GN - “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, ai cũng nằm lòng câu nói này - hiểu đại ý: việc tiếp nối, xây dựng, kiến tạo tương lai của đất nước, của dân tộc và rộng lớn hơn là của thế giới chính là ở lớp trẻ hôm nay, những người đã, đang được sinh ra.
Lớp học xã Ea Kiết, huyện Cư M'Gar (Đắk Lắk) - Ảnh: Tiến Thành
Trẻ đã thực sự được quan tâm, chăm sóc?
Có, nhưng chưa đủ, đôi khi không đúng. Ở đâu đó, trẻ vẫn còn bị bạo hành, không an toàn giữa thế giới người lớn chứa đầy tham-sân-si. Câu chuyện bà mẹ ở Bình Thuận đốt con mình bị bỏng nặng chỉ vì cháu bé không bán hết vé số - xảy ra trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua vẫn còn dư âm, vẫn còn khiến người ta nhói tim vì bị tổn thương, vì không thể tin được người mẹ lại có thể hành xử như vậy với con mình. Tất nhiên, đấy là câu chuyện cá biệt đau đớn bên cạnh những đau đớn khác, thi thoảng ta lại nghe lặp lại, rằng có em bé nào đó vừa bị bạo hành hay bị lạm dụng tình dục.
Nạn nhân là trẻ em trong bạo hành gia đình không phải hiếm và dường như có xu hướng leo thang đáng suy nghĩ, để từ đó tìm cách bảo vệ trẻ em hơn nữa trước những “giông bão” của đủ thứ tệ nạn, đủ thứ hiểm nguy rình rập. Kỹ năng sống là một điều cần thiết, đương nhiên dạy kỹ năng sống là nghệ thuật xuất phát từ tình thương, để giúp trẻ có thể phòng vệ trước những nguy cơ có thể tổn hại đến sức khỏe, tinh thần.
Ở trường học, môi trường thân thiện, trao kiến thức, truyền đạo đức đôi khi cũng thiếu an toàn, như có câu chuyện bảo mẫu bạo hành trẻ xôn xao dư luận ở Thủ Đức (TP.HCM) năm ngoái. Những chiếc cặp học trò trĩu nặng sách vở cùng bao toan tính của chính những người làm công tác giáo dục, trong việc kiếm tiền từ phụ huynh thông qua các em nhỏ, là học trò của mình.
Báo chí đã lên tiếng, rằng cô giáo, thầy giáo trở thành những “thủ quỹ bất đắc dĩ” hay thành “con buôn” cứ phải bán quần áo đồng phục, đòi tiền học... nên phần nào làm tổn hại đến hình ảnh một người thầy. Từ đó, vô tình, năm dài tháng rộng sẽ “bơm” vào đầu trẻ thơ ấn tượng không tốt về thầy cô của mình, nên các em sẽ mất đi một nơi chốn nghĩ về đầy trân trọng, để giữ mình tốt đẹp theo bài học thân giáo - đạo đức được bồi đắp từ mái trường, từ thầy cô.
Bên cạnh đó, có những tổn hại đôi khi âm thầm trong chính gia đình, từ những người thân thương của các em, ngấm ngầm từ ngày này qua tháng khác, năm nọ - chính là sự xào xáo của cha mẹ, của cái “tổ ấm” đã bị “lạnh” đi ít nhiều theo thời gian, do không được dưỡng nuôi, vun đắp. Sự tổn hại ấy có khi còn lớn, còn sâu hơn gấp nhiều lần so với những thương tổn từ những thế lực đen tối bên ngoài. Vì thế, khi người lớn thực sự ý thức đến việc nuôi-dạy trẻ một cách đàng hoàng, tử tế thì việc giữ mình tử tế, việc xây dựng hạnh phúc gia đình, gương mẫu trong lối sống chính là cách dạy con tốt nhất.
Phật giáo quan niệm rằng, một con người sinh ra, trưởng thành do vay mượn, được nuôi bởi thức ăn vật chất lẫn thức ăn tinh thần. Ngoài thực dưỡng để nuôi thân thì thực dưỡng cho tâm hồn sẽ bồi tô nhân cách, đem vào tàng thức - như một kho chứa cho hành trình sanh tử, định hướng tới giải thoát hay luân hồi, xuống ba đường dữ. Theo đó, nếu thực dưỡng cho tâm hồn, được lấy từ phương tiện ý-khẩu-thân không được lành tốt thì sẽ tạo ra một con người tương ưng.
Do vậy, việc nuôi con, dạy con không chỉ là làm nhiều tiền, lo cho con đủ cơm, ấm áo mà quan trọng hơn có lẽ là đạo đức, lối sống (có nhiều lúc bị cho xuống hàng thứ yếu do lối sống háo danh, trọng vật chất một cách tức thời, lấy được, không biết đủ của con người, trong đó người hiện đại đang bị soi khoản này nhiều nhất).
Sẽ thật là tuyệt vời, nếu trong một gia đình, những người lớn có duyên lành tiếp xúc với giáo lý Phật dạy, với đạo đức - biết lấy nhân-quả làm nền tảng để giáo dục con; rằng mỗi khi nói với con việc này, việc kia thường lưu ý: gieo gì gặt nấy hoặc ở hiền gặp lành. Rồi dặn dò con kỹ lưỡng: cẩn thận mỗi khi nghĩ, nói, làm một việc gì đó, vì nếu gây tổn hại cho người cũng giống như vay mượn một món nợ, khi trả phải gấp nhiều lần hơn, đó là thiếu trí tuệ và từ bi với bản thân mình. Cũng như, sẽ luôn khuyến: nên chia sẻ với bạn khó, người nghèo, kính trên, nhường dưới, vì điều đó sẽ đưa con tới trái tim người khác, nâng tâm hồn con bay lên... Thiết nghĩ, đó mới là cách chăm con, cách trao truyền “món ăn tinh thần” bổ dưỡng cho trẻ thơ - tương lai của đất nước.
Mong ước cho em...
“... Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước, xã hội và công dân. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu” - Khoản 1, Điều 5 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. |
Tháng 8, mùa Trung thu, trẻ thơ lại được nhắc tới với tình thương lan tỏa. Có những sẻ chia được thực hiện bởi sự thôi thúc bên trong, những món quà Trung thu ấm áp được đem từ thành thị về nông thôn, lên miền núi một cách ấm lòng.
Song, cũng những ngày này, trên báo Tuổi Trẻ ngày 20-9, có phóng sự ảnh hai trang khiến ai xem cũng không khỏi chạnh lòng: đều đặn cứ 3 - 4g sáng từ thứ Hai tới thứ Sáu hàng tuần, những học sinh ở thôn H'Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M'Gar (Đắk Lắk) lại băng rừng đến trường.
Phóng sự ấy ghi lại, ông Hoàng Văn Páo, trưởng thôn H’Mông, cho biết thôn được thành lập từ cách đây gần 20 năm khi những hộ đồng bào Mông, Dao ở các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tự do vào đây, hiện chưa có gia đình nào có hộ khẩu, không đường giao thông, không có mạng lưới điện, thôn H'Mông gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Theo ông Páo, hiện có khoảng 150 học sinh tiểu học và THCS hàng ngày băng rừng đến các điểm trường. Trời nắng việc băng rừng của học sinh đỡ vất vả nhưng khi mưa xuống, nước suối dâng cao, con đường mòn trong rừng trở nên lầy lội và nguy hiểm hơn.
Thực ra, đây không phải là hình ảnh hiếm hoi trên dải đất hình chữ S này, ở đâu đó phía Đông Bắc, Tây Bắc của Tổ quốc, có những em nhỏ đến trường trong áo mỏng giữa mùa rét, chân trần chơi trong lấm lem bùn đất; lớp học là những căn nhà tạm, vách ván đơn sơ, mơ bữa cơm có thịt... Và, có nơi, cô giáo, học trò đến trường bằng cách chui vào bao ni-lông qua suối, đi qua những cây cầu treo hiểm trở, tánh mạng như để đem đùa với tử thần.
Chắc chắn, những trẻ em trong ống kính phóng viên, được kể cụ thể ở trên không hề biết đến có ngày Quốc tế Thiếu nhi dành riêng cho mình với những ưu ái đặc biệt; càng có thể sẽ không biết tới Trung thu là gì, nếu biết thì chiếc đầu lân của các em có khi chính là chiếc thùng các-tông rách nát...
Làm sao để những đứa trẻ vùng sâu vùng xa có được điều kiện tốt hơn, được học hành, được chăm lo đầy đủ hơn?
Đó là câu hỏi lớn và cần được thao thức không chỉ ở người cầm bút mà của cả xã hội, của các ngành, các cấp. Và khi ấy, không chỉ lo chuyện trẻ thành thị thừa chất đến béo bụng mà còn có trẻ nông thôn vẫn phải quần quật làm lụng, phụ giúp gia đình, hướng tới những trẻ em lạc loài trong mái ấm, nhà mở, lang thang, bị lạm dụng và bị sử dụng như một “cần câu cơm” cho những kẻ vô lương hành nghề chăn dắt.
Mong lắm, tình thương lan tỏa để những điểm đen, mảng tối ấy sớm được sáng ra, sáng lên...
Lưu Đình Long