Trưởng thành từ cửa từ bi

GN - Bị ảnh hưởng chất độc da cam, chân và tay em đều teo tóp. Sinh năm 1991, nặng chưa đầy 35 ký, di chuyển bằng đầu gối nhưng Lê Minh Châu đã làm cho nhiều người ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến cảnh em dùng tay, dùng miệng vẽ tranh để nuôi sống bản thân và càng quý mến em hơn khi nghe kể thành tích, nghị lực vượt khó mà người khuyết tật như em đã và đang thổi thêm sức sống mới vào đời.

Anh 2, bài Hanh Y, PGTT 753.jpg
Bức tranh Châu vẽ không chỉ là niềm đam mê mà còn là chén cơm
cho bản thân, cho gia đình và cho những người cùng hoàn cảnh - Ảnh: H.Ý

Những chặng đường gian nan

Đó là khi vừa mới sinh ra, cơ thể không vẹn nguyên, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em chỉ được ở cạnh ba mẹ mình 6 tháng. Lên 7 tháng tuổi, gia đình gửi em đến Làng Hòa Bình 2 (trong khuôn viên của Bệnh viện Từ Dũ) để sinh sống. Tại đây, hàng ngày em phải đối diện với nhiều thử thách, mà theo em kể thì “từ lúc em nhận thức được, từng ngày em sống phải nỗ lực hết mình, phải luôn nói với lòng không được bỏ cuộc thì mới có thể đối diện với chướng ngại vật hàng ngày được”.

“Tiếp xúc nhiều với Châu, em đã hiểu rằng khi mà ước mơ nghị lực sống của con người ta chưa bị thay thế bằng những bế tắc, chán nản thì bất cứ ai đều có thể tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình. Hạnh phúc không khó tìm, luôn ở bên cạnh mình, vấn đề là mình có nhận ra hay không. Em rất quý Châu, bức tranh Châu vẽ không chỉ là niềm đam mê mà còn là chén cơm cho Châu, cho gia đình và cho những người khốn khó”, một bạn khuyết tật cùng hoàn cảnh với Châu chia sẻ.

Ở Làng Hòa Bình, mặc dù không có cha mẹ bên cạnh nhưng em được học rất nhiều thứ từ kỹ năng sống đến ứng dụng thực hành. Cố gắng rất nhiều, đến lúc lên 9 tuổi, khi đã có thể làm quen với bút viết, em đã được Làng Hòa Bình cho đến Trường Tiểu học Phan Đình Phùng học tập, hòa nhập cộng đồng.

Em kể, “những ngày đầy khó khăn đó, em sẽ khó có thể quên. Thấy em bò từ cầu thang lên lớp, nhiều bạn trêu em là 9 tuổi mà mới học lớp 1. Lớp chỉ có mình em là khuyết tật, chỉ có một hai bạn chơi cùng; các bạn kỳ thị, chọc ghẹo, ăn hiếp em thì nhiều. Chịu đựng đến năm lớp 10, em nghỉ học giữa chừng về quê với mẹ nhưng nơi em tá túc là ở chùa.

Ngày qua ngày, nhờ sư phụ và các cô Phật tử khuyên dạy, an ủi, em dần lấy lại tự tin. Hàng ngày ở chùa em đều tụng kinh, ăn chay, niệm Phật và em không buồn, không trách bất kỳ ai nữa. Sau một năm ở chùa, em đầy đủ nghị lực nên quyết định quay lại Sài Gòn cố gắng đi học cho mình cái nghề, để cho các bạn thấy khuyết tật vẫn học tốt, vẫn có thể làm được những gì người bình thường làm được”.

Có hoa tay hội họa, em chọn cho mình nghề thiết kế, vừa học, vừa vẽ tranh triển lãm để kiếm tiền nuôi bản thân. Vừa học, vừa làm việc tại xưởng đóng giày, thiết kế giày, thiết kế băng-rôn cho những công ty yêu cầu, em hiểu rõ đồng tiền có sức mạnh như thế nào và giá trị đồng tiền ra sao nên rất kỹ trong việc chi tiêu. Sau 3 năm chắt chiu, cần kiệm đầu tư cho việc học, cuối cùng em cũng ra trường, tìm cho mình một công việc phù hợp tại Công ty Tài Năng Việt và tá túc tại đây. Cuộc sống của em giờ đây thật sự bước sang trang mới.

Hạnh phúc đong đầy

Làm có tiền, em liền gửi về cho gia đình một ít và chia sẻ với những người cùng hoàn cảnh với mình; em chỉ giữ một phần đủ cho sinh hoạt. Khuyết tật nhưng em không lấy lý do đó để dựa dẫm hay lợi dụng lòng thương xót của ai. Cuộc sống của em đa phần là tự lực, em thích tự mình kiếm tiền bằng sức lực bản thân, miệt mài lao động và học hỏi những họa sĩ có kinh nghiệm để trau dồi kỹ năng.

Cách sống vững vàng, có trách nhiệm, đó là lý do đến thời điểm này, họa sĩ Hồ Đắc Hiệp vẫn tự nguyện đến với em hàng tuần giúp đỡ, chỉ bảo cho em từng nét vẽ để nâng cao tay nghề.

Nếu như số phận cho em bản tình ca với nhiều nốt trầm thì em lại vẽ thêm cho mình những nốt son đầy tươi vui, căng tràn sức sống. Mặc dù đôi khi trong túi không có tiền nhưng hầu như lúc nào em cũng vui như ngày Tết.

Thắc mắc hỏi em, vui thật hay đang giả vờ, em đều trả lời: “Vui thật. Trước đây, trong những lúc không có tiền, khó khăn, nhiều lần em có nghĩ đến cái chết nhưng trong lúc giằng co, đấu tranh tư tưởng, em nhận ra tự tử vì thất bại là hèn nhát, ngu ngốc. Em hiểu để sanh ra một đứa con không bình thường như em, ba mẹ đã chịu nhiều tai tiếng, cực nhọc gấp trăm lần người sanh con lành lặn. Nếu em chỉ vì một lời thách thức, nhạo báng của ai đó mà giết chết sự sống mà cha mẹ đã trao, em thấy em bất hiếu lắm.

Phật có dạy, tội lớn nhất đời người là bất hiếu, em không muốn ba mẹ thấy em gục ngã, em không muốn thấy cảnh ba mẹ lo lắng, buồn lòng vì em nữa. Em nhận ra, thân thể em tật nguyền thôi chứ tình thương mọi người dành cho em không khuyết chỗ nào cả, vẫn tròn đầy tình thân; anh, chị, bạn bè, rất nhiều người bên cạnh em, động viên, cổ vũ em. So với những thứ không có, những điều đã mất thì em còn rất nhiều thứ đem đến cho em hạnh phúc, thế nên em không đầu hàng số phận nữa. Em cũng hiểu được, trước đây nhiều đời nhiều kiếp em tạo nghiệp không lành nên giờ em phải trả nghiệp, thân thể em mới không được lành lặn nhưng em cũng hiểu, tương lai ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay. Nếu gieo giống tốt sẽ gặt quả tốt; gieo niềm vui sẽ gặt niềm vui nên em luôn lạc quan sống và góp ích cho cuộc đời”.

Hạnh Ý

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.