Từ thuở nhỏ, ông xuất gia tu hành tại chùa Linh Tuyền (Vĩnh Hựu). Năm 1923, ông về trụ trì chùa Linh Sơn (Sài Gòn). Tại đây, ông vừa mở lớp dạy học và thuyết giảng giáo lý đạo Phật, vừa cổ xúy phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc trong giới Tăng Ni, Phật tử. Sau khi xuất bản Phật Hóa Tân Thanh Niên kêu gọi giới trẻ xuất gia và Phật tử cần phải nắm vững Phật học và xã hội học để làm tròn nghĩa vụ của mình đối với nhà Phật và đất nước…, chính quyền thực dân Pháp ở Sài Gòn ra lệnh trục xuất ông khỏi chùa Linh Sơn. Sau đó, ông liên tiếp bị trục xuất ra khỏi các chùa Chúc Thọ, (Hạnh Thông Tây), Hưng Long... Ông vẫn tiếp tục dạy học, thuyết pháp, viết sách và tranh luận về mối liên quan giữa đạo với đời trên báo Tân Phong và một số tờ báo khác.
Năm 1926, ông và một số nhà sư cấp tiến tổ chức lễ truy điệu chí sĩ Phan Chu Trinh. Sau đó, ông cùng với các Hòa thượng Khánh Hòa (Bến Tre), Từ Nhẫn (Long An), Chân Huệ (Mỹ Tho), Trí Thiền (Rạch Giá) thành lập Hội Nghiên cứu Phật học và Hội Chấn hưng Phật giáo Nam Kỳ. Ông còn là người sáng lập và là cây bút chủ lực của tờ báo Tiến Hóa - một tờ báo tiến bộ của giới Phật giáo Nam Kỳ.
Năm 1927, ông được Hội cử ra miền Bắc để thảo luận với các nhà lãnh đạo Phật giáo Bắc Kỳ trong việc xúc tiến thành lập Hội Phật giáo Thống nhất. Sau đó, ông trở về Nam, dồn hết trí tuệ và công sức cho Phong trào Chấn hưng Phật giáo Nam Kỳ. Do tuổi cao sức yếu, ông qua đời tại Hà Nội năm 1974, thọ 76 tuổi.
Các tác phẩm của ông gồm: Chân lý của Tiểu thừa và Đại thừa Phật giáo, Tại sao tôi đã cám ơn đạo Phật, Phật học vấn đáp, Tranh biện... Ông còn dịch Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Cú, Phật giáo vô thần luận của Thiền sư Thái Hư...
2. Đối với cuộc vận động chấn hưng Phật giáo, sư Thiện Chiếu quan niệm tăng sư phải thông suốt nội điển (trí giáo lý) và ngoại điển (trí xã hội học). Đạo Phật phải là đạo nhập thế, không phải đạo yếm thế. Tăng Ni phải biết “ngũ minh” tức phải biết các nghề nghiệp cho phép, không được trông chờ bá tánh hiến cúng. Ông phê phán những kẻ lợi dụng tôn giáo ru ngủ tín đồ hoặc lợi dụng việc mê tín để trục lợi. Câu nói nổi tiếng của sư Thiện Chiếu là “con rắn không thay da không thể sống mãi. Tinh thần không thể biến đổi đặng nữa, cũng không thể gọi là tinh thần”. Có lẽ đây cũng là tư tưởng chủ đạo của ông khi viết Tại sao tôi đã cám ơn đạo Phật.
Quyển sách vỏn vẹn có 50 trang, in khổ nhỏ, ra đời tháng 10 năm 1936, do Nhà Xuất bản Nam Cường - Mỹ Tho ấn hành. Ngoài Lời nói đầu, sách có 15 mục: 1. Cái lầm của phái Duy tâm, 2. Phong trào tôn giáo ở Nam Kỳ và nguyên nhân của nó, 3. Phái Phật giáo vô thần chịu ảnh hưởng của phong trào quốc gia, 4.Bác cái thuyết thượng đế tạo vật. 5. Bác cái thuyết linh hồn không chết, 6. Nhân duyên giả hợp, 7. Phật tức tâm, 8. Hoài nghi, 9. Tại anh muốn vợ, 10. Tại muốn ăn thịt, 11. Mâu thuẫn, 12. Mâu thuẫn của Niết bàn, 13. Mâu thuẫn của nhân quả, 14. Mâu thuẫn của giới cấm, 15. Biết đi đường nào.
Trong lời đầu quyển sách, bằng lời lẽ đanh thép, ông nhấn mạnh “Đánh đâu thua đó mà không chịu đổi chiến lược, thì ta biết nhà cầm binh thất sách, cũng trái hẳn với cái mục đích hoặc chiếm cứ lãnh thổ của kẻ khác, hoặc giữ gìn đất nước của mình.
Thay đổi phương châm, thay đổi cách hành động, hoặc thay đổi luôn học thuyết, cũng như bỏ hẳn đạo Phật, theo cái chủ nghĩa khác mặc dầu, miễn đạt được cái mục đích “chúng sanh hết khổ được vui”, ấy mới phải là người học Phật, nghĩa là không trái với cái tôn chỉ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni”.
Chính vì vậy mà ông phê phán “cái lầm của phái Duy tâm”, phê luôn cả phong trào tôn giáo ở Nam Kỳ, bác cái thuyết thượng đế tạo vật, thuyết linh hồn không chết... rồi đi đến lý luận duy vật biện chứng “Cái trí khôn cũng biến đổi luôn luôn: Nay hiểu thế này, mai hiểu thế kia, hồi nhỏ khác lớn lên lại khác; cái trí khôn thuở trẻ không giống như lúc già. Cái bằng chứng “tinh thần cũng phải biến đổi như vật chất” đã rõ ràng như vậy, mà còn tin cái “linh hồn không chết” không chịu vứt đi, ấy là họ không chịu dùng đến lý trí...” (Tại sao tôi đã cám ơn đạo Phật, tr.20).
Quyển Tại sao tôi đã cám ơn đạo Phật, sở dĩ được ông đặt là Mâu thuẫn tùng thơ 1 (tome 1) là vì sau khi phân tích và phản bác những cái sai lầm trong nghiên cứu Phật giáo, ông đưa ra các mâu thuẫn từ những vấn đề căn bản của giáo lý Phật giáo: Niết bàn, nhân quả, giới cấm. Song các lập luận của ông không đi sâu vào giáo lý học thuật mà là các dẫn chứng thực tế của những mâu thuẫn xã hội đương thời “Cho vay cắt cổ, bóc lột nhơn công, mới vừa chửi là kẻ hút máu, rồi liền đó, đối với số tiền rất ít của họ đem ra bố thí - có mua vui nữa - lại tôn lên là một nhà từ thiện. Mâu thuẫn!”. Ông viết: “Cần gì phải nói nữa, cái xã hội mâu thuẫn, chuyện gì là chẳng mâu thuẫn: Bao nhiêu đạo đức, luân lý, phong tục, tập quán, tôn giáo, pháp luật v.v... mỗi mỗi đều mâu thuẫn hết. Bởi hết thảy đều kiến thiết trên cái nền tảng kinh tế - của chế độ xã hội hiện thời đã bị lung lay” (Tại sao tôi đã cám ơn đạo Phật, tr.38).
Quyển sách ra đời nhằm hiệu triệu tín đồ Phật giáo nhập thế, hoằng dương Chính pháp phục vụ dân tộc, đây cũng là lúc Phong trào Đông Dương đại hội được khởi xướng mạnh mẽ ở Nam Kỳ. Cho nên, có lẽ đây là điểm mấu chốt lý giải vì sao quyển sách này bị nhà cầm quyền đương thời cấm lưu hành.
Tài liệu tham khảo
1. Địa chí Tiền Giang (tập 2)-Tỉnh ủy-UBND tỉnh Tiền Giang.
2. Chân lý của Tiểu thừa và Đại thừa Phật giáo - NXB Nam Cường, Mỹ Tho 1936
3. Tại sao tôi đã cám ơn đạo Phật - NXB Nam Cường, Mỹ Tho 1936