Theo đó, “Phố Thích Trí Hải”, được đặt tên cho con đường trên địa bàn quận Lê Chân, với điểm đầu là số 122 Hồ Sen, điểm cuối là số 171 phố Chùa Hàng. Phố dài 700m, rộng 19m.
Hải Phòng không phải là sinh quán của cố Hòa thượng Thích Trí Hải (1906-1979) nhưng lại là nơi gắn bó với cuộc đời hành đạo của ngài từ năm 1954 cho đến lúc viên tịch vào năm 1979, trụ thế 74 năm, 57 hạ lạp.
Nơi đây, ngoài di sản tinh thần, trong khó khăn của hoàn cảnh, ngài vẫn chủ trương xây dựng hoàn tất ngôi chùa Phật Giáo Hải Phòng, làm trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa cho người dân có tín ngưỡng Phật giáo.
Cũng nơi đây, từ năm 1958, ngài chuyên tâm phiên dịch, biên soạn và trước tác hơn 30 tác phẩm, đặc biệt cổ xúy kinh tụng, khoa nghi tiếng Việt.
Hòa thượng Thích Trí Hải (1906-1979) là một trong những bậc cao Tăng đã để lại dấu ấn sâu đậm trên trang sử Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XX, đặc biệt trong công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà.
Năm 1951, Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập tại cố đô Huế, Hòa thượng được suy bầu làm Phó Hội chủ.
Đến năm 1952, Giáo hội Tăng Già Việt Nam được thành lập, ngài được tin tưởng, suy tôn là Trị sự trưởng lúc chỉ mới 46 tuổi.
Trong nạn đói 1945, với uy tín trong Tăng Ni, tín đồ, ngài được mời làm cố vấn cho Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trực tiếp cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố.
Hòa thượng Thích Trí Hải là một trong những tác giả lớn của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, tác giả của hàng trăm bài báo liên quan tới công cuộc chấn hưng Phật giáo, cùng với Hòa thượng Tố Liên và chư vị thiện trí thức khác thực hiện việc chấn chỉnh Phật giáo miền Bắc đương thời.