Chư tôn đức niêm hương tưởng niệm - Ảnh: ND
Buổi lễ mở đầu với nghi thức niêm hương tưởng niệm cố HT.Thích Thiện Từ, của chư tôn đức HĐCM T.Ư, các ban ngành T.Ư, TP.HCM và Q.3.
Sau nghi thức niêm hương tưởng niệm là nghi thức cúng dường trai Tăng.
Được biết, cố HT.Thích Thiện Từ, thế danh Dương Văn Trượng, sinh năm 1910 tại làng Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh Châu Đốc nay là huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, có truyền thống tín ngưỡng Phật giáo lâu đời. Thân phụ là ông Dương Văn Cang, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Ký.
Năm 1928, ngài đến quy y, xuất gia với Hòa thượng pháp húy Hồng Tôi, trụ trì chùa An Sơn, được Hòa thượng ban pháp húy Nhật Tín, hiệu Thiện Từ, nối tiếp đời 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ.
Sau khi xuất gia học đạo, ngài được bổn sư cho tùng hạ tập sự an cư tại chùa Phi Lai. Nhân mùa hạ này, ngài được bổn sư cho đăng đàn thọ giới Sa-di, do Tổ Phi Lai làm đường đầu Hòa thượng.
Năm 1932, ngài được Hòa thượng bổn sư cho đăng đàn thọ giới Tỳ-kheo tại chùa Tam Bảo (Hà Tiên) do Tổ Phi Lai - Chí Thiền làm đường đầu Hòa thượng.
Sau khi thọ Cụ túc giới, để mở mang tri thức Phật học, ngài xin phép bổn sư tha phương cầu học. Năm 1941, đến chùa Khánh Hưng (Sài Gòn) theo học lớp Sơ đẳng Phật học Lục Hòa. Năm 1949, đến nhập học tại chùa Giác Nguyên - Khánh Hội do quý Hòa thượng Hành Trụ, Thới An làm chủ giảng.
Sau đó ngài về chùa Phước Hậu tại Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay là Vĩnh Long) cầu học với Tổ Khánh Anh.
Di ảnh, bài vị cố Hòa thượng an vị tại Tổ đường
Đệ tử và pháp tôn thành kính tưởng niệm - Ảnh: ND
Theo nhân duyên hóa đạo, trong thời gian tòng học tại chùa Long An, Đồng Đế và Phước Hậu (Trà Ôn), ngài được cử làm phó trụ trì chùa Thiên Cơ một thời gian. Năm 1954, ngài về chùa An Sơn lo phụng dưỡng bổn sư vào ngày xế bóng. Sau khi bàn giao công việc bổn tự cho sư huynh pháp húy Thiện Phát trông coi và phụng dưỡng bổn sư, ngài vân du hóa đạo theo hạnh trì bình khất thực với đạo hiệu Giác Từ. Năm 1956, ngài đến làng Mỹ Văn (tỉnh Vĩnh Bình), tại đây quý Phật tử chùa Phước Tường thỉnh Hòa thượng làm trụ trì.
Sau một thời gian trụ trì chùa Phước Tường, ngài hóa độ đệ tử xuất gia trên 20 vị và quy y cho hàng trăm Phật tử theo con đường tu đạo giải thoát. Sau đó, ngài còn về trụ trì nhiều chùa như Long Phước, Phật học Cần Thơ, chùa Kiên Tân, chùa Vạn Hòa…
Tại đại hội GHPGVN thống nhất tỉnh Vĩnh Long kỳ III đến V ngài được suy cử làm Phó ban Đại diện GHPGVN thống nhất tỉnh. Tại đại hội kỳ VI, ngài tiếp tục được suy cử là Phó ban Đại diện rồi Chánh đại diện khi HT.Thích Thiện Hạnh viên tịch cho đến ngày thống nhất Phật giáo năm 1981.
Tại đại hội thống nhất Phật giáo cả nước tổ chức tháng 11-1981 tại Hà Nội, ngài đã được Tăng Ni, Phật tử cử làm Trưởng ban trù bị Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Cửu Long nhiệm kỳ I. Sau khi Cửu Long tách thành hai tỉnh là Vĩnh Long và Trà Vinh, thì tại Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Vĩnh Long lần thứ I, ngài được suy cử vào Ban Chứng minh của Tỉnh hội nhiệm kỳ I (1993 - 1998).
Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ IV tại Hà Nội, ngài được suy tôn làm Thành viên HĐCM T.Ư cho đến ngày về cõi Phật (2006).
HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS T.Ư thay mặt
chư tôn đức, pháp tôn tác bạch cúng dường trai Tăng - Ảnh: ND
HT.Thích Hiển Tu, Phó Thư ký HĐCM và chư tôn Hòa thượng chứng minh lễ trai Tăng
Với đức độ trang nghiêm, thanh tịnh, trong những thập niên 60 - 90 ngài từng làm giới sư Đàn đầu Hòa thượng để truyền giới cho Tăng Ni giới tử tu học.
Năm 1995, theo sự thỉnh cầu của hàng đệ tử, ngài lên TP.HCM, trú tại chùa Hải Tuệ (Q.3), đồng thời đệ tử cung thỉnh ngài làm chứng minh đạo sư để hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử tu học.
Từ mùa hạ năm 1995 đến 2001, ngài được cung thỉnh là thiền chủ, chứng minh các trường hạ ở Q.3, Q.9 và Tân Bình.
Qua hơn 70 năm hóa đạo, ngài đã thế độ cho một số lớn đệ tử xuất gia, về sau trở thành pháp khí đại thừa, hữu ích cho đạo pháp và chúng sinh.
Ngài thu thần viên tịch vào ngày 14-1-2006, trụ thế 97 năm, hạ lạp 74 năm.
Như Danh