Phật giáo mới có thể phát huy được các mặt tích cực cần có trong bối cảnh xã hội hiện đại cần đến tính đa dạng về văn hóa, trong đó có văn hóa sân khấu và âm nhạc.



Làm thế nào để phân biệt đâu là tu sĩ hay cư sĩ khi họ tham gia chương trình thi ca nhạc hay biểu diễn nhạc?


“Từ góc độ khách quan, rất khó phân biệt đâu là Tăng sĩ, đâu là cư sĩ. Người tham gia phải biết mình là ai, Tăng sĩ hay cư sĩ, để ứng xử thích hợp. Ngộ nhận về hình thức Tăng sĩ là do cư sĩ mặc pháp phục xuất gia. Dù giới luật Phật không cấm cư sĩ mặc pháp phục như Tăng sĩ, đã đến lúc Hiến chương GHPGVN và Nội quy Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Văn hóa nên sớm bổ sung quy định “không cho phép cư sĩ mặc pháp phục xuất gia”. Đây là cách xây dựng hình ảnh người xuất gia có lý tưởng tu học cao quý. Cư sĩ mặc pháp phục Tăng sĩ là hiện tượng khá phổ biến trong Phật giáo Việt Nam, dẫn đến nhiều ngộ nhận đau lòng. Hiện tượng giả sư đi khất thực (mà thực chất là đi xin tiền), giả sư bán nhang, giả sư vận động xây chùa, làm từ thiện, giả sư làm việc bậy… ngày càng tinh vi và phức tạp. Quần chúng và Phật tử không thể phân biệt đâu là thật, giả, dẫn đến sự mất tín tâm của nhiều người.


Tại sao không có hiện tượng giả linh mục, giả giáo sĩ các tôn giáo khác mà chỉ có giả sư trong đạo Phật? Đó là do cơ chế quản lý của Phật giáo quá lỏng lẻo. Nội quy các ban ngành chuyên trách thuộc Trung ương Giáo hội không quy định đâu là pháp phục Tăng sĩ và cư sĩ. Pháp phục tu sĩ bán tràn lan tại các các chùa. GHPGVN không cấm cư sĩ mặc pháp phục Tăng sĩ bằng văn bản. Ban Pháp chế, Ban Kiểm soát, Ban Tăng sự, Ban Văn hóa chưa phối hợp với các cơ quan Nhà nước nhằm phát hiện và nghiêm trị những kẻ giả sư.


Hơn nữa, về pháp phục Tăng sĩ, trên nguyên tắc cái gì không cấm thì được phép… đã dẫn đến nhiều tình huống cười ra nước mắt. GHPGVN cần pháp quy hóa những quy định về người xuất gia và tại gia để tránh bị lẫn lộn, lạm dụng, hiểu lầm, gây hoang mang và đánh mất niềm tin của quần chúng”.


TT.Thích Nhật Từ


Giáo hội nên có quy chuẩn về pháp phục của tu sĩ Phật giáo, theo hệ phái riêng cũng như trang phục của Phật tử để tránh lẫn lộn.

“Một khi đã có quy chuẩn và ban hành rộng rãi thì đó cũng là cách quản lý tu sĩ một cách minh bạch, với dấu hiệu nhận biết rõ ràng, cụ thể. Theo đó, ai lợi dụng hình ảnh nhà sư với động cơ, mục đích riêng tư, sai trái nào cũng đều phải được pháp luật xem xét. Có như vậy thì người giả sư hoặc những người lạm dụng chiếc áo nhà sư mới không dám thực hiện hành vi sai trái của mình.

Nên đưa nội dung lạm dụng chiếc áo tu sĩ vào showbiz hoặc bất kỳ vấn đề nào của cuộc sống đều là làm tổn hại đến uy tín của một tổ chức tôn giáo. Gây tổn hại đến uy tín một người còn có thể đưa ra tòa, huống hồ làm tổn hại uy tín của tổ chức tôn giáo có tín đồ đông nhất Việt Nam hiện nay”.


ĐĐ.Thích Giác Hoàng
Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

* Bài liên quan: Về hiện tượng khoác áo nâu sồng lên sân khấu || Tránh những cơ hiềm ||


Nhóm PV
thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.