Trường TCPH Khánh Hòa: 25 năm hình thành & phát triển

GN - Với Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, cùng với hệ thống các Phật học đường, Phật học viện các nơi, Nha Trang - Khánh Hòa được biết đến bởi nơi đây không chỉ là quê hương của Bồ-tát Thích Quảng Đức, mà còn có một dấu son khác trong công tác đào tạo Tăng tài, đó là Phật học viện Hải Đức…

Giai đoạn hình thành

Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, Phật học viện Hải Đức cũng tạm ngưng hoạt động. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, một trong những Phật sự quan trọng đã được Đức Trưởng lão HT.Thích Đức Nhuận nêu ra như một điều kiện để ngài thuận sự thỉnh cầu lên ngôi vị Đệ nhất Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, đó là đề đạt lên Chính phủ cho phép Phật giáo được mở trường đào tạo Tăng Ni kế thừa.

khoa1.jpg


Một giờ học của trường - Ảnh: K.H

Ý thức rằng đào tạo Tăng Ni là “trước hết các Phật sự”(*), chư tôn giáo phẩm tại Khánh Hòa như HT.Thích Đỗng Minh, HT.Thích Thiện Bình, HT.Thích Trí Tâm, HT.Thích Như Ý… đã thống nhất ý chí, quyết tâm mở trường Phật học tại vùng đất truyền thống này.

Qua rất nhiều cuộc họp gay go với các ban ngành có liên quan, hàng loạt yêu cầu đều được đáp ứng, cuối cùng quý Hòa thượng cũng thuyết phục được các cấp lãnh đạo cho phép mở trường qua Giấy phép số 700-UB do ông Võ Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký ngày 4-6-1990. Có thể nói, so với các tỉnh thành khác, Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa là một trong những ngôi trường Phật học được thành lập sớm nhất sau ngày thống nhất đất nước.

Cùng với giấy phép thành lập trường, những bộ phận chức năng khác của trường cũng nhanh chóng được kiện toàn. Ban Giám hiệu được thành lập do HT.Thích Trí Tâm làm Hiệu trưởng (cho đến năm 2010), HT.Thích Đỗng Minh làm Giáo thọ trưởng, HT.Thích Như Ý làm Trưởng ban Bảo trợ. Nội dung giảng dạy được thống nhất và khóa học đầu tiên được chính thức khai giảng vào ngày 26-9-1990 với số lượng 97 Tăng Ni sinh được tuyển chọn (48 Tăng, 49 Ni).

Từ năm 2011 đến nay, Giáo hội đã suy cử HT.Thích Minh Thông đảm nhiệm Hiệu trưởng

Xây dựng cơ sở mới

Cơ sở hạ tầng của Phật học viện Hải Đức rất tốt, đầy đủ nhưng vì nhiều nhân duyên, không thể làm nơi nội trú, dạy và học, trong khi theo hoàn cảnh khó khăn chung, Giáo hội chưa có khả năng xây dựng cơ sở mới. Trước tình hình đó, HT.Thích Trí Tâm đã mở lòng đưa trường về đóng tại tổ đình Nghĩa Phương - nơi Hòa thượng là viện chủ, dù cho không gian cũng không rộng rãi và không đủ điều kiện của một ngôi trường. Học thì sử dụng giảng đường của tổ đình, nội trú thì mượn Tăng phòng chùa Linh Sơn Pháp Bảo, Ni thì nội trú và học tại Ni viện Diệu Quang. Như vậy, ở một nơi mà học một ngả nên công tác quản lý, điều hành cực kỳ khó khăn. Vào mùa hạ, với điều kiện cấm túc an cư, do chùa Nghĩa Phương ở trung tâm thành phố diện tích chật hẹp, Phật sự lại nhiều nên có những thời điểm việc tu và học dồn hết lên chùa Linh Sơn Pháp Bảo.

Về chùa Linh Sơn Pháp Bảo, do ở vị trí thấp nên mỗi mùa mưa lụt về là hết sức khó khăn, nước tràn khắp nơi, ngập tới đầu người, đường ra vào chùa bị cô lập hoàn toàn. Những hình ảnh chư tôn đức, Phật tử phải lội nước hoặc lênh đênh trên những chiếc ghe vượt lũ vào thăm, tiếp tế cho học Tăng sẽ mãi không bao giờ phai trong ký ức Tăng sinh thời bấy giờ. Cảnh tạm bợ đó diễn ra suốt 4 năm khóa I và những năm đầu khóa II, tất cả vẫn phải đi mượn để làm trường, cơ sở nội trú tạm thời.

Đầu năm 1994, trong quyết tâm cần có một không gian trường quy mô tương đối để Tăng Ni sinh chuyên tâm học và tu, chư tôn đức trong Ban Trị sự quyết định bằng mọi giá phải xây trường. Chùa Long Sơn ở số 20 đường 23 tháng 10 được chọn, với sự trợ duyên nhiệt thành và trong sáng của cố Hòa thượng trụ trì thời bấy giờ.

Lễ động thổ xây dựng trường mới diễn ra thật trang nghiêm long trọng đúng vào ngày vía Đức Bồ-tát Quan Thế Âm 19-2 âm lịch, cũng trong năm đó. Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng Đại lão HT.Thích Trí Nghiêm vẫn thân lâm chứng minh, cùng với sự hiện diện đông đảo chư tôn đức Tăng Ni, quan khách, Phật tử tỉnh nhà.

Do vấn đề kinh phí quá khó khăn nên trong đồ án thiết kế, chư tôn đức chỉ đặt ra những hạng mục phục vụ cho sinh hoạt tối thiểu của nhà trường, và cũng chỉ có thể giải quyết được cho số lượng Tăng sinh. Thế mà cũng mất gần 5 năm, hoàn thành phần nào đưa vào sử dụng phần đó, bắt đầu khi trường đang đào tạo khóa II. Tổng kinh phí xây dựng trường là 2 tỷ đồng, trong đó công đức lớn nhất là của HT.Thích Thiện Bình và HT.Thích Chí Tín đã qua nhân duyên huy động, tạm ứng và sau đó hoàn lại dần. Có thể nói đây là ngôi Trường Trung cấp Phật học sớm nhất được xây dựng đầu tiên sau khi Giáo hội được thành lập.

Những dấu ấn

Qua 25 năm hoạt động, Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa đã đào tạo được 6 khóa và đang đào tạo khóa VII với tổng số 732 Tăng Ni sinh. Từ khi thành lập đến năm 2000, trường có tên là Trường Cơ bản Phật học Khánh Hòa.

Từ năm 2000, theo quy định chung của Trung ương Giáo hội, trường đổi tên thành Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa. Ngoài số Tăng Ni sinh tỉnh nhà, trường cũng đào tạo cho các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Định, Phú Yên...

khoa2.png


Chư tôn đức Ban Giám hiệu và Tăng Ni sinh khóa II
chụp hình lưu niệm trước cơ sở mới tại chùa Long Sơn - Ảnh: Tư liệu K.H

Hiện nay, những Tăng Ni sinh khóa I, II, III đã và đang tham gia nhiều công tác trong hệ thống của Giáo hội, trở lại giảng dạy, được bổ nhiệm trụ trì cũng như du học tại các nước và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Thái Lan, Nhật, Myanmar, Hồng Kông (Trung Quốc)…

Cùng với sự vận động của cả nước, Phật giáo Khánh Hòa cũng đang từng bước chuyển mình để hòa nhịp đạo đời. Trước xu thế đó, Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa cũng không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy nhằm đào tạo những tu sĩ trẻ thuần vị thiền môn, vững nội điển và am hiểu tri thức thời đại, nhiệt tâm phụng sự, xứng đáng với truyền thống của đất Nha Trang và với Phật học viện Hải Đức năm xưa.

Nguyên Quân
(tham khảo tư liệu do trường TCPH Khánh Hòa cung cấp)

HT.THÍCH MINH THÔNG, Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Hiệu trưởng đương nhiệm Trường TCPH Khánh Hòa:

image.jpeg

HT.Thích Minh Thông

Chúng tôi muốn nhắc lại nhận định trong một báo cáo tổng kết thành tích Tăng học đường Nha Trang, cách đây tròn 50 năm về trước, về tầm quan trọng của Phật sự đào tạo Tăng Ni - hiện thân của Tăng bảo: “Tăng bảo là hiện thân cụ thể cho tinh thần vô thượng của đạo Phật. Tăng bảo còn, Phật giáo còn; Tăng bảo bị suy đốn thì Phật giáo bại vong! Đó là một sự hiển nhiên mà lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng. Vì vậy, nơi nào có những hàng Tăng bảo có thực tài, thực đức thì nơi ấy Phật giáo được tồn tại một cách xứng đáng với danh nghĩa của nó”.

Với Khánh Hòa, chư tôn đức giáo phẩm các thế hệ cũng như hiện tại luôn tự nhắc nhở mình điều đó, chúng tôi luôn nỗ lực làm sao để ngôi trường Phật học trên tỉnh nhà không chỉ cung cấp kiến thức Phật giáo nói chung, mà song song đó, rèn luyện cho Tăng Ni sinh có lối sống thiền môn, oai nghi căn bản, bởi hơn ai hết, chính Tăng Ni là hiện thân cụ thể của Phật giáo, như lời nhận định của chư tôn trưởng thượng tiền bối.

Chúng tôi mong rằng, Tăng Ni sinh sau khi học xong tại đây, cân nhắc chọn ngành học cao hơn có  định hướng rõ ràng cho các tâm nguyện về hoạt động trong tương lai. Quan trọng nữa là phải ý thức và nuôi dưỡng chí nguyện phụng sự, học là để tu và phục vụ, bởi lý tưởng của đạo Phật là phục vụ nhân sinh.

Hiện số lượng Tăng Ni tốt nghiệp hệ thống các trường Phật học các cấp có thể nói là rất đông, nhưng ở các vùng sâu, vùng cao vẫn thiếu người hướng dẫn lối sống đạo đức Phật giáo cho đồng bào. Nhiều lĩnh vực thiếu nhân sự trầm trọng, chẳng hạn ngành sư phạm, giáo dục mầm non, giảng sư am hiểu ngôn ngữ và phong tục các dân tộc... Nhân đây tôi cũng có đề nghị Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương cần có một khảo sát thực tế số lượng Tăng Ni sau khi tốt nghiệp các trường Phật học đang ở đâu, làm gì để có sự điều chỉnh trong đào tạo một cách thiết thực.

Tôi nghĩ, trước hết mỗi Tăng Ni sinh nên có dự định học tập cho Phật sự tương lai, không thể cứ học chung chung, du học đại trà, dẫu khi đã tốt nghiệp ở bậc tiến sĩ nhưng ngành học không phù hợp với yêu cầu thực tế. Riêng chư Ni, nên quan tâm đến ngành giáo dục mầm non, một lĩnh vực rất quan trọng mà Phật giáo đã từng làm tốt, nhưng hiện nay lại bỏ ngỏ trong khi nhà nước lại có chính sách khuyến khích các tôn giáo tham gia và các tôn giáo khác đã làm rất tốt, có hệ thống.

Với khả năng của chúng tôi, ngoài các chương trình học bổng hiện có, sắp tới chúng tôi sẽ thành lập một quỹ học bổng lớn hơn nữa, sẽ cấp học bổng toàn phần cho những Tăng Ni học các ngành sư phạm, giáo dục mầm non, Hán - Nôm, ngôn ngữ các dân tộc vùng cao… Cũng với ý nguyện không gì khác là sau khi học, trở lại phụng sự, không phải chỉ cho tỉnh Khánh Hòa mà bất cứ nơi nào cần đạo Phật.

Pháp Hỷ ghi

---------------

(*) Đức Pháp chủ Sơn môn Tăng-già Trung Việt - Trưởng lão HT.Thích Tịnh Khiết (1891-1973)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.