Trong không khí thiêng liêng ấy, nghi thức Tắm Phật được long trọng cử hành khắp nơi, từ những đại lễ trang nghiêm ở chùa cho đến bàn thờ nhỏ nơi mái nhà bình dị. Nhưng nếu chỉ nhìn đây là một nghi lễ mang tính hình thức thì e rằng ta đã bỏ quên phần sâu sắc nhất, bởi Tắm Phật là tắm cho chính tâm mình, là một hành động tỉnh thức, gột rửa tận gốc rễ của khổ đau: tham, sân, si.
Tương truyền rằng, khi Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni, chín con rồng trên trời đã phun hai dòng nước mát và ấm để tắm cho Ngài. Hình ảnh ấy không chỉ kỳ vĩ mà còn ẩn chứa biểu tượng sâu sắc: sự xuất hiện của ánh sáng trí tuệ và thanh tịnh trong cõi trần đầy bụi bặm. Trải qua hơn hai ngàn năm, hình ảnh ấy vẫn được tái hiện trong nghi thức Tắm Phật ngày nay, như một cách nhắc nhở người con Phật: hãy trở về với bản tâm thanh tịnh, nơi có sẵn một Đức Phật đang ngủ yên.
Khi đứng trước tôn tượng Đức Phật sơ sinh, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, mỗi người chúng ta lại tự hỏi: “Mình đang tắm ai?”. Thân tượng kia vốn không bụi, không bẩn, không nhiễm ô. Phật không cần được tắm. Chính chúng ta mới cần được thanh lọc, thanh lọc tâm tưởng đã lâu ngày mỏi mệt, oán hận, dính mắc và mê lầm. Mỗi gáo nước thơm rưới xuống là lời khấn nguyện thầm lặng của một tấm lòng hướng thiện: Con xin tắm gội những nỗi sân giận âm ỉ, những ham muốn trói buộc, những vô minh che lấp ánh sáng trong tâm.
Có người đến chùa, chỉ đơn thuần múc ba gáo nước, cúi đầu, rồi đi. Nhưng cũng có người, trước tôn tượng Phật, tay run run, lòng như nghẹn lại - như thể đang đối diện với chính mình sau những tháng năm quay cuồng giữa dòng đời. Có thể hôm nay họ vẫn còn sân giận, vẫn chưa dứt được tham cầu, vẫn đôi lúc u mê. Nhưng chính trong khoảnh khắc ấy, họ được chạm vào một phần Phật trong tâm mình, nhẹ nhàng và đầy hy vọng.
Tắm Phật, nếu hiểu cho đúng, không phải là nghi lễ một năm một lần. Đó là một pháp tu, là một hành trình lặp đi lặp lại mỗi ngày: mỗi sáng thức dậy, ta có đang rửa sạch lòng mình khỏi những nhiễm ô từ hôm qua? Mỗi lần nổi giận, ta có nhận ra đó là lúc nên tắm lại tâm ý? Và mỗi khi buông xuống một điều gì, tha thứ cho ai đó, sống từ bi hơn, ấy chẳng phải là đang tự tắm Phật trong lòng mình sao?
Có lẽ vì vậy mà lễ Tắm Phật, dù chỉ vài phút thực hiện, lại có sức chạm sâu đến tâm hồn người. Nó nhắc ta rằng: Phật không ở xa, không ở tượng, không chỉ trong kinh, Phật ở trong chính tâm này, nếu tâm này biết lắng xuống, biết quay về, biết gột rửa.
Và mỗi lần, ta rưới một gáo nước thơm lên tượng Phật, là mỗi lần ta thầm nhủ:
“Xin được tắm chính con - một con người chưa tròn thiện hạnh.
Xin được làm mới mình, từng ngày, như đóa sen vừa nở trong sớm mai.”
Tắm Phật, hiểu cho đúng, là tắm lòng mình, và nên được thực hiện mỗi ngày. Không cần tượng, không cần nghi lễ, chỉ cần mỗi khi ta thấy lòng mình khởi sân, ta biết dừng lại để "rửa" đi; mỗi khi thấy lòng tham nhen nhóm, ta kịp tỉnh thức để buông xuống; mỗi khi mê mờ và hoang mang, ta biết thắp lên ngọn đèn chánh niệm mà soi đường. Như thế, ta đang tự Tắm Phật mỗi ngày, đang giữ cho tâm mình thanh tịnh như một đóa sen giữa đời.
Tắm Phật không chỉ là một nghi thức tôn giáo. Đó là một lời mời trở về. Về với tâm ban sơ, nơi ta chưa bị vướng bởi bao lớp ngã chấp. Về với hơi thở, với phút giây hiện tại, để thấy mình đang sống và sống bằng lòng từ, sự hiểu biết, sự buông xả.
Nước thơm dùng để tắm Phật là nước được nấu từ những cánh hoa thơm, gói trong đó là tấm lòng người dâng cúng. Nhưng có lẽ, loại nước trong lành nhất chính là giọt nước từ sự tỉnh thức và sám hối, là những giây phút nhìn sâu vào chính mình và dám thừa nhận: "Tôi vẫn còn nhiều phiền não. Nhưng tôi không quay lưng. Tôi đang học cách chuyển hóa".
Tắm Phật, là vậy - không rườm rà mà thấm đẫm, không cao siêu mà lặng sâu. Như một gáo nước thơm rưới nhẹ xuống tâm, từng chút một, giúp ta nhận ra:
Giác ngộ không xa.
Tịnh độ không ở đâu khác.
Phật, vốn đang ngồi yên trong chính ta.