Từ tín ngưỡng đến bất hoại tín

Tín cần phải đi cùng với tuệ, với sự tư duy phân tích, hiểu biết đúng đắn, phù hợp với chân lý, khi ấy tín sẽ làm cho các thiện pháp khác phát sinh, làm cho tâm lắng trong, thanh tịnh, an lạc, sáng suốt
Tín cần phải đi cùng với tuệ, với sự tư duy phân tích, hiểu biết đúng đắn, phù hợp với chân lý, khi ấy tín sẽ làm cho các thiện pháp khác phát sinh, làm cho tâm lắng trong, thanh tịnh, an lạc, sáng suốt
NSGN - Là hữu tình, loài nào cũng tham sống sợ chết, luôn muốn có được cuộc sống hạnh phúc an vui, một nơi nương tựa an ổn vững chắc.

Khi còn nhỏ, chúng ta tin tưởng, nương tựa vào cha mẹ, ông bà, hoặc người thân… để được bảo hộ, trưởng dưỡng an lành. Đến tuổi trưởng thành, hầu hết chúng ta đều tin theo một học thuyết, một hệ tư tưởng nào đó, hoặc tín ngưỡng dân gian, hoặc truyền thống tập tục, tôn giáo… để làm nơi nương tựa tinh thần cho chính mình.

Theo thường pháp (quy luật tự nhiên), những ai còn bị vô minh che lấp, tham ái trói buộc thì dù giàu hay nghèo, sang hay hèn, khôn hay dại, đẹp hay xấu, già hay trẻ… không có người nào mà không lo âu sợ hãi, không ai mà không tìm kiếm cho mình một chỗ nương tựa, che chở an toàn. Vì bị thúc đẩy bởi sự sợ hãi, nên chúng ta luôn luôn tìm cầu, nương tựa vào một đấng nào đó để được bảo hộ. Như kinh Pháp cú nói:

Loài người sợ hoảng hốt

Tìm nhiều chỗ quy y,

Hoặc rừng rậm, núi non,

Hoặc vườn cây, đền tháp(1).

Tín ngưỡng

Tín ngưỡng thì không có sai, đó là quyền tự do của mỗi con người, nhưng tín ngưỡng như thế nào để đem lại lợi ích cho mình, cho người cả đời này và đời sau, đó là điều cần được phát triển, khích lệ và tán thán.

Tín ngưỡng, tiếng Sanskrit là śraddhā, tiếng Pāli là saddhā: tin tưởng, tin cậy, tin phục, tôn kính, sùng đạo, tin ngưỡng. Tín ngưỡng như vậy có hai loại: mê tín và chánh tín. Tín mà không có sự hiểu biết đúng đắn, tin tưởng một cách mù quáng, không phù hợp với chân lý, với phép tắc tự nhiên, được gọi là mê tín. Ngược lại là chánh tín.

Như vậy, những người con Phật như chúng ta, tin vào Đức Phật, thờ kính Phật, chúng ta cần phải hiểu và hành như thế nào để phù hợp với lời Phật dạy, đúng với pháp luật thiện thuyết(2). Nếu mang danh là một Phật tử, tôn kính Phật, phụng thờ Phật mà không có sự hiểu biết đúng đắn, phù hợp với chân lý, với lời Phật dạy, làm điều phi pháp hại mình, hại người thì Phật gọi người đó là mê tín, là phỉ báng Như Lai.

Vậy để có được sự hiểu biết đúng đắn, phù hợp với chân lý, tránh làm điều phi pháp, hại mình hại người, chúng ta cần phải thân cận thầy lành, bạn tốt, lắng nghe, học hỏi, tư duy pháp một cách đúng đắn, không nên vội tin vào bất cứ điều gì mà không có sự suy xét, phân tích đối chiếu, thể nghiệm. Như trong Pháp uẩn túc luận nói: “Ta nên gần gũi các bậc thiện tri thức, cung kính nhất tâm lắng nghe Chánh pháp, như lý quán sát nghĩa lý thâm diệu, tinh tấn tu tập pháp tùy hành pháp(3).

Cũng như trong kinh Kesamuttisutta, Đức Phật dạy cho dân chúng Kālāmā cách thức tin hiểu và hành pháp như sau:

“…Này các Kālāmā, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt các dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.

Nhưng này các Kālāmā, khi nào tự mình biết rõ như sau: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau’, thời này Kālāmā, hãy từ bỏ chúng!

…Nhưng này các Kālāmā, khi nào tự mình biết như sau: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này là không đáng chê; các pháp này không bị những người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đến hạnh phúc an lạc’, thời này Kālāmā, hãy tự đạt đến và an trú!”(4).

Cũng vậy, nói về niềm tin, sự học hiểu và hành pháp như thế nào cho đúng, cho được tăng thượng, tăng ích, trong kinh Thiện pháp, Đức Phật dạy:

“…Thế gian có hai hạng người: người có tín và người bất tín, người có tín là hơn, người bất tín là kém.

Người có tín lại có hai hạng: Thường đến gặp Tỷ-kheo và không thường đến gặp Tỷ-kheo. Người thường đến gặp Tỷ-kheo là hơn, người không thường đến gặp Tỷ-kheo là kém.

Người thường đến gặp Tỷ-kheo lại có hai hạng: có lễ kính và không lễ kính. Người có lễ kính là hơn; người không lễ kính là kém.

Người có lễ kính lại có hai hạng: có hỏi kinh và không hỏi kinh. Người có hỏi kinh là hơn, người không hỏi kinh là kém.

Người có hỏi kinh lại có hai hạng: nhất tâm nghe kinh và không nhất tâm nghe kinh. Người nhất tâm nghe kinh là hơn, người không nhất tâm nghe kinh là kém.

Người nhất tâm nghe kinh có hai hạng: nghe rồi thọ trì pháp và nghe rồi không thọ trì pháp. Người nghe rồi thọ trì pháp là hơn, người nghe rồi không thọ trì pháp là kém.

Người nghe rồi thọ trì pháp lại có hai hạng: nghe pháp có quán sát nghĩa và nghe pháp không quán sát nghĩa. Người nghe pháp có quán sát nghĩa là hơn, người nghe pháp không quán sát nghĩa là kém.

Hạng nghe pháp quán sát nghĩa lại có hai: biết pháp, biết nghĩa, hướng đến pháp và tùy pháp, tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp; và hạng không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng về pháp và tùy pháp, không tùy thuận pháp và không thực hành đúng như pháp. Người biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và tùy pháp, tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp là hơn; người không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng đến pháp và tùy pháp, không tùy thuận pháp, không thực hành đúng như pháp là thấp kém…”(5).

Bốn chi Dự lưu

Như vậy, để có được niềm tin đúng đắn, không lầm lạc, biết thế nào là thiện - ác, thật - giả, chánh - tà, pháp nên tu, pháp không nên tu…, nhất định chúng ta phải siêng năng tu học Phật pháp một cách đúng đắn với sự hỗ trợ của chư thiện tri thức, các bậc có giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Như trong Pháp uẩn túc luận nói:

Sở dĩ được nhập vào chánh tánh ly sanh(6) là do tinh tấn tu pháp tùy pháp hành.(7) Sở dĩ tu pháp tùy pháp hành là do như lý quán sát nghĩa lý thâm diệu. Sở dĩ quán sát nghĩa lý thâm diệu là do cung kính lắng nghe Chánh pháp. Sở dĩ được nghe Chánh pháp là do thân cận cúng dường thiện sỹ. Nếu hay thân cận cúng dường thiện sỹ, liền được nghe Chánh pháp. Nghe Chánh pháp rồi liền có thể như lý quán sát nghĩa lý thâm diệu. Như lý quán sát nghĩa lý thâm diệu rồi liền có thể tinh tấn tu pháp tùy pháp hành. Tu pháp tùy pháp hành rồi liền có thể nhập vào chánh tánh ly sanh(8).

Năm thiện pháp

Một khi sự tin hiểu đúng đắn đã phát sinh mạnh mẽ, thì các thiện pháp khác như thí, giới, văn, tuệ cũng theo đó ngày càng tăng trưởng, làm cho ba nghiệp thân, ngữ, ý trở nên trong sạch. Người nào tu tập nhiều năm thiện pháp tín, thí, giới, văn, tuệ này, thì ngay hiện tại sống được an lạc, sau khi chết nhất định sinh vào cõi người, thiên giới, cõi tịnh, tùy theo tâm nguyện của mình, như trong kinh Hành sanh Đức Phật dạy:

“…Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ tín, đầy đủ giới, đầy đủ văn (lắng nghe, học hỏi Chánh pháp), đầy đủ thí, đầy đủ trí tuệ. Vị ấy nghĩ như sau: ‘Mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ sinh cộng trú trong đại gia tộc Sát-đế-lỵ, hay trong đại gia tộc Bà-la-môn, hay trong đại gia tộc cư sĩ’. Vị ấy chuyên định tâm ấy, an trú tâm ấy, tu tập tâm ấy. Những hành ấy của Tỷ-kheo được an trú, tu tập, làm cho sung mãn như vậy đưa vị ấy thọ sinh tại chỗ ấy. Này các Tỷ-kheo, đây là đạo, đây là lộ trình đưa đến tái sinh tại chỗ ấy.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ tín, đầy đủ giới, đầy đủ văn, đầy đủ thí, đầy đủ trí tuệ. Vị ấy được nghe: ‘Bốn Ðại thiên vương, chư thiên Tavatimsa (Tam thập tam thiên)..., chư thiên Yama (Dạ-ma)..., chư thiên Tusita (Ðâu-suất-đà)..., chư thiên Nimmanarati (Hóa lạc)..., chư thiên Paramimmitavasavatti (Tha hóa tự tại), có thọ mạng lâu dài, có mỹ tướng, có nhiều lạc thọ’. Vị ấy nghĩ: ‘Mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, ta được sinh cộng trú với chư thiên ở cõi trời Tứ thiên…’. Vị ấy chuyên định tâm ấy, an trú tâm ấy, tu tập tâm ấy. Những hành ấy của Tỷ-kheo được an trú, tu tập, làm cho sung mãn như vậy, đưa đến tái sinh tại chỗ ấy.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ tín, đầy đủ giới, đầy đủ văn, đầy đủ thí, đầy đủ trí tuệ. Vị ấy được nghe: ‘Ngàn Phạm thiên có thọ mạng lâu dài, có mỹ tướng, có nhiều lạc thọ’... Này các Tỷ-kheo, ngàn Phạm thiên sống thấm nhuần, biến mãn một ngàn thế giới. Và vị ấy sống thấm nhuần, biến mãn các chúng sinh được sinh lên thế giới ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người có mắt cầm một trái amanda (a-ma-lặc) trong tay và nhìn trái ấy; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ngàn Phạm thiên sống thấm nhuần, biến mãn một ngàn thế giới. Và vị ấy sống thấm nhuần, biến mãn các chúng sinh được sinh lên thế giới ấy. Vị ấy nghĩ: ‘Mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ được sinh cộng trú với ngàn Phạm thiên!’ Vị ấy chuyên định tâm ấy, an trú tâm ấy, tu tập tâm ấy. Những hành ấy của Tỷ-kheo được an trú, tu tập, làm cho sung mãn như vậy, đưa đến tái sinh tại chỗ ấy”(9).

Như vậy, các thiện pháp tín, thí, giới, văn, tuệ là nhân lành cho những ai còn chìm đắm trong biển sinh tử, muốn có được cuộc sống an lành, hạnh phúc trong cõi người, cõi trời ngay đời này và đời sau. Vì hạnh phúc hay khổ đau đều do chính mình tạo ra, chứ chẳng do ai ban phát hay trừng phạt cả. Chúng ta suy nghĩ và hành động như thế nào thì nhận lấy kết quả tương ứng như thế đó.

Tứ bất hoại tín

Năm thiện pháp này không chỉ là nhân lành trong cõi trời, cõi người mà còn là tư lương, hành trang, làm nền tảng cơ bản cho sự giải thoát. Bởi có văn tuệ, học hiểu như thật về Bốn Thánh đế, vị ấy chuyên tâm, hướng tâm tu tập năm thiện căn tín, tấn, niệm, định, tuệ. Mỗi khi tín đi với tuệ phân tích, tư duy như lý, thấy biết như thật về Bốn Thánh đế, nhất định chứng đắc quả Tu-đà-hoàn(10), dự vào dòng Thánh, thành tựu tứ bất hoại tín(11). Vì thấy được Bốn Thánh đế, nên giai đoạn này các kinh, luận gọi là kiến đạo. Một vị Dự lưu như vậy đã vĩnh viễn đoạn sạch ba kiết sử thân kiến(12), hoài nghi, giới cấm thủ; không còn bị đọa vào ba cõi ác địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ. Vì vị này còn phải tái sinh trong cõi dục tối đa bảy lần nữa mới chứng quả A-la-hán nên gọi là Thất lai. Trong những người quy y Tam bảo, ai thấy được Bốn Thánh đế, người đó được Phật khen là quy y tối thượng:

Ai quy y Phật-đà

Chánh pháp và chư Tăng,

Ai dùng chánh tri kiến

Thấy được Bốn Thánh đế.

Thấy khổ và khổ tập

Thấy sự khổ vượt qua,

Thấy đường Thánh tám ngành

Đưa đến khổ não tận.

Thật quy y an ổn

Thật quy y tối thượng,

Có quy y như vậy

Mới thoát mọi khổ đau(13).

Người chứng quả Dự lưu như vậy nhất định hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn, được lợi ích an ổn vô cùng lớn, hơn cả vua Chuyển luân vương, Đế thích. Như kinh Pháp cú nói:

Hơn thống lãnh cõi đất

Hơn được sinh cõi trời,

Hơn chủ trì vũ trụ,

Quả Dự lưu tối thắng(14).

Cực hoan hỷ địa

Với hành giả theo truyền thống Đại thừa (Mahāyāna), do ý thức sâu sắc về chuỗi luân hồi sinh tử khổ, noi theo gương chư Phật, vì lòng đại bi muốn cứu mình và người thoát khỏi nanh vuốt tử sinh, cùng được giải thoát như mình, nên đã phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-đề hạnh, cầu chứng được Phật quả, Chánh đẳng Chánh giác (Sammasambuddha). Những hành giả này, nếu khi tu tập hiện quán Thánh đế, thấy được Bốn Thánh đế ngay trong hiện tại, chứng được ngã không pháp không, thì giai đoạn này được gọi là Sơ địa Bồ-tát, hay Cực hoan hỷ địa Bồ-tát. Lúc này hành giả mới thật sự là một Thánh giả Bồ-tát, thuộc vào gia tộc của các Đức Như Lai. Vì vượt qua phàm phu địa, được nhập vào gia tộc của các Đức Như Lai, vị ấy rất hoan hỷ. Cho nên địa này gọi là Cực hoan hỷ địa, hay Hoan hỷ địa. Bồ-tát ở địa này ngang với quả vị Tu-đà-hoàn trong Thanh văn thừa, hoàn toàn dứt sạch ba kết sử, thành tựu tứ bất hoại tín, nhưng công đức của địa này hơn hẳn Thanh văn và Duyên giác. Như kinh Di Lặc giải thoát nói:

Thiện nam tử! Như vương tử mới vừa sinh ra đầy đủ vương tướng, do oai lực tôn quý của chủng tánh kia nên hơn hẳn tất cả đại thần kỳ cựu. Cũng vậy, Bồ-tát mới khởi nghiệp, phát tâm Bồ-đề tuy chưa lâu, nhưng sinh trong nhà Pháp vương của Như Lai, bằng lực đại bi và tâm Bồ-đề nên vượt thắng tất cả Thanh văn và Độc giác đã tu phạm hạnh lâu dài.

Thiện nam tử! Như con của diệu xí điểu vương, tuy mới sinh chưa lâu nhưng phẩm chất của cặp mắt trong sáng và sức vỗ đôi cánh của nó, tất cả chim lớn khác đều không thể bằng. Cũng vậy, Bồ-tát mới phát tâm Bồ-đề, sinh trong nhà diệu xí điểu vương của Như Lai, với công đức đôi mắt thanh tịnh, ý lạc tăng thượng và sức mạnh cặp cánh phát tâm Nhất thiết trí của vương tử diệu xí điểu này, thì các vị Thanh văn, Độc giác kia tuy tu hạnh xuất ly trải qua trăm ngàn kiếp cũng không thể sánh bằng”.

Sau khi chứng được Sơ địa Bồ-tát, vị ấy tiếp tục tinh cần tu tập mười Ba-la-mật(15). Nhưng trong địa này, tu tập chính yếu là bố thí Ba-la-mật, được dẫn đầu bởi Bát-nhã Ba-la-mật. Vì lòng đại bi, hành giả tinh cần tu tập tất cả thiện pháp với tâm không chấp thủ, trải qua mười địa Bồ-tát(16), cho đến ngày đắc thành Phật quả(17).

Kết luận

Qua các đoạn kinh luận được trích dẫn ở trước, chúng ta thấy rằng Phật dạy người có tín ngưỡng thì vẫn hơn người không có tín ngưỡng. Vì những người không có tín ngưỡng, nhất là người tà kiến, không tin nhân quả, không tin có đời này đời sau, không tin có quả báo lành, dữ… thì không có việc ác nào mà không làm. Vì họ không có chút gì e dè, kiêng sợ với những tâm tư, hành vi ác, bất thiện. Khi thọ quả khổ, họ mới ưu sầu, khóc than, sợ hãi. Nhưng người có tín ngưỡng mà không chịu học hỏi, si mê, vô trí, không phân biệt được pháp nên tu, pháp không nên tu… thì dễ rơi vào cuồng tín, mê tín, tà tín, thường hay bị đám đông u mê lôi kéo, vô tình làm việc hại mình, hại người. Khi quả báo đến thì không thể không sầu than, bi khóc, sợ hãi.

Cho nên tín cần phải đi cùng với tuệ, với sự tư duy phân tích, hiểu biết đúng đắn, phù hợp với chân lý, khi ấy tín sẽ làm cho các thiện pháp khác phát sinh, làm cho tâm lắng trong, thanh tịnh, an lạc, sáng suốt. Tín như vậy được gọi là tịnh tín, chánh tín, tâm trừng, tâm tịnh, bất hoại tín, là nguồn gốc của đạo, là mẹ của các công đức, là nơi nương tựa an ổn tối thượng. Như vậy, nhờ sự học hỏi Phật pháp với các bậc thiện tri thức bên ngoài, chúng ta biết cách tu tập tâm, điều phục tâm mình, chuyển hóa nhận thức và hành vi của mình, trở về nương tựa nơi tự tâm thanh tịnh, Phật tánh, giác tánh thanh tịnh sáng suốt vốn có của mình(18). Như kinh Pháp cú nói:

Tự mình nương tựa mình

Nào có nương tựa khác,

Nhờ khéo tự điều phục

Được y chỉ khó được(19).

Trong xã hội công nghệ hiện đại ngày nay, trước làn sóng thông tin đa chiều, với vô số tin tức, hình ảnh báo chí thật hư lẫn lộn, nhiều kẻ lừa đảo, mượn đạo tạo đời, tự đánh bóng mình bằng các chiêu trò lừa bịp tinh vi, nhắm vào tâm lý ủy mị, nhẹ dạ cả tin của quần chúng thiếu hiểu biết, để trục lợi. Do vậy, là người con Phật, hơn bao giờ hết, dù tại gia hay xuất gia, chúng ta cần phải thân cận, tham học với các bậc thiện tri thức, các bậc có giới - định - tuệ, chăm học Phật pháp, ghi nhớ tư duy, phân tích một cách đúng đắn, xem điều đó có phù hợp với chân lý, có làm cho tâm tư ta an bình, tỉnh lặng sáng suốt không, hẳn rồi mới tin để không bị dẫn dắt, lầm đường lạc lối.

Với cuộc sống đầy biến động, vật dục ngày càng cao, càng hấp dẫn lôi cuốn các giác quan, làm cho người xuất gia dễ ngã lòng, đi lệch hướng, đánh mất sơ tâm Bồ-đề cao quý của mình. Do vậy chúng ta cần phải trang bị cho mình thật đầy đủ kiến thức đúng đắn cả pháp học lẫn pháp hành, định hướng rõ ràng con đường tu giác ngộ giải thoát, luôn lấy giới luật làm thầy, hỷ túc với tứ vật dụng, vui thích học pháp và hành pháp, làm cho tâm Bồ-đề ngày càng tăng trưởng, không bị xói mòn, tiêu mất.

Theo luật Tứ phần, một người xuất gia nếu chưa thấy pháp (kiến đế) thì chưa phải là người thừa hưởng gia tài của cha mẹ (Như Lai) để lại, mà chỉ là người đang vay mượn của đàn-na tín thí để ăn, nhất định phải trả nợ cơm, áo… Nếu phạm giới, hoặc sống tà mạng, giả trang thiền tướng, cầu người cung kính, lừa đảo tín thí để ăn, ắt phải đọa vào ba đường ác. Để tránh rơi vào đường ác, sống theo tà mạng, hèn hạ, thấp kém, làm mất niềm tin của tín đồ, nhất định chúng ta phải tinh cần tu học, thực hành từ tâm, siêng năng tu tập chỉ quán, thường xuyên tư duy về sự hạ liệt, sự nguy hiểm của năm dục trần, hướng tâm đến cái vui an tịnh, tĩnh lặng, sự lợi ích to lớn do ly dục sinh. Một khi tâm an tịnh, tĩnh lặng, trí tuệ sáng suốt, ắt sẽ thấy biết các pháp một cách như thật. Do thấy pháp một cách như thật, tâm sẽ ly tham, từ bỏ, không chấp thủ, được an bình, giải thoát, tự tại ngay trong thế gian này. Có như vậy chúng ta mới đem lại sự an ổn chân thật cho mình và người, làm cho người chưa có niềm tin Tam bảo liền phát sinh lòng tin Tam bảo, người đã có tín tâm thì được tăng trưởng. Như vậy sự xuất gia của chúng ta mới không uổng phí, không hổ danh là bậc xuất trần thượng sĩ, tiếp nối dòng Thánh, báo Phật ân đức, làm ngọn hải đăng cho thế gian này. Như kinh Pháp cú nói:

Tỳ-kheo tuy tuổi trẻ

Siêng tu giáo pháp Phật

Soi sáng thế gian này

Như trăng thoát mây che(20).

_______

(1)Kinh Pháp cú, phẩm Phật-đà, câu 188. HT.Minh Châu dịch.

(2)善說法律 thiện thuyết pháp luật. 善說. Pāli. svākkhāto: thuyết một cách thiện xảo. Visuddhimagga: pháp được Phật thuyết khoảng đầu thiện xảo, khoảng giữa thiện xảo, khoảng cuối thiện xảo (ādimajjhapariyosānakalyāṇattā: sơ thiện, trung thiện, hậu thiện), có mục đích, có âm vận, soi sáng phạm hạnh thuần nhất, hoàn hảo, thanh tịnh (sāttha-sabyañjana-kevala-paripuṇṇa-parisuddha-brahmacariya-ppakāsanattā). Du-già sư địa luận (tr.788b11): Ở trong pháp luật thiện thuyết, tất cả chúng khổ được lìa xa, tất cả phiền não kết phược được đoạn tận. Ngược lại, trong pháp luật ác thuyết, không có hai điều này.

(3)T26n1537, tr.458c01.

(4)Tăng chi bộ, chương Ba pháp, 65. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.

(5)Kinh Thiện pháp, Trung A-hàm I, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ dịch.

(6)入正性離生, Skt. samyaktvaniyāmāvakramaa: nhập chánh tánh quyết định, trong ba tụ: chánh định tụ, quyết định (niyāma) đạt đến Niết-bàn; tà định tụ, quyết định không thể đạt Niết-bàn; bất định tụ, tùy cơ duyên. Sau bốn thiện căn trong thuận quyết trạch phần: noãn, đảnh, nhẫn, thế đệ nhất, ngay một sát-na vô gián, vị ấy từ địa vị phàm phu bước vào địa vị Thánh giả, được gọi là nhập chánh tánh lý sanh, hay chánh tánh quyết định. Câu-xá (Việt dịch 2016) tập IV, tr.365-366, phẩm vi Hiền thánh, tụng 26a, cht. 409, Huyền Trang diễn giải: “Hoặc từ chánh tín (samyak) chỉ các Thánh đạo. Sinh (yāma), chỉ các phiền não. Hoặc căn chưa thuần thục, bằng Thánh đạo mà vượt qua, nên gọi là ly sinh (niyāma). Khả năng quyết định đi đến Niết-bàn, hoặc quyết định thông hiểu hành tướng của Thánh đế, do đó các Thánh đạo được gọi là quyết định (avakramaa/avakrānti). Sự đạt đến trong phần vị này gọi là nhập”. (Theo chú thích Pháp uẩn túc luận, bản Việt của Hòa thượng Tuệ Sỹ).

(7)法隨法行. Pāli: Dhammānudhammapaipanna: pháp là Niết-bàn, tùy pháp là Thánh đạo tám chi, thực hành Thánh đạo tám chi hướng đến Niết-bàn, gọi là pháp tùy pháp hành.

(8)T26n1537; tr.459c21.

(9)Kinh Hành sanh, Trung bộ III, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.

(10)Skt. Srotāpattiphala; Pāli. Sotāpattiphala. 須陀洹果 Tu-đà-hoàn quả, 預流果 Dự lưu quả, 入流 Nhập lưu.

(11)Skt. Avetyaprasāda, Tứ bất hoại tín, còn gọi là bốn chứng tịnh: Chứng tịnh nơi Phật, chứng tịnh nơi Pháp, chứng tịnh nơi Tăng, chứng tịnh nơi Thánh giới. Thế Thân định nghĩa: “Chứng tịnh (avetya-prasāda) có nghĩa là gì? Sau khi chứng giác (avabuddhya) các Thánh đế như thật, vị ấy khởi tịnh tín (prasāda), nói là chứng tịnh”. Huyền Trang giải thích: “Tín nơi Tam bảo và diệu thi-la, đều gọi là tịnh. Vì đã gột sạch cáu bẩn của bất tín và cáu bẩn của phá giới, do chứng đắc tịnh mà lập danh “chứng tịnh”. (Theo Câu-xá bản Việt dịch 2016, tập IV, tr.498, phẩm vi Hiền thánh, cht.1074).

(12)Pāli. Sakkāya-ditthi:Cho rằng, thân năm uẩn này là của ta, là ta, là tự ngã của ta.

(13)Kinh Pháp cú, phẩm Phật-đà, câu 190, 191, 192. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.

(14)Kinh Pháp cú, phẩm Thế gian, câu 178. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.

(15)Ba-la-mật-đa (Skt. Pāramitā, Pl. Pāramī, 波羅蜜多, Ti. Pha rol tu phyin pa ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་): là phiên âm thuật ngữ tiếng Phạn pāramitā, gọi tắt là Ba-la-mật; nghĩa là: đến bờ kia (đáo bỉ ngạn 到彼岸), sự toàn hảo, sự cứu cánh, (事究竟). Mười Ba-la-mật-đa (dasa-pāramitā) gồm: 1. Bố thí Ba-la-mật-đa (布施波羅蜜多, Skt. dāna-pāramitā): Sự toàn hảo trong việc hiến tặng, xả ly; 2. Giới Ba-la-mật-đa (戒波羅蜜多, Skt. śīla-pāramitā): sự toàn hảo trong việc chấp trì giới luật; 3. Nhẫn Ba-la-mật-đa (忍波羅蜜多, Skt. kānti-pāramitā): sự toàn hảo trong việc kham nhẫn, chấp nhận; 4. Tinh tấn Ba-la-mật-đa (精進波羅蜜多, Skt. vīrya-pāramitā): sự toàn hảo trong việc nổ lực đoạn ác, tu thiện; 5. Thiền định Ba-la-mật-đa (禪波羅蜜多, Skt. dhyāna-pāramitā): sự toàn hảo trong lĩnh vực thiền định; 6. Trí huệ Ba-la-mật-đa (慧波羅蜜多, Skt. prajñā-pāramitā): sự toàn hảo trong lĩnh vực trí tuệ; 7. Phương tiện Ba-la-mật-đa (方便波羅蜜多, Skt. upāya-pāramitā): Sự toàn hảo trong lúc dùng các phương tiện (giáo hoá); 8. Nguyện Ba-la-mật-đa (願波羅蜜多, Skt. praṇidhāna-pāramitā): lòng quyết tâm, ý nguyện thực hiện toàn hảo; 9. Lực Ba-la-mật-đa (力波羅蜜多, Skt. bala-pāramitā): sự toàn hảo của năng lực; 10. Trí Ba-la-mật-đa (智波羅蜜, Skt. jñāna-pāramitā): sự toàn hảo của trí lực. Đây là mười Ba-la-mật theo Phạn văn; ngoài ra, còn có mười Ba-la-mật theo bản Pāli cũng gần tương đồng.

(16)Mười địa (dasa-bhūmi): 1. Cực hoan hỷ địa (極歡喜地, Skt. pramuditā-bhūmi), 2. Ly cấu địa (離垢地, Skt. vimalā bhūmi), 3. Phát quang địa (發光地, Skt. prabhākārī bhūmi), 4. Diệm huệ địa (燄慧地, Skt. arcimatī bhūmi), 5. Cực nan thắng địa (極難勝地, Skt. sudurjayā bhūmi), 6. Hiện tiền địa (現前地, Skt. abhimukhī bhūmi), 7. Viễn hành địa (遠行地, Skt. dūragamā bhūmi), 8. Bất động địa (不動地, Skt. acalā bhūmi), 9. Thiện huệ địa (善慧地, Skt. sādhumatī bhūmi), 10. Pháp vân địa (法雲地, Skt. dharmameghā bhūmi).

(17)Nhập Trung luận tự thích của ngài Nguyệt Xứng (Chandrakīrti) và phẩm Thập địa, kinh Hoa nghiêm.

(18)Kinh Tăng chi, chương Một pháp, phẩm Búng ngón tay: “Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói. Và tâm này bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào. Kẻ phàm phu ít nghe, không như thật rõ biết tâm ấy. Do vậy, Ta nói rằng tâm kẻ phàm phu ít nghe, không được tu tập”. (HT.Thích Minh Châu dịch). Accharāsaghātavaggo: “Pabhassaramida, bhikkhave, citta. Tañca kho āgantukehi upakkilesehi upakkiliṭṭha. Taassutavā puthujjano yathābhūta nappajānāti. Tasmā ‘assutavato puthujjanassa cittabhāvanā natthī’ti vadāmī’’ti. Pahama”.

(19)Kinh Pháp cú, phẩm Tự ngã, câu 160. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.

(20)Kinh Pháp cú, phẩm Tỳ-kheo, câu 382.

(NSGN 350)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.