1. Tương quan giữa Thiền và Tịnh
Thiền và Tịnh đều là pháp môn thù thắng vi diệu. Vì chúng sinh căn tánh sai khác, nên phải tùy cơ mà hướng dẫn. Pháp môn hướng thượng chẳng phải Thiền chẳng phải Tịnh, nhưng cũng là Thiền cũng là Tịnh. Mở miệng nói chuyện tham cứu liền là phương tiện cho hạng hạ căn rồi. Bằng quả thật là bậc đại trượng phu, ắt phải tự tin chắc rằng “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”. Một niệm không tương ưng với Phật thì không thể gọi là niệm Phật tam muội. Niệm niệm cùng Phật không gián đoạn thì cần gì nhọc hỏi “Ai niệm Phật?”. Cho nên, pháp tham cứu chữ “Ai” (Thùy) cùng với pháp nhiếp tâm đếm hơi thở đều chẳng phải tột cùng chỗ hành dụng của Tịnh độ. Chỗ cùng tột của pháp môn Tịnh độ là không có Phật ở ngoài niệm để làm sở niệm cho niệm, không có niệm ở ngoài Phật để làm năng niệm đối với Phật. Chính lúc hạ thủ công phu không bị rơi vào “bốn câu trăm lỗi”, thân tâm liền thể nhập. Chỉ cần thấy ánh quang nơi một chân lông của Đức Phật A Di Đà, tức thời cũng thấy được vô lượng chư Phật trong mười phương; chỉ cần sanh về một cõi nước Tây phương Cực Lạc, cũng tức là sanh về các cõi Phật thanh tịnh trong mười phương. Đây là con đường hướng thượng. Bỏ Đức A Di Đà hiện tiền mà nói A Di Đà tự tánh, bỏ Tây phương Tịnh độ mà nói Duy tâm Tịnh độ, đó chính là công án sai lầm. Kinh có nói rằng: “Tam hiền Thập thánh đều trụ trong quả báo, chỉ có Phật trụ nơi Tịnh độ”. Đây là một đòn đánh vào cân não. Như vậy, mười đại nguyện của Bồ tát Phổ Hiền dẫn dắt chúng sanh quay về Cực lạc, ai dám bảo đó chỉ là phương tiện quyền thừa? Nhớ Phật niệm Phật, không nhờ phương tiện, tự tâm khai mở, ai dám bảo đó là pháp thấp nhỏ? Chỉ cần tin sâu pháp môn Tịnh độ này, nương nơi lòng tin mà lập nguyện, dựa vào nguyện mà khởi hạnh thì mỗi niệm, mỗi niệm hiện ra vô lượng Đức Phật ngồi khắp các cõi nước nhiều như vi trần trong mười phương, chuyển đại pháp luân, chiếu suốt kim cổ mà chẳng phải là việc ngoài bản tánh. Đâu chỉ chấn động đại thiên thế giới mà thôi? Muốn biết sự nghiệp của lão nạp thì ta không ngại mượn bài kệ của ngài Trung Phong để bày tỏ rằng:
Ngoài Thiền chưa từng nói Tịnh độ,
Nên biết ngoài Tịnh cũng không Thiền.
Hai lớp công án cùng nêu hết,
Ngọn Hùng Nhĩ nở ngũ diệp liên (1).
2. Tương quan giữa Thiền và Giáo môn
Đạo chẳng phải ở nơi văn tự, nhưng cũng chẳng thể rời văn tự. Chấp lấy văn tự cho là đạo, đó là cái đáng bị chê cười của hàng giảng sư, chỉ biết đếm của cho người, chỉ nói về đồ ăn mà không tự no lòng, giàu có. Còn kẻ chấp vào cái lý rời văn tự là đạo thì trở thành kẻ cuồng thiền, mắc vào cái họa “sinh manh ám chứng”. Tổ sư Đạt Ma lấy tâm truyền tâm, vậy mà cũng nhờ Lăng Già ấn chứng. Thế thì lìa kinh một chữ e rằng “đồng ma thuyết” thôi! Còn ngài Trí Giả Đại sư 3 tháng đàm diệu, tùy chỗ mà quy kết về pháp môn Chỉ Quán. Nếu y văn giải nghĩa thì e rằng chỉ oan cho chư Phật ba đời! Hai ngài ấy vốn không bị mắc kẹt hai bên, không ly kinh, chẳng y văn. Mà đời sau, kẻ Thiền chê Giáo, người Giáo thì bài báng Thiền. Đó thật là điều đau lòng! Tôi năm 23 tuổi đã khổ chí tham thiền đến nay, giờ há lại tự xưng là người của riêng tông Thiên Thai ư?! Vì tôi rất đau xót căn bệnh trong cửa thiền chúng ta, nếu chẳng phải tông Thiên Thai thì không thể nào cứu được bệnh ấy. Cần gì phải là con cháu tông Thiên Thai, lại còn cố chống với Thiền tông, đó nào có phải là bản ý của ngài Trí Giả Đại sư (2)?
3. Tương quan giữa pháp Trì chú và Trì danh niệm Phật
Thần chú và danh hiệu Phật công đức bình đẳng nhau, nhưng cơ duyên chẳng đồng. Thần chú và danh hiệu Phật đều có 4 sự ích lợi. Nay khuyên trì chú, và khuyên trì danh hiệu Phật cũng không khác. Hãy tin vào cơ duyên hóa độ của Bồ tát và nguyện lực của chúng ta. Mỗi mỗi phương thức trì chú hay trì danh hiệu Phật đều là pháp chẳng thể nghĩ lường. Nếu như bảo rằng, trì danh là đúng, trì chú chẳng đúng, thì kinh Hoa Nghiêm bảo điều đó là: “Thọ trì một pháp, lại cho các pháp khác đều chẳng đúng, sẽ bị quân ma thâu nhiếp vậy”. Phương pháp niệm Phật nhớ đếm số lần niệm ứng hợp rộng khắp ba căn. Bậc thượng căn không ngại việc nhớ đếm số lần. Hàng hạ căn thì phải nên nhớ đếm số lần khi niệm Phật. Nhưng tất cả, một khi niệm Phật nhớ đếm số lần như vậy, kẻ lợi căn ngay đó tâm niệm trở thành một khối, đạt nhất tâm; người độn căn cũng nhờ đó mà chẳng mất nhân duyên căn lành của mình. Nếu chỉ nói Sự và Lý đều nhất như mà chẳng chịu nhớ đếm, thì sợ rằng, bậc thượng trí ít, kẻ hạ ngu nhiều, không đến nỗi mất đi căn lành thì quả thật là hiếm thấy vậy (3)!
4. Tương quan giữa Trì giới và Trì danh niệm Phật
Hỏi: Pháp môn Niệm Phật thật là quảng đại, lại vừa giản dị. Cứ nhất tâm niệm Phật thì tự nhiên khế hợp công hạnh phòng phi chỉ ác. Còn giới tướng thì nhiều và nặng nề, quả thật không giản dị; mà quả vị cuối cùng chỉ đạt đến Thanh văn, chẳng phải là rộng lớn; chẳng bằng chuyên hoằng sự mầu diệu của Tịnh độ?
Đáp: Trì giới và niệm Phật, vốn dĩ chỉ là một. Tịnh giới làm nhân, Tịnh độ là quả. Nếu cho rằng, trì danh làm con đường tắt, Luật học là con đường vòng, như vậy đã trái, làm sao thành tựu niệm Phật tam muội được? Còn nhiều phiền não chướng cấu thì Tịnh độ làm sao sinh đến được? Như biển không có bến bờ, đó chẳng phải rộng lớn sao? Bảo nhậm sự giải thoát, đó chẳng phải là giản dị sao? Cho nên kẻ nhất tâm niệm Phật ắt phải để tâm phòng phi chỉ ác và chuyên tinh về Luật học; người chuyên tinh về Luật học cũng có thể quyết định thệ nguyện vãng sinh và nhất tâm niệm Phật. Làm như thế, trong hiện tại thì nối thạnh hàng Tăng bảo, lúc lâm chung được vãng sinh đến bậc Thượng phẩm thượng sanh. Sự mầu diệu của các pháp môn, có cái nào vượt qua được hai môn Trì giới và niệm Phật này?! Chỉ có một việc lớn như vậy, cớ gì làm trái đi, có phải mang lấy tiếng cười của bậc thức giả hay không (4)?!