Từ biến đổi nội tâm đến sáng kiến xã hội

GN - Redefining leadership - From inner transformation to social innovation (Xác định vai trò lãnh đạo - Từ biến đổi nội tâm đến sáng kiến xã hội) là đề tài mà Tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ chia sẻ với các bạn trẻ đang sinh sống và học tập tại Sài Gòn.

Le khanh thanh 2.jpg


Tịnh Trúc Gia do TS.Hà Vĩnh Thọ thực hiện tổ chức lễ khánh thành giai đoạn II mở rộng

Trong không gian ấm áp của những ngày giữa tháng 4, rất đông các bạn trẻ đủ màu da cùng ngồi trên thảm, tập thở vào thở ra. Ai đến đây cũng tò mò muốn biết về đất nước lọt thỏm giữa chập chùng rừng núi dãy Hy Mã Lạp Sơn, lấy hạnh phúc của người dân làm thước đo phát triển đất nước. Và người Việt Nam, mái tóc bạc, gương mặt phúc hậu đang ngồi đây là Giám đốc chương trình của Trung tâm Tổng mức Hạnh phúc Quốc gia, Bhutan.

Nụ cười thường trực trên môi, Tiến sĩ đã đưa ra những hình ảnh sống động về miền đất Rồng sấm - Druk Yul - ngày xưa, nói vùng núi tuyết trắng, một vị vua trẻ, quả cảm và giàu lòng nhân ái trị vì. Ngài chăm lo đời sống thần dân như người cha yêu thương đàn con của mình. Tầm nhìn xa, vượt qua cả rặng núi cao, lòng từ vô hạn, len lỏi đến những bản làng, vua quyết định đây là đất nước mà sự phát triển, tiến bộ được đo bằng niềm hạnh phúc của người dân. Thước đo nào kỳ lạ như thế? Đứng trên rặng núi cao, phóng tầm mắt bao quát, có thể thấy sự thịnh vượng của vương quốc thể hiện qua những cánh rừng nguyên sinh, hoang dã trải dài; tấm lòng hiếu khách, tử tế đối với người lạ; hệ thống giáo dục và y tế hoàn toàn miễn phí.

Vị vua thứ 4 nối tiếp triều đại Rồng sấm ấy, Jigme Singye Wangchuck, đã đặt ra thuật ngữ Tổng mức Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness - GNH) đầu những năm 1970 để đánh giá mức độ phát triển của đất nước, thay cho các chỉ số kinh tế. Nhà vua tin rằng, 4 điểm mấu chốt để làm nên hạnh phúc quốc gia là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa và lãnh đạo tốt. Tất cả các luận điểm này đều được thực thi một cách hiệu quả. Bhutan là quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới áp dụng GNH.

Người Pháp, gốc Việt, từ Thụy Sỹ qua Bhutan

Cha gốc Việt, ông sinh ra ở Pháp, học và làm việc tại Thụy Sỹ. Thích làm thiện nguyện, ông cùng với vợ là bà Lisi và hai người con đã sống trong cộng đồng Camphill Perceval ở Thụy Sỹ(*). Ở đây, cả gia đình đã đón nhận và sống chung với 7 thanh thiếu niên khuyết tật dưới một mái nhà. Nguyên là trưởng phòng đào tạo của Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế (ICRC), từng là quản lý mái ấm khuyết tật, lãnh đạo chương trình đào tạo giáo viên chuyên biệt tại Thụy Sỹ; chính tình thương và sự chia sẻ không biên giới ấy đã đưa ông đến Bhutan. Ông đã dẫn lời Tổng Thư ký Ủy ban GNH ở Bhutan giải thích lý do trung tâm được thành lập: “Chúng tôi cần một mái nhà cho triết lý hạnh phúc này, để từ đó mọi người đến đây, thực tập, chiêm nghiệm và cùng sống thật hạnh phúc”.

Đến mái ấm của những rặng tre hiền hòa

Năm 1983, về thăm quê hương, nhìn thấy những nỗi đau mà chiến tranh gây ra, khi trở lại Thụy Sỹ, ông cùng vợ thành lập Hiệp hội Eurasia - Hiệp hội cho Sự phát triển Giáo dục trị liệu tại Việt Nam vào năm 1989, nhằm giúp đỡ những người kém may mắn.

Xuong mut.jpg


Xưởng mứt của người trẻ khuyết tật trong Tịnh Trúc Gia

Ban đầu hiệp hội hỗ trợ các dự án đang diễn ra tại Việt Nam. Kiên nhẫn và miệt mài, yêu thương và trách nhiệm, mái ấm của những rặng tre hiền hòa đã chào đời năm 2009. Tên gọi mộc mạc, gắn liền với làng quê Việt Nam, trung tâm tọa lạc trên con đường rợp bóng tre giữa không gian yên bình của cố đô Huế, nơi ông và vợ thường xuyên trở về, mang yêu thương, hạnh phúc đến cho những người khuyết tật. Ở đây, các em được học thêu, được tự tay nấu nướng hay sáng tạo những bức tranh sơn mài. Có cả xưởng mứt ngọt ngào và kem mát lạnh, khu vườn ươm sinh học cung cấp rau củ sạch cho trung tâm. Văn hóa Việt được ươm trồng từ tà áo dài thướt tha, từ nón lá tinh khôi trong những ngày lễ truyền thống.

Ngày 19-4 vừa qua, Tịnh Trúc Gia đã tổ chức lễ khánh thành giai đoạn II mở rộng không gian sống, xưởng làm việc và nhà trẻ tại trung tâm. Nhìn các em nhỏ xúng xính áo dài trong những điệu múa truyền thống, nụ cười rạng rỡ trên từng khuôn mặt đã khẳng định làn gió hạnh phúc đang thổi về đây. 

Mỉm cười với các bạn trẻ, Tiến sĩ nói rằng: “Hạnh phúc là một kỹ năng có thể dạy và học được mà nền tảng chính là chăm sóc tự tâm để phát triển lòng từ. Thước đo giá trị hạnh phúc là không biên giới, nó không chỉ tồn tại ở Bhutan, đất nước Phật giáo mà còn lan tỏa xa hơn nữa. Hạnh phúc là ngay bây giờ hoặc không bao giờ”.

Hương Giang

______________

(*) Camphill là phong trào sau Thế chiến thứ hai nhằm giúp đỡ những người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.