Tôi đi tu ở Viện Ứng dụng Phật học Châu Âu

GNO - Tọa lạc trên một ngọn núi cao của khu rừng bạt ngàn màu xanh của vùng Waldbröl cách thành phố Köln khoảng hơn 60 km, Viện Ứng dụng Phật học Châu Âu do Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập dưới sự giúp đỡ và ủng hộ của Phật tử Châu Âu cũng như người Đức mến mộ đạo Phật và Thiền sư.

_MG_1767.jpg
Giây phút tĩnh lặng

1 Chúng tôi bắt chuyến tàu sớm từ thành phố Köln, trung tâm điện ảnh của Đức để đến vùng Waldbröl với sự thưa thớt của dân cư và còn nhiều nét tự nhiên của vùng đồi núi - đường đi quanh co và rừng phủ khắp nơi.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cổng của Viện với những bức thư pháp do Thiền sư Nhất Hạnh viết. Một không khí trong lành, thanh tịnh và êm đềm vào buổi sáng sớm làm cho lòng người thêm thanh thoát, an lạc.

Viện Ứng dụng Phật học Châu Âu là một khu vực rộng lớn với một tòa nhà lớn là giảng đường, khu trưng bày, nhà sách và các phòng nghỉ dành cho Phật tử, tu sĩ đến đó tu tập. Ngoài ra, Viện còn có một khu hành chính và khu bếp cũng như một khuôn viên rộng lớn với sự chăm sóc vườn hoa cỏ của 40 quý thầy, sư cô đầy nhiệt huyết và trí tuệ - cùng làm việc bên nhau trong chánh niệm.

Chúng tôi đã có dịp chiêm ngưỡng khu trưng bày những bức thư pháp gửi gắm tình thương và sự hiểu biết của Thiền sư Nhất Hạnh.

Đã về đã tới, Không bùn không sen, Mỗi bước chân là tự do, Mỗi bước chân là chánh niệm… là những nội dung đã tạo cho tôi cảm giác được trở về ngôi nhà của mình như một sự màu nhiệm là còn được thở, còn được đứng đây ngắm nhìn say sưa những bức thư pháp  và những góc trưng bày dễ thương.

_MG_1744.jpg
Lễ kính chư Phật

_MG_1778.jpg
Pháp thoại

2 Thật sự, tôi cảm thấy may mắn khi được tham dự khóa tu dành cho người Việt từ ngày 10 đến 13-9-2015, trong đó có ngày mở cửa hàng năm của Viện.

Trong suốt những ngày khóa tu có rất nhiều hoạt động diễn ra như lễ Vu lan - bông hồng cài áo; ngày mở cửa đón tiếp hơn 200 người Đức là những hàng xóm và bạn bè thân hữu luôn có những tình cảm tốt đẹp dành cho Viện.

Các hoạt động khác như đi thiền hành, ăn cơm trong chánh niệm, chấp tác trong chánh niệm và những buổi trà đàm, ngồi quây quần bên quý thầy, sư cô và hát những bài hát về đạo trong tinh thần hiểu và thương của pháp môn hiện pháp lạc trú mà Thiền sư giảng dạy.

Chúng tôi có thời gian để trở về thân tâm, trở về với ngôi nhà của tự thân khi đi dạo trong khuôn viên, ngắm những bông hoa hồng và các loại hoa đủ màu sắc đang âm thầm khoe sắc. Chúng tôi liên tưởng rằng quý thầy, quý sư cô đang ầm thầm tu tập, chuyển hóa nội tâm của chính mình để vượt thoát tham, sân, si và chấp ngã - tỏa những mùi hương của giới đức - để ngược gió khắp muôn nơi, đem lại hòa bình, an lạc cho nhân gian này.

Bên cạnh đó, chúng tôi có dịp dảo bước đến tháp chuông, phòng uống trà và phòng sách cũng như phòng trưng bày những tác phẩm sách, âm nhạc, thơ của Thiền sư trong suốt mấy chục năm qua.

Cảm giác chúng tôi như đang lạc vào một viện bảo tàng của Thiền sư Nhất Hạnh, khi thấy những nét thư pháp, những câu nói nổi tiếng như nhắc nhở chúng tôi hãy trở về với tự thân, hãy thở và lắng nghe thật sâu để hiểu biết thật rõ ràng.

_MG_1834.jpg
_MG_1825.jpg


Lễ cài hoa hồng

3 Trong buổi lễ Vu lan, chúng tôi lại có dịp nghe lại tản văn Bông hồng cài áo do Thiền sư Nhất Hạnh viết năm 1962 và được nghe sư anh và sư chị hát trực tiếp bài hát này do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc.

Những giọt nước mắt đã rơi, những cảm xúc dạt dào dành cho cha mẹ trong không khí thiêng liêng và tri ân về hai đấng sinh thành - chương trình do thầy Pháp Ấn, môn đệ của Thiền sư tổ chức và cho phép mọi người tự do bày tỏ cảm xúc của mình. Có một cô Phật tử dễ thương đã phát biểu cảm nghĩ rằng con đã khóc rất nhiều, khóc như chưa bao giờ được khóc vì con cảm nhận được những tình cảm ấm áp của quý thầy, quý sư cô cũng như các Phật tử dành cho nhau trong tinh thần đoàn kết, thân ái và từ bi.

Những bạn trẻ đã đọc những cảm xúc trước hội chúng và đó là dịp bày tỏ tình cảm với ba mẹ của mình dù còn hiện tiền hay đã khuất núi.

Trong không khí đó, tôi đã thấy những cô Phật tử lớn tuổi vẫn sụt sùi khi nhớ về mẹ, những bạn trẻ là sinh viên cố gắng cắn chặt môi để không khóc thành tiếng nhưng không làm sao ngăn được những cảm xúc chân thật đang ứ nghẹn ở cổ - để những giọt nước mắt tuôn dài trên má như một lời xin lỗi chân thành vì bấy lâu nay "con lầm lỗi đã làm cho mẹ buồn, mẹ trăn trở".

_MG_2023.jpg


Chư Tăng Ni và Phật tử tham dự khóa tu

4 Có một điều đặc biệt và ấn tượng khi tham gia khóa tu đó là tinh thần đoàn kết và gần gũi như "quen nhau từ kiếp nào" của các quý thầy, quý cô và Phật tử cũng như những bạn sinh viên dành cho nhau.

Chúng tôi không có cảm giác xa lạ mà như trở về với mái ấm gia đình, một gia đình Phật pháp có đầy đủ những lứa tuổi, tầng lớp và đến từ nhiều nước khác nhau.

Mỗi 15 phút, đồng hồ lại đánh lên những tiếng chuông tỉnh thức và tất cả mọi hoạt động sẽ được dừng lại trong ít phút để mọi người có cơ hội được thở, được trở về với thân tâm của chính mình, được cảm nhận là mình còn đang sống và giây phút thực tại thiệt nhiệm màu. Đó cũng là cách tu tập trong từng sát-na, từng ý niệm trôi qua của thời gian vô cùng vô tận.

Ở đó, tất cả các thầy, sư cô, ai cũng đều vào bếp nấu những món ăn cho Phật tử, dành thời gian quý báu cho các Phật tử có thời gian tu tập và thực tập năng lượng của chánh niệm, ái ngữ và lắng nghe, kết nối truyền thông giữa ông bà tổ tiên và những người thân thương của chúng ta.

_MG_2066.jpg
Chư Tăng nấu những món chay thật ngon cho khóa sinh tham dự thưởng thức

_MG_2098.jpg
Hoan hỷ

5 Chúng tôi tạm biệt Viện Ứng dụng Phật học Châu Âu trong một buổi chiều, sau khi làm lễ đón tiếp hơn 200 người Đức là bạn bè, hàng xóm của Viện và thưởng thức những món ăn do chính các sư anh, sư chị nấu tiếp đãi người Đức.

Được quý thầy đưa tiễn ra sân ga nhưng lòng còn luyến tiếc và hẹn vào dịp Tết cổ truyền của Việt Nam sắp đến sẽ về, sẽ tham gia gói bánh chưng và đón giao thừa cùng quý sư trong tình thương và sự hiểu biết.

Xin cảm ơn thầy Pháp Ấn, Sư cô Song Nghiêm đã hướng dẫn tu tập và hát lên những bài hát Đã về đã tới‚ Hải đảo tự thân hay thiền ca Namo Avalokiteshvara...

Nhất định, chúng tôi sẽ trở về Viện như trở về ngôi nhà tâm linh thân thuộc của chính mình.

Ánh Dương
(Nghiên cứu sinh Trường ĐH Kỹ thuật Munich, Đức)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.