Quốc lễ giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10-3 |
Không một người Việt Nam nào không tự hào về tính lịch sử và truyền thống tổ tiên xây dựng nền móng độc lập, tự chủ và mở mang bờ cõi từ thời đại các vua Hùng cho đến giai đoạn ngày nay. Nhà nước Văn Lang của các vua Hùng là nhà nước phôi thai đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhưng đã cố kết được lòng người, từ tình cảm cộng đồng dẫn đến ý thức cộng đồng, thể hiện rõ tình đồng bào ruột thịt, đã bước đầu hiểu được mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, thấy được sức mạnh của cộng đồng trong việc dẫn thủy nhập điền, trao đổi sản phẩm và đấu tranh gìn giữ bản làng, đất nước.
Cũng trong thời đại Hùng Vương có hai truyền thuyết thể hiện tinh thần quật khởi của người Lạc Việt được lan truyền mãi trong dân gian: Phù Ðổng Thiên Vương và Sơn Tinh Thủy Tinh.
Truyền thuyết Hùng Vương, dưới mắt nhiều nhà nghiên cứu sử, dù có tính cách thần thoại, nhưng kể từ khi được ghi vào chính sử trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên năm 1479 dưới triều vua Lê Thánh Tông, đã có tác động mạnh vào tâm lý người Việt Nam, trở thành niềm tin, niềm tự hào về ngày Giỗ Tổ của dân tộc. Trong lịch sử thế giới, chỉ có Việt Nam chúng ta là quốc gia duy nhất có ngày Giỗ Quốc Tổ cho cả dân tộc.
Trong lịch sử nước ta, truyền thuyết (huyền thoại) Quốc Tổ Hùng Vương là mẫu số chung cho tất cả dân tộc cộng tồn trên dải đất hình chữ S, thể hiện bản sắc và truyền thống người Việt. Tinh thần đoàn kết dân tộc, sống với tình thương hài hòa giữa mọi sắc tộc dù có sự khác biệt về tập quán, tín ngưỡng, hệ thống gia đình mẫu hệ hay phụ hệ nhưng luôn luôn giữ vững ý chí bất khuất, cương quyết chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập Tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải.
Hai ngàn năm lẻ, dân an lạc
Mười tám đời vua, nước thái hòa.
Thời đại Hùng Vương là thời đại mà dân tộc Việt Nam chúng ta có một quốc gia đa dân tộc, có cương vực và địa bàn lãnh thổ thống nhất. Theo những sử liệu cổ nhất của Trung Quốc trước Tây lịch đến những sử liệu Việt Nam thời đại phong kiến thì nước Văn Lang có 15 bộ, tương ứng với 15 khu vực sinh sống của các cộng đồng, của nhiều bộ tộc khác nhau nhưng cùng một ý thức quốc gia thể hiện là Hùng Vương.
Cương vực nước Văn Lang cụ thể như thế nào thì cần nghiên cứu thêm nhưng rõ ràng là “Nước Văn Lang thời Hùng Vương đến nước Âu Lạc thời An Dương Vương, rồi đến hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân thời thuộc Triệu và thuộc Hán, có thể xác định: Địa bàn của nước Văn Lang tương ứng với vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ nước ta ngày nay và một phần phía Nam Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc”. (Lịch sử Việt Nam, tập 1 - NXB Đại Học và Giáo Dục Chuyên Nghiệp, Hà Nội - 1991).
Trong hoàn cảnh nửa lên non, nửa xuống bể, nhiều dân tộc anh em đã cùng chung sống và từ đó ý thức xây dựng quốc gia, bảo vệ chủ quyền dân tộc đã dần hình thành. Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc đã chứng minh, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy thì các dân tộc anh em đều cùng chung lưng sát cánh để bảo vệ Tổ quốc.
Có thể nói, dân tộc Việt Nam là một dân tộc có ý thức mạnh mẽ chống lại sự thống trị của ngoại bang, và thực tế cha ông ta đã nỗ lực cởi bỏ ách nô dịch văn hóa trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc và sự chi phối của các thế lực xâm lược phương Tây. Ý nghĩa thiêng liêng hàm tàng trong bề dày lịch sử nhiều nghìn năm đã hun đúc nên tinh thần quật khởi bằng xương máu trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.
Mỗi dịp kỷ niệm Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, mỗi người Việt Nam chúng ta luôn khắc ghi tinh thần dựng nước và giữ nước trong khối đại đoàn kết dân tộc với niềm tự hào mang trong mình dòng giống Lạc Hồng, tinh thần bất khuất, kiên cường chống lại các thế lực ngoại lai, đồng thời ý thức xây dựng một nền văn hóa sáng tạo của người Việt Nam, đẩy lùi mọi âm mưu đen tối gây chia rẽ bằng nhiều phương cách khác nhau, trong đó nô dịch văn hóa là một trong những mối nguy hại cho thế hệ trẻ hôm nay, ngay cả trong lĩnh vực tín ngưỡng tâm linh - tôn giáo.
Nhà nước Văn Lang, quá khứ lịch sử xa xôi, một nền văn minh rực rỡ đã ẩn mình trong lòng đất sâu khảo cổ học cùng với một kho tàng văn hóa dân gian cực kỳ phong phú. Nhà nước ấy đã được ghi lại trong các thư tịch cổ, trong kho tàng truyền thuyết đã một thời in đậm trong tiềm thức của người xưa nhưng lại có nguy cơ mờ nhạt dần trong tiềm thức của những thế hệ tương lai. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” vừa được UNESCO cấp Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chính là sự tôn vinh những đóng góp của dân tộc ta vào sự phong phú, đa dạng văn hóa trên bình diện toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, lời dặn dò của Hồ Chủ tịch với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 trước giờ tiếp quản thủ đô Hà Nội tại sân chùa Thiên Quang ở khu vực đền Hạ năm 1954: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước” vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự, mang hào khí của một bản Tuyên ngôn Vệ quốc!