GN - Thầy đã hỏi và cũng là mời gọi như thế từ hai tháng nay, kể từ ngày Phật giáo Huế khởi động chương trình Đại lễ Phật đản 2012 trên bàn hội nghị.
Về Huế đón mừng Phật đản vui và thiêng liêng lắm. Thầy khẳng định, mà không phải chỉ mỗi mình thầy khẳng định như thế đâu; hầu như ai đã từng tham dự Đại lễ Phật đản ở cố đô Phú Xuân - Huế đều hoan hỷ khẳng định điều đó.
Chẳng có nơi nào như xứ Huế, đất kinh kỳ một thời còn lưu giữ biết bao nét đẹp thâm trầm, đáng quý, từ nếp sống nho nhã đến cách nói chuyện lịch thiệp. Phật giáo Huế vẫn còn đó những nét riêng chốn thiền môn như chưa hề bị suy suyển bởi những ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, thầy có lời khen như thế, không phải là “mèo khen mèo dài đuôi”, mà thực sự mình cũng cảm nhận được điều đó, tâm đắc!
Chuẩn bị hạ thủy 7 hoa sen Phật đản trên sông Hương - Ảnh: lieuquanhue
Có ai về Huế mùa Phật đản? Câu hỏi như thúc giục để những người con Phật tứ phương về đón lễ hội Đản sinh giữa lòng cố đô, để nghe câu Nam ai, Nam bằng, nghe cả âm ba chuông chùa quen thuộc, và đặc biệt là nhìn ngắm khung cảnh Huế những đêm rộn ràng Phật đản. Đèn, xe hoa, và những đóa sen trên dòng Hương giang thơ mộng cứ như những hình ảnh ở cõi nào, tuyệt đẹp, dâng lên cúng dường mùa Đản sinh.
Về Huế đi, để cảm nhận, để sống trong chất thâm trầm của cảnh và người xứ Huế, của những sáng tạo độc đáo thuộc về văn hóa được bắt nguồn từ tình yêu Phật pháp của những vị thầy trẻ và từ sự quyết đoán, biết giao nhiệm vụ cho người trẻ của hàng tôn túc lãnh đạo, như chủ trương mà HT.Thích Giác Quang, Phó ban Thường trực BTS PG Thừa Thiên Huế có lần chia sẻ với người viết. Ý tưởng làm lễ hội Phật đản thật đẹp, thật trang nghiêm đâu phải chỉ để dâng lên cúng dường Phật mà còn để cho người dân, bạn đạo và bạn bè quốc tế nhìn ngắm một Việt Nam thanh bình, một đất nước an khương với tinh thần Phật giáo cũng là tinh thần bi trí thấm đẫm trong mỗi người thật gần gụi, chân chất.
Vui thay Phật ra đời! Niềm hân hoan ấy là lẽ đương nhiên bởi Đức Từ Phụ ra đời đã cứu không biết bao nhiêu chúng sinh trầm luân bằng giáo lý mầu nhiệm của Ngài. Ở giữa lòng đất Huế, niềm hoan hỷ ấy càng trở nên ý nghĩa và dễ cảm nhận hơn bởi nét đẹp lễ hội Phật giáo chốn này. Ai đã một lần tới Huế đều cảm nhận rằng con người nơi đây vẫn giữ gìn nét đẹp vốn có từ chính cha ông, từ những bài học về nhân-lễ-nghĩa… được hun đúc từ bao đời, nay càng thấm nhuần qua chơn lý lời Phật dạy.
Nhớ ơn và báo ơn một bậc giác ngộ, đã đem ánh sáng trí tuệ, lòng từ mẫn tưới tẩm cho những hạt giống thương yêu, hiểu biết khai mào bằng cách xưng tán, ca tụng và trân trọng bằng lễ hội, bằng những việc làm ý nghĩa như kinh hành trên phố, thắp nến cầu nguyện hòa bình, an lạc cho thế giới, cho chúng sinh… Đó cũng chính là cốt cách sống nhân văn của con người đất Việt!
Cảm ơn Huế đã thắp lên những ngọn đèn hoa sen rực rỡ, đã biết tiếp nối truyền thống đẹp, kịp thắp lên trong lòng những người Phật tử kính Phật, trọng Tăng, yêu dân tộc, thương giống nòi và vạn loại chúng sinh có cơ hội quay về trong tỉnh thức, để cùng nguyện cầu hòa bình giữa mùa Phật đản nơi đất cố đô…
Trầm lắng là thế, nhưng những ngày này Huế đang rộn rã, cả đất trời - người dân vào hội với tâm thế hân hoan. Những người con phương xa, có ai về Huế giữa mùa Phật đản không?
Phong Châu PG-TT
Mùa Phật đản của tôi
Là chủ đề viết về Phật đản được mở trên Trang Phật giáo - Tuổi trẻ (Giác Ngộ Online) kể từ ngày 2-4-Nhâm Thìn đến hết ngày 15-4-Nhâm Thìn. Bạn đọc tham gia viết dưới dạng tùy bút, chia sẻ những cảm nghĩ, cảm xúc của bạn đối với Đức Phật và những ngày lễ Phật đản đáng nhớ, những kỷ niệm về những mùa Phật đản đã qua và những mong ước về mùa Phật đản đang về... Khuyến khích những bài có hình ảnh đi kèm.
Bài viết không quá 1.200 chữ, vui lòng gửi về địa chỉ: phatgiaovatuoitre@gmail.com.
Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút.