GN - Dân gian có câu “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa” để nói về những nhân duyên của môi trường tu tập. Còn quý thầy, quý sư cô thì thường khuyến tấn Phật tử không chỉ học Phật ở chùa, mà cần phải làm sao để ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống để bản thân được an lạc và gia đình có hạnh phúc hơn.
Tu tại gia
Người tu tại gia được gọi là cư sĩ - Phật tử, thuộc bốn chúng đệ tử Phật (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di). Do vậy, vai trò của người cư sĩ rất lớn, không chỉ trong việc yểm trợ, ngoại hộ chư Tăng Ni trên bước đường hành đạo mà cũng là một “hoằng pháp viên” nếu tu tập tốt, có tri thức về Phật pháp, có thể mang lại những giá trị tốt đẹp nơi nhà mình, xóm giềng và cộng đồng mình đang sống.
Đến chùa làm lễ hằng thuận, nguyện gìn giữ cho nhau, sống đời đạo đức - Ảnh minh họa
Tu tại gia, hay tu ở nhà là tu những gì? Tất nhiên, vẫn là sửa những cái chưa hay, chưa đẹp thành hay, đẹp trong cả ba nghiệp (ý-ngữ-thân). Và, một trong những hạnh tu đầu tiên trong ý thức tu tập của người cư sĩ chính là hạnh hiếu - được Đức Phật tán dương: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Người xưa cho đến người nay đều thống nhất với nhau rằng, “thờ cha kính mẹ mới là chân tu”, đồng thời xem đó là dấu hiệu của việc người ấy có tu tập đúng không, và đạo đó là đạo nhân bản trong ý thức chung là “ông bà, tổ tiên, cha mẹ khi còn sống thì kính trọng, hiếu đễ, khi khuất bóng thì phụng thờ, nhớ ơn, sống tốt để không ai phải kêu réo, chửi rủa ông bà, cha mẹ mình…”.
Rõ ràng, đạo Phật và truyền thống nhân văn của dân tộc gặp nhau ở chỗ ý thức về ân cha, nghĩa mẹ từ lúc còn sống tới lúc mất bằng cả ý-ngữ-thân với những hành động thiết thực nên Phật giáo nhanh chóng được quần chúng nhân dân Việt Nam chọn làm tôn giáo mẫu mực để nương về một cách uyển chuyển trong đời sống.
Xã hội dù có phát triển bao nhiêu thì đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và trước tiên là nhớ ơn, báo ơn ông bà tổ tiên chính là nguyên tắc đạo đức phải được khắc cốt ghi tâm. Trong bốn ơn nặng mà Phật dạy thì ơn cha mẹ được Phật xếp ở vị trí đầu tiên để những người con, nhất là Phật tử, phải lấy đó làm chỗ để tu tập. Nếu không hiếu đễ, thuận hòa với cha mẹ thì người đó không xứng để làm người thì làm sao có thể xứng là Phật tử?
Xã hội ngày nay với những nhiễu nhương vốn dĩ do những biến đổi về đạo đức theo chiều hướng xấu đi do tác động của lối sống ích kỷ, nhiều khi quên cả cha mẹ. Bên cạnh đó, yếu tố thị trường kích thích nhu cầu hưởng thụ vật chất tác động liên tục trên các kênh thông tin, trong khi các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống bị lung lay, nên có một bộ phận dễ dàng bị ảnh hưởng và có nhiều biểu hiện thái quá.
Những dòng chữ có nội dung đau lòng người như “Cháu giết bà, cướp tài sản đi mua quà Noel tặng bạn gái”, hoặc “Con đâm cha mẹ đến chết” được đăng tải nhan nhản, không khó để nghe thấy, và gần đây có vẻ như nổi cộm trong ngồn ngộn thông tin thể hiện về mặt trái của xã hội có tính cảnh báo về lối sống, đạo đức xuống cấp. Và đó, phải chăng cũng là thông tin gợi nhắc cho chúng ta, những người con Phật, tiếp nối sự nghiệp “hoằng pháp lợi sinh” của Đức Phật, mang giáo lý của Ngài đi vào cuộc đời, góp tay chữa trị những “vết thương” trong tâm hồn con người và khâu vá lại những lỗ hổng đạo đức đang bị vật chất, những thế lực xấu đâm thủng với muôn hình vạn trạng xấu xí?
Trở lại chuyện tu tại gia để suy nghiệm và thấy, đó còn là cách cư xử trong những mối quan hệ khác trong gia đình như giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau… Cũng là một thực trạng đau lòng khi lối sống dễ dãi của giới trẻ diễn ra có xu hướng ngày càng tăng, việc dễ dàng sống thử hay quan hệ tình dục trước hôn nhân, vợ chồng không chung thủy… để lại những nỗi đau rất lớn, những vết thương khó lành, gây đau khổ cho bản thân, gia đình và xã hội.
Điều này cũng là hệ quả tất yếu của việc thiếu ý thức bảo hộ từ thân đến tâm, không có trách nhiệm trong hành động của mình, không giữ những nguyên tắc đạo đức căn bản, mà đạo Phật gọi là giới - dành cho người tại gia, trong ý nghĩa “giữ giới chính là đang sống trong những nguyên tắc đạo đức lành mạnh, làm cho mình và người có hạnh phúc”.
Gia đình là bến đỗ bình yên dường như đã không còn đúng với một bộ phận (khá lớn) gia đình hiện đại ngày nay vì nếu nó bình yên thật thì sao số vụ ly hôn, số vụ ghen tuông và hành xử thảm khốc bằng a-xít, đánh ghen cho đến chết gây hoang mang dư luận - không phải một mà nhiều lần, gần như mỗi ngày với tần suất số vụ ngày càng tăng?
Bức tranh xã hội có vẻ như hỗn loạn, không biết có phải vì truyền thông đã đăng tải lại theo nhu cầu tò mò và dụng ý câu khách từ những tin “cướp-hiếp-giết” cũng như ngoại tình, lang chạ đã bôi đen đời sống tinh thần, làm cho người ta thiếu niềm tin, hoài nghi về sự thủy chung cũng như những giá trị đẹp đẽ khác của gia đình, đời sống hôn nhân? Đó là một câu hỏi có vẻ như hoài nghi nhưng rồi lý lẽ “không có lửa làm sao có khói” phần nào cho người ta tin vào sự thật về sự lỏng lẻo của mối quan hệ gia đình Việt đang ở mức báo động nhưng cũng đặt ra đôi điều để mỗi người quan tâm suy ngẫm!
Để gia đình là tổ ấm thiêng liêng…
Sau những sự cố gia đình, những trúc trắc dẫn tới những đau thương nơi cuộc hôn nhân không như ý thì nhiều người tìm tới mái chùa, ban đầu chỉ nghĩ là “khổ quá, vô chùa xin Phật cho mình bớt khổ”. Song, khi vào chùa, học Phật, hiểu lời Phật dạy và nhìn lại một quãng đời đã qua thì không ít Phật tử mới giật mình, trộm nghĩ rằng, giá mà mình học được những điều này sớm hơn, hoặc giá mà ông xã, chồng mình cũng nghe được những điều này, cũng ứng dụng chút ít vào cuộc sống…
Không phải tự nhiên mà người Phật tử hiện nay khi kết hôn thường tới chùa
xin được quý thầy, sư cô chứng minh bằng lễ hằng thuận - Ảnh minh họa
Tất cả những “giá như” ấy có những lúc không phải là sự đã rồi nếu mình chịu khó và khéo léo “mang Phật pháp về nhà” bằng cách sửa mình tốt lên, từ từ người bạn đời hoặc con cháu mình sẽ được cảm hóa. Phương pháp làm mới bằng cách ngồi lại thổ lộ những buồn vui, cảm ơn, trân trọng và bày tỏ mong muốn bằng sự chân thành, bằng ái ngữ cũng chính là một trong những cách “thiết lập truyền thông”. Tất nhiên, nó phải được thực thi khi người ta nhận ra cái sai nơi mình, kiên trì sửa sai (trước tiên nơi mình) và hết lòng muốn gìn giữ, xây dựng lại tổ ấm yêu thương trước đó có ít nhiều… đau thương, sứt mẻ.
Giữ giới, trong đó có giới trực tiếp liên hệ đến sự thủy chung của vợ-chồng chính là giới thứ ba - không tà dâm nếu được trao truyền và thọ nhận, gìn giữ cho tất cả mọi người trong xã hội như một “lời nguyện thiêng liêng” thì chắc chắn mỗi gia đình đều có những ông bố, bà mẹ mẫu mực, những cặp vợ chồng sẽ tin tưởng nhau, không hoài nghi, lo sợ và chắc chắn sẽ không ghen tuông vô cớ hoặc cuồng ghen trong vũng xoáy của tham muốn ngút ngàn nơi người hôn phối của mình.
Không phải tự nhiên mà người Phật tử hiện nay khi kết hôn thường tới chùa xin được quý thầy, sư cô chứng minh bằng lễ hằng thuận, ngõ hầu được nghe nhắc lời Phật dạy trong kinh Thiện sanh về đạo nghĩa vợ chồng, rồi nhắc nhớ về năm giới của người cư sĩ, dặn dò về việc hiếu thuận trong ngoài, làm gì cũng nhớ Phật để không thương tổn nhau từ ý-ngữ-thân…
Việc làm ý nghĩa đó được xem là một cơ hội để người con Phật trở lại với chính mình, phát nguyện với Tam bảo sẽ “tương kính như tân”, bắt đầu từ việc giữ giới, sống đẹp, sống có hiếu, có nghĩa, có tình… trong đời sống hôn nhân. Đó cũng chính là điều kiện để có một đời sống yên-an nơi gia đình mỗi Phật tử.
Nếu mỗi người học Phật và làm được vậy thì mình không những giúp gia đình mình tin sâu Phật pháp mà còn giúp cho nhiều người biết đến Phật pháp, quay về nương tựa Tam bảo, học hỏi, ứng dụng, hành trì trong cuộc sống để có hạnh phúc (dẫu biết vẫn còn trong vòng luân hồi của thế gian)...