GNO - Cho đến bây giờ, lúc đã có trên tay tấm bằng Cử nhân Sư phạm, đã có thể yên tâm một phần về mình cho dù việc làm vẫn chưa ổn định, trong lòng tôi lúc nào cũng thầm cảm ơn những giám thị, những bạn bè đã cho tôi xem tài liệu tại thời điểm thi tốt nghiệp THPT cấp 3 năm 2006. Bởi nếu không đậu kỳ thi ấy, cuộc đời tôi đã xoay theo chiều khác, và chắc chắn không thể được như bây giờ.
Phao thi - Ảnh minh họa
Hồi ấy, là một học sinh giỏi ở quê lên phố học cấp 3 của một trường công lập danh giá của tỉnh, tôi mang trong lòng bao khát khao học tập và vươn lên. Nhưng rồi, học kỳ 1 năm lớp 10 trôi qua, tôi ngay lập tức bị choáng bởi lối dạy hoàn toàn khác so với cấp dưới của các thầy cô. Nhất là các môn tự nhiên (Toán, Lý, Hóa).
Trên trường thì các thầy cô giảng qua loa, chiếu lệ, còn giải quyết cụ thể ở các buổi học kèm học thêm tại nhà. Mà lúc ấy, với một gia đình nghèo, ba mẹ tôi làm gì có được vài trăm ngàn để tôi đi học thêm từng môn một. Không hiểu bài, cộng với bất mãn mà không có người giải tỏa, các môn tự nhiên của tôi dần dân tụt điểm, đến đầu năm 12 thì không bài kiểm tra nào của tôi các môn Toán, Lý, Hóa vượt qua 4 điểm nếu không có bạn bè cho coi bi ăn theo. Tôi chỉ học tốt 3 môn Văn, Sử, Địa nhưng chừng ấy cũng không thể nào bù lại cho các môn tự nhiên được.
Biết bao kỳ vọng của ba mẹ đặt vào tôi sụp đổ. Tôi dần chán nản, bỏ học và lang thang nhiều nơi. Kết quả các môn khác cũng bị kéo theo và ảnh hưởng nghiêm trọng. Và kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 tới trong nỗi lo sợ của tôi, nỗi thất vọng của ba mẹ và thầy cô. Bởi tôi rớt tốt nghiệp thì đó là sự xấu hổ của cả gia đình. Bên cạnh đó, trường tôi lúc ấy năm nào cũng chỉ có 1 hoặc 2 học sinh rớt tốt nghiệp đã là quá nhiều. Nếu rơi vào thành phần ấy, không biết giấu mặt vào đâu.
Và với cái ý nghĩ trẻ con của mình, tôi định sẽ tự tử nếu không đậu tốt nghiệp. Nhưng trước khi tước đoạt quyền sống của mình, tôi sẽ phá hoại một vài thứ đáng kể để... "trả thù đời". Giờ nghĩ lại tôi thấy buồn cười cho suy nghĩ trẻ con hồi ấy quá...
Tôi bước vào phòng thi với tâm trạng của kẻ không còn gì để mất, không còn gì để sợ nữa. Đến nỗi 2 môn Sử và Địa là sở trường của mình tôi vẫn không tự tin, vẫn đem hàng túi tài liệu vào dù biết rằng bị bắt là ngay lập tức sẽ bị xử lý kỷ luật. Nhưng rồi phải liều, bởi giờ ngồi một chỗ cũng rớt, mà bị bắt khi xem tài liệu cũng rớt, thôi cứ liều nhắm mắt đưa chân.
Tôi nhớ rõ nhất là môn Toán, khi đọc đề xong, tôi chắc chắn mình 0 điểm bởi trong đầu tôi không có một ý niệm gì về những cái chứa trong đề bài cả. Tôi lại ngồi đầu bàn nữa. Thế là xong! Cho dù các môn khác làm cao điểm, môn Toán zero thì cũng như công cốc. Đành chờ đủ thời gian để nộp giấy trắng ra về. Nhưng rồi, điều bất ngờ đã đến, sau một khoảng thời gian khá dài thấy tôi không làm gì cả, cô giám thị xuống bàn tôi, hỏi vì sao tôi không làm bài thi. Tôi nói thật lòng là mình không biết gì cả và nói với cô mình sẽ rớt tốt nghiệp. Cô giám thị cau mày, suy nghĩ rất lâu, rồi lại bạn ngồi bên cạnh tôi, nói nhỏ, bảo bạn cho tôi chép bài... Sau đó, bài thi Toán của tôi được 9 điểm, làm ai ai cũng bất ngờ. Nhưng tôi chỉ biết cảm ơn mọi người chứ không hề tự hào vì con điểm mình có được.
Tôi đậu tốt nghiệp, và cho dù lần thi Đại học năm đầu tiên tôi rớt nhưng con đường học vấn vẫn còn điểm tựa để mở ra. Từ lúc ấy, tôi tự hứa với mình là không bao giờ chùn bước, gục ngã nữa để không phải làm một người gian dối trong thi cử và buộc người khác vì tình thương yêu mình mà phải gian dối, đánh mất danh dự của họ. Và cho đến giờ, may mắn là tôi đã thực hiện được điều đó.
Tôi chưa bao giờ ủng hộ việc gian dối trong thi cử. Với những học trò trong những lớp mà hồi đi thực tập sư phạm tôi vẫn khuyên các em không nên coi bi, chép tài liệu. Với những đứa em, đứa cháu mình, tôi vẫn khuyên như vậy. Nhưng trong lòng tôi vẫn vô cùng biết ơn những giám thị, những bạn bè trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006 đã cho tôi chép tài liệu. Bởi họ đã cứu sống một con người, cứu cả một tương lai đang có nguy cơ rất lớn đi vào ngõ cụt và bi kịch. Điều đó thật đáng trân trọng. Ra trường đến giờ, tôi vẫn chưa gặp lại được những người bạn, những thầy cô ấy để bày tỏ tấm lòng mình.
Tất nhiên, gian dối trong thi cử là điều không ai có thể chấp nhận được. Nhưng trong vài trường hợp đặc biệt, xin mọi người hãy thông cảm cho giám thị và học sinh. Đâu phải gian dối nào cũng vì động cơ xấu đâu. Nhưng gian dối thi cử để chạy theo thành tích thì tôi vẫn cực lực lên án. Và, để xóa bỏ nó, phải xóa bỏ từ nguyên nhân chứ không phải cứ đến khi thi tốt nghiệp hoặc thi xong, vi phạm rồi mới xử lý. Như vậy, muôn đời tiêu cực vẫn tồn tại...
Điếu Trần