Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Niệm: "Yêu thương chưa bao giờ xưa cũ"

Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Niệm, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Niệm, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Cho đến bây giờ tôi vẫn cảm nhận mỗi bữa cơm rất ngon vì có tình Thầy trò ấm áp. Tuy cực khổ như vậy nhưng Thầy trò rất thương nhau, tình nghĩa rất sâu sắc, sống để bụng chết mang theo. Từ chỗ đó, dù vì hoàn cảnh mà đi tu nhưng chưa bao giờ, tôi có ý nghĩ bỏ đạo, bỏ Thầy...

Dạo gần đây, sức khỏe của Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Niệm - thường gọi thân mật là “Sư ông Pháp Hoa”, không được tốt. Sư ông phải vào viện một thời gian rồi được trở về chùa. Dù vậy, khi về chùa, Sư ông vẫn y áo trang nghiêm đều đặn tụng kinh cùng đại chúng.

Với Sư ông Pháp Hoa, tôi nhớ nhất là hình ảnh chiếc áo dài nâu, dáng người gầy, nhanh nhẹn với đôi guốc mộc đi trên những con đường quê. Sư ông rất hoan hỷ với các chuyến đi trao những chiếc cầu bê-tông cho người dân vùng quê còn nghèo. Mỗi chuyến đi ấy, Sư ông hay kể những chuyện nho nhỏ. Với tôi, đó là những câu chuyện rất xưa mà chưa bao giờ cũ. Nó là chất liệu của cảm xúc về thời thơ ấu của Sư ông.

Với nhiều người, thời gian gần một thế kỷ có thể đã phủ rêu nhưng với Sư ông vẫn có một góc nhỏ yêu thương trong trẻo. Mỗi góc nhỏ ở ngôi chùa Pháp Hoa và trong ký ức của vị giáo phẩm gần 90 tuổi vẫn lưu giữ hình ảnh của người Thầy rất đỗi thân thuộc về thời còn để chỏm. Nó là ký ức thiêng liêng mà chỉ có tình thầy trò, như là người thân, mới có đủ sức để níu kéo, bất chấp thời gian, rong rêu của năm tháng… Mỗi mùa Vu lan về, hình ảnh của má, của Thầy lại ùa về, đong đầy trong ký ức…

Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan Phật lịch 2566 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan Phật lịch 2566 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Má dắt tay tôi vào chùa

Thời gian đó, má con tôi không nhà cửa, cực khổ mưu sinh. Sài Gòn những năm 1947, chiến tranh leo thang và bước đến giai đoạn cao trào. Ba tôi đi làm cách mạng, phục vụ trong vùng chiến khu. Trong bối cảnh đó, mật thám và những kẻ tay sai Pháp bao vây, đốt nhà của ba má tôi. Mục đích của họ là để bắt trung tướng Nguyễn Bình nhưng ba tôi là người đứng ra chịu thế. Hoàn cảnh của má con tôi bấy giờ rất bi đát. Má tôi đang bụng mang dạ chửa, bị chính quyền Pháp bắt vào tù. Má thương tôi còn quá nhỏ nên gởi về cho ngoại ở gần đình Tây An (giáp với Gò Vấp bây giờ). Tôi ở với ngoại và chờ đợi má trở về.

Dù năm tháng qua đi nhưng hình ảnh của má tôi thì chưa bao giờ phai nhạt. Má ra tù. Nhà cửa không còn nữa, mấy má con dắt díu nhau mưu sinh khắp nơi. Sài Gòn cũng không phụ chúng tôi. Má dắt tôi ra chợ Cầu Ông Lãnh, hàng ngày má lấy cá của mối đi bán dạo. Tối về, mấy má con ngủ trên tấm thớt thịt ở chợ, đùm bọc nhau. Một thời gian sau, vì hoàn cảnh quá khó khăn, má vừa dắt tôi vừa bồng đứa em nhỏ đến gởi tôi cho cụ Thiện Chiếu ở chùa Pháp Hoa.

Tôi được ở chùa làm chú tiểu. Thương má, nhớ má nhưng ở chùa tôi không còn phải theo má lang thang nữa. Má cũng đỡ bận bịu hơn, chú tâm hơn để mưu sinh và chăm sóc em nhỏ.

Tôi vì hoàn cảnh mà đi tu là như vậy.

Thầy thay cho má chăm lo...

Ở chùa dù được Thầy rất thương nhưng hoàn cảnh bấy giờ ai cũng khổ. Những năm tháng ấy dù nhớ má, thằng nhỏ 10 tuổi như tôi vẫn sống hòa đồng cùng chúng điệu, được thầy chăm bẵm nên tôi cũng vơi đi phần nào. Thầy trở thành ba, thành má của tôi từ đó. Nhớ nhất là những bữa cơm sum vầy cùng Thầy và mấy điệu nhỏ, rồi những ngày Tết, Phật đản, Vu lan… trôi qua êm đềm dưới mái chùa quê mộc mạc.

Hồi xưa, vùng Phú Nhuận ngày nay là cửa ngõ của chiến khu An Phú Đông, chùa Pháp Hoa là nơi ém quân trước khi tiến vào chiến khu. Chùa Pháp Hoa bấy giờ là chùa quê, yên bình. Cuộc sống đơn sơ ở chùa vẫn rất cực, bởi Thầy trò chúng tôi tự túc làm nông để sinh sống. Nhưng dù vậy, Thầy rất thương mấy chú điệu chúng tôi. Dù không được gần má nhưng với tôi, Thầy chính người thay ba, má chăm lo từng miếng cơm manh áo.

Ấn tượng nhất với tôi là những bữa cơm ở chùa. Để có bữa cơm ngon, Thầy thường mua cơm cháy của người dân về ngâm với nước, đem phơi khô, rồi hấp lại để có cơm cúng Phật, rồi cơm cho chúng tôi. Bữa cơm ở chùa của Thầy trò chúng tôi thường là cơm độn khoai, thường thì Thầy nhường cơm cho chúng tôi còn Thầy thì giành phần ăn khoai. Chúng tôi cũng thường ao ước, thèm được ăn một miếng đậu thôi nhưng không có. Thời đó, chúng tôi chỉ có rau lang chấm với tương nước ba (chúng tôi gọi là “tương lai” vì nó lai tạp nhiều vị từ cây trái bỏ thêm vào) mà vẫn thấy rất ngon.

Thầy ngồi vá áo trong đêm

Cho đến bây giờ tôi vẫn cảm nhận mỗi bữa cơm ấy rất ngon vì có tình Thầy trò ấm áp. Tuy cực khổ như vậy nhưng Thầy trò rất thương nhau, tình nghĩa rất sâu sắc, sống để bụng chết mang theo. Từ chỗ đó, dù vì hoàn cảnh mà đi tu nhưng chưa bao giờ, tôi có ý nghĩ bỏ đạo, bỏ Thầy. Nếu nói về công lao của Thầy thì nói bao nhiêu cũng không đủ.

Thầy trò chúng tôi tự trồng rau, trồng bông rồi gánh bộ ra chợ bán. Mỗi sáng sớm từ chùa, chúng tôi gánh hàng rau, bông ra chợ, nhờ nhanh nhẹn, tháo vát nên tôi bán hàng rất nhanh. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là những ngày lễ Phật đản, Vu lan. Bởi lẽ, những ngày này, chùa sẽ có nhiều người lui tới và cúng bái.

Ngày lễ Vu lan Báo hiếu, chùa có nhiều đám cúng, đám xả tang của cha mẹ Phật tử, quần áo tang màu trắng để lại cho chùa. Thầy tận dụng những bộ quần áo này nhuộm lại bằng nước của trái măng cụt và sửa lại để chúng tôi có quần áo mới để dành. Ngày thường, muốn cho kín đáo, Thầy là người đêm đêm ngồi vá áo cho chúng tôi. Có khi giữa đêm thức giấc, tôi vẫn thấy Thầy ngồi cặm cụi vá áo. Tấm áo có khi vá đùm vá víu, một cái áo đen, thì vá đủ thứ màu.

Những năm tháng ở chùa thời để chỏm, hành điệu rất đơn sơ nhưng với tôi đó là những năm tháng chứa chan tình cảm thiêng liêng và đáng nhớ. Đối với tôi, Thầy là cha, là mẹ. Nhiều lúc, chùa không có gạo ăn nhưng Thầy luôn dạy dỗ, vẫn “giữ lấy lề”, chăm bẵm chu đáo từng đứa một. Nhờ vậy, với chúng tôi, Thầy còn hơn cả người thầy.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Niệm, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Pháp Hoa (quận Phú Nhuận, TP.HCM), viện chủ chùa Vĩnh An, Qui Thuận (Bến Tre).

Năm 2022, Trưởng lão Hòa thượng vinh dự được Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre tôn vinh danh hiệu Công dân Đồng Khởi danh dự, do những đóng góp to lớn của Trưởng lão Hòa thượng cho diện mạo nông thôn mới với khoảng 400 công trình cầu, đường cho người dân Bến Tre và các tỉnh thành lân cận.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.