Tu tập trong hoàn cảnh không có Phật

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Tôi vì hoàn cảnh ở trọ, phòng ốc chật hẹp, không thể thờ Phật. Nhưng tôi lại rất thích tu tập, tụng kinh, niệm Phật, trì chú và lạy Phật mỗi ngày. Mỗi khi đi làm về nếu còn thời gian thì tôi đến chùa, còn lại thì tu tập ở ngay trong phòng trọ nhỏ bé. Tôi thường ngồi yên lặng trì chú, tụng kinh, niệm Phật. Những lúc làm việc nhà thì tôi nghe pháp hoặc niệm Phật. Đặc biệt, tôi thích lạy Phật nhưng vì không có bàn thờ nên tôi tự hình dung Đức Phật trước mặt rồi lễ bái. Tôi tu tập như thế và cảm thấy an yên, được Tam bảo che chở rất nhiều. Có lúc tôi tự hỏi mình tu tập trong hoàn cảnh như thế có đúng Chánh pháp không? Mong được quý Báo sẻ chia để tôi vững tin trong tu học.

(BẢO TRANG, trang65…@gmail.com)

Bạn Bảo Trang thân mến!

Thực chất của sự tu tập theo đạo Phật bắt nguồn từ tâm. Người có đức tính tự giác, tự nguyện, có căn lành với Phật pháp, biết an trú vào pháp môn, có sự an tịnh thì ở đâu cũng tu tập được. Kinh điển nhà Phật có ghi nơi tu tập của các Tỳ-kheo thường là gốc cây, nhà hoang, đồng trống, hang đá. Môi trường thuận lợi, ngoại cảnh thanh tịnh trang nghiêm có tác dụng trợ duyên tích cực cho tu tập chứ không mang tính quyết định. Cốt lõi của vấn đề tu tập là ở nơi tâm định, trí sáng.

Để xác định sự tu tập của mình có đúng Chánh pháp hay không, dù tu bất cứ pháp môn nào thì nội dung vẫn không ngoài Bát chánh đạo, cụ thể là thành tựu từng phần của giới-định-tuệ. Mặt khác, lộ trình tu học có hai phần rõ rệt là chuyển nghiệp và hướng đến dứt nghiệp. Chuyển nghiệp là từng bước tịnh hóa thân khẩu ý. Chuyển hóa và làm thanh tịnh dần ba nghiệp của thân, bốn nghiệp của miệng và ba nghiệp của ý; chuyển từ xấu ác sang thiện lành. Dứt nghiệp là hướng đến thanh tịnh hoàn toàn, ba nghiệp thân khẩu ý đều trong sạch.

Bạn đã biết “ngồi yên lặng trì chú, tụng kinh, niệm Phật” là rất quý hóa. Trong những lúc rảnh rỗi hay khi làm các công việc lặt vặt biết tranh thủ nghe pháp lại càng hay. Nghe pháp là một trong những nội dung tu học quan trọng, nhất là những người cần kiện toàn về pháp học. Cần hiểu giáo lý một cách căn bản, xây dựng đức tin trong sạch vào Tam bảo, sau đó từng bước củng cố và tin sâu vào pháp hành. Giống như khi đi đường, dù chưa đến đích nhưng đã có bản đồ, biết mình đang đi đúng hướng nên vững tin đi tới.

Lạy Phật cũng vậy, Đức Phật ở khắp mười phương, Ngài cũng ở trong tâm chúng ta. Khi không có tranh tượng Phật, tâm nghĩ tưởng đến Đức Phật rồi lễ bái với tất cả lòng tôn kính cũng đầy đủ ý nghĩa lạy Phật. Trường hợp của bạn, nếu muốn đối trước Đức Phật để lễ bái thì bạn có thể tìm một bức ảnh Phật (hoặc mở điện thoại hiển thị ảnh Phật, ngôi chánh điện trang nghiêm) rồi lễ lạy, lễ Phật xong thì đem cất tranh ảnh (hoặc tắt điện thoại). Nếu năng lực quán tưởng hình ảnh Phật đủ mạnh thì bạn cứ quán tưởng rồi lễ bái như hàng ngày.

Nhìn chung, dù hoàn cảnh đời sống còn khó khăn nhưng bạn đã thành tựu tín tâm nhiệt thành vào Tam bảo và nỗ lực tu học theo Chánh pháp. Hiện bạn đã an trú trong chánh niệm, cảm nhận được sự tịnh lạc của nội tâm, sự gia hộ và chở che của Tam bảo. Đây là hoa trái an lành trong tu học mà không phải ai hướng Phật cũng có được. Vì thế, bạn hãy yên tâm với sự tu học đúng Chánh pháp của chính mình. Nếu bạn duy trì được sự tu tập như thế thì chắc chắn phước đức sẽ tăng trưởng, nguyện ước tu học và phụng sự sẽ thành tựu.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.