Tụng kinh thế nào để cầu an?

Phật tử tới chùa tụng kinh Dược Sư - Ảnh minh họa của Vũ Giang
Phật tử tới chùa tụng kinh Dược Sư - Ảnh minh họa của Vũ Giang
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Gia đình tôi đều là Phật tử. Hiện tôi đang có người chị (36 tuổi) mắc bệnh ung thư tuyến giáp, mới phát hiện và đang điều trị. Chị và cả nhà tôi đều biết bệnh tật là do nghiệp của mình tạo ra nên luôn động viên tinh thần cho chị lạc quan tích cực điều trị.

Trước mắt, gia đình tôi sẽ trích một ít tiền tiết kiệm hàng năm để làm việc thiện, vun bồi thêm phước đức, chuyển hóa một phần nghiệp bệnh của chị. Vậy nên làm các việc thiện nào là phù hợp? Mặt khác, tôi cũng không biết nên khuyên chị đọc tụng kinh/chú nào để được chư Phật gia hộ, nghiệp chướng tiêu trừ, bệnh tật mau chóng qua khỏi.

Vì hiện nay có rất nhiều kinh/chú cũng như có nhiều quan điểm tùy thuộc tông phái Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa, Kim cang thừa... khác nhau. Có người nói nên đọc kinh này, người khác khuyên nên trì chú kia khiến tôi không biết phải làm thế nào.

Theo quý Báo, đọc tụng kinh/chú nào để được chư Phật gia hộ như ý nguyện?

(PHÚ QUỐC, dophuquoc9...@gmail.com)

Bạn Phú Quốc thân mến!

Theo quan điểm Chánh pháp, bệnh tật thì ai cũng có, khác nhau ở chỗ nặng nhẹ, chữa trị dễ hay khó, đủ duyên gặp thầy gặp thuốc hay không…, tất cả đều là biểu hiện của nghiệp. Cụ thể, Đức Phật dạy, người nào trong quá khứ không trưởng dưỡng từ bi, tạo nhiều nghiệp nhân giết hại chúng sinh thì đời này chịu bệnh đau, yểu mệnh. Ngược lại, người nào giàu lòng từ bi, yêu thương muôn loài, thường tu hạnh phóng sinh, bảo vệ sinh mạng và môi trường sống thì được phước khỏe mạnh, trường thọ. Bệnh nghiệp do mình tạo ra và cũng do chính mình chuyển hóa.

Khi gia đình có người bệnh, nhất là những bệnh khó chữa, ngoài việc tích cực điều trị, ngoài sự động viên hỗ trợ về tinh thần thì ‘trích một ít tiền tiết kiệm hàng năm để làm việc thiện, vun bồi thêm phước đức, chuyển hóa một phần nghiệp bệnh’ là điều nên làm. Người bệnh nếu còn sức thì nên tự mình làm việc thiện, hoặc người nhà làm thay thì phải thông tin đầy đủ cho người bệnh biết để hoan hỷ. Việc thiện thì rất nhiều, khái quát là việc gì mà lợi mình, lợi người, có lợi ích, có giá trị thiết thực trong hiện tại và tương lai. Trong đó, phóng sinh (với trí tuệ) là một việc thiện cần được ưu tiên trong cầu an đảo bệnh. Muốn được nhiều phước thì trước, trong và sau khi làm thiện, thân tâm đều hoan hỷ, biết rõ lợi ích và phước báo của việc mình làm. Làm xong thì nguyện đem tất cả công đức, phước báo này hồi hướng cho mình hoặc người bệnh (tên tuổi, địa chỉ đầy đủ) được tăng phần phước thọ, nghiệp chướng tiêu trừ, thân tâm an lạc.

Việc tu tập và cầu nguyện trong lúc điều trị bệnh tật vô cùng quan trọng. Tu tập thì có nhiều cách, tụng kinh và trì chú chỉ là một trong những cách ấy. Bạn quan tâm đến việc ‘đọc tụng kinh/chú nào để được chư Phật gia hộ, nghiệp chướng tiêu trừ, bệnh tật mau chóng qua khỏi’. Sự thật thì không kinh/chú nào của bất kỳ tông phái Phật giáo nào mang chức năng điều trị thân bệnh cả, có chăng là công năng chuyển hóa bệnh nghiệp thuộc tâm bệnh mà thôi. Hiện mỗi tông phái Nguyên thủy (Nam tông), Đại thừa, Kim cang thừa (Bắc tông) đều có kinh cầu an và cầu siêu. Nên bạn có nhân duyên với tông phái nào thì trì tụng kinh chú cầu an của tông phái đó.

Cần lưu ý là, kinh/chú của đạo Phật cốt nhằm trị liệu tâm bệnh, chữa lành tham sân si phiền não. Còn trị liệu thân bệnh phải nhờ đến thầy thuốc. Thường thì người bệnh chịu một lúc hai nỗi thân đau, tâm khổ. Người Phật tử hiểu đạo, có chánh kiến thì phải hiểu rõ rằng, điều trị thân bệnh cần phối hợp chặt chẽ với trị liệu tâm bệnh, được như thế thì kết quả điều trị sẽ khả quan hơn, nhất là đối với bệnh nan y. Nói thẳng ra, không có bộ kinh hay câu thần chú nào mà chỉ đọc tụng rồi nhiệm mầu xảy đến (hay phép lạ hiện ra) khiến bệnh nhân lành khỏe cả. Những trường hợp mà người ta hay trưng dẫn về sự mầu nhiệm (hoặc phép lạ) trong các tôn giáo chính là sự trùng hợp khi phước báo sức khỏe và thọ mạng người bệnh hãy còn, nghiệp bệnh được chuyển hóa đúng thời điểm sau khi tụng kinh/trì chú cầu nguyện.

Người bệnh cần đọc hay nghe kinh để hiểu rõ sinh, lão, bệnh, tử là thuộc tính của đời sống, là chân lý phổ quát có thân nên có bệnh của mọi chúng sinh. Kế đến, bệnh tật do nghiệp mà ra (biệt và cộng nghiệp) nên muốn bớt bệnh thì cần chuyển nghiệp. Để chuyển nghiệp thì trước phải sám hối tội lỗi quá khứ, hiện tại thì tu tập mười nghiệp thiện (thân, miệng, ý), tích cực làm phước trong khả năng. Chính những nỗ lực hướng thiện này sẽ góp phần khiến cho tội diệt phước sinh, căn lành thêm lớn, hóa giải oan khiên, gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật dần thuyên giảm, thân khỏe tâm an, sống lâu an ổn.

Tuy nhiên, một số người vì nghiệp nhân xấu ác trong quá khứ nặng nề nên những thiện nghiệp mà họ đã cố gắng tạo ra trong hiện đời không đủ lớn mạnh để can thiệp nghiệp cũ thì vẫn bị nghiệp cũ quật ngã. Nhân lành mà ta vừa tạo ra trước đó không hề mất mà sẽ trổ quả ở đời sau. Cụ thể, người bệnh và thân nhân dù đã tìm mọi cách chạy chữa, cầu nguyện nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm và đến lúc phải ra đi theo lộ trình sinh lão bệnh tử. Người Phật tử cần thấy rõ không phải là Phật pháp không mầu nhiệm mà nhân quả nó đang như vậy, không thể khác.

Tóm lại, khi bản thân hay gia đình có người bệnh thì hết lòng chạy chữa, động viên chăm sóc và cầu nguyện Tam bảo gia hộ, tu tập để chuyển hóa nghiệp. Nếu tự thân người bệnh nhẹ nghiệp thì hy vọng sẽ chữa lành và sống lâu, còn nếu nặng nghiệp thì sẽ theo đúng theo quy luật sinh lão bệnh tử. Nhân quả - Nghiệp báo của mỗi người sẽ chi phối tiến trình này, thánh thần tiên Phật không thể can thiệp. Người đệ tử Phật có chánh kiến cần quán triệt về bệnh nghiệp như thế để an nhiên, chăm lo chuyển nghiệp, đối diện với mọi sự thật tốt xấu buồn vui đã và đang xảy ra, kể cả đó là điều phũ phàng nhất.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.