HỎI: Nhân ngày Phật đản năm nay, chúng tôi có đi lễ ở một ngôi chùa ở vùng quê. Sau khi lễ Phật xong, chúng tôi ra vườn chùa tham quan thì phát hiện trên giàn hoa có một con chim gáy đang bị nuôi nhốt trong lồng. Anh em chúng tôi rất bức xúc vì sao nhà chùa lại nuôi nhốt chim. Lập tức một người đã mở cửa lồng đem con chim gáy đó ra ngoài ruộng thả bay đi. Sau đó, các anh em trong nhóm đã tranh cãi kịch liệt về chuyện thả chú chim gáy đó. Có người cho rằng: việc tùy tiện đem thả con chim đó là hành động ăn cắp, không thể chấp nhận được, bởi nó là vật có chủ. Người khác thì cho rằng: thấy sinh linh bị giam cầm tại sao ta không giải thoát cho nó, trong khi ta có đủ điều kiện. Một số thì lại nói rằng: nên thưa chuyện với thầy để biết rõ ràng sự việc, sau đó mới xin phép thả con chim gáy đó về trời. Nhưng cũng có người cho rằng: chưa chắc thầy sẽ cho thả, nên nếu mình không mạnh dạn thả ngay thì khó mà giải thoát cho nó được. Vì chuyện thả chim kể trên nên anh em trong nhóm tu tập của chúng tôi hiện nay rất căng thẳng, không ai chịu theo ý kiến ai, ai cũng cho là mình đúng. Chúng tôi mong được quý Báo sẻ chia để có thể mở rộng hiểu biết và gắn kết tình cảm huynh đệ trong nhóm không bị sứt mẻ.
(QUÝ-HOA, HƯNG-BÔNG, VÂN-MẠNH, QUANG-NGỌC, ÚT-QUÝ, THỦY-MẠNH,
uyen0507_bebo@yahoo.com)
ÐÁP:
Các bạn Quý… Mạnh thân mến!
Các bạn thấy một chú chim bị giam cầm nên đã tìm cách giải thoát nó, tâm ấy chính là từ bi. Tâm từ bi, tâm ban vui và cứu khổ ấy cần được các Phật tử thể hiện trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, từ bi phải luôn song hành với trí tuệ. Nếu thiếu sự soi sáng của tuệ giác thì tình thương đôi khi lại trở nên chướng ngại, buộc ràng. Việc các bạn tùy tiện giải thoát cho chú chim gáy treo trong vườn chùa đã dẫn đến tranh cãi, bất an và nguy cơ tổn thương tình huynh đệ là một điển hình.
Ý kiến của các bạn khá nhiều nhưng tựu trung gồm hai nhóm chính: Nhóm một là, phải tìm hiểu kỹ sự việc, sau đó mới từng bước tiến hành giải cứu chú chim đó. Nhóm hai là, giải cứu chú chim ấy ngay tức khắc mà không cần nghĩ đến các vấn đề liên quan có thể xảy ra. Trong khi chú chim gáy bị nuôi nhốt trong vườn chùa chưa được xác định chủ nhân và cũng chưa lâm vào tình trạng nguy cấp cần giải cứu ngay tức khắc, thì đâu cần phải quá nôn nóng, vội vàng.
Những ý kiến thuộc nhóm hai: “Thấy sinh linh bị giam cầm tại sao ta không giải thoát cho nó, trong khi ta có đủ điều kiện” và “chưa chắc thầy sẽ cho thả, nên nếu mình không mạnh dạn thả ngay thì khó mà giải thoát cho nó được” là hoàn toàn cảm tính và tùy tiện. Chim nuôi nhốt thì ắt hẳn có chủ. Muốn thả chim thì phải được chủ cho phép. Nên sẽ không đúng khi nói “ta có đủ điều kiện” để thả chim. Vì thực tế thì bạn chưa đủ điều kiện và quyền hạn để can thiệp vào vật sở hữu của người khác. Giả sử như chú chim gáy ấy của một người hàng xóm đem gửi treo ở vườn chùa, họ cũng đang chơi ở gần đó, thì hành vi tốt (thả chim) của bạn có thể lãnh ngay hậu quả xấu (no đòn hoặc bị bắt đền) tức khắc. Mặt khác, các bạn khá chủ quan khi quả quyết chim ấy do thầy nuôi, rồi hoài nghi “chưa chắc thầy sẽ cho thả” mà không suy nghĩ xa hơn như có thể là thầy nào đó thấy chim bị nạn nên nuôi dưỡng chờ khi mạnh mới thả, hoặc cũng có thể là của người khác gửi, hay chim phóng sanh v.v… Suy xét được như vậy, chúng tôi tin rằng các bạn sẽ không tùy tiện thả chim ngay, vì thấy rõ lợi bất cập hại trong việc làm của mình.
Chúng tôi tán đồng quan điểm hành động của nhóm một: Vì thấy rõ “việc tùy tiện đem thả con chim đó là không thể chấp nhận, bởi nó là vật có chủ” nên cần “thưa chuyện với thầy để biết rõ ràng sự việc, sau đó mới xin phép thả con chim gáy đó về trời”. Trước tiên và quan trọng nhất đối với các việc có liên quan đến chùa các Phật tử đều nên “thưa chuyện với thầy”, không được tự tiện dù là chuyện nhỏ. Câu nói cửa miệng trong dân gian khi vào chùa: “Tiên bái trụ trì, hậu bái Thích Ca” là vì vậy. Sau khi hỏi quý thầy về chủ nhân của con chim, nếu là của người ngoài thì các bạn không được đụng vào (nhìn bằng mắt chớ nhặt bằng tay). Muốn phóng sanh thì phải mua lại rồi mới thả cho chim bay đi. Phóng sanh như vậy mới đúng ý nghĩa và thành tựu công đức.
Trong trường hợp một thầy nào đó trong chùa là chủ nhân của chú chim gáy đó, thầy ấy nuôi chim cảnh (hiện một số ít chùa vẫn nuôi chim cảnh, cá cảnh - ngoại trừ hồ cá phóng sanh) thì các bạn cũng nên mạnh dạn bày tỏ quan điểm Chánh kiến của người Phật tử, thỉnh cầu thầy trụ trì chỉ đạo thầy ấy thả ngay lập tức. Vì người xuất gia đã không phóng sanh thì thôi, không có bất cứ lý do gì để nuôi nhốt, tù hãm chúng sanh. Chúng tôi tin rằng, thầy trụ trì cũng như quý thầy nói chung sẽ sửa sai và thả chim ngay nếu quý Phật tử góp ý đúng Chánh pháp.
Chúc các bạn tinh tấn!