Chư tôn đức dâng hương tưởng niệm |
Chư tôn đức Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Q.10, Tăng Ni các tự viện TP.HCM, môn phái tổ đình Vĩnh Nghiêm và môn đồ đệ tử đã trang nghiêm mở đầu lễ tưởng niệm với khóa lễ tụng kinh A Di Đà tại chánh điện. Sau đó, Ban Kinh sư và môn đồ pháp quyến cung tiến Giác linh Đại lão Hòa thượng tại Tổ đường theo nghi thức thiền môn miền Bắc.
Chư tôn đức TP.HCM, Q.10, và môn phái tổ đình Vĩnh Nghiêm thành kính tưởng niệm |
Đại lão Hòa thượng Thích Giác Hải, tự Thanh Thuần, đạo hiệu Tâm Quán, thế danh Phạm Văn Kiểm, sinh năm Đinh Mão (1927) tại làng Nguyên Hanh, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông.
Ngài quy y với Sư cụ Thích Thanh Giá tại chùa Phú Đôi lúc 9 tuổi. Sau đó, được giới thiệu đến chùa Trấn Quốc, xuất gia cầu pháp với Sư tổ Thích Tâm Lợi (Sư Tổ đời thứ 11) và được Sư Tổ cho y chỉ vào Hòa thượng Thích Thanh Tỉnh (Sư Tổ đời thứ 12) để nhận ân giáo dưỡng và tu học.
Năm 16 tuổi, ngài thụ Sa-di giới, năm 20 tuổi thụ Tỳ-kheo giới, từ đó được gần gũi, theo học với các bậc thạc đức tùng lâm thời bấy giờ, cũng như với các bậc cao Tăng dòng Tào Động tổ đình Trấn Quốc.
Trang nghiêm khóa lễ tụng kinh Di Đà tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Giác Hải tại chánh điện chùa Trấn Quốc |
Năm 1951, Hòa thượng nhận mệnh chư Tổ, chọn phương Nam làm nơi phát triển tư tưởng của tổ đình Trấn Quốc. Vào đến Sài Gòn, Hòa thượng liền nhập trường Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang. Sau đó, cùng với Hòa thượng Thích Đức Hải kiến tạo ngôi Tam bảo chùa Giác Tâm. Năm 1957, ngài lập chùa Giác Hải và nghĩa trang Giác Tâm.
Năm 1965, Hòa thượng thành lập Ban Tương tế Phật tử chi Vĩnh Nghiêm - Trấn Quốc, đồng thời đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Nghi lễ tổ đình Vĩnh Nghiêm.
Năm 2000, Hòa thượng được chư tôn đức Tăng Ni trong môn phái tổ đình Vĩnh Nghiêm suy cử đảm nhiệm chức vụ Trưởng môn phái tổ đình Vĩnh Nghiêm. Năm 2002, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần V, Hòa thượng được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
Môn đồ đệ tử thành kính tác bạch cúng dường trai tăng |
Hòa thượng là người cương trực, thẳng thắn và công tâm trong mọi việc của môn phái tổ đình Vĩnh Nghiêm và còn được tứ chúng biết đến với tư cách của một hiếu tử.
Hòa thượng luôn nỗ lực đi theo con đường của chư Bồ-tát lấy lợi sinh làm bản hoài. Tinh thần ấy Hòa thượng đã giữ vững cho đến ngày viên tịch vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 17-2-Kỷ Sửu (13-3-2009). Hòa thượng trụ thế 83 năm với 62 hạ lạp.