Này các Tỷ-kheo,...
“Do cái này có mặt, cái kia có mặt
Do cái này sanh, cái kia sanh
Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt
Do cái này diệt, cái kia diệt”.
(VII: Ðại Phẩm, Mahāvagga)
Năm 2020 vừa qua đã để lại một dấn ấn sâu sắc trong lịch sử hiện đại của loài người. Lúc này thực ra chưa đủ khoảng cách để ta có thể nhìn lại một cách thấu đáo toàn cảnh biến chuyển của thế giới trong 12 tháng qua và còn trên đà triển khai mạnh mẽ. Nhưng chúng ta hãy lướt qua những biến cố quan trọng. Sự vật luôn luôn thay đổi, đó là nền tảng của quy luật vô thường, song có những biến chuyển đóng vai trò then chốt cho cả một thời đại sau đó. Quan trọng hơn nữa, mọi biến cố to lớn thường hàm chứa nhiều khía cạnh lâu dài và trái ngược nhau, trong đó tính chất hủy phá và tích cực đồng thời xuất hiện.
Biến cố then chốt trên hành tinh của chúng ta trong năm 2020 là đại dịch Corona và tác động của nó trong mọi khía cạnh trên toàn thế giới.
1. Corona xuất hiện
Ngày 11-1-2020, Trung Quốc thông báo có một người chết vì một loại virus lạ. Những dòng này được viết đúng 12 tháng sau (11-1-2021). Trong thời điểm này con số tử vong chính thức đã lên đến hơn 1,93 triệu người. Ta có thể tin rằng con số thực phải cao hơn nhiều. Trong 100 năm qua, nhân loại chưa từng chứng kiến một trận đại dịch kinh hoàng như vậy.
Trong thời gian này nạn dịch vẫn đang hoành hành dữ dội. Người ta xem đây là đợt 2 của đại dịch với số lây nhiễm tổng cộng khoảng 90 triệu người trên thế giới. Như người đi trong bóng tối, chúng ta không biết sắp tới điều gì sẽ xảy ra. Liệu Corona sẽ biến thể nguy hiểm hơn, liệu sẽ còn đợt 3 đợt 4, liệu thuốc chích ngừa sẽ chặn đứng nạn dịch hay nó chỉ giúp con người miễn nhiễm một thời gian ngắn... Tất cả đều là những câu hỏi còn bỏ ngỏ. Ngành y khoa vốn là một khoa học thử nghiệm, nó không mang tính chính xác của toán học. Dịch bệnh lại là một hiện tượng y học vĩ mô, xuất hiện trong một cộng đồng với con số lớn, hàng chục, hàng trăm triệu người. Vì những lý do đó, khác với ngành kỹ thuật chính xác, con người phải làm những bài toán xác suất với dịch Corona. Đó là một đặc điểm của vấn nạn dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới.
Đã là xác suất cho nên con người ở trong thế phải suy đoán. Tương tự như dự báo thời tiết, dựa trên dữ kiện bây giờ mà đoán mưa nắng ngày mai, người ta dựa trên tính chất của con virus và thái độ hành xử của dân chúng mà suy đoán diễn biến của dịch bệnh. Nhưng không dễ như chuyện thời tiết, virus thì mới mẻ và hành xử của dân chúng thì phức tạp, nên nhận định của mỗi chuyên viên, mỗi quốc gia, mỗi chính phủ... đều khác nhau. Điều này giải thích tại sao hiện nay tình hình phát triển của dịch bệnh vô vàn khác biệt, hầu như không thể kết luận gì về một con đường tối ưu trong việc ngăn ngừa đại dịch.
2. Vài tính chất của Covid 19
Dù vậy, ta có thể xác định một vài nhận thức cơ bản. Về nguyên nhân sinh ra virus, hầu như tất cả mọi chuyên viên đều thống nhất là chúng có nguồn gốc từ động vật hoang dã, cũng như các loại virus trong các đợt dịch trước. Người ta cho rằng, virus Corona xuất phát từ loài dơi hay chồn, nhưng điều này chưa được kết luận chắc chắn. Thế nhưng nguyên nhân gián tiếp thì rõ là được thừa nhận. Đó là nhận thức cho rằng, con người đã quá lạm dụng thiên nhiên, lấn chiếm quá nhiều sự sống của thú vật, không cho chúng một không gian sinh tồn trên trái đất. Điều này báo động một lần nữa thái độ và hành vi đáng lo ngại của con người trong việc khai thác thiên nhiên vì nhu cầu vị kỷ của mình. Cùng với hiện tượng khí hậu nóng lên của trái đất, trận đại dịch cảnh báo một lần nữa, con người phải dừng lại lòng tham của mình trước khi quá trễ .
Về mặt tính chất của Covid 19, tất cả đều thừa nhận khả năng lây lan nhanh chóng là trung tâm điểm của vấn nạn toàn cầu. Nếu xét con số tử vong 1,93 triệu trên 90 triệu người mắc bệnh thì ta chỉ có một tỉ lệ tử vong 2,2%. So với các bệnh truyền nhiễm khác thì đây là một tỉ lệ tương đối thấp. Thế nhưng mức độ lây lan quá nhanh làm cho Covid 19 trở thành cơn ác mộng của tất cả các quốc gia, về mặt kinh tế, xã hội và chính trị.
Trong tình cảnh khốn cùng của đại dịch tại châu Âu, nơi mà có khi lò hỏa táng làm việc ngày đêm vẫn không xuế, sự phát minh mRNA là cứu tinh của cả xã hội. Nó đánh dấu một phát minh y học to lớn và hứa hẹn sẽ trở thành nền tảng cho những giải pháp trị liệu dùng cho các chứng bệnh nan y của loài người. Phép sử dụng mRNA là điểm son năm 2020 của các nhà khoa học Âu Mỹ và người ta đang ngại có ai muốn đánh cắp công nghệ, lại là do một vấn đề chính trị quen thuộc.
3. Virus Corona đến và đi
Trong thời điểm này, tháng 1-2021, các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là Mỹ, Brazil, châu Âu và Ấn Độ. Ngược lại, các quốc gia khác như Việt Nam, Trung Quốc... được thế giới nhìn nhận như thí dụ điển hình chống dịch hiệu quả. Câu hỏi mà người ta nêu lên trong công luận quốc tế hầu như hàng ngày là, những yếu tố nào đóng vai trò chủ yếu để dịch bệnh lan rộng, khi so sánh xã hội này với xã hội khác?
Nhiều giả thiết được nêu lên. Các yếu tố quan trọng nhất được đề ra là điều kiện nhiệt độ, phương pháp cách ly, cơ địa của từng sắc dân, cơ cấu gen, khả năng miễn nhiễm đã có từ trước, tinh thần cộng đồng. Trong các suy đoán lan truyền trên mạng xã hội, có người còn nêu cả những yếu tố “tâm linh” như nhân quả, kiếp nạn, dự ngôn... Trải qua một năm đại dịch, qua nhiều quốc gia vùng miền khác nhau, dựa trên các quan sát, nghiên cứu và suy luận nghiêm túc, người ta xác định nguyên nhân lan truyền của Corona do hai nguyên nhân hết sức thường tình và dễ hiểu:
- Một, khí hậu lạnh dễ làm dịch lan truyền mạnh hơn. Những biểu đồ của các nước ôn đới như châu Âu và Mỹ qua hai mùa hè và đông chứng minh rõ rệt điều này. Trong môi trường lạnh, virus rõ rệt hoạt động tích cực hơn (được chứng minh trong các hãng xưởng chế biến thực phẩm). Ngoài ra khí hậu lạnh “giam” con người bên trong, tăng khả năng phát tán vi khuẩn.
- Hai, biện pháp quyết liệt của Nhà nước và tinh thần cộng đồng của người dân. Đó cũng là nguyên nhân thành công của Việt Nam và một số nước châu Á khác mà cả thế giới phải thừa nhận. Nơi đây ta thấy rõ, ưu điểm của các nước Đông Á là dân chúng có một tinh thần cộng đồng cao độ. Đặc biệt đối với nạn dịch, trước một kẻ thù vô hình mà ai cũng có thể là nạn nhân, con người Đông Á sẵn sàng từ bỏ tiện nghi của tự do cá nhân, vì quyền lợi chung và an nguy của chính mình. Sở dĩ người Âu Mỹ không có được một tinh thần như vậy vì họ đã sống quá lâu trong sự phồn vinh, thể chế của họ ngại áp dụng những biện pháp quá khắc khe và có thể vi phạm tính chất riêng tư.
Mùa đông 2020/2021 là thời kỳ mà Mỹ và châu Âu hoàn toàn thấu hiểu hai nguyên nhân nói trên là then chốt. Nhiều nhà lãnh đạo chính trị đã thành tâm tự nhận mình quá chủ quan trong mùa hè, khi con số lây nhiễm xuống thấp. Còn dân chúng, 100 năm qua chưa hề bị dịch, họ vỡ lẽ và chấp nhận một điều quan trọng: Muốn chống lại một thứ bệnh mang tính cộng đồng thì tất cả mọi người đều có trách nhiệm và trách nhiệm đó sẽ phải đưa đến sự hạn chế tự do cá nhân.
4. Tính chất chính trị của đại dịch
Trong hơn 100 năm qua, loài người đã trải qua nhiều đợt bệnh truyền nhiễm với quy mô khác nhau. Thế nhưng Covid 19 mang một sắc thái khác thường. Do quy mô của nó có tính toàn cầu và độ lây lan lên tới mức độ khủng khiếp, nên trận đại dịch này ảnh hưởng lên toàn bộ cuộc sống của con người, nặng nhất là về kinh tế và xã hội. Tuy thế, bài này đề cập đến một khía cạnh khác bất ngờ hơn của đại dịch, đó là tính chất chính trị và hệ quả của nó.
Hầu như trong lịch sử loài người, chưa có trận dịch nào được liên hệ trực tiếp với uy tín chính trị của các quốc gia. Nhưng thế kỷ XXI là thời đại của toàn cầu hóa và đấu tranh của các siêu cường. Do đó, khi Vũ Hán thông tin về một loại virus mới thì biến cố này lập tức nhuốm màu sắc chính trị. Trung Quốc vừa đối phó với bệnh dịch, vừa tìm mọi cách xóa nhòa hình ảnh “xấu” là quốc gia đầu tiên phát tán bệnh tật. Tính cách chính trị này dĩ nhiên chỉ gây thêm khó việc đối phó với dịch bệnh và làm người ta thêm ngờ vực về độ chính xác của các thông tin và tuyên bố chính thức từ Trung Quốc. Về sau, khi cường quốc phương Đông này đã khống chế phần nào bệnh dịch, bắt đầu sản xuất và cung cấp vật liệu y tế, hành xử của họ được nhận xét mang nặng tính chất tuyên truyền và đánh bóng. Thái độ chính trị này trong cơn bệnh chung của thế giới chỉ mang lại một cái lắc đầu trong cộng đồng quốc tế.
Tại phương Tây, với thói quen gần gũi trong giao tiếp xã hội, với một nhiệt độ thuận lợi cho loài vi khuẩn, đại dịch nổ bùng như một trái bom sinh học. Tuy nhiên, điều đáng kể nhất là tại cường quốc khác bên kia Thái Bình Dương, dịch Corona cũng bị chính trị hóa một cách quái lạ và cuối cùng dẫn đến một kết cục bất ngờ. Ta chỉ cần vài nét để nói lên cảnh oái ăm của nước Mỹ trong cơn đại dịch nhằm vào một năm có bầu cử Tổng thống.
Vì lý do chính trị, vị Tổng thống Trump vừa thất cử đã cố tình đánh giá thấp Corona trong giai đoạn đầu. Ngay cả sau khi bản thân bị lây nhiễm, ông vẫn coi nhẹ bệnh dịch này, với mục đích vận động phiếu bầu cho mình. Trực giác của ông mách bảo, trận dịch này sẽ làm khó cho ông. Giờ chúng ta biết, ông ta thất cử thực, số tử vong do Corona lên đến 375 ngàn người, cao nhất thế giới. Vị Tổng thống đó thất cử sít sao và các thăm dò dư luận cho thấy, nếu không có đại dịch, ông ta sẽ thắng cử.
Vị Tổng thống thứ 45 này của nước Mỹ cũng không phải là người có chính sách bình thường. Trong bốn năm qua, ông chủ trương rút lui khỏi chính sách toàn cầu hóa, nghiêng hẳn về quyền lợi quốc gia, mang màu sắc phân biệt chủng tộc. Thuật ngữ chính trị gọi đó là “chủ trương dân túy”. Đường lối của vị Tổng thống này đáp ứng đúng nguyện vọng của gần như một nửa dân Mỹ, nhất là những ai cảm thấy mình bị nền kinh tế toàn cầu bỏ rơi lại đằng sau. Về mặt quốc tế, nền chính trị của ông chắp cánh cho các xu hướng dân túy và cực hữu tại các nước khác, nhất là Brazil, Ý, Đức, Pháp và một số quốc gia tại Đông Âu. Bốn năm qua, diễn biến trên thế giới có nhiều điều đáng lo ngại.
Sau cuộc bầu cử tại Mỹ người ta quan sát thấy, các phong trào dân túy kể trên đã bắt đầu suy yếu, có nơi đã mất gần nửa phiếu bầu như thăm dò cho thấy tại Đức. Nếu ta có thể tin các thống kê thăm dò thì con virus vô hình đã làm cho vị Tổng thống nọ bại trận và hệ quả trực tiếp của nó là các phong trào dây túy suy yếu. Thế thì phải chăng, Corona đã gây ra một hiệu ứng bất ngờ?
5. Trong cái khó ló cái khôn
Thế nhưng, câu chuyện chính trị không hề làm người ta phấn khích bằng một chuyển biến khác. Đó là một phát minh sinh học trong việc chế tạo thuốc chích ngừa. Sự bùng nổ lây lan của Corona làm toàn thế giới lao vào tìm kiếm vắc-xin. Thông thường thì thời gian nghiên cứu và thử nghiệm một loại thuốc chích ngừa kéo dài trên 10 năm. Thế nhưng, chỉ một năm sau nạn dịch bắt đầu, người ta đã có hai loại thuốc được thừa nhận và sử dụng rộng rãi. Nhưng điều quan trọng nhất là hai loại thuốc này được ứng dụng trên nền tảng của một phát minh mới, mRNA, được gọi là RNA thông tin.
Bộ mã di truyền này vốn được tiên đoán từ nửa thế kỷ trước và đã được phát triển cách đây 10 năm. Nhưng các nhà khoa học, trước tình hình bức xúc của dịch bệnh, đã nhanh chóng biến đổi từ vắc-xin chống lại bệnh ung thư chuyển qua chống lại virus Corona. Và họ thành công rực rỡ, hiệu quả chích ngừa lên đến 95%. Các loại vắc-xin chỉ cần có hiệu quả 60-70% là đã được xem như thành công. Với phương pháp này người ta chỉ cần 6 tuần để phát triển thuốc mới, một khi vi khuẩn biến thể qua một dạng khác.
Trong tình cảnh khốn cùng của đại dịch tại châu Âu, nơi mà có khi lò hỏa táng làm việc ngày đêm vẫn không xuế, sự phát minh mRNA là cứu tinh của cả xã hội. Nó đánh dấu một phát minh y học to lớn và hứa hẹn sẽ trở thành nền tảng cho những giải pháp trị liệu dùng cho các chứng bệnh nan y của loài người. Phép sử dụng mRNA là điểm son năm 2020 của các nhà khoa học Âu Mỹ và người ta đang ngại có ai muốn đánh cắp công nghệ, lại là do một vấn đề chính trị quen thuộc.
Cách đây trên 100 năm, phát hiện cho thấy ánh sáng luôn luôn có vận tốc không đổi, dù nguồn sáng di chuyển nhanh chậm khác nhau. “Nghịch lý” này làm cho Einstein đến với Thuyết Tương đối, lý thuyết làm nền tảng cho nền vật lý hiện đại. Ngày nay, virus Corona chỉ cần 12 tháng đã lây 100 triệu người, trí tuệ con người lại bị thách thức. Trong bức xúc đó, mRNA là phát súng đầu tiên làm một cuộc cách mạng về y học. Người ta có quyền hy vọng rằng, trong tương lai loài người sẽ có chủng ngừa chống lại các loại bệnh do virus gây ra. Và nếu trong ngành vật lý đã phát sinh những phát kiến mới vượt qua cả Thuyết Tương đối thì khả năng lớn là mRNA sẽ là điểm khởi đầu cho những phát hiện vượt qua chính mình.
“Do cái này sanh, cái kia sanh”. Quy luật Duyên khởi miêu tả một cách bao quát và nhất quán mọi hiện tượng thế gian, dù là tâm lý, xã hội, chính trị, y tế hay khoa học. Điều khó nhất trong việc vận dụng chân lý này là nắm được mối tương quan đích thực giữa các hiện tượng, khi chúng vừa mới hình thành. Muốn nắm được chúng, ta cần phải có “Chánh kiến”, nhận thức đúng đắn, và đó là điều khó nhất trong tình trạng thông tin nhiễu loạn hiện nay trên thế giới.
Dù thế, rõ là mùa Xuân đang về, trời đã hửng sáng.
Nguyễn Tường Bách (CHLB Đức, 11-1-2021; nguồn: Liễu Quán số 22)