Truyện ngắn Nguyễn Hồng Vân: Chị Kiều

GN - Ngọn gió bấc nhè nhẹ những ngày đông thổi vi vu qua tán bồ-đề trong sân chùa nhỏ khiến lòng người man mác. Mùa này ở quê nước đang lên do năm nay lũ muộn, cá đồng về cho người dân hồ hởi ráng chống chèo kiếm thêm thu nhập khi Tết đang cận kề.

Mười tám năm lưu lạc giữa chốn phồn hoa đô hội, chớp mắt nhớ lại chuyện xưa như nước chảy. Chị ngắm hoa sen giữa hồ đang đong đưa trong nắng sớm lòng bất chợt an yên, vẳng đưa tiếng chuông nơi chánh điện, mùi hương dìu dịu thanh khiết của đóa hồng liên đưa chị về với miền quá vãng xa xăm.

anhminhoa.jpg


Hái bông điên điển - Ảnh minh họa từ internet

***

“Kiều ơi, đi hái bông điên điển hen”. Lũ bạn í ới gọi vang ngoài ngõ, chiếc xuồng nhỏ cặp sát hông nhà. Kiều lật đật bật mình dậy, vuốt lại mái tóc rồi cột cao nhỏng như cái đuôi ngựa xong lội bì bõm qua cái sân hẹp đang xâm xấp nước mùa lũ leo lên mạn thuyền. Cả bọn chèo ra cánh đồng nước mênh mông, nhô lên những chòm bông vàng rạng rỡ trong ánh bình minh đang dần hé phía chân trời.

Cái giống bông này phải hái vào sáng sớm còn bum búp nụ thì mới tươi ngon, tới chiều thì bông nở tòe loe rồi tàn. Đem về nấu canh chua chung với cá linh thì ăn hết nồi cơm không hay, bụng no lặc lè mà còn muốn ăn nữa. Vừa ăn xong hôm trước, bữa sau lại thèm rồi và chỉ duy có mùa nước nổi thì mới có hai loại đặc sản này. Một năm ăn được có một tháng nên người ta cứ da diết thèm không thôi. Lẩn quẩn chân xa quê rồi thì mùa nước tràn đồng lại nhớ nồi canh chua nghi ngút khói bên mái nhà trơ trọi giữa mênh mông đồng chiều cuống rạ.

Người con gái miền Tây chơn chất, mười tám tuổi vẫn còn rất ngây thơ, Kiều chưa từng biết yêu hay rung động đầu đời, mãi cho tới khi lấy chồng theo sự mối mai và sắp đặt của cha mẹ. Ngày lên xe hoa theo chồng chị mới biết mặt anh. Sau lúc bỡ ngỡ ban đầu, chị dần cũng chấp nhận con người anh với nhiều khuyết điểm và bất đồng về cách sống. Anh làm “nghề bà cậu” bấp bênh theo con nước xuống lên, hôm nào kiếm được hơn chục ký cá thì xênh xang ngày đó, những hôm mưa dầm thì dân câu lưới coi như “treo niêu” không đụng tới bổn nghệ, rảnh rang bày cuộc nhậu quắc cần câu.

Thiệt ra anh cũng là người chồng tốt nếu không có rượu vô dăm ba hột là nổi máu vũ phu. Tánh anh cộc cằn, nóng nảy nên ăn nói hay mích lòng người khác. Chị phải lặng lẽ qua xin lỗi và xoa dịu người ta những khi anh gây gổ với họ. Với chị, anh càng ngày càng quá quắt. Ai đời vợ mới cưới có mấy tháng và đang mang thai đứa con đầu lòng mà anh lấy chổi chà quất chị như đánh con chó ngoài đường. Bụng bầu tới tháng thứ bảy, chị ôm mớ cá mới câu ra sàn nước rửa sạch để nấu bữa cơm trưa, bỗng cánh chổi như trời giáng vào lưng. Chồng chị lè nhè: “Mày chỉ biết anh em mày, không coi tao ra gì nghen?”.

Anh lại say xỉn ở đâu đó, bị người ta khích bác nói anh sợ vợ; vợ mà không coi chồng ra gì, chỉ bênh vực cho anh chị em nhà mình nên về trút lên chị. Bị bất ngờ, chị không kịp đỡ nên té chúi nhủi về trước. Nắng ban trưa chói chang soi ngay đỉnh đầu khiến chị bốc hỏa, nỗi căm hận dâng lên nghẹn ngang lồng ngực, sẵn tay còn cầm cây dao làm cá, chị bổ vào lu sành ở trước mặt bể ra làm đôi: “Anh mà còn đánh tui lần nữa, tui không nhịn đâu nghen”. Tưởng sẽ ẩu đả lớn chuyện, nhưng thấy chị làm dữ, anh xìu xuống xiêu vẹo bỏ đi. Nước mắt chảy vòng quanh khi anh rời khỏi, cũng may đứa bé trong bụng không sao nhưng giọt nước đã tràn ly, chị thấm đẫm nỗi cô đơn quanh mình khi không ai hiểu cho những gì chị đã phải chịu đựng.

Sau lần đó, anh cũng không có gì thay đổi, vẫn cục súc và bạo hành chị mỗi khi có rượu. Đứa con trong bụng chắc cũng nhiều uất ức nên không phát triển mạnh khỏe như bình thường, tới khi gần sanh mà bụng chị có chút xíu. Trong lòng chị đã dứt mối tơ duyên, sinh con xong thì bên nội bắt về nuôi vì thương cháu và vì cuộc sống còn nhiều khó khăn nên chị bỏ quê xa xứ, lưu lạc tới Sài Gòn đi giúp việc nhà cho người ta. Công việc đầu tiên chị làm là giữ em bé. Bằng trái tim người mẹ vừa mới rời xa con, chị như thấy hình ảnh con mình nên chăm sóc em bé nhà chủ hết lòng hết dạ, gần như kiệt sức. Thế nhưng chị chủ quá cưng con, đòi hỏi nhiều thứ, cảm thấy không thể đáp ứng nổi công việc, chị lại ra đi.

Chị nhận vào giúp việc cho nhà thứ hai, nơi này chỉ có hai ông bà già nên đỡ cực hơn. Ông đã bảy mươi nhưng cũng còn tráng kiện, bà thì nay yếu mai đau. Các con ở xa, lâu lâu mới tạt qua thăm ông bà, còn thì trong nhà chỉ thui thủi ông bà chăm sóc cho nhau, nay có thêm chị đỡ đần nên cũng vơi bớt phần quạnh hiu. Chị chăm sóc hai người như đối với cha mẹ mình, dù sao thì người già cũng nhiều nỗi cô đơn nên có nhu cầu chuyện trò tâm sự.

Một đêm khuya khoắt, chị ngủ lịm đi sau những nghĩ suy không đầu không cuối về những chuyện đã qua trong đời, bỗng như có ai đó ôm choàng lấy chị. Theo quán tính, chị đạp mạnh và tỉnh giấc: “Ôi, ông có sao không?”. Ông chủ nhà bất thần bị ngã xuống chân giường đang lồm cồm bò dậy. “Ông đừng nên như vậy. Con không phải loại dễ dãi, lẳng lơ. Dù con nghèo phải đi ở mướn nhưng con coi ông bà như cha mẹ thì ông cũng nên tôn trọng con như một con người”. Ông già không nói gì, im lặng bỏ đi, chị chợt thấy bao nỗi đắng cay ngập tràn trong tâm não, cuốn hết quần áo chờ trời sáng chào ông bà rồi ra đi.

Một lần nữa, cánh chim vô định mỏi cánh bay mà không phương trú ngụ. Chị trở về nhà. Con sông quê êm đềm vẫn chảy quanh cánh đồng chiều bình yên màu lúa mới, đường làng mấp mô dấu xe công nông ì ạch chạy qua, cỏ xanh rờn hai bờ đê mướt mát. Tâm hồn chị chợt thảnh thơi với bao kỷ niệm tuổi thơ ùa về trong trí nhớ. Chị đi nhanh về phía ngôi nhà đơn sơ với giàn bông giấy đỏ rực trong nắng trưa.

Nghe tin chị về, mẹ chồng chị bồng con gái nhỏ lên thăm. Bao ngày xa cách ngỡ sẽ mừng mừng tủi tủi nhớ thương nhưng bà nội gọi mãi mà đứa bé gái không chịu lại gần chị. Nó hững hờ hỏi: “Dì là ai vậy nội?”. “Má con đó Duyên”. “Dì là má hả nội?!”. Sau đó, dù bà nội có giải thích và bắt buộc cách mấy con bé cũng không gọi mẹ, nó cứ trườn khỏi vòng tay ôm của chị. Chị ra đi khi nó vừa năm tháng tuổi, bao năm xa nhau tình cảm không được vun đắp nên cũng khó trách con bé lạnh nhạt ơ hờ.

Đau lòng cho chị khi phong phanh nghe người ta đồn thổi: “Con Kiều lên Sài Gòn làm gái chứ ngữ như nó lên đó mà làm ông bà gì?”. Những cái bĩu môi sau lưng chị, những cái liếc mắt khinh khi của những người đàn bà nhà quê luôn háo hức với những tin tức hóng hớt như vậy. Chị quay đi, ôm bao nỗi ấm ức không lời, chỉ có trời xanh kia thấu cho lòng chị.

Sự kết nối lỏng lẻo, lòng chị còn tha thiết chi với những bạc bẽo người đời. Khăn áo quay lại thành phố ngày đêm ồn ào, tấp nập, chị may mắn được nhận vào làm cho một gia đình trung lưu trí thức, anh chị chủ khá tốt bụng và đối xử thân thiết như người nhà, không phân biệt. Thắm thoát mười mấy năm trôi qua, chị vẫn ở trong nhà như một thành viên không thể thiếu. Công việc của chị cũng không tốn quá nhiều thời gian nên buổi sáng chị tham gia vào nhóm dưỡng sinh của các cụ ở phường; những ngày cuối tuần chị tìm về với cửa Phật, nơi chị đã quy y nhiều năm.

Mỗi khi lòng còn chút buồn sân si hay tâm chưa bình thản, chị niệm Phật rất đỗi thành kính. “Làm như vậy xong chị thấy mình vơi đi và nhẹ nhàng hơn rất nhiều”. “Giờ thì chị mong ước điều gì?”. “Chị chỉ mong bình an trong đời”. “Nếu có cơ hội, chị có muốn yêu thêm lần nữa?”. “Chị cũng không biết, chị chưa từng yêu ai cho tới khi lấy chồng. Sau đó cũng không duyên nợ vấn vương với ai, chắc số chị không mắc nợ nên mới vậy!”. Chị cười thanh thản như dòng nước hiền hòa của con sông quê bình lặng. Ánh mắt hiền nhìn đời nhẹ như mây.

“Con gái chị thì sao?”. “Ừ, thì giờ nó đã lớn nên đã hiểu những niềm riêng không thể nói. Nó thông cảm với mẹ nhưng vẫn hoài xa cách. Chị cũng không trách vì chị hiểu cần có thời gian nhưng như vậy cũng tốt rồi. Con người hơn nhau ở lòng từ chứ so đo vật chất làm chi?”.

Hơn nửa đời người trôi qua với bao dâu bể, chị vẫn giữ phương ngữ vùng sông nước trong cách nói và cư xử hiền hòa như ruộng lúa, bờ tre, như con cá linh mỗi mùa nước tràn đồng, như điên điển nở vàng cả khúc sông. Đôi khi thấy chị giản dị trong màu áo lam, miệng cười tươi thắm, đóa sen ngời đã vươn khỏi bùn đen. Cuộc đời cứ tuần tự những buồn vui và tháng năm trôi qua dần phai trên mái tóc, nhưng nét đẹp bình dị của tâm hồn mãi lấp lánh như ánh sao đêm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.