Vấn vương hương Tết

Chẳng biết từ bao giờ nó thích mùa xuân đến vậy. Có lẽ là từ dạo biết lon ton theo mẹ đi chùa, và mùa xuân là dịp để đi chùa nhiều nhất. Đêm trừ tịch, hai má con lại đến chùa kế bên nhà để nghe chuông trống bát nhã trỗi lên, nghe tiếng tụng kinh xua tan cái lạnh của đêm.
Tết qua rồi nhưng sao lòng vẫn vấn vương hương tết - Ảnh: Trung Uyên
Tết qua rồi nhưng sao lòng vẫn vấn vương hương tết - Ảnh: Trung Uyên

Năm nay cũng vậy, nó về quê đón tết từ 24 tháng chạp, để lại nơi Sài Gòn những bộn bề công việc. Hành trình về quê khá vất vả trong những ngày cuối năm, nhưng do mặc định ý nghĩa về quê ngày tết là đang “đi tìm mùa xuân” nên nó chẳng thấy mệt. Ngược lại cái cảm giác lâng lâng chờ tết cứ làm nó hồi họp, thích thú.

Hương tết ngày nay còn quyện với những hoài niệm tết của ngày xưa, thiếu thốn nhưng sum vầy. Lúc đó ngoại còn sống, ngoại rất thương nó, có lẽ vì nó đáng thương hơn những đứa cháu khác. Ba bỏ mẹ con nó khi nó mới tượng hình trong bụng, nó nào đã hiểu biết nhân tình thế thái là gì nhưng cũng mặc nhiên đón nhận điều chẳng ai mong muốn: thiếu tình phụ tử.

Tết là mùa sum họp, mùa quây quần bên nhau nên nó nhớ về những ngày xưa, một chút hoài niệm để theo dòng tâm tưởng ấy, ngoại có mặt bên nó và má. Nó biết ngoại vẫn đang có mặt trong nó mỗi ngày qua những hành động của nó vì nó là sự tiếp nối của ngoại, của má, của ba (người nó chưa gặp mặt dù chỉ một lần) và của nhiều người nữa… Biết vậy để tự nhắc mình phải sống thật tốt, giống như mùa xuân này nó đã biết thực tập thở và cười trong chánh niệm.

(TẤN KHÔI)

Nó từng buồn vì điều đó nhưng cũng vui vì nhờ vậy nó biết được tình thương của ngoại dành cho nó nhiều thế nào. Và cũng nhờ cái khổ ấy nó mới đến được với mái chùa, được gần thầy, hiểu đạo. Từ đó nó ngộ ra kiếp sống phù sinh này nằm ở hơi thở; xuân đến, xuân đi là quá trình để đếm tuổi, đi qua những miền cát bụi. Ngộ ra để nó hiểu rằng: “Làm người ai cũng phải chết, biết vậy để sống thật tốt”.

Lại nói về tết cũ, lúc còn ngoại khi ấy nó mới học cấp II trường làng. Những ngày cuối năm ngoại tất bật chạy chợ với gánh rau, buồng chuối… Nhà năm nào cũng thiếu trước hụt sau, ngoại phải tằn tiện mua cho đủ đồ cúng ông bà trước khi mua bánh trái dọn bà con hàng xóm, tết là dịp để tới thăm nhau, chúc tết.

Và sau cùng mới đến mua quần áo mới cho nó. Đó là những món đồ riêng lẻ chứ chưa trọn bộ. Năm thì cái áo mới, năm cái quần mới, chưa năm nào mua đủ bộ vì không đủ tiền. Còn ngoại và má nó thì mặc đồ cũ, cũ nhưng vẫn rất mới vì đó là đồ để dành, có duyên sự cưới hỏi hoặc tết mới lấy ra mặc nên ai cũng tưởng đồ mới. Chiếc áo bằng vải lanh của ngoại, má nói khoảng 10 năm rồi vẫn còn mới, đến lúc ngoại mất chiếc áo ấy vẫn còn mới vì chỉ có mấy chục nước giặt.

Ngoại ra đi mãi vào một buổi sáng mùa đông sau mấy tháng nằm liệt giường. Nó vừa đi học về thì má nói: "Ngoại đi rồi con à!". Từ ngày ngoại mất nó và má ăn chay. Và cũng từ ngày ấy hai má con đón tết buồn hơn vì thiếu một người. Má cứ nhắc nó năng đi chùa để cầu nguyện và làm những việc tốt hồi hướng cho ngoại. Nhưng cuộc sống Sài Gòn đầy bon chen nhiều khi nó quên mất, chỉ khi nào về quê như dịp tết thế này thì mới nhớ ngoại nhiều hơn.

Miên man hương tết của ngày xưa và chợt nhớ đến những ngày tết vừa qua, má bảo: "Con lớn rồi, đi xa má nhiều năm rồi, mỗi năm về ăn tết một lần như vầy má vui lắm. Nhưng quan trọng là đừng để bị cuốn vào công việc nhiều quá, phải biết dừng lại để tĩnh lặng".

Nó lục mớ quà tết quê má gửi, nào lá bánh tráng, bánh tổ, bánh in. Quà quê thơm thảo tấm lòng của má. Nhìn những gói quà má gói thật kỹ và thấy mùa xuân chưa đi qua. Hương tết vẫn còn đây, có lẽ không chỉ tại Sài Gòn còn những hoa, những câu biểu ngữ mà hơn hết là nó biết còn có má. Còn má là còn mùa xuân, con chắc chắn thế!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.