Thời thơ ấu, mẹ kể hàng chục lần chuyện anh Cuội ngồi gốc cây đa. Trăng lên, ngọn gió đu đưa in đậm dấu Cuội là mẹ lại kể.
Ảnh minh họa
Ngày xửa ngày xưa ở miền núi nọ, có anh tiều phu tên Cuội…
Một hôm, Cuội vào rừng sâu đốn củi, gặp phải một đàn cọp con, Cuội giết chết hết. Cọp mẹ trở về gầm thét dữ dội. Cuội sợ, nhảy tót lên cây ngồi đó. Trên cao nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ nhai lá mớm con, cọp con hồi tỉnh. Thế là Cuội biết cây cải tử hoàn sinh mọc đâu. Đợi cọp dẫn con đi rồi, Cuội liền nhảy xuống bứng cây mang về, trồng ở phía Đông sau nhà.
Nghe đi nghe lại cũng chỉ chừng đó nhưng không biết chán. Cái tuổi hồn nhiên với bao thắc mắc lạ kỳ. Rồi sao hả mẹ? Cải tử hoàn sinh là sao? Sao nó giết vợ mà không giết chồng? Ruột chó có giống ruột mình không mẹ? Biết bao nhiêu thứ trong đầu hỏi mẹ.
Tuổi đời bây giờ đã có, Phật pháp chất đầy một bụng, mọi thứ theo đó đổi thay. Thứ gì qua lăng kính của mình cũng mang hơi hướm triết lý dạy đời. Thứ gì cũng tự biến thành Phật pháp. Mất đi hương vị hồn nhiên thơ ngây. Cuội bây giờ không còn là Cuội cổ tích với những dại khờ hoang tưởng. Một anh Cuội được vận hành theo lối mòn sở tri.
Cải tử hoàn sinh, thế gian này chưa thấy có. Chỉ là chuyện trên cung trăng. Phật từng nói với một người mất con: “Ta sẽ cứu con bà, với điều kiện bà phải tìm cho ta nắm tro tàn trong nhà chưa có người chết”. Trong cơn quẫn trí, người đàn bà vẫn cố chạy tìm. Tìm đâu? Con phải có cha, cha phải có ông, ông phải có cố. Không có nhà nào 7 đời liên tiếp sống đủ để còn gặp nhau. Chỉ cần làm bài tính nhẩm, đã thấy chuyện Phật đưa ra không thể tìm thấy. Cái nhân cải tử hoàn sinh đã không thì việc cải tử hoàn sinh làm sao có được? Vậy mà thời Cuội, cải tử hoàn sinh xuất hiện.
Trên đường về nhà, Cuội gặp ông lão ăn mày nằm chết vỉa hè, Cuội liền ngắt lá cứu ông. Ông lão tỉnh dậy mừng rỡ dặn Cuội: “Cải tử hoàn sinh cứu người. Con gắng cứu đời…”. Còn dạy bí quyết cho Cuội giữ cây: “Tưới cây phải tưới nước trong. Nước mà không sạch cây dong lên trời. Nhớ chưa!”. Cuội cứ y thế mà làm.
Người chết, Phật không thể cứu cho sống, vậy mà Cuội ta có cây cải tử. Không ở cung trăng mới là chuyện lạ! Một thứ cung trăng người xưa chỉ để nhìn chơi, nhưng nay bay đến cung trăng là chuyện đã rồi. Bây giờ phải nói: “Cuội ôm gốc đa ngồi nơi… lỗ đen” mới đúng.
Lọt vô thế giới nhân duyên, thứ chi cũng phải theo nhân theo duyên mới vận hành được. Phật Đà có thân kim cang bất tử, vậy mà thị hiện vô thế giới ni cũng phải theo nhân theo duyên. Cũng sinh, cũng lão, cũng bệnh, cũng tử. Tuổi đời tám mươi cũng phải ra đi. Cải tử hoàn sinh đâu thể tồn tại không có điều kiện.
Cò đi ăn đêm trượt chân té ngã, vẫn chỉ dặn dò: “Có sáo thì sáo nước trong, đừng sáo được đục…”. Giờ đến cải tử hoàn sinh, cũng dặn nước trong. Mấy thứ nhiễm ô chỉ mang con người đến chỗ nặng nề. Ô nhiễm nên bệnh. Hóa chó, hóa mèo, luân hồi sinh tử đều do nhiễm ô. Không bị nhiễm ô gọi là thanh tịnh. Tu tiên kéo dài tuổi thọ còn cần thanh tịnh, nói là cải tử hoàn sinh. Nó cần nước trong để sống. Như thân kim cang của Phật, phải có điều kiện tịnh thanh thì mới hiện thành.
Cuội có cây thuốc quý, Cuội cứu không biết bao người. Nhưng không ai ở lại với Cuội như chú chó nhỏ. Nó thương Cuội lạ. Cuội đi đâu, nó theo đó. Rồi đến một ngày, ông phú hộ có người con gái đau nặng. Cuội lấy lá cải tử hoàn sinh cứu nàng. Nàng sống lại và đền ơn chàng. Cuội thành con rể phú ông.
Chuyện xưa thể hiện nhân quả rõ ràng tức tốc. Để lâu, con người quên mất thiện tâm. Làm lợi cho người mà người được lợi thì mình có lời. Cuội được vợ đẹp, trở nên giàu sang hạnh phúc. Bấy giờ đi đâu ở đâu cũng đủ bộ ba. Tiếng tăm cứu người của Cuội vang dội khắp vùng.
Nhưng…
Thế gian vô thường, vui không thường hằng. Thế gian duyên khởi, phước họa tương sinh. Sống trong cuộc đời, mấy ai tránh được những phút lỡ làng? Thiện ác vây nhau, cái quả phước họa theo đó buộc nhau. Trong phước có họa, trong họa có phước. Sách Hoài Nam Tử bàn rằng: “Họa là gốc của phước. Phước là gốc của họa. Họa phước luân chuyển tương sinh. Sự thay đổi ấy không thể nhìn thấy. Chỉ có thể biết khi cái quả hiện hình”.
Việc hiện hình ấy là vợ anh bị bọn cướp làm thịt. Không biết có phải là do cái nhân giết cọp ngày xưa? Đám cọp không chết là nhờ mấy lá cải tử hoàn sinh, còn nghiệp giết cọp của Cuội đã được ký sổ, thuộc tội cố sát còn gì! Chúng lôi ruột vợ quăng hết xuống sông cho Cuội hết đường dùng thuốc. Chơi chi mà ác! Dụng chi duyên khởi theo lối oan khiên mà tội. Nghiệp quả đã đến, ăn cướp cũng hóa khôn ngoan, biết dụng duyên khởi hại Cuội nữa kia.
Mạng người là kết quả nhóm họp của 5 thứ: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Riêng phần sắc, cũng phải có đủ đầu, não, chân, tay v.v… Thiếu một thứ không thể thiếu thì nhân duyên làm người bình thường không thể thành. Cướp đem ruột vợ quăng hết xuống sông, Cuội kiếm không ra. Thế nên thân nàng còn đó, thuốc chàng sẵn đó mà đành bó tay. Mới hay làm gì cũng phải có lòng. Năng cứu hết lòng, sở cứu cũng phải có lòng. Không thì đành chịu. Coi như không đủ nhân duyên, sự đâu thành được.
Cuội khóc. Con chó thương chủ vô cùng, nó nói với Cuội cứ lấy bộ lòng của nó thay cho bà chủ...
May nhờ con chó! Một nhân thiện đã gieo trong quá khứ, nay quả vừa chín. Nó cho Cuội bộ lòng thay vô cho đủ nhân duyên. Vợ Cuội hoàn sinh. Cuội mừng hết lớn. Té ra đâu đợi phải đến ngày nay, khoa học tiến bộ mới có mấy chuyện thay thay nối nối các bộ phận người. Chuyện có từ lâu. Xưa rồi há Cuội! Cái thời Cuội còn đốn củi xa xưa, không cần ruột người, chỉ cần ruột chó, cải tử hoàn sinh cũng thành, miễn đủ nhân duyên.
Con chó thân tặng ruột rồi cũng được cái quả tốt đẹp. Cuội làm một bộ đồ lòng nặn bằng đất sét thế vô. Cải tử hoàn sinh đâu thể bỏ mặc một kẻ có lòng. Chó ta được cứu. Chủ tớ sum vầy. Chuyện nay thấy khó, vậy mà chú Cuội ngày xưa đã làm được tất. Cái phước cứu người đầy đủ, đủ duyên cái quả tốt lành liền tới, không mấy khó khăn.
Có điều, ruột chó không phải ruột người. Duyên dù đủ nhưng gọi là hoàn thiện thì không. Giống như cây chanh trồng trên đất khô, quả dù có nhưng uột èo thấy tội. Duyên dù đủ để hoàn sinh, nhưng nàng không thể bình thường mà ra tửng tửng. Cuội nói: “Có tiểu thì tiểu bên tây, chớ tiểu bên đông cây dong lên trời”.
Đông đông, tây tây chữ nhớ chữ quên, nàng nhè chỗ cấm mà “tưới”. Cải tử hoàn sinh buồn đời bứng gốc. Cuội về đến nơi, chỉ kịp đu mình giữ cây, quên rằng sức người có hạn, trói gà không chặt lấy gì giữ cây. Bóng trăng từ đó in hình Cuội ngồi gốc đa. Không biết Cuội vui hay buồn, nhớ vợ hay không?
Vướng vô nữ nhân ruột chó, con đường cải tử hoàn sinh coi như bứng gốc. Trở thành một chuyện giả tưởng chỉ có ở trên… lỗ đen. Thiệt buồn Cuội hả! Có tiếc hay không?
Thấy trăng ngoài, nhớ trăng mình. Đừng mải mê theo kiếp phù sinh há nhỏ!