Ký họa Trịnh Công Sơn của Nguyễn Trọng Khôi
Vậy thì còn gì để nói, để viết về Trịnh Công Sơn khác hơn bao điều đã viết. Âm nhạc của anh ư? Nhiều bậc thầy âm nhạc đã nói rồi. “Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra…”(Văn Cao). Tôi không rành cho lắm về âm nhạc, có điều cũng giống như trẻ thơ lúc khó ngủ được mẹ ầu ơ hát ru lên vài câu là lập tức con mắt lim dim, môi nhoẻn nụ cười, rồi say sưa cùng với giấc mơ đẹp ngủ yên lành.
Âm nhạc Trịnh Công Sơn với tôi cũng vậy! Có bao điều huyền nhiệm từ hiệu quả âm nhạc của những nhạc sĩ tài năng mang đến, mà không cứ phải theo một phạm trù logic nào để lý luận ra. Nó thuộc về siêu lý, thế cho nên không thể lý giải. Ví như có lần vô cớ tự dưng nỗi buồn ập đến, đúng hơn là từ đâu thế giới nội tại trào ra, rồi cũng tự dưng ta cất lời ca hát nghêu ngao: “Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về. Nhớ chân giang hồ. Ôi phù du từng tuổi xuân đã già một ngày kia đến bờ. Đời người như gió qua…”.
Cứ thế, ta hát lên đã đời. Hoặc là có thể hát một bài khác, nhiều bài khác của Trịnh, bỗng dưng cái nỗi buồn vô lối xuất hiện kia trở nên dìu dịu, nhè nhẹ, và tan theo từng lời ca bay bổng thanh thoát. Xin đừng cắt nghĩa ca từ Trịnh Công Sơn. Cố nhiên, bản thân ca từ, ngôn từ nào cũng đều mang trong lòng nó một tự nghĩa, thế nhưng lời trong âm nhạc Trịnh Công Sơn còn là lời thơ, lời ru, vậy nên hiệu quả của ngữ nghĩa ấy còn do tiết tấu âm thanh tạo dựng mà thành. Nhưng, nếu bảo rằng: anh đích thị là kẻ làm thơ bằng âm nhạc, thì đấy cũng là sự lặp lại như nhiều người đã nói.
Tôi lại mượn câu nói của nhạc sĩ Văn Cao để dẫn chứng: “Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ là chính ở chỗ đó, ở chỗ không nhận định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi. Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà ở cả bên ngoài biên giới nữa…”. Và rồi Bửu Ý viết! Và rồi Hoàng Phủ Ngọc Tường viết!…
Chúng ta cứ tha hồ đọc mà thấm tháp, mà hát lên: “Sống trong đời sống. Cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”.
Hình như, có ai đó đã nói đến sự kỳ diệu của âm nhạc Trịnh đến mức chữa lành những vết thương… lòng. Nói như vậy không hẳn là cuồng tín đối với âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Đừng bao giờ hỏi một đứa bé khó ngủ hay giải thích vì sao khi nghe lời ru của mẹ cất lên là ngủ ngon lành. Âm nhạc Trịnh Công Sơn với tôi là thế đó, cụ thể là tôi đã bao lần dịu những cơn đau, xua đi những dằn vặt bất an quắt quay nội tại. Những lời ru của mẹ có khi là những lời ru buồn và nhạc Trịnh Công Sơn cũng thế “Về ngồi trong những ngày nhìn từng hôm nắng ngời, nhìn từng khi mưa bay. Có những ai xa đời quay về lại. Về lại nơi cuối trời làm mây trôi. Thôi về đi đường trần đâu có gì. Tóc xanh mấy mùa. Có nhiều khi từ vườn khuya bước về. Bàn chân ai rất nhẹ…”.
Nếu cho rằng, nhìn vào bất cứ ở đâu trong thế giới âm nhạc Trịnh Công Sơn ta cũng thấy thấp thoáng dáng dấp quê nhà của mình trong đó. Dáng dấp quê nhà đó chính là sự huyền nhiệm của lời ru. Hát lên một nỗi buồn không phải để khu trú trong nỗi buồn đó, mà là để nỗi buồn bay lên giải phóng mọi nỗi bất an nội tại.
Trịnh Công Sơn có một người bạn đồng thời với anh, đó là nhạc sĩ Tôn Thất Lan. Hình như toàn bộ ca khúc của Trịnh Công Sơn được chuyển ngữ xuất bản bằng tiếng Anh đều do Tôn Thất Lan dịch ra. Làm sao diễn dịch ra một nỗi buồn ẩn kín trong lớp vỏ ca từ. Ví dụ như: “Một cõi đi về” Tôn Thất Lan dịch ra tiếng Anh là “My own lonely world”. Ừ, thì tận cùng một thế giới cô đơn riêng mình rồi từ đó mà gọi tên. Và lạ thay, không chỉ là hát, là ru để nỗi buồn thăng hoa bay bổng, mà khi diễn dịch âm nhạc của anh ra, ta cũng có cái cảm giác khơi vợi dường như tan biến một thực tại nào đó để đuổi bắt một thế giới khác.
“Ru đời đi nhé cho ta nương nhờ lúc thở than. Chân đi nằng nặng hoang mang, ta nghe tịch lặng rơi nhanh dưới khe im lìm”. Nhưng nào chỉ ru người không thôi, nhạc anh còn có sức gọi sông xa về gần, còn ru cho biển bớt đi, thôi đi nghìn trùng!
Ấy là kỷ niệm một lần thu, tôi và những người bạn văn nghệ của mình ngẫu hứng thế nào lại lang thang đất trời bãi Bụt. Ngày ấy bãi Bụt còn hoang sơ bí ẩn trong dáng núi chon von trước biển. Tôi còn nhớ ngày thu ấy vừa dứt cơn mưa, gió se se lạnh, bãi Bụt ngoài chúng tôi ra và vài cái quán vắng, còn chẳng thấy một bóng người nào. Trong cái thế giới tràn ngập sự vắng vẻ đó, người chủ quán ở bãi Bụt ngồi ngắm…gió và lầm thầm bài ca nào đó mà tôi đoán chừng là của Trịnh.
Khi gặp chúng tôi, có lẽ là những người khách đầu tiên và cũng là cuối cùng trong ngày, chị bảo: “- Ngồi xuống đây hát nhạc Trịnh Công Sơn cho…biển nghe chơi! Hồi xưa, ổng (Trịnh Công Sơn) đã có lần ra tảng đá lớn ngoài kia uống rượu cùng bạn bè và ca hát cả ngày ở đấy”. Nhìn theo hướng ngón tay chị chủ quán chỉ, chỉ thấy um tùm đùng đình, sơn quế và cây cỏ dại, và biển bao la, vậy thì hát nỗi gì? Hỏi thầm một câu hỏi ngây ngô như thế, vậy rồi bỗng dưng tôi lại véo von: “Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về, triều dương ướt đẫm cơn mê. Trời cao níu bước sơn khê…”.
Hình như những nghệ sĩ ra đi còn linh hồn của họ luôn ở lại? Có - không, tôi không thể trả lời, chỉ cứ ngây dại nhìn vào cái tảng đá chơ vơ bên mé biển, và nghe từ cây lá vây quanh tuồng như lao xao một khúc ru buồn: “Ngày mai em đi biển nhớ em quay về nguồn, gọi trùng dương gió ngập hồn, bàn tay chắn gió mưa sang…”!