GN - Vừa qua, khi báo Thanh Niên điện tử đưa tin “Hai sư thầy hát bolero 'triệu view' bắt tay thi gameshow”, lập tức dư luận quan tâm, bạn đọc cũng phản ánh về tòa soạn Báo Giác Ngộ với ý kiến cho rằng Giáo hội cần quan tâm hiện tượng này.
Việc hai thí sinh khoác áo nâu sồng lên sân khấu biểu diễn theo sự chỉ định của BTC một chương trình thi ca hát đã tạo nên làn sóng thị phi trong dư luận - Ảnh: Báo Thanh Niên
Báo chí đã vào cuộc sau khi có phát ngôn từ Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An (được phát ngôn từ người đứng đầu là HT.Thích Minh Thiện). Thông tin do Ban Tổ chức (BTC) Tuyệt đỉnh song ca 2017 (TĐSC) - Công ty Sen Vàng cung cấp cho báo chí đó là “các sư thầy đang tu tại chùa Bồng Lai (Đức Hòa, Long An) và cùng sống trong chùa từ nhỏ. Tháp tùng “2 sư thầy đi thi” có “Hòa thượng Thích Tâm Đức”, là “trụ trì của chùa Bồng Lai”.
Trả lời Báo Giác Ngộ, HT.Thích Minh Thiện cho rằng: “Ngay khi đọc thông tin trên báo chí nói về hai sư thầy ‘triệu view’, gây sốt mạng xã hội xuất hiện trên một trò chơi truyền hình, đang tu tại chùa Bồng Lai, tỉnh Long An, không chỉ Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An mà Tăng Ni, Phật tử thuần thành của tỉnh Long An đều rất bức xúc”.
“Bồng Lai là am cốc tự phát, không thuộc sự quản lý của GHPGVN tỉnh Long An”, vị giáo phẩm Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An xác định.
Tìm về nơi “chùa Bồng Lai”
Được biết từ đầu năm nay, nhiều clip của “cặp đôi song ca” trong hình thức “đầu tròn áo vuông”, thể hiện những ca khúc bolero quen thuộc liên tục tung lên mạng khiến nhiều người theo dõi, và được cho là “nhận hàng triệu view mỗi clip”.
Dư luận bùng nổ khi hai nhân vật này bước ra sân khấu thực, tham gia TĐSC do Công ty Sen Vàng tổ chức, phát trên sóng Đài Truyền hình Vĩnh Long. Sẽ không phải là vấn đề cho dư luận bình phẩm nếu hai thanh niên đó không khoác trang phục áo nâu sồng của người tu sĩ Phật giáo, và được BTC giới thiệu là “sư thầy” - tu sĩ Phật giáo, người bảo hộ là “Hòa thượng trụ trì”…
Địa chỉ nơi được gán cho là "chùa Bồng Lai", theo thông tin cung cấp cho báo chí của công ty Sen Vàng
Để có thông tin thực tế, PV Giác Ngộ đã tìm về “chùa Bồng Lai”, thì đó là một ngôi nhà số 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Thật khó khăn để có được câu chuyện với vị được cho là “Hòa thượng Tâm Đức” và hai “sư thầy” Lê Thanh Hoàn Nguyên và Lê Thanh Nhất Nguyên - nhân vật chính tâm điểm của dư luận.
Khi PV chủ động trao đổi, vị cao niên trong áo nâu sồng, với chòm râu trắng phúc hậu không giấu được sự mệt mỏi trên khuôn mặt hiền lành, bộc bạch rằng phải theo “thủ tục” của nhà sản xuất, không được tự ý trả lời báo chí khi không được sự đồng thuận của một người có tên Chiến.
Một đồng nghiệp ở báo Người Lao Động mà chúng tôi tình cờ gặp tại đây chia sẻ: “Lúc nãy chúng tôi cũng phải điện thoại cho anh Chiến, nói chuyện mất một giờ đồng hồ. Anh Chiến cho phép, ‘thầy’ Tâm Đức mới chịu trò chuyện với chúng tôi”.
Giải thích tên gọi “chùa Bồng Lai”, vị cao niên cho biết đây là “tịnh thất” tự lập để tu tập, không danh xưng, không để biển hiệu, do gần một nghĩa trang có tên gọi là Bồng Lai Viên, nên người dân quanh vùng liên hệ gọi cho tiện là “chùa Bồng Lai”. Quan sát, PV cũng không thấy bảng hiệu nào được dựng mang tên “chùa Bồng Lai” trong khuôn viên địa chỉ trên.
Về trang phục đi dự thi hát trong gameshow, vị cao niên cho biết: “Mấy vòng đầu Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên mặc áo bình thường, kiểu áo lãnh tụ để biểu diễn. Vô vòng trong thì BTC mới điện thoại kêu gởi 3 mẫu áo để họ chọn. Chúng tôi gởi 3 mẫu thì họ chọn kiểu áo nhà chùa (áo tràng xiên - PV) cho hai con lên sân khấu biểu diễn”. Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên lý giải thêm: “Ban đầu thì BTC kêu chúng tôi gởi mẫu đồ để chọn, chúng tôi đâu có nhiều mẫu, đây là bộ đồ chúng tôi mặc từ nhỏ, nên mặc thế nào gởi thế đó cho họ chọn”. Hỏi có biết vì sao BTC chọn áo nhà chùa (tràng xiên) không, Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên trả lời có lẽ là “vì nhìn nó đẹp hơn áo vạt ngắn”.
Trong câu chuyện, dường như cả vị cao niên lẫn Hoàn Nguyên và Nhất Nguyên không nhận thức được vấn đề liên quan tới giới luật của người tu sĩ Phật giáo, trong khi họ đang sử dụng hình thức đó. “Đây là giới luật rồi, tôi thì tôi không hiểu, vì lý do ở đây họ nghe lời của Phật, Phật dạy một người tu sĩ là không được nghe đàn ca hát xướng. Thì họ nghe cái giới luật đó, chứ tôi là tôi không hiểu, tại sao họ lại cấm cản như vậy, nó đúng sai gì hay mang gì tốt đẹp cho mọi người, người ta đều thấy trước mắt tốt đẹp hay xấu xa quá rõ rồi, chúng tôi không cần giải thích”, Nhất Nguyên nói.
Hỏi kỹ vấn đề, Nhất Nguyên mơ hồ nhận ra do hình thức trang phục áo tràng xiên màu nâu nên có khả năng bị dư luận hiểu lầm “là hình thức của chùa, của Giáo hội” - người của Giáo hội thì phải theo luật là không được phép ca hát, “còn mình là tu ngoài Giáo hội nên mình được mặc lên thi là bình thường”, Nhất Nguyên nói.
Khi PV lặp đi lặp lại câu hỏi ai là người quyết định trang phục xuất hiện trên sân khấu và quảng bá cho chương trình gameshow này, Nhất Nguyên và Hoàn Nguyên xác nhận là BTC. “BTC kêu mình gửi 3 bộ đồ, mình gởi nhưng người quyết định mặc bộ nào là của BTC”, Hoàn Nguyên nói.
“Nhà sư hát - trò câu view của nhà đài”?
Đó là tiêu đề của một bài viết trên báo Phụ Nữ - TP.HCM về việc các đơn vị tổ chức các trò chơi - gameshow khi để các nhà sư (dù thật hay giả) khoác áo nâu sồng lên sân khấu và chọn họ vào vòng trong, phát sóng truyền hình, phổ biến trên mạng xã hội, bất chấp sự “khó coi” của hình ảnh này trong mắt công chúng.
Bài báo cũng đã đặt vấn đề phải chăng việc nhấn vào hai nhân vật được cho là nhà sư cùng với các clip “triệu view” và chọn họ vào vòng trong là “yếu tố độc - lạ” để chương trình gameshow này mời gọi khán giả? Việc làm đó được cho là bất chấp sự tế nhị trong văn hóa - tín ngưỡng của người dân, là trò câu view quá lố của đơn vị tổ chức - Công ty Sen Vàng và Đài Truyền hình Vĩnh Long.
Hai "sư thầy" Hoàn Nguyên và Nhất Nguyên trong bản trailer của chương trình TĐSC dự kiến sẽ phát sóng
Một số ý kiến tỏ ra đáng tiếc trường hợp tham gia thi thố trong một trò chơi của Hoàn Nguyên và Nhất Nguyên, nếu có đam mê và năng khiếu âm nhạc thì cứ theo đuổi với tư cách là một con người bình thường, thể hiện với cả tâm hồn trong một hình thức phù hợp. Có cần thiết với hình thức tu sĩ (bị lợi dụng) chỉ vì một giải thưởng của một gameshow, hay “có tiếng” để rồi bị làn sóng dư luận xô đẩy trong sự ngơ ngác, chất phác như thế?
Trước áp lực của dư luận, trong đó có phát ngôn phản ứng gay gắt của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An, BTC chương trình sau một hồi im lặng, cuối cùng cũng đã lên tiếng xin lỗi, đính chính và thông báo có sự điều chỉnh về danh xưng, trang phục và đẩy lùi thời gian phát sóng trên Đài Truyền hình Vĩnh Long.
Lời xin lỗi của đơn vị tổ chức cải chính, rằng: “Về địa điểm có tên chùa Bồng Lai như trong thông cáo báo chí, đây không phải là chùa mà là nơi những người có tinh thần hướng Phật lập ra để học tập những chân lý của Phật giáo. Họ cũng xuống tóc, mặc áo nâu nhưng là những người tu tập tại gia chứ không phải là nhà sư. Nhất Nguyên, Hoàn Nguyên đã sống ở đây từ nhỏ”.
Sự phân bua này lại một lần nữa thiếu sự thuyết phục, khi chính vị cao niên được BTC tùy tiện phong là “Hòa thượng trụ trì chùa Bồng Lai” trước đó chia sẻ với Báo Giác Ngộ chỉ mới về địa chỉ này sinh sống gần 2 năm. Xác minh sổ tạm trú, tạm vắng chính quyền địa phương cấp thì đúng như vậy, cũng chỉ bắt đầu từ năm 2015. Xin không bình luận gì thêm. Qua những thông tin trên cho thấy điều gì, có lẽ mỗi người đã có được câu trả lời.
Sự vụ “hai sư thầy” tham gia thi thố tài ca hát và được chọn vào vòng trong, được sử dụng làm yếu tố quảng bá cho một gameshow dự kiến phát trên sóng truyền hình đã tạo nên một phản ứng trong dư luận, đa phần là gay gắt và cho là phản cảm, không phù hợp với những quy ước mang tính truyền thống của văn hóa Việt Nam. Các nhân vật chính bị đẩy vào vòng xoáy của thị phi, mà lẽ ra trách nhiệm thuộc về đơn vị tổ chức, cần có ý thức về đạo Phật, một tôn giáo truyền thống có lịch sử hai ngàn năm gắn bó với dân tộc, ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống tinh thần của người dân.